Sa Huỳnh (Berlin): Câu chuyện „Hội tụ Thơ Việt ở Đức“ lần thứ 2, tại Berlin

Khi anh nhà báo Vũ Lương và người vợ duyên dáng Kim Yến đón tôi và Vân Quyên vào nhà, tôi nhìn thấy trên gương mặt anh một niềm rạng rỡ: "Chào 'chàng' và em, thế nào, mọi việc vui vẻ chứ?".

Sau câu hỏi „điều tra“ đó, là một cái bắt tay chắc nịch của anh, theo kiểu quân đội, và một cái… liếc mắt hóm hỉnh nhìn về phía Vân Quyên, như… dò xét.

Trong khi nàng bẽn lẽn cúi xuống, giả bộ làm ngơ, tôi đánh trống lảng: “Cảm ơn anh, mọi việc chuẩn bị cho ngày Hội tụ Thơ đã xong phần chính, hôm nay Ban tổ chức chúng ta gặp nhau lần cuối, 2 tuần trước ngày khai mạc, để rà soát lại những khâu còn vướng mắc mà thôi.”

Sau đó chúng tôi ngồi vào bàn họp. Chị Hồ thị Nga bận bán hàng nên xin lỗi không đến, nhờ chị Kim Liên ghi lại những trách nhiệm chị được giao phó. Anh Lương Đình Cường cũng bận đi xa. Cùng với chị Bích Ngọc, tổng cộng chúng tôi là 5 người ngồi ở nhà anh, vào một chiều Chủ Nhật ngập tràn ánh nắng.

Và sau khi bàn luận, phát biểu, phân chia xong công việc, chúng tôi được vợ chồng anh đãi một món ăn đặc sản miền Trung, kèm theo mấy ly rượu vang đỏ ngâm hành tím. Anh lại hóm hỉnh nhìn tôi: “Chàng uống cái này vào, hành tím ngâm trong rượu vang đỏ là một bài thuốc rất tốt, bổ gân cốt, trị nhức mỏi… Bọn mình lớn tuổi rồi, phải giữ sức 'chàng' ạ!”

Tôi lại chơi trò… trống lảng, nâng cốc rượu lên, uống ực một hơi, nhìn anh đang cười… ruồi: “Tôi cần thật đấy, vì gần 2 tháng nay lo vấn đề tổ chức Hội thơ, dù đã rất vui nhưng cũng vô cùng mệt mỏi và tốn sức… Hy vọng bài thuốc của anh sẽ giúp tôi đỡ được phần nào…”

Thực ra tôi đã vui, vì khi tôi thông báo đăng cai tổ chức, hầu hết mọi người bạn yêu Thơ trên toàn nước Đức đều mừng rỡ. Chắc hẳn vì cái không khí đầm ấm và thành công của ngày Hội tụ lần thứ nhất ở Chemnitz, do vợ chồng anh Phúc Nguyễn và chị Nga đứng ra lo trách nhiệm tổ chức, vào tháng 10 năm 2016, vẫn còn rộn rã ở trong lòng. Ai cũng muốn nhanh chóng được gặp lại những gương mặt thân quen, lại được giới thiệu thơ mình cho bạn bè cùng thưởng thức.

Và đúng theo kế hoạch, ngày Hội của Thơ đã tưng bừng khai mạc hôm Chủ Nhật, 25.06.2017, tại Thủ đô Berlin. Dù có trễ hơn 45 phút, nhưng đã thỏa được sự mong chờ của khá đông bạn bè, từ Berlin và từ nhiều phương xa tụ đến. Có những đoàn đi từ ngày hôm trước, và có những đoàn vừa chân ướt, chân ráo tới nơi. Trên gương mặt vẫn còn đọng nét mệt mỏi vì đường xá xa xôi, nhưng tất cả đều rộ nở nụ cười thân thiện.

Những cái bắt tay và ôm nhau nồng thắm, đã đủ để nói lên niềm vui sướng cùng hạnh phúc, trong lòng mọi người. Và hình ảnh thân thương đó, chính là bài thơ hay nhất của những bài thơ, mà các anh chị em đã mang đến nơi đây. Lời thơ ấy đã vang lên thánh thót, suốt cả chặng đường dài. Át đi những tiếng nói lạc lõng, của những con người cao ngạo, mang trong lòng sự ích kỷ và giận hờn vô lý.

Lần này có rất nhiều gương mặt mới đến với Làng Thơ nước Đức. Họ năng nổ, nhiệt tình, chân thành và lộ vẻ đam mê nhiều hơn những gương mặt cũ. Đối với anh chị này, mọi việc còn bỡ ngỡ. Từ việc tổ chức cho đến việc giới thiệu thơ mình. Tôi “bắt gặp” có anh chị phải “trốn” vào một chỗ khuất, để tập lần cuối cho nhuần nhuyễn sáng tác còn thơm mùi mực của mình. Gặp tôi, tỏ vẻ ngượng ngùng: “Anh Sa Huỳnh thông cảm, lần đầu tiên “đi diễn” nên em còn run lắm…”. Người khác bảo: “Anh chỉ em cách nào để dễ thuộc thơ không? Em viết cũng nhiều, nhưng kỳ lạ là không thể… thuộc được bài nào của mình. Anh nói anh chị MC cho em cầm giấy đọc nhé.”

Một bạn hớt hãi: “Anh ơi, cho màn đọc thơ của em lùi lại một tí được không? Bài thơ em không in ra giấy, mà nằm trong cái iPhon, em mở ra mới biết đã hết pin… Em phải cần thời gian sạc điện anh ạ…”

Chúng ta hãy làm quen với Lê Quang Nam (Plauen), với bài thơ về đất nước, mà tôi cho là một trong những bài xuất sắc của Hội tụ lần thứ 2 này:

          Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi

          Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục

          Đất nước giống con thuyền xuyên gió mạnh

          Những mối tình trong gió bão tìm nhau

            …

          Đất nước tôi như một con thuyền

          Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xóa

          Ước chi được hóa thành ngọn gió

          Để được ôm trọn vẹn nước non này

Hay với Hiền Mimosa (Berlin):

          Tôi về với hẹn nón quai thao
          Với áo tứ thân dải yếm đào
          Về với đồng quê đang vụ gặt
          Hương đòng ngan ngát đến nôn nao.

Cùng với Vân Quyên (Berlin):

          Đêm thanh vắng ánh trăng ngà soi tỏ

          Em lại về nơi chốn đó đợi anh

          Bờ môi yêu mơ giây phút ngọt lành

          Nhành nhung nhớ treo hồn em vời vợi.

Và Phạm Hồng Quân (Plauen):
          Xuân về rực rỡ ngập màu hoa
          Vườn khuya bầu rượu ngắm trăng ngà
          Muôn trùng vẽ cảnh thơ rót mật
          Lưng trời sáo vọng đắm hồn ta

Bên cạnh những người mới và trẻ, nhiều bỡ ngỡ, là những người già dặn kinh nghiệm thơ phú hơn. Đầu tiên phải kể đến bác Nguyễn văn Bộ, đến từ Frankfurt, với những dòng thơ còn rất thanh xuân, phiên dịch từ bài “Abschied – Chia Ly” của Đại thi hào Goethe của nước Đức:

          Ngàn vạn cái hôn hỡi em ơi

          Một cái cuối cùng phải chia đôi

          Chia ly hai đứa bao đau đớn

          Bờ sông ngăn cánh đã lở rồi

 

          Những nhà, những núi, những dòng sông

          Anh đã nhìn em đến vạn lần

          Nhìn cả màu xanh trong đôi mắt

          Mà như tưởng nhớ đến người thân

Hay những dòng thơ trữ tình, lãng mạn của nhà báo Vũ Lương (Berlin), viết cho người bạn đời của mình:

          Có nhau rồi
          Ta kết lại thành đôi
          Chôn quá khứ buồn đau thành nấm mộ
          Cỏ và hoa
          Sẽ ươm xanh sắc lá
          Anh và em nâng niu sưởi ấm căn nhà…

          Đêm trăn trở
          Gió thốc vào ô cửa
          Giấc mơ anh đứt quãng, chập chờn
          Quờ tay với
          Dù chỉ là chiếc bóng
          Nụ hôn ngọt ngào
          Vẫn đẫm môi anh…

Đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu của anh Nguyễn Công Toản (Freital) trong thi đàn này. Anh, với vóc dáng cao to, phong độ và… phong trần, đã lôi cuốn người nghe qua cách trình bày rất lạ, nhìn thẳng vào mắt người nghe, khoa và múa tay, vẩy vẩy chỉ vào.. trong gió:

          Như vội vàng như không biết che rèm

          Đêm trần trụi bóng nến vàng nghiêng ngả

          Rượu cạn, môi ướt mềm men sữa

          Tuyết kín trời ta nhóm lửa hong tim

          Đêm hoang dại, nhịp thở cũng rùng mình 

          Ta níu kéo, đêm dướn tình run rẩy

          Tiếng đàn căng xé toang bóng tối

          Thơ ùa về, giãy giụa giữa hồn khuya

Ngoài ra còn có sự xuất hiện lần đầu của chị Nguyễn thị Thu Hằng (Plauen), chị Hồ thị Nga (Berlin), và một số anh chị khác – mà tôi, vì thì giờ eo hẹp, bận bịu tại Hội trường, chưa có dịp thăm hỏi làm quen – với những bài thơ lãng mạn về tình yêu và cuộc sống.

Dĩ nhiên những gương mặt quen thuộc – đã xuất hiện đôi lần trên thi đàn này – cũng vẫn nồng nàn một mối tình Thơ.

Đó là vợ chồng Phúc Nguyễn (Chemnitz) – Hoàng Long (Leipzig) – Nguyễn thị Thanh Tâm (Gera) – Đoàn Hải Bến (Hof) – Nguyễn Công Lợi (Plauen) – Bùi Nguyệt (Chemnitz) – Thu Hà (Cottbus) – Kim Liên (Berlin) – Tú Oanh (Tú Oanh) – Lê thị Thanh Bình (Freital) – Trần Duy Hảo (Zwickau) – Trần Việt  (Glienicke) – Vũ Ngọc Roãn (Berlin) – Trần Văn Hiển (Berlin)… vân vân.

Lần này chất lượng thơ có tăng lên. Mọi người đều được nền nhạc đàn bầu, hay sáo hoặc Orgel phụ họa theo.

Chỉ tiếc là phần âm thanh không phải lúc nào cũng được như ý, lúc to quá, và cũng có nhiều khi nhỏ quá. Cao độ và trường độ của nhạc đệm nhiều khi bị rời rạc, không ăn khớp với giọng ngâm hay giọng đọc của người trình bày.

Những màn văn nghệ xen kẽ – là những tiết mục không thể thiếu, để người nghe đỡ mệt mỏi vì phải theo dõi thơ liên tục cả tiếng đồng hồ – đã thành công tốt đẹp. Đó là màn biểu diễn áo dài truyền thống của các chị thuộc CLB Tình bạn Berlin – Chủ tịch là anh Nguyễn Mạnh – dưới sự chỉ đạo tập luyện công phu của chị Ngọc Lâm, đã tạo nên một không khí hào hứng, nhờ sự duyên dáng và xinh đẹp của các chị, trong những chiếc áo dài rực rỡ nhiều màu sắc.

Bài hát “Hạ Trắng” của Trịnh Công Sơn được các anh chị trong ban nhạc Sắc Màu thực hiện thành công. Tiếng kèn Saxophon đã vang lên êm ái, tạo cho khán giả một cảm giác dịu dàng.

Phần biểu diễn áo dài dân tộc, của CLB Đoàn Kết – dưới sự hướng dẫn của chị Nguyễn thị Dân, một thành viên của Ban chấp hành – và sự đóng góp của đôi song ca Vũ văn Thắng – Thanh Loan, cũng như giọng ca mượt mà của Hiền Mimosa – thuộc ban nhạc Sắc Màu – đã đóng góp tích cực vào sự thành công của ngày Hội tụ Thơ Việt ở Đức lần thứ 2 ở Berlin.

Và cũng khá đặc biệt là anh Quang Thắng, người đã ôm cái máy khổng lồ, nặng trịch, đứng quay không mệt mỏi những thước phim đẹp và giá trị trong ngày hôm đó. Khi xem lại những “kỳ tích” này của anh, qua Facebook sacmauvaongkinh.de và đài VTV4, ai cũng khen ngợi và thầm cảm ơn anh.

Anh Vũ Văn Thắng và anh Nguyễn Mạnh và anh Đoàn Tuấn cũng đã nhiệt tình đi… săn ảnh. Khi vào trang Web của CLB Tinh Bạn, tôi đã sửng sờ, vì nhìn bên ngoài thấy các chị đã xinh, vào ống kính của 2 vị này, nhiều chị đã trở thành hoa hậu… áo dài và rất chi là diễm lệ.

Lần này, nhờ sự dẫn dắt nhịp nhàng và ăn ý của 2 MC, đó là chị Lê thị Thanh Bình và anh Trần Duy Hảo, nên chương trình Thơ Việt ở Đức đã thực sự cuốn hút những người tham dự.

Trong khi tại Chemnitz, Hội tụ lần thứ 1 vào tháng 10 năm 2016, chúng ta đã có một tấm phông đầy tính nghệ thuật, do chỉ một mình chị Nga, là phu nhân xinh đẹp của anh Phúc Nguyễn, thiết kế và dàn dựng thủ công, với tất cả tình yêu trong ấy.

Thì trong năm nay, thiết kế và dàn dựng – phông và băng rôn – phải cần đến 2 đấng mày râu… lực lưỡng. Đó là anh Lê Trung Khoa – thiết kế phần mềm, anh Vũ Ngọc Roãn lo phần in ấn.

Kết quả làm mọi người rất hài lòng. Đẹp, đơn giản và kinh tế, vì phông và băng rôn có thể sử dụng được… nhiều lần.

Thành thật mà nói, năm nay, sự giúp đỡ của truyền thông báo chí cũng có tăng lên. Những tờ báo mạng cộng đồng như NguoiViet.de – TBT anh Lương Đình Cường, Thoibao.de – TBT anh Lê trung Khoa, và Viet-bao.de – TBT chị Quỳnh Nga, ngay từ đầu đã “vào cuộc”. Giúp đăng “Thư Mời” của Ban tổ chức, gởi đến toàn thể mọi người trong cộng đồng người Việt tại CHLB Đức.

Đặc biệt báo NguoiViet.de đã tận tình đăng thơ các tác giả, trước ngày hội. Rồi ngay trong ngày hội, báo của anh cũng cho “phát sóng trực tiếp” các màn trình diễn thơ ngay tại hội trường.

Có một điều mà mọi chúng ta cần thông cảm, rằng “Hội tụ Thơ Việt ở Đức” không chủ trương gởi giấy mời riêng ai. Dựa trên suy nghĩ thực tiễn rằng, những ai yêu thơ, có quan tâm thật sự đến hoạt động văn hóa tao nhã này, cùa cộng đồng người Việt tại Đức, thì sẽ tìm đến với nhau.

Và thực sự mọi người đã đến với nhau, đông, rôm rả và sum vầy.

Chính vì lòng chân tình và sự vui vẻ sum vầy đó, mà đôi khi không gian im ắng cần thiết có cho thơ, đã bị nhiễu và… quấy rầy. Thay vì im lặng để nghe Thơ cất tiếng, mọi người lại… vồn vã cất tiếng chào nhau, ôm nhau, chuyện trò như không có Nàng Thơ đang có mặt. Và Nàng thì rất cần chúng ta yên lặng để tỏa rạng hết nét kiêu sa.

Tôi nghĩ, Nàng Thơ đã nhiều lần thất vọng. Thế nhưng có lẽ Nàng cũng sẵn sàng mỉm cười tha thứ.

Bởi vì trên hết vẫn là tình cảm giữa những bạn thơ, mà Nàng đã là cái cớ để chúng ta gặp lại. Để được bắt tay nhau nồng ấm. Để ôm nhau thân thiết. Để được kể cho nhau nghe những nổi niềm, những buồn vui, vì lâu ngày không gặp lại. Nàng đã thực sự mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Cho dù đôi lúc – chỉ đôi lúc thôi, chứ không phải là tất cả suốt buổi hạnh ngộ hôm ấy – Nàng đã cảm thấy rất… cô đơn!

Vì thế theo tôi, những gì chưa “tròn trịa” trong lần Hội tụ lần này, hãy có cái nhìn rộng lượng, tha thứ, bao dung, không ẩn tâm ác ý. Trong niềm hạnh phúc của con người, là trung tâm của mọi hoạt động, và từng bước làm cho hoàn hảo. Dù hoàn hảo là một khái niệm xa xỉ không bao giờ có trong hiện thực.

Với cương vị là Trưởng ban tổ chức, tôi cảm ơn tất cả những ai đã đóng góp vào sự thành công của ngày họp mặt. Và tôi cũng nhận lãnh trách nhiệm về mọi thiếu sót, lỗi lầm. Mong anh chị và các bạn thông cảm, lượng thứ cho những gì xảy ra ngoài ý muốn.

Nhân đây tôi cũng thân mời tất cả tham dự vào “Hội tụ Thơ Việt ở Đức” lần thứ 3, sẽ được tổ chức tại Cottbus, trong nhà hàng của nữ sỹ Thu Hà. Chúng ta sẽ đỡ lăn tăn về khâu hội trường và ẩm thực.

Lần này, thú thật tôi “oải” quá vì chuyện hội trường, may mà cuối cùng tìm được chỗ khang trang, đẹp đẽ.

Khâu “thực”, may là hợp đồng được rõ ràng với chị Dương – Nhà hàng Cơm Niêu Sài Gòn – quán xuyến, với giá hữu nghị.

Riêng khâu “ẩm”, tôi đã vô cùng vất, may rằng còn có sự trợ… lực của Vân Quyên.

Bởi “gân cốt” của tôi đã bớt… đàn hồi, nên sau khi khiêng thùng bia 45 kí, cộng thêm cái máy bôm 30 kí, đèo theo cái bình gas chừng chục cân, và ì ạch xách 50 chai nước trắng, một bên vai tôi hiện nay đã không còn cảm giác, phải uống bài thuốc rượu vang đỏ ngâm hành tím, theo công thức của anh nhà báo Vũ Lương, sau đó phải nhờ nàng… nắn gân vai!

Vì vậy, khi nghĩ đến lần sau, năm 2018 Hội tụ tại nhà hàng của chị Thu Hà, có sẵn bia và nước, cả hai chúng tôi đều… mừng rơn.

Sa Huỳnh/ Ảnh. Mạnh Nguyễn.

 

Kasse animation 7.8.2023