Một nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đã mang đến rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ của Mỹ với thế giới. Câu hỏi đặt ra là trong 4 năm tới dưới sự lãnh đạo của Joe Biden, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi như thế nào đặc biệt là chính sách với châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đã có rất nhiều ý kiến phân tích khác nhau trên vấn đề này.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden nói Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về những tập quán thương mại và môi trường không công bằng.
Nhưng thay vì đơn phương đánh thuế hàng Trung Quốc, ông đề xuất có một liên minh quốc tế với các nền dân chủ khác mà Trung Quốc “không thể dám lờ đi“.
Nhà quan sát Sebastian Strangio bình luận trên tờ The Diplomat ngày 03/11 rằng về chính sách châu Á, Biden sẽ chủ trương một phiên bản cập nhật, cứng rắn hơn của chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” thời Tổng thống Obama, đường hướng và việc thực thi ít ra cũng sẽ coi trọng các lợi ích khu vực hơn.
Cố vấn cấp cao của Biden, Anthony Blinken đã hứa hẹn, “Tổng thống Biden sẽ thể hiện và can dự cùng ASEAN trong các vấn đề quan trọng.” Ngoại giao nhiều hơn không nhất thiết hứa hẹn hiệu quả hơn, nhưng nó sẽ đảm bảo rằng chính sách của Hoa Kỳ được xây dựng chặt chẽ hơn và được chuyển tải một cách đáng tin cậy tới các quốc gia Đông Nam Á.
Phóng viên thường trú của BBC tại Trung Quốc John Sudworth nhận định chiến thắng của ông Joe Biden đặt ra một thách thức mới cho Trung Quốc.
Ông viết:
Bạn có thể cho rằng Bắc Kinh sẽ mừng khi không còn thấy Donald Trump trong vai trò là người trừng phạt Trung Quốc hàng đầu, gây chiến tranh thương mại, áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng và lên án Trung Quốc đã gây ra dịch virus corona.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng lãnh đạo Trung Quốc có thể đang âm thầm thất vọng lúc này. Không phải bởi vì họ yêu mến ông Trump, mà vì viễn cảnh ông Trump trong Nhà Trắng thêm bốn năm nữa hứa hẹn một phần thưởng lớn hơn. Chia rẽ trong nước, bị cô lập ở nước ngoài – ông Trump đối với Bắc Kinh dường như là hiện hình của quyền lực Mỹ suy giảm mà Trung Quốc hy vọng và mong đợi lâu nay.
Tất nhiên, Trung Quốc có thể tìm được lợi thế trong việc ông Joe Biden sẵn sàng tìm kiếm hợp tác trong những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu. Nhưng ông cũng hứa hẹn sẽ làm việc để sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh Mỹ, điều có thể chứng tỏ là hữu hiệu hơn nhiều trong việc kiềm chế tham vọng quyền lực của Trung Quốc so với cách làm một mình một kiểu của Trump.
Miya Tanaka trên Kyodo News cũng chia sẻ một phần quan điểm trên khi bình luận hôm 07/11 rằng:
Nhiều người tin rằng ông Biden sẽ duy trì sự cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc do sự ủng hộ rộng rãi đối với cách tiếp cận này của ông Trump trên toàn phổ chính trị Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sự chú trọng của ông Biden về chủ nghĩa đa phương và các vấn đề như biến đổi khí hậu có thể bị Trung Quốc – một quốc gia thải carbon dioxide lớn nhất thế giới – tận dụng. Bắc Kinh sẽ có những chiến lược thương lượng mới để thúc đẩy việc dỡ bỏ thuế quan của Hoa Kỳ được áp đặt dưới thời chính quyền Trump, nhằm tìm kiếm sự tiến triển với các cáo buộc sở hữu trí tuệ và các vấn đề đánh cắp công nghệ.
Việc Biden cam kết khôi phục vai trò của Hoa Kỳ với tư cách là nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới cũng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á không nhất thiết phải có hồ sơ tốt về các vấn đề nhân quyền, tại thời điểm mà sự hợp tác với các quốc gia này là quan trọng trong việc chống lại Trung Quốc .
Học giả Abraham Denmark của Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson nhận định: “Nếu chúng ta loại bỏ một quốc gia vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ – Việt Nam hay Myanmar hay bất cứ nước nào – thì nhiều khả năng họ sẽ ngả về Trung Quốc, đến với người Nga. Những vấn đề nhân quyền tồi tệ vẫn cứ tiếp diễn và khả năng ảnh hưởng của chúng ta với họ bị suy giảm đáng kể.”
Học giả David Hutt của Asia Times hôm 23/10 thì chỉ dự đoán là chính sách của nước Mỹ với châu Ándưới sự lãnh đạo của Biden chắc chắn sẽ thay đổi nhưng không gọi tên cụ thể được những thay đổi đó là gì.
Ông viết: “Những người xem các chính sách của Trump đối với Đông Nam Á là sai hướng và thiếu sót có thể đưa ra cả một danh sách dài các rủi ro, từ việc ông rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ngày đầu tiên nắm quyền, đến quyết định của ông vào năm 2019 là không cử một quan chức cấp cao tham dự hội nghị cấp cao ASEAN trong năm đó tại Bangkok.
Mặt khác, Trump đã khôi phục các mối quan hệ bị tổn hại trước đây với đồng minh hiệp ước Thái Lan và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, ngăn cả hai quốc gia này xích lại gần Trung Quốc hơn.
Liệu chính quyền Joe Biden có thực hiện chính sách khu vực theo cách khác hay không rõ ràng là một vấn đề chỉ là phỏng đoán. Nhưng các nhà phân tích và quan sát tin rằng chiến thắng của Biden sẽ báo hiệu sự thay đổi đang đến gần, một sự thay đổi vừa giống vừa khác so với khi ông làm phó tổng thống dưới thời Barack Obama.”
Về chính sách của Mỹ với Ấn Độ, phóng viên thường trú của BBC Rajini Vaidyanathan tường thuật từ Dheli cho rằng quan hệ Mỹ – Ấn chắc chắn có những đổi khác.
Phóng viên của BBC nhận định gốc gác xuất thân của bà Kamala Harris sẽ khiến Ấn Độ tự hào, nhưng ông Narendra Modi có lẽ sẽ tiếp đón ông Biden lạnh nhạt hơn so với người tiền nhiệm.
Ấn Độ từ lâu nay là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ – và điều này nhìn chung sẽ không thay đổi dưới thời ông Biden. Quốc gia đông dân nhất Nam Á này sẽ tiếp tục là một đồng minh then chốt trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Nói là như vậy, nhưng sự kết nối cá nhân giữa ông Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có lẽ sẽ có những điểm tế nhị cần phải vượt qua.
Ông Trump đã tránh việc chỉ trích các chính sách đối nội gây tranh cãi của ông Modi, điều mà nhiều người nói là sự phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo ở Ấn Độ.
Ông Biden cho tới nay nói năng thẳng thừng hơn nhiều. Trang web của ông kêu gọi khôi phục lại quyền của mọi người tại Kashmir, chỉ trích Luật Đăng ký Công dân và Luật Sửa đổi Quốc tịch, hai luật đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối rộng khắp.
Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris – người mang một nửa dòng máu Ấn Độ – cũng đã lớn tiếng nói về một số chính sách mang tính chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ của chính phủ.
Nhưng gốc rễ Ấn Độ của bà sẽ tạo tâm trạng hồ hởi ở hầu hết các nơi trên cả nước. Việc con gái của một phụ nữ Ấn Độ, người sinh ra và lớn lên tại thành phố Chennai, sắp trở thành người đứng thứ hai tại Nhà Trắng là thời điểm làm dâng cao lòng niềm tự hào quốc gia của người dân Ấn Độ.
Còn tại bán đảo Triều Tiên, phóng viên thường trú của BBC Laura Bicker từ Seoul viết Bắc Hàn từng gọi ông Joe Biden là “chó điên“, nhưng nay ông Kim Jong-un sẽ có những tính toán thận trọng trước khi tìm cách khiêu khích tân Tổng thống Hoa Kỳ.
Nhiều khả năng Chủ tịch Kim sẽ thích ông Donald Trump cầm quyền thêm 4 năm nữa. Cuộc họp không tiền khoáng hậu giữa hai nhà lãnh đạo và những diễn tiến sau đó đã tạo nên những hình ảnh cực kỳ ấn tượng trong sử sách. Tuy nhiên, về mặt nội dung, hai bên hầu như không đạt được gì, cũng không có gì được ký kết sau đó.
Chẳng có bên nào đạt được điều họ muốn từ các cuộc đàm phán này: Bắc Hàn vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân, và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.
Ngược lại, ông Joe Biden đã đòi Bắc Hàn phải chứng tỏ rằng họ sẵn lòng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình trước khi ông có bất kỳ cuộc họp nào với ông Kim Jong-un.
Nhiều nhà phân tích tin rằng trừ phi nhóm của ông Biden chủ động đưa ra sáng kiến thương thảo với Bình Nhưỡng trong thời gian rất sớm, những ngày cái “lửa giận” sẽ trở lại.
Ông Kim có lẽ sẽ muốn thu hút sự chú ý của Washington với việc quay trở lại thực hiện các vụ thử hạt nhân tầm xa, nhưng ông sẽ không muốn làm gia tăng căng thẳng tới mức quốc gia vốn đã rất đói nghèo này sẽ bị thêm các lệnh trừng phạt nữa.
Nam Hàn đã cảnh báo Bắc Hàn chớ đi theo con đường khiêu khích.
Seoul có lẽ đã lúc này lúc khác gặp khó khăn với ông Trump, nhưng Tổng thống Moon rất muốn kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên, và ông đã ca ngợi ông Trump về việc “can đảm” gặp gỡ với ông Kim.
Miền Nam sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Biden có sẵn lòng thực hiện điều tương tự hay không.
Trên tất cả, Robert A Manning, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Brent Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định Biden đối mặt với quá nhiều vấn đề cần chú ý ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ COVID-19 tới suy thoái, vì vậy khu vực nên nhớ rằng chính quyền mới sẽ rất có nhiều vấn đề khiến họ bận tâm. Biden có kinh nghiệm lâu năm trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng là phó tổng thống phụ trách chính sách đối ngoại. Nhưng bảng thành tích của ông có hai mảng lẫn lộn, tốt có, dở có. Những gì châu Á có thể mong đợi từ chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ phụ thuộc vào các bài học kinh nghiệm được rút ra và việc tình hình chính trị trong nước ở Mỹ sẽ cho phép họ có thể hành động lý trí tới mức nào.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Biden: Ác mộng mới của Bắc Kinh?
>>> Trump, Biden vào “phút chót” – người Việt sụp đổ
>>> Giữa bầu cử Mỹ – Chính quyền Tổng thống Trump áp tăng thuế hàng Việt Nam
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT