Nhân sự Đại hội 13: Bế tắc và khủng hoảng

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 (Hội nghị trung ương 12) được khai mạc tại Hà Nội vào sáng ngày 11/5. Nội dung chính của hội nghị này được cho biết chủ yếu tập trung bàn về vấn đề nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.

Đây được coi là hội nghị quan trọng bậc nhất trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam để trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương Đảng khóa tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chủ trì, phát biểu khai mạc, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc.

Những nội dung liên quan đến vấn đề nhân sự được nêu rõ gồm phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, phương hướng bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng và việc phân bổ đại biểu tham dự dự Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng giêng sang năm.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong thời điểm hiện nay một vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, một Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh – đường lối của Đảng …

Ngoài ra Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam còn nhắc lại những vị thuộc các cơ quan đầu não của Đảng như vừa nêu còn phải không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực

Ảnh: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 được khai mạc ở Hà Nội hôm 11/5/2020

Vào cuối tháng tư vừa qua, một bài viết của ông Nguyễn Phú  Trọng liên quan công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng lần thứ 13 cũng được truyền thông nhà nước loan đi; nhiều nhà quan sát trong nước cho rằng những nội dung mà vị đương kim tổng bí thư nêu ra không có gì mới, vẫn mang tính giáo điều, bảo thủ như bấy lâu nay.

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến kéo dài đến ngày 14/5. Và theo thông lệ, sau cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vào tuần sau từ ngày 20/5, Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ bắt đầu nhóm kỳ họp thứ 9.

Mô hình bộ máy quyền lực và các phương án nhân sự lãnh đạo cao cấp ngay trước và trong dịp Hội nghị Trung ương 12 diễn ra là một chủ đề được quan tâm trong giới quan sát và phân tích chính trị Việt Nam.

Hôm 08/5, trên trang Nghiên cứu Quốc tế, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas Yusof Ishak của Singapore đưa ra một số nhận định:

Việc quay lại mô hình ‘tứ trụ’ cũng có khả năng được Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới ủng hộ…”

Số lượng ủy viên Bộ Chính trị tiếp theo vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, con số này nhiều khả năng nằm trong khoảng từ 15 đến 19 như tại các kỳ đại hội gần đây…”

Nếu xét việc Đảng nhấn mạnh việc quy hoạch nhân sự cấp chiến lược trong thời gian gần đây, Đảng có thể sẽ muốn bầu tối đa 19 ủy viên Bộ Chính trị để có được một lực lượng nhân sự cấp chiến lược lớn hơn, qua đó có nhiều lựa chọn hơn cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai…”

Về các ứng viên cho bốn vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của đảng, nhà nước và chính quyền, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định:

Như đã nói, theo truyền thống, ứng viên cho vị trí tổng bí thư thường được chọn trong số bốn chính trị gia hàng đầu của nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng có thể là một ứng viên đủ điều kiện…”

Do giới hạn nhiệm kỳ cũng như tuổi cao và sức khỏe yếu, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ hưu tại đại hội tiếp theo. Do đó, ba ứng viên thay thế cho ông sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Trần Quốc Vượng. Vì cả ba đã quá 65 tuổi vào tháng 9/2020, người được chọn nắm ghế tổng bí thư sẽ được miễn giới hạn tuổi tác, còn hai người còn lại sẽ phải nghỉ hưu…”

Nhà nghiên cứu từ Viện Iseas của Singapore nêu tiếp nhận định của mình cho các “ghế” còn lại là thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội.

Ảnh: Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh được một số nhà quan sát đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước

Trong số sáu ủy viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay, chỉ có ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Bình Minh là phó thủ tướng. Tuy nhiên, do ông Minh chủ yếu phụ trách các vấn đề đối ngoại, ông Huệ, người giám sát các vấn đề kinh tế và tài chính và từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2011-2016, trở thành ứng viên mạnh nhất cho vị trí [thủ tướng] này…”

Đối với vị trí chủ tịch nước, các ứng cử viên chính bao gồm ông Phạm Bình Minh, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh, một nhà ngoại giao kỳ cựu có trình độ tiếng Anh tốt, dường như là ứng viên nổi bật nhất. Vì chủ tịch nước sẽ phải tham gia vào nhiều hoạt động đối ngoại, bao gồm các chuyến thăm song phương và tham dự các sự kiện đa phương, ông Minh sẽ có lợi thế đáng kể so với hai ứng cử viên còn lại…”

Đối với vị trí chủ tịch quốc hội, ngoại trừ ông Võ Văn Thưởng, người có tuổi đời còn khá trẻ có thể là một bất lợi đối với ông, các ủy viên Bộ Chính trị còn lại (Phạm Bình Minh, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình) đều có cơ hội khá cân bằng để được xem xét cho vị trí này.”

Ông Hà Hoàng Hợp, người cũng đồng thời làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Iseas, Singapore với tư cách nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, nhận định: “Theo tôi, không có gì mới vì nhiều người nói rồi và tứ trụ chứ không phải tam trụ…”

Ảnh: Những ứng cử viên sáng giá cho những vị trí lãnh đạo cấp cao cho Đại hội 13

Về bốn ứng viên cho tứ trụ, nhiều người nói với cơ sở quyết định 90 và 214, bà Trương Thị Mai khó làm Chủ tịch Quốc hội.”

Cách đây nhiều tháng tôi cũng đã nói là ghế chủ tịch nước chưa có dự kiến ứng viên, ngay bây giờ cũng chưa có.”

Ông Phạm Bình Minh đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 214 để ứng cử các chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội, ông ấy chỉ chưa đủ tiêu chuẩn ứng cử Tổng bí thư thôi. Tuy nhiên, có vẻ chức chủ tịch nước khá thích hợp với ông này.”

Bởi vì ông Minh đã làm hai khóa bộ trưởng rồi, thì không thể tiếp tục làm Bộ trưởng Ngoại giao nữa. Nhưng ứng cử chức chủ tịch, với ông Minh theo các mối quan hệ nội bộ, có thể lại không thuận lợi.”

Ở trên tôi nói là theo Quyết định 214 (và 90), ở đây về quan hệ nội bộ tức là về hành vi, nhiều người có thể không muốn như vậy và muốn khác đi, nhưng vì thế vẫn có chức phó thủ tướng phụ trách đối ngoại cho ông ấy, giống như bên Trung Quốc, người ta có chức vụ của ông Dương Khiết Trì, đó là một khả năng sắp xếp.”

Theo tôi, khó nhất là chức tổng bí thư, ông Trọng giới thiệu ông Vượng hai lần đều chưa thành công, Bộ Chính trị chưa tán thành. Bây giờ sẽ phải họp để giới thiệu lại, tức là bỏ phiếu cho vài ứng viên.”

Đúng ra lúc này có các ứng viên sơ bộ là các ông, bà: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính. Có một số đông, chưa rõ bao nhiêu phần trăm ủng hộ ông Phúc.”

Bây giờ ông Trọng không thể phát biểu như trước đây rằng ứng viên vị trí này phải là người miền Bắc. Cũng có một tỷ lệ cao được cảm nhận, chưa rõ bao nhiêu, muốn ủng hộ bà Ngân.”

Nhưng tóm lại, dự đoán thì cứ dự đoán, song cuối cùng do thủ tục đề cử chưa xảy ra, nên chưa rõ cụ thể.”

Trong giai đoạn công tác chuẩn bị cho Đại hội 13 được đẩy mạnh thì xảy ra đại dịch COVID-19. Một câu hỏi được đặt ra là liệu COVID-19 có làm thay đổi đại cục về nhân sự cho Đại hội 13?

Ảnh: Bảng tuyên truyền chống COVID-19 trên đường phố Việt Nam những ngày qua

Hôm 21/4, hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định “Do sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ và sự hợp tác của người dân đã giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở Việt Nam.”

Những người trực tiếp chỉ đạo chống dịch tiêu biểu có thể kể đến là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung… Vậy những người này liệu có được lợi thế trong việc chọn lựa nhân sự khoá mới hay không?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải từ Hà Nội khẳng định vấn đề dịch bệnh không ảnh hưởng gì đến Đại hội Đảng và chuyện nhân sự chủ chốt: “Nhân sự người ta đã sắp xếp từ năm ngoái rồi, chả ai có thể thay đổi được. Đại hội 13 hay 14 gì thì cũng thế thôi.”

Theo ý kiến nhà báo Nguyễn Vũ Bình, “điểm cộng” cho những người chỉ đạo chống dịch nếu có đi chăng nữa cũng không đáng kể. Ông phát biểu: “Nếu có điểm cộng thì cái đó đối với quy trình bầu chọn, nhất là nhân sự cấp cao nhất, thì cũng không đáng kể lắm. Đối với cơ chế toàn trị cộng sản thì yếu tố này cũng không có ảnh hưởng lắm lớn lắm đến việc bầu chọn nhân sự cao cấp. Tức là, nó có nhiều yếu tố để chọn nhân sự, nổi lên như vừa qua đã giúp chống dịch nếu có cũng chỉ là thêm chứ không phải là yếu tố chính để quyết định.”

Học giả Đỗ Thông Minh cho rằng dù ông Phúc và ông Đam đang được dư luận đánh giá tốt nhưng vấn đề nhân sự là do nhà cầm quyền sắp xếp. Ông nói: “Theo tôi nghĩ thì ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vũ Đức Đam tương đối là được dư luận chú ý, mặc dù vẫn có những sơ sót nhưng có vẻ cũng không nặng lắm. Còn ông Nguyễn Đức Chung thì có vấn đề về gia đình, làm ăn sân sau, và vụ Đồng Tâm… nên ông Chung thì hơi khó. Còn về nhân sự do nhà cầm quyền đảng sắp xếp, mình cũng không nói trước được.”

Có ý kiến lại cho rằng đang xuất hiện một sự bế tắc và khủng hoảng cao độ của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản trước Đại hội 13.

Ảnh: 20 tướng quân đội, công an bị kỷ luật hoặc bỏ tù trong chiến dịch đốt lò của ông Trọng cho đến tháng 9/2019

Tác giả Việt Hoàng nhận định: Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang đến gần nhưng qua theo dõi báo chí thì chúng ta có thể thấy được sự bế tắc toàn tập của  họ. Ông Nguyễn Phú Trọng, có lẽ vì sức khỏe không được tốt nên rất ít xuất hiện. Ngay cả trong đại dịch COVID-19 cũng không thấy ông đâu.

Tuy nhiên những lúc ông Trọng xuất hiện hiếm hoi thì chỉ có một vấn đề được ông ấy quan tâm đó là vấn đề nhân sự cho Đại hội 13 của Đảng. Tất nhiên là như vậy vì với bất cứ tổ chức chính trị nào thì hai vấn đề “tư tưởng chính trị” (đường lối) và “nhân sự cán bộ” luôn là quan trọng nhất. Ngay từ cuối năm 2018 thì Đảng Cộng sản đã thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội của Đảng, gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Trong đó hai tiểu ban quan trọng nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự đều do ông Trọng làm trưởng ban.

Về tư tưởng đường lối của Đảng cộng sản thì có thể thấy là họ hoàn toàn bế tắc vì chủ nghĩa cộng sản đã bị cả thế giới lên án là tội ác chống lại nhân loại. Trong khi đó tiêu chuẩn để cơ cấu cán bộ cho Đại hội 13 vẫn là:

– Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia – dân tộc.

– Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm.

– Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban chấp hành Trung ương.  Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài).

Khi tư tưởng đường lối của đảng đã bế tắc thì nhân sự sẽ khủng hoảng theo vì bất cứ một chính đảng nào cũng chỉ đoàn kết được với nhau khi cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị. Một tổ chức chính trị mà không có tư tưởng chính trị được văn bản hóa thành một Cương lĩnh chính trị thì không có lý do gì để tồn tại. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chết. Đảng Cộng sản đã hoàn toàn trần trụi về mặt tư tưởng vì vậy họ chỉ còn gắn kết với nhau bởi quyền lợi. Thế nhưng quyền lợi vật chất luôn là thứ gây chia rẽ thay vì đoàn kết trong các tổ chức. Khi tiền bạc là thứ duy nhất để kết dính các thành viên thì Đảng Cộng sản đã biến thành một tổ chức mafia chứ không còn là một tổ chức chính trị nữa.

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất có thâm niên đảng kéo dài liên tục, hơn 20 năm là Uỷ viên Bộ Chính trị, giữ nhiều cương vị trọng trách như Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư nhiệm kỳ Khoá 11 (2011-2016) và đương nhiệm Khoá 12 kiêm Chủ tịch nước từ 2017 đến nay… Ông thấu hiểu thực trạng suy thoái của bộ phận đội ngũ lãnh đạo đảng viên, kể cả cấp cao là nguy cơ lớn nhất với sự tồn vong chế độ.

Ông cũng là người phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ còn được gọi là ‘công cuộc đốt lò’ trong thời gian mấy năm vừa qua. Thế nhưng, giới quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước đều cho rằng đó chỉ là công cuộc “đốt lò”- đấu đá phe nhóm mà ông Trọng đang ra sức để củng cố quyền lực của mình chứ không phải nhằm làm trong sạch bộ máy.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, thuộc Tập hợp Dân chủ Đa nguyên lập luận rằng Đại hội Đảng XIII là khúc quanh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vì, bắt đầu từ Đại hội Đảng XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là một chính đảng của nhân dân Việt Nam đã đành, mà cũng không phải là một chính đảng của 5 triệu đảng viên nữa. Ông Nguyễn Gia Kiểng nhấn mạnh “Đó chỉ là một cơ quan trong bộ máy cầm quyền của một nhóm người chung quanh ông Nguyễn Phú Trọng.”

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

N.Hòa Bình – nóng bỏng cuộc đua giành „ghế“ Phó thủ tướng
Kasse animation 7.8.2023