Dịch kéo dài – kinh tế Việt Nam nguy ngập

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=oIdaNkvRtL0

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước sáng 15/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Việt Nam nên ‘công bố hết dịch trong nước’ và cân nhắc mở cửa quan hệ thương mại với 17 nền kinh tế bên ngoài.

Với tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Nhân đã đề nghị công bố hết dịch COVID-19 căn cứ vào ba tiêu chí.

Thứ nhất, tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân ở Việt Nam không quá 50 người, thực tế là 3,4 người.

Thứ hai, tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (tỷ lệ hiện là 0,2 người).

Và thứ ba là Việt Nam không có người chết do COVID-19.

Theo ông Nhân, thời gian qua Việt Nam đã tích cực phòng chống dịch bệnh với những chỉ đạo sớm, kịp thời. Từng địa phương đã vận dụng và thực hiện chỉ đạo này nghiêm túc, linh hoạt nên tổng số người nhiễm ở Việt Nam đến nay là 332 người, con số này thấp hơn nhiều ngưỡng 1.000 người khi thế giới công bố dịch toàn cầu.

Thời điểm ông Nhân đưa ra đề nghị trên là tròn 60 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tại 7 bệnh viện chỉ còn 6 bệnh nhân dương tính, 97% bệnh nhân đã bình phục. Thế nhưng chiếu theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, Việt Nam chưa thể công bố hết dịch COVID-19 vì từ 22/4 đến nay Việt Nam ghi nhận 66 bệnh nhân COVID-19 từ nước ngoài trở về. Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành quy định 28 ngày kể từ khi bệnh nhân gần nhất được cách ly, không phân biệt bệnh nhân này lây nhiễm từ cộng đồng hay xâm nhập từ nước ngoài.

Các trường hợp này đều đến từ các chuyến bay bảo hộ công dân.

66 bệnh nhân ghi nhận từ 22/4 đến nay đều đã được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Ảnh 1: Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng 15/5 tức là cách đây trong 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, sớm đề xuất việc công bố hết dịch.

Nhưng việc này đã không thực hiện được do vẫn có rải rác các ca mắc từ nước ngoài trở về.

Theo Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh.

Ngày 26/02/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi một số Điều của Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra) tại Phục lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016.

Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).

Việc bổ sung COVID-19 vào danh mục cũng như quy định thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới để có đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ công bố hết dịch đối với dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện và cũng chính những quy định này khiến Việt Nam chưa thể công bố hết dịch với bên ngoài trong thời điểm hiện tại.

Ảnh 2: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp sáng nay 15/5

Bởi vậy mà ông Nguyễn Thiện Nhân mới sáng tạo khái niệm việc công bố hết dịch trong nước.

Cùng với đó, ông Nhân đề xuất Cần lập trình giám sát mở cửa với 17 nước.

Theo ông Nhân, Việt Nam có quan hệ thương mại với nhiều nước nhưng chỉ 17 nước và vùng lãnh thổ là đối tác quan trọng nhất, họ chiếm 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch tới Việt Nam. Việt Nam cần lập trình giám sát mở cửa với những nước này theo lộ trình thoả thuận 2 bên một cách thận trọng.

Ông Nhân cho rằng hoàn toàn có cơ sở làm điều này vì từ tháng 5 năm nay, 10 trong số 17 nước và vùng lãnh thổ không còn dịch ở tiêu chí 10 người đang điều trị virus trên 1 triệu dân. Như vậy chúng ta cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Đức, Úc, quần đảo Virgin thuộc Anh…

Ngoài ra, ông Nhân cho rằng, 7 nước khác gồm: Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia hiện chưa an toàn nên cần theo dõi và khi họ an toàn thì thiết lập mở lại quan hệ với họ ngay.

Ảnh 3: 7 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2019

Đề xuất của Bí thư TP.HCM được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng với các chỉ số thống kê “đáng báo động” do dịch bệnh.

Truyền thông trong nước cho biết dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay có thể giảm 30% so với năm 2019, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18%.

Thống kê sơ bộ ở TP HCM cho thấy đến giữa tháng 4 có 101.982 người lao động trong các doanh nghiệp phải nghỉ việc không lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc làm.

Còn theo báo cáo hôm 13/6 của Sở Du lịch TP HCM, tính đến hết tháng 5, thành phố có 37 doanh nghiệp – gồm 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 30 doanh nghiệp lữ hành nội địa – xin ngừng hoạt động. Các khách sạn trên địa bàn chỉ có khoảng 10-20% phòng “sáng đèn“.

Tại Bình Dương, một trong những tỉnh có nhiều nhà máy, khu công nghiệp nhất cả nước, tính riêng quý I/2020 đã có hơn 20.000 người đến nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp.

Tại một hội thảo hôm 12/6, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines nói hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rất xấu từ tháng 8, nếu không được Chính phủ hỗ trợ thì sẽ “cạn tiền“.

Theo ông Hiền, Vietnam Airlines dự kiến lỗ 15.000 – 16.000 tỷ đồng trong năm nay. Với quy mô hiện tại, hãng lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi tháng nếu không bay.

Tình trạng thất nghiệp tạo ra nguy cơ lớn về bất ổn xã hội. Hồi cuối tháng 5, hơn 8.000 công nhân Công ty TNHH Chí Hùng (100% vốn Đài Loan) tại Bình Dương đã biểu tình đòi quyền lợi, mà theo truyền thông Việt Nam là do “hiểu lầm, lo ngại mất quyền lợi cộng với sự kích động của một số đối tượng”.

Ảnh 4: Công nhân Công ty Giày da Chí Hùng tại Tân Uyên, Bình Dương đình công hồi cuối tháng 5

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với “lộ trình mở cửa từng bước“, Việt Nam có thể khai thác thị trường nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước.

Cùng quan điểm trên, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Quốc hội bổ sung một nghị quyết riêng hoặc đưa vào nghị quyết chung về phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – nói cần rất thận trọng bởi làn sóng dịch thứ hai vẫn đang treo lơ lửng ở nhiều quốc gia. “Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu bùng phát dịch trở lại ở một số nơi“, ông nói.

Ngày 15/6, nhà chức trách Trung Quốc cho biết, nước này hiện đang phong tỏa thêm 10 khu vực phụ cận ở Bắc Kinh để cố gắng ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 từ ổ dịch mới liên quan đến một chợ thực phẩm.

Trước đó, ngày 13/6 chính quyền Bắc Kinh đã quyết định phong tỏa một phần thủ đô Trung Quốc. Khu vực bị phong tỏa bao gồm 11 khu dân cư ở quận Phong Đài, phía Nam thành phố. Một khu chợ bán thực phẩm là Tân Phát Địa cùng một chợ bán hải sản cũng bị đóng cửa. Chính quyền thủ đô Trung Quốc cho biết tại chợ Tân Phát Địa, có những tấm thớt dùng để cắt cá hồi nhập khẩu bị nhiễm virus.

Nhiều tỉnh thành ban hành lệnh cách ly với người dân thủ đô. Như vậy, sau hai tháng tình hình lắng dịu về mặt dịch tễ, giờ đây người dân Bắc Kinh lại bị xa lánh. Đến lượt dân thủ đô phải bị cách ly khi trong 14 ngày khi họ đi về các tỉnh.

Ảnh 5: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Cho đến ngày 16/6, phát ngôn viên của chính quyền Bắc Kinh đã phải đưa ra lời cảnh bảo tình hình dịch COVID-19 tại Bắc Kinh « cực kỳ nghiêm trọng ».

Chính quyền thành phố Bắc Kinh ngày 16/6 vừa thông báo có thêm 27 người bị nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm mới trong 5 ngày qua lên 106.

Trước báo giới, phát ngôn viên tòa thị chính tuyên bố Bắc Kinh đang lao vào « một cuộc chạy đua với thời gian » để chống virus corona chủng mới và thủ đô Trung Quốc phải « thi hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn, kiên quyết hơn và mang tính chất quyết định hơn ».

Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) hôm 15/6 cho biết đang theo dõi « rất sát sao » tình hình dịch bệnh tại Bắc Kinh và đã nêu lên khả năng gửi thêm các chuyên gia đến thủ đô Trung Quốc trong những ngày tới.

Ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết, Bắc Kinh đã sớm khoanh vùng được ổ dịch và khoảng thời gian từ giờ tới ngày 18/6 sẽ quyết định quy mô của đợt bùng phát này.

Trên đài truyền hình CCTV tối 15/6, ông Wu Zunyou phát biểu: “Các biện pháp kiểm dịch tại Bắc Kinh là kịp thời và hiệu quả. Những người nhiễm SARS-CoV-2 có thể xuất hiện các triệu chứng trong 2 ngày tới. Nếu số lượng ca nhiễm mới không tăng nhiều, có thể nói dịch bệnh về cơ bản đã ổn định”.

Như vậy, 3 ngày tới là thời điểm mang tính quyết định kiểm soát ổ dịch COVID-19 mới tại Bắc Kinh.

Là nước có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, hai bên lại có mối quan hệ kinh tế, chính trị chặt chẽ, Việt Nam cần hết sức cẩn trọng trước tình hình tái bùng phát dịch tại Trung Quốc.

Ảnh 6: Chợ thực phẩm Tân Phát Địa (Xinfadi), Bắc Kinh, được cho là nơi phát hiện ổ dịch mới đã bị đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh từ sáng sớm ngày 13/6

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nguyễn Xuân Phúc “hy vọng” – Đầu tư chưa “đổ vào”

>>> Cao tốc Bắc Nam: Miếng mồi ngon – tranh nhau cắn xé

>>> Kinh tế thị trường dành cho Đảng – định hướng XHCN nhường cho dân

Xuân Phúc đợi “dài cổ” – Đầu tư chưa thấy vào

Kasse animation 7.8.2023