Tổng “đại khai sát giới”, vây Quảng Ngãi tóm 2 chủ tịch, bố ráp Vĩnh Phúc bắt bí thư!

Tổng “đại khai sát giới”, vây Quảng Ngãi tóm chủ tịch, bố ráp Vĩnh Phúc hốt bí thư!

Ngày 8/3, ông Tô Ân Xô – Trung tướng, người phát ngôn Bộ Công an – cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; và ông Cao Khoa – cựu Chủ tịch tỉnh này. Hai ông này bị bắt vì tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.

Lần này, ông Trọng cho Tô Lâm “hốt trọn ổ” của nhóm lợi ích liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn. Cùng bị bắt với đương kim và cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, còn có 4 người khác, gồm: ông Hà Hoàng Việt Phương – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, cựu Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; ông Phạm Ngọc Thủy – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; ông Lê Quốc Đạt – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi; và ông Phạm Ngọc Cương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn.

Cùng lúc đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh uỷ, và ông Lê Duy Thành – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh này cũng bị bắt. Cả hai đều bị bắt vì tội “nhận hối lộ”, cũng liên quan Tập đoàn Phúc Sơn.

Vụ án Vạn Thịnh Phát đang bị xét xử là điển hình về mô hình doanh nghiệp phát triển do dựa hơi chính trị. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đánh vào nhánh kinh tế, mà không triệt cái gốc chính trị. Ông Lê Thanh Hải, tức là Hai Nhật, người bị xem là bảo kê cho bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cho đến nay vẫn bình an vô sự.

Ngược lại, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, cũng theo mô hình tương tự Vạn Thịnh Phát, nhưng ông Trọng lại cho bắt luôn cả thành phần chính trị đỡ đầu cho Phúc Sơn.

Vạn Thịnh Phát và Phúc Sơn, tuy là 2 công ty độc lập, ở 2 địa bàn xa xôi, hoàn toàn không liên quan gì đến nhau, nhưng lại cùng phát triển theo mô hình giống nhau. Vậy, tại sao, vụ này thì ông Tổng cho đánh cả thành phần chính trị đỡ đầu, còn vụ kia thì ông lại cho qua? Đây không phải là thứ “tiêu chuẩn kép mà Tổng Trọng đang dùng sao?

Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói “chống tham nhũng không có vùng cấm”. Câu nói này được báo chí lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế, những gì ông làm khác xa với những điều ông nói.

Lương ba cọc ba đồng, nhưng quan chức nào cũng giàu có, vậy tiền từ đâu mà ra? Chỉ cần nhìn vào một điều này là biết ngay, cái thể chế này đang nuôi cho tầng tầng lớp lớp quan lại tham nhũng. Như vậy, lấy gì để đất nước phát triển?

Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, AIC vv… rồi còn những doanh nghiệp nào nữa? Có người đặt câu hỏi rằng, liệu ở đất nước này, có doanh nghiệp nào thực sự trong sạch không? Bởi nếu một doanh nghiệp muốn trong sạch thực sự, thì họ có thể phát triển được không? Doanh nghiệp được sinh ra dưới chế độ này, nếu không chịu “bôi trơn” cho tầng tầng lớp lớp quan chức, thì không thể yên thân với họ.

Sau khi bắt Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, bắt Bí thư và Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, thì sẽ có những quan chức khác trám vào chỗ của những ông bà này. Câu hỏi đặt ra là, những người trám vào vị trí bỏ trống ấy, có ai “nghèo” không? Có ai “trong sạch” không? Bởi lương của những người này chỉ tầm 15 triệu đồng/tháng, nhưng người nào cũng tiêu xài xa xỉ, cũng biệt phủ to đùng, và con cái cũng du học tận trời Tây vô cùng tốn kém.

Bàn tay của Tổng Bí thư tóm quan tham chỉ để tạo tiếng vang cho chính ông. Còn vấn đề cốt lõi là thể chế chính trị – thứ đã và đang tạo ra tầng tầng lớp lớp sâu mọt, hại dân, hại nước, thì ông kiên định bảo vệ. Thậm chí, càng ngày càng bảo vệ bằng các biện pháp cực đoan hơn.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023