Biển Đông: Úc và Indonesia “điều quân” chống Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=9fXXyjMuIV4
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=9fXXyjMuIV4

Biển Đông nóng như chảo lửa mỗi ngày khi các quốc gia liên quan lần lượt có những động thái cứng rắn với yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Trong khi, Úc phản đối yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc thì Indonesia tổ chức tập trận tại vùng biển chiến lược này để thách thức cường quốc châu Á mới nổi với tham vọng bá quyền khu vực và thế giới.

Mười ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/7/2020, phái bộ thường trực của Úc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc ngày 23/7/2020 phản đối yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển này.

Trong công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc vừa qua, phái đoàn thường trực của Úc lên án Bắc Kinh tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye năm 2016 chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Trong công hàm, chính quyền Úc bác yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” hoặc “quyền lợi hàng hải” được thiết lập trong suốt “quá trình hoạt động lâu dài trong lịch sử”. Canberra khẳng định đường cơ sở được Trung Quốc tự vẽ (đường 9 đoạn) là “không phù hợp” với UNCLOS, vì vậy, Úc bác mọi đòi hỏi của Trung Quốc đối với vùng nội thủy, lãnh hải, hoặc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế dựa trên bản đồ này.

Chính phủ Úc cũng không chấp nhận bản ghi chú ngày 17/4/2020 của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”.

Thêm vào đó, Canberra khuyến khích tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, làm sáng tỏ những yêu cầu hàng hải và giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Trước đó, Hoa Kỳ, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng đã gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ảnh chụp công hàm Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông

Giới quan sát nhận định công hàm mà phái đoàn thường trực của Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông mang tính chất mạnh mẽ khác thường.

Công hàm thể hiện sự nghiên cứu chi tiết tình hình tranh chấp tại Biển Đông để đưa ra những luận điểm phản đối cùng những căn cứ pháp lý rất cụ thể. Dựa trên phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye, Úc đã bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử”. Dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Úc đã phủ nhận giá trị của việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo ở Biển Đông mà nước này tự nhận là của họ, rồi dựa theo đó để yêu sách các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Úc còn phủ nhận việc Trung Quốc cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa “đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi” khi viện dẫn các công hàm phản đối từ Việt Nam và Philippines trong thời gian gần đây.

Hai ngày sau khi Úc chính thức gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc – đề ngày 23/7/2020 – bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc tại vùng Biển Đông mà không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Bắc Kinh ngày 25/7 đã phản ứng gay gắt, và như thông lệ, đã lớn tiếng đe dọa Canberra là sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, nhất là về mặt kinh tế.

Trong một bài bình luận đăng trên trang web của mình, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, được cho là cái loa của Bắc Kinh, đã cho rằng nước Úc đã “thiếu khôn ngoan” khi leo lên “con tàu bị thủng” của Mỹ để xen vào vấn đề Biển Đông.

Đối với tờ báo, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Úc hiện đang xấu đi đáng kể, nếu Canberra tiếp tục theo sát Washington và “khiêu khích” Bắc Kinh, thì “thiệt hại đối với Úc nên được dự kiến, không chỉ về quan hệ chính trị, mà cả về quan hệ kinh tế”.

Hoàn Cầu Thời Báo đã cụ thể hóa lời đe dọa bằng việc đề cập đến khả năng đánh vào sản phẩm nông nghiệp nhập từ Úc như thịt bò và rượu vang giống như Đại sứ Trung Quốc tại nước này từng cảnh báo khi Úc tỏ ý ủng hộ một cuộc điều tra về nguyên nhân của đại dịch cách đây vài tháng.

Ảnh chụp màn hình bài báo trên Thời Báo Hoàn Cầu nhằm đe dọa Úc sau khi yêu sách Biển Đông của Trung Quốc bị nước này thẳng tay bác bỏ

Trước khi Úc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bày tỏ lập trường của mình về yêu sách của Trung Quốc thì chiến hạm Úc đã chạm trán với tàu Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự việc diễn ra vào giữa tháng 7 nhưng đến một tuần sau đó chính quyền Úc mới xác nhận rằng trong một chiến dịch triển khai trên biển, đã xảy ra “sự tương tác bất ngờ” giữa chiến hạm Úc với “tàu chiến nước ngoài” và Hải quân Úc đã “hành xử một cách chuyên nghiệp, an toàn”.

Chính quyền Úc không nói rõ là vụ chạm trán xảy ra cụ thể ở đâu, nhưng hãng truyền thông Úc ABC, cơ quan đầu tiên tiết lộ sự cố, cho biết là các chiến hạm Úc đã gặp tàu Trung Quốc khi di chuyển tại Biển Đông, trong đó có đoạn đường đi gần quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, theo ABC, có lẽ tàu chiến Úc không đi vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo.

Vào ngày 05/7, 5 chiến hạm Úc, bao gồm các chiếc HMAS Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius đã rời cảng Darwin, miền bắc nước Úc, để tham gia một cuộc thao diễn với Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản ở vùng Biển Philippines trong tuần trước, trước khi đến Hawaii tham gia cuộc tập trận đa quốc gia quy mô lớn RIMPAC do Mỹ tổ chức.

Cho dù đã cố giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự cố, Bộ Quốc phòng Úc hôm 23/7 vẫn tái khẳng định là Canberra thường xuyên làm việc với các đối tác khu vực để đối phó với các thách thức về an ninh, và Úc luôn luôn gắn bó với một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương “an ninh và rộng mở”.

Kể từ tuyên bố lập trường bản lề của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, các nước ASEAN đã có những động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc. Hôm 24/7, Hải quân Indonesia cho biết 24 tàu chiến của Indonesia đã tham gia đợt thao dợt 4 ngày ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách « đường chín đoạn » của Bắc Kinh.

Đợt diễn tập bắt đầu vào hôm thứ ba 21/7, trong số 24 tàu chiến tham gia, có hai tàu khu trục tên lửa và bốn tàu hộ tống. Ngoài ra Indonesia còn huy động trong đợt tập trận được coi là phức tạp nhất này 2.000 quân nhân, 19 máy bay và 18 xe tác chiến. Đợt diễn tập trên biển lần này được tiến hành cùng với hoạt động huấn luyện trên đất liền. Một phần của cuộc thao dợt được tổ chức gần quần đảo Natuna của Indonesia. Đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna trùng với bản đồ « đường 9 đoạn » mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trang Nikkei Asian Review ngày 25/7/2020 dẫn lời Chuẩn đô đốc Ahmadi Heri Purwono cho biết hoạt động của quân đội Indonesia không bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19.

Trong một thông cáo, Hải quân Indonesia cho biết cuộc diễn tập gần quần đảo Natuna lần này nhằm xây dựng các phương án và chiến lược bảo vệ Natuna.

Quần đảo Natuna cũng là một trong các khu vực mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định khu vực này « nằm ngoài quyền tài phán của Trung Quốc » trong thông cáo hôm 13/7.

Trong một bức thư gửi tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, hồi tháng 5/2020, Jakarta đã bác yêu sách « đường 9 đoạn » của Trung Quốc vì yêu sách này « thiếu cơ sở pháp lý quốc tế ».

Cuộc tập trận của Indonesia được coi là một bước đi tiếp theo của nước này sau khi từ chối đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông hồi tháng 6 trong một đường lối cứng rắn với Trung Quốc.

Ảnh: Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 18/6 tuyên bố lập trường của nước này là dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, nước này không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán” với Trung Quốc.

Bà Retno đưa ra tuyên bố này sau khi Trung Quốc ngày 02/6 gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, mời Indonesia đàm phán về cái gọi là “những tuyên bố chồng lấn về các quyền và lợi ích” ở Biển Đông.

Đáp lại, trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres ngày 12/6, Indonesia lập luận các thực thể trong quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa nên không thể có sự chồng lấn với EEZ hay thềm lục địa của Indonesia.

Hôm 16/7, tại Jakarta, trả lời câu hỏi của các nhà báo nước ngoài tại họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông là “hi vọng của mọi quốc gia“, nêu rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia nhấn mạnh: “Quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là vấn đề mấu chốt và cần được tất cả các bên duy trì.”

Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các quốc gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và kêu gọi tất cả các nước kiềm chế mọi hành động có thể gây leo thang căng thẳng trong khu vực.

Mặc cho lo ngại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn quyết định tập trận bắn đạn thật ở bờ tây bán đảo Lôi Châu (gần đảo Hải Nam), sát Vịnh Bắc Bộ, trong vòng 9 ngày, từ 25/7 đến 02/8.

Trong thông báo ngày 23/7/2020 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cuộc tập trận được tiến hành theo hai giai đoạn : Giai đoạn 1 có quy mô rộng, từ ngày 25 đến 27/7 ; giai đoạn 2 từ 28/7 đến 02/8 được tiến hành ở một khu vực có bán kính 8 km.

Quân đội Trung Quốc cảnh báo tập trận bắn “đạn thật rất mạnh” nên cấm mọi hoạt động đánh bắt và lưu thông hàng hải trong vùng cho đến hết chủ nhật 02/8.

Theo Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông, đây là một đợt tập trận thông thường của quân đội Trung Quốc để nâng cao khả năng chiến đấu, nhưng cũng có thể mở đầu cho cuộc tập trận đổ bộ lên bãi biển được dự kiến vào tháng 8 tới đây.

Quân đội Trung Quốc tăng cường các cuộc tập trận sau khi Hải quân Mỹ điều hai đội tàu sân bay tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung ở Biển Đông để bảo vệ lưu thông hàng hải.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích chủ tịch Trung Quốc thất hứa về Biển Đông

>>> Mỹ quyết “tiêu diệt” Đảng Cộng sản Trung Quốc

>>> Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cương quyết với ‘con quái vật’ Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=wlxhXkxYTYU
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích chủ tịch TQ thất hứa về Biển Đông

 

Kasse animation 7.8.2023