Bạo tàn không thể dập tắt ý chí người dân

Ngày 29/3, trên Diễn đàn của VOA Tiếng Việt có bài bình luận của Luật sư Đặng Đình Mạnh, với tựa đề ‘“Xã hội đồng giọng” và những chỉ dấu…”

Tác giả nhận xét, từ thời điểm “cướp chính quyền” vào năm 1945 đến nay, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt việc đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân. Đỉnh điểm của thời kỳ đầu chính là việc đàn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, để đày đọa hàng loạt văn sỹ, thi sĩ. Từ năm 2018 trở lại đây, sự đàn áp lại càng gia tăng khốc liệt, theo cách vô pháp và bất công chưa từng thấy.

Nhiều công dân đã từng lên tiếng, góp ý, phản biện, phê bình, chỉ trích, phân tích… về hiện tình đất nước đều bị xem là thách thức quyền lực chính trị của chế độ, để rồi phải đối diện với sự trừng phạt, kể cả sau khi đã im lặng nhiều năm. Họ bị gọi là phản động, là thế lực thù địch.

Vẫn theo tác giả, chế độ tung tài lực, sử dụng vài chục nghìn dư luận viên để theo dõi, phỉ báng, báo cáo về tất cả mọi công dân có tiếng nói trên mạng xã hội. Chúng theo dõi từng bình luận, thậm chí, từng cái nhấp vào các biểu tượng cảm xúc để báo cáo, trừng phạt công dân.

Không chỉ thế, chế độ còn can thiệp, buộc các doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội như Meta, Google… xóa bài, xóa tài khoản người dùng FaceBook, YouTube, bên cạnh việc đưa chương trình SocialBeat vào sử dụng để kiểm soát, theo dõi người dùng mạng xã hội.

Tác giả nhận xét, chế độ đặt ra mục tiêu đàn áp khốc liệt đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, với thông điệp quá rõ ràng, họ chỉ muốn có một xã hội đồng giọng – một xã hội mà mọi lời lên tiếng đều chỉ được phép nói theo, phụ họa, tô hồng theo định hướng có sẵn từ tuyên giáo, qua hệ thống truyền thông với cả hàng nghìn đài báo trong cả nước. Mọi tiếng nói khác biệt, ngược ý… đều là biểu hiện phản động, thù địch, thách thức quyền lực chế độ.

Trong một xã hội đồng giọng như thế, sẽ không còn tiếng nói nào chỉ ra các chủ trương, chính sách sai lầm của chế độ cả, nhất là trong bối cảnh chế độ không hề có khả năng xây dựng nên những chủ trương, chính sách tốt đẹp.

Tác giả đánh giá, từ sau năm 1945, một xã hội đồng giọng đã ngăn cản những lời phản biện, để triệt phá toàn bộ cơ sở tôn giáo, như đền đài, chùa chiền, nhà thờ, cũng như bắt giữ các tu sĩ… đã tiêu diệt nền tảng gìn giữ đạo đức dân tộc.

Tại miền Nam sau năm 1975, về các chính sách “Cải tạo” để vô hiệu hóa vốn nhân lực khổng lồ từ hàng triệu cán bộ, công chức… là chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đang rất cần để tái thiết lại xứ sở thời hậu chiến. Về chính sách “Đánh tư sản” đã phá hoại sạch trơn nền tảng kinh tế thị trường tại miền Nam, đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước đó. Về chủ trương “Bài trừ văn hóa đồi trụy Mỹ – Ngụy” để đưa đi đốt nhiều sách vở, vốn là nền tảng tri thức của nhân loại mà miền Nam may mắn thụ đắc được…

Tác giả cho rằng:

– Trong một xã hội đồng giọng, nhân dân không lên tiếng, nhưng điều đó không có nghĩa là họ tán thành chế độ.

– Dùng bạo tàn để thiết lập xã hội đồng giọng, thì có thể ép buộc nhân dân im lặng, nhưng điều đó không thể dập tắt được sự ý chí phản kháng trong suy nghĩ của họ.

Tác giả nhận định, mục tiêu thiết lập xã hội đồng giọng là để bảo vệ sự độc tài của chế độ. Nhưng điều đó không phù hợp với nguyện vọng của dân tộc và lợi ích của đất nước. Hầu như chế độ đã quên rằng, “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Khi thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước.

Thế nên, tác giả kết luận, khi thiết lập một xã hội đồng giọng, là chế độ đang đi dần vào giai đoạn cuối của con đường mà nhiều chế độ độc tài trước đây từng đi qua. Nó không chỉ là dấu hiệu, mà là quy luật chẳng thể nào đảo ngược.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023