Việt Nam không phải là của hồi môn của Đảng đem biếu tặng cho Trung quốc!

Link Video: https://youtu.be/UM_QhC9Ur-g

Thông tin mới đây về dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông khiến nhiều người Việt nam thêm tức nghẹn.

Theo Bộ GTVT, phía Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam…

Trong khi đó Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại dự án trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư…

Năm 2020, Việt Nam đã phải trả khoảng 152 tỷ đồng nợ gốc số tiền vay từ Trung Quốc để làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

ĐBQH Thuận Hữu (Hải Phòng) từng nhận định đường sắt Cát Linh – Hà Đông là “nhát dao chém vào lòng tin của người dân”.

Còn TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng có lẽ trên thế giới chưa có công trình nào đạt nhiều dấu mốc đáng buồn như dự án Cát Linh – Hà Đông, theo báo Pháp luật TP.HCM.

Ông cho biết nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm là do chúng ta chọn đối tác kém.

Do không biết đối tác của mình từng thi công những công trình gì, có hiệu quả không, năng lực đến đâu để rồi khi vào Việt Nam thực hiện dự án yếu kém đổ lỗi trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn về vấn đề công nghệ, tài chính, kể cả quan hệ quốc tế điều này được thể hiện rõ ở dự án Cát Linh – Hà Đông. Ngoài ra, hợp đồng ký với đối tác cũng chưa có nhiều điều khoản ràng buộc về trách nhiệm, thời gian, hiệu quả tài chính dẫn đến dễ bị “dắt mũi””, ông Thủy nói.

Một vấn đề khác cũng cần phải lưu tâm là xác định có hay không nhóm lợi ích, Chính phủ, Bộ GTVT cần đặc biệt lưu ý, lựa chọn nhân sự quản lý dự án, cần tránh tình trạng cài cắm người thân cận để tạo ra lợi ích nhóm, bớt xén tiền của người dân”, ông nói thêm.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng; tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc 13.867 tỉ đồng và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án khởi công từ ngày 10-10-2011, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2014. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ đó đến nay, dự án đã ít nhất 10 lần lỡ hẹn, đội vốn gần 10.000 tỉ đồng.

Ảnh: đường sắt Cát linh Hà đông đã thành hình từ năm 2014 tuy nhiên đến nay cũng chưa biết khi nào có thể hoạt động vì quá nhiều lỗi kỹ thuật

Lần lỡ hẹn gần đây nhất, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) “hứa” đưa vào khai thác vào ngày 1-5-2021. Nhưng cho tới nay, tuyến đường sắt này vẫn “án binh bất động”.

Để xảy ra việc này, trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu Trung Quốc. Thế nhưng, báo chí lại cho biết, tổng thầu Trung Quốc từ chối thực hiện kết luận của kiểm toán.

Tổng thầu EPC Trung Quốc được chỉ định trong hiệp định vay vốn làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện kết luận kiểm toán, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán.”

Nhiều người Việt Nam thực sự bất bình khi thấy dự án Cát Linh – Hà Đông này là tiền từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền thuế của người dân, bên Trung Quốc chỉ là được thuê để xây dựng mà sao họ lại “không ngán” chính quyền Việt Nam như thế?

Thông thường, những hợp đồng xây dựng như vậy, bên tổng thầu phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định trong hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, hợp đồng chắc chắn là “có vấn đề”. 

Ảnh: 12/12/2020, tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông bắt đầu chạy thử sau gần 10 năm thi công

Hợp đồng xây dựng dự án Cát Linh – Hà Đông này là hợp đồng dạng EPC, có nghĩa là hợp đồng “thiết kế, mua sắm và xây dựng” – một kiểu hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị cho tới thi công xây dựng công trình, hạng mục và chạy thử nghiệm bàn giao cho chủ đầu tư.

Theo đó, hợp đồng EPC của dự án Cát Linh – Hà Đông là hợp đồng trọn gói, một chủ thể thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế đến cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình, và chính quyền chỉ cần giám sát chủ thể đó.

Cái lợi của hợp đồng EPC là khi nhà đầu tư cho vay vốn, họ sẽ làm tất cả mọi thứ rồi chuyển giao cho phía Việt Nam, Việt Nam không phải lo gì ngoài việc vay vốn, thế nhưng mặt trái của hợp đồng EPC là giá thành sẽ rất cao.

Và vấn đề nữa là Việt Nam vay vốn từ Trung Quốc để thực hiện dự án này, nên theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, thì “Vấn đề ở chỗ chúng ta không chủ động được. Chúng ta vay vốn trên giấy và khó được quyết định mọi thứ.”

Những “khoản nợ giấu mặt” của chủ nợ Trung Quốc

Từ hồi tháng 3 năm nay, một báo cáo do bốn trung tâm nghiên cứu gồm ba cơ sở tại Mỹ là AidData – một cơ quan nghiên cứu của Đại học William&Mary, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung tâm Phát triển Toàn cầu và Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức, sau khi tìm hiểu về các khoản cho vay của Trung Quốc, đã chỉ rõ các điều kiện “không mấy chính đáng” mà Trung Quốc áp dụng.

Trước hết là các điều kiện bảo mật khắt khe hơn rất nhiều so với yêu cầu thường thấy của các quốc gia chủ nợ khác, hoặc các ngân hàng phát triển.

Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 24.9.2021

Bắc Kinh không chỉ buộc con nợ phải giữ bí mật các điều kiện vay, mà còn cấm tiết lộ cả số tiền vay.

Chính điều này là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, và Trung Quốc có thể trục lợi từ đây.

Mới đây, AidData cũng đưa ra một báo cáo mới về các khoản cho vay từ chính phủ Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), trong báo cáo này cũng nêu bật những “khoản nợ giấu mặt” đối với những nước thuộc dạng thu nhập thấp và trung bình nên phải đi vay từ Trung Quốc.

Brad Parks, Giám đốc điều hành của AidData và một trong những đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Những khoản nợ chưa được báo cáo này trị giá khoảng 385 tỷ đô la và vấn đề nợ tiềm ẩn đang trở nên tồi tệ hơn theo thời gian”.

Parks giải thích rằng “thách thức đối với việc quản lý các khoản nợ tiềm ẩn này không nằm ở việc các chính phủ biết rằng họ sẽ cần phải trả các khoản nợ không được tiết lộ cho Trung Quốc với các giá trị tiền tệ đã biết mà là việc các chính phủ không biết giá trị tiền tệ của các khoản nợ đối với Trung Quốc mà họ có thể có khả năng để trả hoặc không trong tương lai.”

Vì sao lại có dự án này?

Báo Tuổi trẻ mới đây cho biết “Cách đây 11 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay.”

Báo Tuổi trẻ cũng đã liệt kê ra các số liệu “đến hết tháng 6-2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án.” Vậy còn 2 658 tỷ đồng đi đâu mất?

Đến đây thì chúng ta đã hiểu vì sao Bộ GTVT dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam lại sốt sắng làm tuyến đường này, dù chưa biết khi nào mới chạy, nhưng đã phải trả cả vốn lẫn lãi cho Trung Quốc rồi.

Cũng đâu chỉ một dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông này thôi đâu. Trước đó nữa, từ những năm 2000, Tổng bí thư và Thủ tướng lúc đó là ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định giao cho Trung Quốc khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên, bất chấp sự khuyên can của các nhà khoa học và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả cũng chỉ đều từ “lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm” mà ra.

Facebooker Nguyễn Ngọc Chu đã phải thốt lên: “Hiện nay, toàn dân đang lo lắng về đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Có phải nhiều cung đoạn cũng đã được hứa hẹn trước dành cho Trung quốc?

Rồi tiếp đến nữa là đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam? Đường sắt Hà Khẩu – Lao cai – Hà Nội – Hải Phòng? Còn bao nhiêu điều đã ký kết với Trung quốc mà người dân không biết? Đất Nước này không phải là của hồi môn của ai đó mà đem biếu tặng cho Trung quốc.”

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia, nỗi lo cho Việt Nam

>>> “Chiếc áo cộng sản” bao giờ được cởi ra và vứt đi?

>>> Nỗi lo của người dân từ việc chống suy thoái của Đảng

Vụ án Phạm Đoan Trang: Cáo trạng cho biết những gì?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023