Một đất nước thụt lùi

Ngày 15/4, báo Tiếng Dân đăng bài “Sự thụt lùi vĩ đại qua vụ sập hầm đường sắt” của nhà báo Nguyễn Thông.

Tác giả đề cập đến vụ sập hầm đường xe lửa (đường sắt, hỏa xa) chui qua đèo Cả khiến mạch giao thông này bị tê liệt, ách tắc đã mấy hôm nay, và chưa biết sẽ còn tắc tới khi nào, và nêu câu hỏi: Sự cố này nói lên điều gì?

Tác giả nhận xét, một đất nước dài thòng như nước ta, cả 3.000 cây số, thì đường sắt liên vận là quan trọng nhất, kinh tế nhất. Chính vì thế, người Pháp đã bắt tay làm đường sắt ngay sau khi đã tạm ổn định cuộc chinh phục. Những đoạn đường, tuyến đường cuối cùng họ làm, cũng đã có tuổi cả thế kỷ. Đường sắt là thứ công trình kỳ vĩ số 1 mà người Pháp đã xây dựng và để lại cho xứ An Nam. Nói chính xác, không có “Thực dân Pháp” thì không có đường sắt Việt Nam.

Vậy nhưng, tác giả mỉa mai, sau khi đánh đuổi được đế quốc to là Pháp, người Cộng sản hầu như chỉ biết tiếp thu sử dụng sản phẩm có sẵn ấy, khai thác triệt để, chứ không làm thay đổi, phát triển được bao nhiêu. Nói ngay cái khổ/ cỡ đường, cho tới giờ, sau cả trăm năm, vẫn hẹp như cũ. Các toa tàu vẫn phần lớn kiểu cũ, vệ sinh xả thải ngay xuống nền đường ray. Tốc độ thậm chí còn chậm hơn tàu thời Pháp. Mua được cái vé xe lửa để xuyên Việt, để về quê dịp lễ Tết, còn khổ hơn bị trời hành, v.v…

Tác giả nhận định, công trình giao thông vĩ đại như thế, cái hầm qua đèo Cả vừa bị sụp chẳng hạn, rồi hầm Hải Vân, hầm đèo Ngang… cả thế kỷ bị khai thác tối đa mà không nghĩ tới bồi bổ gia cố nó, thì nó phải sụp thôi. Tất nhiên họ sẽ đổ cho trời, tại địa chất này nọ.

Tác giả đánh giá, đường sắt lộ thiên bị sụp, bị ngập lụt, dù hư hỏng cách mấy cũng dễ khắc phục trong thời gian ngắn, nhưng ở hầm hẹp khó bề xoay trở, thì đừng nghĩ cứ có quyết tâm và tinh thần Cách mạng tiến công là được.

Tác giả lấy ví dụ là hầm Bãi Gió (đèo Cả), mấy ngày rồi, cũng chưa biết khi nào mới xong, xong rồi có dám chạy lại không. Mà khi nó đã rệu rã sau trăm năm bị lợi dụng mà không bồi bổ, thì chẳng riêng đoạn sụp ấy đâu, nhiều đoạn khác đang chờ tới lượt. Rồi những hầm khác nữa cũng đang xếp hàng chờ an nghỉ, sau trăm năm phục vụ. Bóc lột chúng mãi, tất nhiên, tới lúc chúng phải đình công bằng cách… sụp.

Tác giả cho rằng, với những cái hầm tuổi bách niên như thế, nói phỉ phui cái miệng, tàu đang chui vào giữa mà nó sụp cái ầm, thì sau đó chỉ còn cách họp bàn rút kinh nghiệm. Hầm Bãi Gió chính là lời cảnh báo, là lời nhắc nhở của ông trời chứ không phải đùa.

Tác giả kết luận, sau hai phần ba thế kỷ tiếp thu sự cai trị đất nước này, với ngành đường sắt, người Cộng sản đã để lại dấu ấn về sự thụt lùi vĩ đại, kể từ khi “nhà mày có khỉ già lắm”.

Cụm từ “nhà mày có khỉ già lắm” xuất phát từ một câu chuyện tiếu lâm được truyền miệng ở miền Bắc trước năm 1975. Ngụ ý châm biếm giới lãnh đạo ngu dốt, xuất thân từ thành phần bần cố nông, học không hết tiểu học của chương trình bình dân học vụ, đánh vần vẫn không thạo, đọc sai tên của “Nhà máy Cơ khí Gia Lâm” thành “nhà mày có khỉ già lắm”.

Người Cộng sản chỉ biết phá hoại, mà không có khả năng xây dựng. Ban đầu, từ sự ngu dốt và giáo điều đi theo Chủ nghĩa Marx Lenin của giới lãnh đạo Cộng sản, khiến toàn dân lâm vào cảnh đói kém lầm than. Đến khi mở cửa nền kinh tế, do quản lý yếu kém đã tạo cơ hội cho việc tham nhũng, tư túi quá dễ dàng, giới lãnh đạo hùa nhau tạo ra “sân sau”, cùng nhau phá hoại khiến đất nước tan hoang như ngày nay.

Còn đâu “rừng vàng”, còn đâu “biển bạc”! Còn đâu nhưng di sản thiên nhiên, di sản văn hoá, di sản tinh thần và vật thể!!!

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023