Cà phê Việt Nam, gần gũi mà xa lạ trên nước Đức

Tối 9/2/2018 tại trung tâm thương mại Bikini ở trung tâm Berlin đã diễn ra Liên hoan Cà phê Đức – Việt (German Vietnamese Coffee Festival). Đây là một chương trình do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, Hội Đức – Việt và Công ty Han Coffee Roasters phối hợp tổ chức nhằm giới thiệu lịch sử, quá trình phát triển của việc trồng cây cà phê ở Việt Nam và những nỗ lực phát triển bền vững loại cây công nghiệp có thể mang lại giá trị kinh tế cao này.

Đây là một chương trình rất thiết thực để quảng bá cho cà phê Việt Nam với người tiêu dùng Đức, bởi vì cây cà phê đã được trồng ở Việt Nam từ hơn 150 năm trước và cho tới nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới, với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn một năm và nhiều cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang Đức để các công ty của Đức chế biến, tiêu thụ một phần trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng vì cà phê Việt Nam chưa có thương hiệu nên đa phần người tiêu dùng Đức không biết rằng một phần cà phê họ uống có xuất xứ từ Việt Nam.

Phát biểu tại Liên hoan cà phê Đức Việt, ông Siegfried Kaulfuß, năm nay đã 89 tuổi, cho biết, ngay từ năm 1980-1981, ông đã là một trong những chuyên gia đầu tiên của CHDC Đức được cử sang Việt Nam để nghiên cứu, tìm cách giúp đỡ Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển việc trồng cà phê. Đây là một dự án hợp tác lớn, vì CHDC Đức cần cà phê, nhưng lại không đủ ngoại tệ để nhập cà phê từ các nước khác, trong khi Việt Nam lại thiếu vốn và kỹ thuật, công nghệ. Thời gian gần đây, ông đã cùng một đoàn quay phim của đài truyền hình MDR trở lại Việt Nam, thăm lại những trang trại trồng cà phê và ông rất vui mừng khi thấy Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới. Ông cũng rất tự hào khi được góp phần phát triển việc trồng cà phê ở Việt Nam, tạo tiền đề cho việc ngày nay có hàng trăm nghìn người có công ăn việc làm trong ngành này. Ông coi đây là một dự án viện trợ phát triển có hiệu quả của CHDC Đức trước đây đối với Việt Nam, cho dù 8 năm sau khi dự án được khởi động, những cây cà phê đầu tiên có thể được thu hoạch thì nhà nước CHDC Đức đã không còn. Tuy nhiên ông cũng khẳng định rằng, đạt được thành tích này là ý chí của người Việt Nam.

Theo Hiệp hội cà phê Đức, hiện nay Việt Nam có khoảng 630.000 ha trồng cà phê và khoảng 23% sản lượng cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang Đức.

Anh Nguyễn Ngọc Đức, đại diện công ty Han Coffee Roasters cho biết, cách đây mấy năm, các anh đã tới Lâm Đồng để tìm hiểu việc trồng cà phê và biết được những người nông dân trồng cà phê còn khá nghèo. Công ty Han Coffee Roasters đã tìm cách liên kết, xây dựng lòng tin với những người nông dân trồng cà phê, đưa chuyên gia về nghiên cứu chất đất, cải tạo đất, hướng dẫn phương thức thu hoạch để có chất lượng cà phê tốt nhất và phát triển bền vững, sau đó nhập khẩu trực tiếp từ người công dân trồng cà phê, không qua khâu buôn bán trung gian nên có thể trả cho nông dân giá cao hơn, hợp lý hơn. Công ty cũng nghiên cứu các điều kiện để tạo ra những sản phẩm cà phê đặc sản của riêng mình.

Giờ đây, công ty Han Coffee Roasters tự chế biến, rang xay với công nghệ Đức và có lẽ đây là một trong những công ty đầu tiên quảng bá để bán sản phẩm cà phê được chế biến tại Đức với bốn dòng sản phẩm: „Cà phê phin“, „Vietnam Espresso“, „Single Origin“ và „Red Bourbon“. Công ty cũng hợp tác với phía Việt Nam để nghiên cứu, phát triển và sắp tới sẽ đưa ra thị trường loại phin mới để pha cà phê với mẫu mã đẹp, tiện dụng, khắc phục một số nhược điểm của phin pha cà phê Việt Nam hiện nay như cặn cà phê dễ đóng ở các kẽ…

Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán công sứ Thương mại đã cảm ơn các đơn vị đồng tổ chức và bày tỏ hy vọng qua chương trình này, cà phê Việt Nam sẽ được những người tiêu dùng Đức biết đến nhiều hơn.

Trong chương trình Liên hoan, những người tham dự đã được thưởng thức hương vị của cà phê Việt Nam do công ty Han Coffee Roasters chế biến và một số bản nhạc dân tộc do hai nghệ sĩ Phương Hoa và Mạnh Hùng biểu diễn bằng những nhạc cụ dân tộc như đàn thập lục, đàn bầu và đàn t’rưng.

Cà phê vốn là nước uống được yêu thích nhất của người Đức với tiêu thụ bình quân đầu người tới 7 kg một năm, hy vọng rằng, khi được biết là mình vẫn thường xuyên uống cà phê có một phần xuất xứ từ Việt Nam, người Đức sẽ cảm thấy gần gũi và không còn xa lạ với cà phê Việt Nam.

 

Khách tham dự theo dõi chương trình giới thiệu cà phê Việt Nam.

Tham tán công sứ thương mại Nguyễn Hữu Tráng và đại diện các đơn vị đồng tổ chức.

Hai nghệ sĩ Phương Hoa và Mạnh Hùng biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan.

Văn Long – Thoibao.de

>>> Mời các bạn bấm vào đây để xem thêm ảnh

Kasse animation 7.8.2023