Bao giờ mới hết cảnh người Việt bị lừa bán qua Campuchia

Link Video: https://youtu.be/xjK2rJuxLvM

Ngày 9/1/2023, BBC Tiếng Việt đăng tải một bài viết về số phận của người thiểu số Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia.

Câu chuyện kể về cô gái người Ê đê tên là H Nguốt Êban ở tỉnh Đắk Lắk, bị lừa bán sang Campuchia để làm việc cho một tổ chức cờ bạc lừa đảo.

Vào khoảng tháng 10/2022, H Nguốt được vài người quen trên Facebook rủ đi làm ở Long An với mức lương 700 USD một tháng. Ngày 14/10/2022, cô cùng với một người khác được hẹn để đưa đi Long An làm việc, nhưng cả 2 bị cho uống thuốc ngủ và khi tỉnh lại thì đã ở Campuchia.

Từ đó, H Nguốt phải làm việc từ 9h sáng đến 12h đêm mỗi ngày, phải tìm người trên Facebook để lừa đảo họ tham gia cờ bạc. Cô bị yêu cầu mỗi tuần phải tìm được 3 người nạp tiền chơi game. Nếu không tìm được thì bị phạt hít đất, bị chửi thậm tệ, bị dọa bán đi làm gái…

Người nhà của H Nguốt đã báo Công an tỉnh Đắk Lắk, nhưng công an nói là không thể cứu về, vì đã qua bên đó thì họ không đưa về được. Tổ chức giam giữ H Nguốt thì nói cô đã ký hợp đồng, nếu muốn về thì phải trả 5.000 USD. Nhưng H Nguốt nói, cô chưa bao giờ ký giấy tờ nào.

Hình: Bài báo của BBC Tiếng Việt

Khoảng cuối tháng 10/2022, H Nguốt được ông Y Quynh Buondap, người sáng lập tổ chức Người Thượng đứng lên vì Công lý và là người cùng làng với cô, giúp đỡ.

Ông Y Quynh liên lạc với H Nguốt qua Facebook và Instagram, thu thập giấy tờ và định vị vị trí của cô, rồi báo cho tổ chức phi chính phủ CAMSA, tức Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á châu, một tổ chức thuộc BPSOS.

CAMSA đã nhờ cảnh sát Campuchia giải cứu các nạn nhân.

Ngày 30/11/2022, H Nguốt cùng 24 người Việt khác được cảnh sát Campuchia giải cứu. Ngày 12/12, H Nguốt cùng nhiều người khác đã được đưa về cửa khẩu Xa Mát, Tây Ninh. Tại đây, mỗi người bị phạt 6 triệu đồng vì “vượt biên trái phép”. Cán bộ cửa khẩu còn nói “ngu thì chịu chứ còn nói gì nữa”.

Những người đóng tiền phạt được qua trước, H Nguốt và những người không có tiền bị giữ đến 9h tối mới được qua, với lời nhắn, sẽ gửi giấy phạt về địa phương.

Sau khi về đến nhà, chân cô vẫn luôn bị đau vì “bị phạt hít đất”. Tối nào cô cũng bị mộng du, bị ám ảnh bị đánh…

Hình: cô H Nguốt Êban người dân tộc Ê đê ở Đắk Lắk

Câu chuyện về những người Việt bị lừa bán sang Campuchia làm nô lệ và những thảm cảnh mà họ phải chịu đã có không ít báo đài nhắc tới. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là trách nhiệm và thái độ của chính quyền đối với tình trạng này.

Như trong câu chuyện của H Nguốt được BBC đăng tải, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thể hiện một thái độ không thể chấp nhận được, khi trả lời người nhà của H Nguốt rằng, “không thể cứu về”. Hoặc như câu nói của nhân viên cửa khẩu “ngu thì chịu”, không chỉ lạnh lùng vô tình mà còn thể hiện sự vô trách nhiệm của một công chức trước đồng bào mình, là những người mà anh ta hưởng lương để phục vụ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã từng công bố nhiều lần tại các cuộc họp báo về việc chính quyền Việt Nam phối hợp với Campuchia để giải cứu những nạn nhân buôn người. Vậy tại sao Công an Đắk Lắk lại không thể cứu người?

Chẳng lẽ, chính quyền ở cấp quốc gia có trách nhiệm còn chính quyền ở địa phương thì không? Hay chẳng lẽ, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngồi chờ đến khi công dân Việt Nam được cảnh sát Campuchia cứu ra rồi, họ mới nhảy vào làm thủ tục, rồi tính công lao?

Hình: Một bài báo đăng thông tin “Bộ Ngoại giao: Hơn 1000 người Việt được giải cứu từ Campuchia”

Trong khi đó, CAMSA là một tổ chức phi chính phủ, thậm chí còn là một tổ chức bị chính quyền Việt Nam quy kết là “phản động”, thì lại cứu được người. Và không chỉ có H Nguốt, chắc chắn họ đã cứu được rất nhiều người Việt khác.

Vậy, trách nhiệm của chính quyền ở đâu khi để mặc con dân mình lầm than?

Người miền Bắc thì bị lừa bán sang Trung Quốc làm nô lệ. Người miền Trung thì di dân lậu rồi chết trong chiếc container lạnh lẽo. Người miền Nam, người Tây Nguyên thì bị lừa bán sang Campuchia.

Cơn sóng suy thoái kinh tế chỉ mới vừa bắt đầu vào giữa năm 2022 và có nguy cơ sẽ bùng phát mạnh vào năm 2023, khi đó, sẽ lại có những dòng người Việt lặn lội khắp nơi tìm kiếm kế sinh nhai. Và rồi họ sẽ lại tiếp tục là những con mồi cho những kẻ buôn người vô lương tâm.

Đến bao giờ những cảnh lầm than này mới chấm dứt???

Hình: Tổ chức phi chính phủ CAMSA – một tổ chức bị chính phủ Việt Nam coi là “phản động”

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> 18 nhà đấu tranh quả cảm bị Cộng sản cầm tù, chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc lên tiếng

>>> Dùng ít địch nhiều, Trung Quốc dùng 100 triệu đô đấu với tỷ đô của Phạm Nhật Vượng.

>>> Mở toang cửa cho khách Trung Quốc, Việt Nam đối diện nguy cơ “toang” với cô vi

Mong muốn của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khó thành hiện thực


Kasse animation 7.8.2023