Hội đồng Lý luận TW ‘tiếp tục rút ra các bài học kinh nghiệm’ cho Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/EpELxzY_ER4

Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam khóa mới với nhiệm kỳ từ 2021-2026 vừa ra mắt và có phiên họp đầu tiên.

Cùng thời gian, các phát biểu của quan chức thuộc hội đồng này vẫn không thay đổi nhiều so với lập luận phê phán chủ nghĩa tư bản, đứng đầu là Hoa Kỳ, của khối Đông Âu thời Liên Xô hơn 30 năm trước.

Hội đồng trong nhiệm kỳ mới này gồm có 50 thành viên, do ông Nguyễn Xuân Thắng, GS. TS., Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Hội đồng, GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận T.Ư nhiệm kỳ trước (2016 – 2021) làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng.

Trong số các Phó Chủ tịch chuyên trách, có ông Nguyễn Văn Thành, ông Thành là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, ông từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Theo trang mạng của Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng này hôm 12/9/2021, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ĐCSVN đề cập một số điểm, trong đó yêu cầu cơ quan nghiên cứu, lý luận này của ĐCSVN tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận nền tảng, cốt lõi trong đường lối chiến lược của đảng CSVN, sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế…’

Ông cũng yêu cầu Hội đồng chủ động phối hợp ‘tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu rút ra những bài học kinh nghiệm, những đặc trưng cơ bản, những vấn đề có tính quy luật của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề quan trọng cho việc bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh của Đảng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng mới thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Hôm 13/9 từ Hà Nội, hai nhà quan sát chính trị Việt Nam, nhân dịp này đã chia sẻ với BBC News Tiếng Việt nhận định trên quan điểm riêng của mình về Hội đồng nói trên trong nhiệm kỳ mới và một số khía cạnh liên quan nhân sự và nội dung chức năng, vai trò cũng như mô hình liên quan Hội đồng này trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Vũ Bình, nguyên Biên tập viên Tạp chí Cộng sản bình luận:

Công bố quyết định thành lập và nhân sự nhiệm kỳ mới của Hội đồng Lý luận Trung ương (HĐLLTW) trực thuộc Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021-2026 không có gì mới về nội dung, hình thức và đường lối so với trước đây. Có chăng là vấn đề nhân sự, việc thay thế con người cũng là bình thường. Ý nghĩa của việc này là vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của một cơ quan mà đảng cộng sản cho là cần thiết. Ông Nguyễn Phú Trọng đi lên từ Tạp chí Cộng sản, cơ quan Lý luận và chính trị của đảng cộng sản, cũng đã từng là chủ tịch Hội đồng Lý luận này, nên việc duy trì và ưu tiên cho cơ quan này là điều dễ hiểu.”

Ông Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQGHN) nói:

Năm 1996, Hội đồng Lý luận Trung ương được thành lập nhằm giúp ĐCSVN tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận chứng khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước. Tóm lại, tổ chức này được lập ra nhằm nâng cao tư duy lý luận của Đảng không chỉ trong lĩnh vực xây dựng Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn đấu tranh chống các quan điểm “sai trái”, các “thế lực thù địch“…

Với ý nghĩa này, việc ĐCSVN vừa công bố thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026, theo tôi cũng là không mới, nếu có ‘mới’ thì chỉ là một số gương mặt mới xuất hiện trong Ban lãnh đạo và thành viên của Hội đồng.”

Con đường lên chủ nghĩa xã hội ‘còn xa’

Về tính phù hợp của mô hình và đặc biệt về tính hữu ích của Hội đồng này trước những vấn đề then chốt, cũng như những yêu cầu cụ thể của thực tế phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới thể chế hay phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, truyền thông của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước những thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các nhà quan sát này bình luận tiếp với BBC.

Ông Nguyễn Vũ Bình nói:

Mô hình này trong thực tế không phù hợp với Việt Nam, vì thực ra hiện nay Việt Nam không ai quan tâm đến vấn đề lý luận, và những lý luận của hội đồng này cũng không liên quan gì đến thực tế (thực chất) ở Việt Nam. Hội đồng Lý luận này tồn tại, một phần vì các nước cộng sản rất ưa thích ‘giả khoa học’, ưa thích lý luận Marxist-Leninist.

Tổng Bí thư đi lên từ lý luận, lại từng là là chủ tịch Hội đồng này, nên muốn nâng tầm quan trọng và duy trì nó. Mặt khác, cũng có thể dùng Hội đồng này như một cơ quan ủng hộ tuyệt đối các quyết định của Tổng bí thư, giúp duy trì và khuyếch trương quyền lực của Tổng bí thư.”

Liên quan phát biểu chỉ đạo của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư của ĐCSVN với Hội đồng Lý luận TƯ nhiệm kỳ mới, hai nhà quan sát nêu góc nhìn của mình:

Ông Nguyễn Vũ Bình nói:

Tất cả những nội dung được phát biểu chỉ đạo đó gần như không có gì mới, đều là các nội dung cũ gắn thêm với hoàn cảnh mới làm nhiệm vụ cho Hội đồng Lý luận. Nhưng cả một Hội đồng Lý luận lớn quan trọng như vậy, tại sao có một khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa” mà bao nhiêu năm cũng không định nghĩa, làm rõ nổi. Vậy Hội đồng Lý luận tồn tại để làm gì?”

Còn về nhân sự mới của Hội đồng, ông Lê Văn Sinh nêu nhận định:

Tôi thì cho rằng nhìn vào Ban lãnh đạo Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2016, tôi không dám chắc họ sẽ làm được việc gì đó khác thường. Tôi đồ rằng, rồi mọi sự cũng như các Hội đồng trước đó, kiên trì và bảo vệ học thuyết Marx- Lenine, một học thuyết chính trị – xã hội đã chứng tỏ tính bất khả thi của nó trong hiện thực tại Liên Xô và nước Đức, những nơi sản sinh học thuyết này. Thành ra con đường đổi mới chính trị cho xã hội Việt Nam sẽ còn nhiều trắc trở và xa vời. Dù sao, tôi vẫn hy vọng, sẽ đến lúc các vị nhận ra rằng, cải cách chính trị, xây dựng nền dân chủ, tự do thực sự mới là con đường giúp đất nước phát triển hùng cường và bền vững,” nhà nghiên cứu lịch sử từ Đại học Quốc gia Hà nội nói với BBC trên quan điểm riêng.

‘Tư bản cải thiện được là nhờ giai cấp công nhân’

Trong một bài đăng trên Tạp chí Cộng sản 11/09/2021, GS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng nói chính quyền của ĐCS VN “khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì hạnh phúc của nhân dân

Dù Việt Nam nhận nhiều viện trợ vaccine từ các nước tư bản hàng đầu, Hoa Kỳ, Anh, EU, Nhật Bản…cũng như đầu tư nhiều tỷ USD vào kinh tế nước này những năm qua, ông Tấn vẫn tin vào mâu thuẫn, khác biệt giữa hai hệ thống: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.

Thậm chí ông còn cho rằng người dân các nước tư bản có “đời sống được cải thiện” cũng là vì lợi ích “các ông chủ tư bản“:

Nếu như có những cải thiện nhất định nào đó đối với những người dân sống trong chế độ TBCN ấy thì đó là những cải thiện đó là nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của các ông chủ tư bản. Hay nói cụ thể hơn, thứ nhất, những cải thiện đó là kết quả của quá trình đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đạt được, thứ hai, những cải thiện đó nhằm nâng cao năng xuất lao động để mang lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cao hơn và lại phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản.”

Ông nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “bản chất của chế độ thống trị tư bản chủ nghĩa là không đổi“:

“…những cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những phong trào phản kháng của quần chúng nhân dân bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây như phong trào “99 chống 1″… đã chứng tỏ bản chất của chế độ TBCN là chế độ thống trị của số ít giàu có và những thứ tự do, dân chủ mà họ vẫn rêu rao vẫn chỉ là lớp son phấn che phủ cho thực chất chuyên chế của những tập đoàn tư bản độc quyền.”

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58548708

Kasse animation 7.8.2023