Hai scandal liên tiếp: Cổ phiếu FLC của Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’

Link Video: https://youtu.be/norLmrAk-Lk

Vụ bán chui 75 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết và vụ bỏ cọc hủy kết quả đấu giá đất Thủ thiêm của tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn khiến dư luận không ngớt xôn xao vì kiểu hành vi khôn lỏi của doanh nhân nghìn tỷ đang khiến cho thị trường nhiễu loạn và nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì thiệt hại không biết kêu ai, doanh nhân Trần Quốc Quân từ Warsaw Balan có bài bình luận đăng trên BBC về sự kiện này.

Mấy ngày qua, tại Việt Nam đã xảy ra hai vụ việc lớn, có thể gọi là scandal chưa từng có trong lĩnh vực kinh tế.

Vụ thứ nhất là, việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,5 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh trong phiên giao dịch ngày 10/01/2022.

Dù báo chí đã đưa tin nhiều, tôi thấy chúng ta vẫn cần phải hiểu rõ vấn đề, tại sao gọi vụ việc của ông Quyết trên đây là bán chui cổ phiếu?

Theo quy định tại khoản 1, điều 32 thông tư số 96/2020 do Bộ Tài chính ban hành và Luật Chứng khoán năm 2019, nhà đầu tư là thành viên trong Hội đồng quản trị, trong Ban giám đốc, và trong Ban kiểm tra của công ty phải gửi văn bản xin phép giao dịch tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nếu văn bản được UBCKNN duyệt thì nhà đầu tư phải thông báo thông tin giao dịch đó cho Sở giao dịch chứng khoán SSC tối thiểu 3 ngày trước khi giao dịch.

Nhưng ngày 05/01/2022 ông Trịnh Văn Quyết mới gửi văn bản xin phép bán 175 triệu cổ phiếu FLC tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sau khi văn bản này được UBCKNN duyệt, ông Quyết không hề thông báo bằng văn bản cho Sở giao dịch chứng khoán trước khi bán 3 ngày như qui định.

Nếu bán thành công 175 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC sẽ giảm từ 30.34% (hơn 215 triệu cp) xuống chỉ còn 5.7% (hơn 40 triệu CP).

Phải hiểu việc thoái vốn với số lượng khủng khiếp này là cuộc tháo chạy khỏi doanh nghiệp xương sống, tâm huyết của ông Quyết mà ông đã xây dựng nên bao năm nay.

Nhà đầu tư nắm giữ và giao dịch cổ phiếu FLC hoàn toàn không biết việc ông Quyết được duyệt bán 175 triệu cổ phiếu FLC, và cũng không biết việc ông Quyết đã lặng lẽ bán chui 74,5 triệu cổ phiếu FLC trước khi truyền thông công bố thông tin.

Ảnh: Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Đỗ Anh Dũng bên trái, ông Trịnh Văn Quyết bên phải.

Phiên giao dịch cổ phiếu FLC ngày 10/01/2022 diễn ra đầy kịch tính. Trong phiên giao dịch này, mã FLC đã khớp lệnh gần 135 triệu cổ phiếu, cao nhất từ khi niêm yết, và cũng là mức cao kỉ lục của một mã chứng khoán trong lịch sử giao dịch của sàn chứng khoán HOSE.

Gần 20% số cổ phiếu FLC đã giao dịch trong phiên 10/01, chiếm tỷ trọng 1/10 thanh khoản sàn chứng khoán HOSE.

Trong buổi sáng, cổ phiếu FLC tăng trần lên 24.100 đồng/cp, nhưng kết phiên, cổ phiếu này đã giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/cp. Đến phiên giao dịch ngày 13/01, giá cổ phiếu FLC chỉ còn 16.100 đồng/cp.

Nghĩa là, chỉ sau 5 phiên giao dịch giảm sàn, cổ phiếu FLC chỉ còn 2/3 giá so với lúc đỉnh, với lượng dư bán gần 65 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu ROS của Quyết cũng chịu chung số phận, từ đỉnh 17.100 đồng/cp xuống chỉ còn 11.250 đồng/cp, cũng chỉ còn 2/3 giá so với lúc đỉnh chỉ sau 5 phiên giao dịch, với lượng dư bán hơn 89 triệu cổ phiếu.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích chứng khoán, giá các mã chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết sẽ còn giảm sàn nhiều phiên nữa. Các nhà đầu tư bị ông Quyết “đánh úp” sẽ mất rất nhiều tiền vì vụ này.

Bỏ bom” bất động sản

Vụ thứ hai là, ông Đỗ Anh Dũng chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh tuyên bố bỏ khoản tiền đặt cọc 588 tỷ với lô đất 3-12 rộng 10.060 m2 tại khu đô thị Thủ Thiêm sau một tháng trúng đấu giá với giá 24.500 tỷ đồng.

Ảnh: ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC

Đây là mức giá cao kỷ lục và phi thực tế không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Giới chuyên gia đã bình luận rằng, ông Dũng gây ra vụ này nhằm che giấu sự khó khăn về tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhằm quảng bá thương hiệu, nhằm tạo sóng tăng giá bất động sản, để huy động tiền ngân hàng, để bán trái phiếu…

Tuy nhiên, lần này, theo tôi đánh giá ván bài ông Dũng chơi quá độc, quá lộ liễu gây phẫn nộ trong dư luận đến mức Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính phải lên tiếng, khiến ông phải bỏ cọc, bỏ cuộc.

Một động thái lạ của ông Dũng là thay vì gửi văn bản xin hủy bỏ cọc lô đất trên tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản của thành phố thì ông lại gửi một bức tâm thư với lời lẽ phân trần lâm ly bi thiết tới các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam khiến dư luận càng thêm phẫn nộ.

Hậu quả tức thì lên môi trường đầu tư

Ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu FLC với số lượng khủng bị phanh phui làm nhiều nhà đầu tư chứng khoán nắm giữ các cổ phiếu liên quan hoảng loạn bán tháo khiến giá các mã này rớt sàn nhiều phiên liên tiếp, và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá nhiều cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán chao đảo, giảm mạnh, ảnh hưởng đến chỉ số thị trường chung.

Ông Đỗ Anh Dũng thổi giá đất lên cao ngất ngưỡng qua đấu giá có thể kích giá gây sốt ảo, làm nhiễu loạn thị trường BĐS, lại khiến ngân sách nhà nước thâm hụt thêm trong việc đền bù giải phóng mặt bằng cho các công trình xây dựng nhà ở và hạ tầng.

Ảnh: bốn lô đất được đấu giá ở Thủ Thiêm

Hơn nữa, ông Đỗ Anh Dũng trúng giá đấu thầu rồi bỏ cọc còn làm rối loạn việc thẩm định giá, đặt mặt bằng giá khởi điểm cho các cuộc đấu thầu đất trong tương lai.

Các vụ việc trên đây do ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng gây ra đã tác động tiêu cực tới giới đầu tư trong và ngoài nước.

Những việc đánh mất chữ tín của hai ông có thể cổ vũ các doanh nhân coi thường pháp luật, làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư vào tính minh bạch, công bằng của môi trường kinh doanh.

Là người cùng các đối tác từ Ba Lan theo dõi, đầu tư vào thị trường Việt Nam từ mấy năm qua, tôi ghi nhận từ trước rằng đây không phải lần đầu ông Quyết lén lút đánh úp các nhà đầu tư.

Năm 2017, ông Quyết từng bán chui 57 triệu cổ phiếu ROS mà chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 65 triệu đồng, quá nhẹ so với hậu quả ông gây ra và hưởng lợi. Tôi đã viết bài trên Facebook khi đó cảnh báo trường hợp này.

Ông Dũng cũng từng có bề dày bỏ cọc sau khi trúng đấu giá. Ngày 28/05/2016 ông Dũng đấu giá thành công đôi bình Tứ Linh sứ Bát Tràng với giá khởi điểm 900 triệu đồng, giá chốt là 6,05 tỷ đồng, ngày 06/06/2016 ông Dũng tuyên bố bỏ cọc 50 triệu đồng.

Tháng 6/2015 ông Dũng đấu giá thành công khu “đất vàng” 23 Lê Duẩn thành phố Hồ Chí Minh rộng 3000 m2 với giá 1.430 tỷ đồng, sau đó bỏ cuộc, đến tháng 6/2016 ông Dũng lại đề nghị được mua lại lô đất trên với khoản tiền phạt 260 tỷ đồng, năm 2019 ông Dũng đã nhượng lại khu đất trên cho Techcombank.

Ảnh: Phó Chủ tịch UBND TpHCM Lê Hòa Bình tặng hoa chúc mừng ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh, thắng thầu phiên đấu giá đất Thủ thiêm

Chỉ phạt thôi là chưa đủ

Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, hành vi không công bố thông tin về giao dịch chứng khoán sẽ bị phạt 3% – 5% giá trị đăng ký giao dịch nhưng không quá 1.5 tỷ đồng.

Với số lượng 74,5 triệu cổ phiếu FLC bán chui trong phiên giao dịch ngày 10/01, giá trị theo mệnh giá là 745 tỷ đồng, ông Quyết chỉ bị phạt 1,5 tỷ đồng, thay vì ông quyết bị phạt 37,25 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao luật phạt thao túng chứng khoán lại có trần giới hạn mà không phạt theo tỉ lệ chung là 3-5% để đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư nhỏ với các nhà đầu tư lớn?

Luật chứng khoán không chỉ phạt hành chính chiếu lệ, mà đối với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, phải răn đe bằng các biện pháp xử lí hình sự nghiêm khắc.

Được biết, ngày 11/01/2022, Bộ Tài chính đã ra quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, sàn HOSE).

Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11.1, thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.

Dư luận đang ủng biện pháp trừng phạt này đối với hành vi bán chui chứng khoán của ông Quyết, nhưng chưa đủ.

Trong thời gian làm kinh doanh ở Việt Nam hơn một năm qua, trước khi trở về Warsaw tháng 11/2021, tôi quan sát thấy các chế tài phạt vi phạm Luật chứng khoán, và vi phạm Luật đấu giá tài sản mà không nghiêm minh, không đủ mạnh, không đủ tính răn đe sẽ tiếp tục tạo ra tình trạng coi thường pháp luật trong giới doanh nhân.

Các vụ việc mới nhất làm chấn động giới đầu tư và làm méo mó, nhiễu loạn môi trường kinh doanh, ngăn dòng tiền đầu tư từ nước ngoài cũng như trong nước vào thời Việt Nam đang hết sức cần nguồn lực phục hồi kinh tế sau hai năm chống chọi đại dịch Covid.

Thiết nghĩ, bên cạnh phạt tiền một cách thích đáng, chính quyền cần dứt khoát có thêm những hình thức chế tài phù hợp khác như cấm người, công ty vi phạm tiếp tục giao dịch trên sàn chứng khoán, cấm tham gia đấu giá có thời hạn, thậm chí là truy tố hình sự, tùy thuộc vào mức độ hậu quả do hành vi vi phạm của đối tượng gây ra.

Ảnh: sau khi tăng nóng kỳ lạ thì chứng khoán bất ngờ lao dốc sau thông tin về FLC giao dịch chui và Tân Hoàng Minh bỏ cọc

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đầu sỏ vụ test kit Việt Á vẫn còn ‘lẩn tránh’

>>> Báo Nhà nước có bịa tin về VinFast để lừa người Việt?

>>> HRW: Việt Nam trừng phạt có hệ thống, bắt giữ và xét xử nhiều nhà hoạt động trong năm 2021

Chuyện gì đang xảy ra với “giới siêu giàu”?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023