Việt Nam với hành trang đau khổ vào năm 2020

Mời các bạn đón xem, bình luận và cùng chia sẻ.

Trước thềm năm mới 2020, xin điểm lại các sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2019 bằng các con số.

Trước hết là con số căm hờn 114
114 ngày – Là khoảng thời gian tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đến quấy nhiễu trong thềm lục địa của Việt Nam xung quanh bãi Tư Chính trên Biển Đông.
Tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính vào ngày 3/7 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc mà lúc cao điểm có đến 35 tàu để ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hợp tác với hãng dầu khí Rosneft của Nga.
Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tàu Hải Dương đã vài lần rời đi để hướng về Bãi Chữ Thập, trước khi trở lại quấy nhiễu – mỗi lần rời đi khoảng một tuần.
Chính quyền Việt Nam loan báo đã dùng mọi kênh để tranh đấu với Trung Quốc, từ phản đối ngoại giao, vận động quốc tế, đối đầu trên thực địa. Cuối cùng, vào ngày 24/10, tàu Hải Dương cũng đã rời đi mà chính phủ Việt Nam cho là ‘nhờ vào sự đấu tranh khôn khéo và cương quyết’ của họ.

Thứ 2 là con số 39 chết chóc
39 người – Là số nạn nhân Việt Nam chết trong thùng xe tải đông lạnh trên đường từ Bỉ sang Anh được phát hiện vào hôm 23/10 ở hạt Essex, gần thủ đô London.
Toàn bộ 39 người này đều là người Việt Nam, chủ yếu đến từ hai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Các nạn nhân được cho là đã trả số tiền cả tỷ đồng để được các đường dây buôn người đưa từ Việt Nam bằng đường bộ sang các nước châu Âu sau đó tìm đường sang Anh – nơi họ được hứa hẹn sẽ có công việc lương cao để trang trải nợ nần cũng như giúp đỡ gia đình ở Việt Nam.
Đây là vụ án mạng có số nạn nhân tử vong cao nhất từ trước đến nay ở nước Anh cũng như là một thảm họa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trên con đường di dân lậu của người Việt Nam.

Thứ 3 là con số tiền bạc 3 triệu USD
3 Triệu USD – Là số tiền mà ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đã nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ.
Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, lúc đang trên bờ vực phá sản, với mức giá cao hơn nhiều giá trị thực của công ty này, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước Việt Nam gần 6.500 tỷ đồng. Ông Son và người kế nhiệm ông, Trương Minh Tuấn, đã ra trước vành móng ngựa vào cuối năm trong đại án Mobifone-AVG.
Gia đình ông Son đã nộp lại 66 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, do đó thoát án tử hình và chỉ nhận án chung thân.

Thứ 4 là con số 2 đầy may mắn cho VN
2 huy chương vàng tại Sea Games 30 ở Philippines dành cho đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ của Việt Nam. Đội tuyển nam Việt Nam đánh bại Indonesia với tỷ số 3-0, trong khi đội tuyển nữ Việt Nam thắng tuyển Thái Lan 1-0.
Đây là lần thứ hai sau 60 năm và lần lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nam của nước Việt Nam thống nhất giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại Sea Games.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đoạt thắng lợi kép ở cả bóng đá nam và nữ – thành tích mà trước đó chỉ có Thái Lan mới đạt được.

Thứ 5 là con số 1 bí ẩn
1 tháng – Là thời gian ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đột ngột biến mất khỏi công chúng từ ngày 14/4 cho đến ngày 14/5. Ông Trọng biến mất khi ông đang đi công tác ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thành trì của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ chính trị một thời của ông.
Do đó, sự biến mất của ông Trọng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng ông Trọng bị đầu độc.
Trong suốt thời gian một tháng biến mất đó, tin tức về sức khỏe ông Trọng làm chao đảo mạng xã hội với rất nhiều đồn đoán, trong đó có tin ông Trọng bị đột quỵ, hôn mê, trong khi truyền thông chính thức hoàn toàn im tiếng.
Mãi đến ngày 14/5, ông Trọng mới xuất hiện trở lại.

Thứ 6 là con số 7 mơ mộng
7,02% – Là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019, theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 27/12.
Theo chính phủ Việt Nam thì đây là tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới bất chấp một năm kinh tế thế giới có nhiều biến động với đà leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên với Việt Nam thì các con số như thế này thường bị nghi ngờ là không chân thực.
Thông tin cho biết, Việt Nam nên ý thức được rằng họ sẽ là bên chịu thiệt thòi nhiều nhất nếu để bị các nước khác lợi dụng để có hành vi gian lận thương mại với Mỹ, một nhà phân tích kinh tế nói với truyền thông quốc tế sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo mức tiền phạt lên đến hơn 456% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Thứ 7 là con số 99 mỉm cười
99% – Là số dòng thuế mà Liên minh châu Âu xóa bỏ cho cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, tức EVFTA, được hai phía ký kết vào giữa năm 2019 sau gần 10 năm đàm phán.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030.
Hiệp định EVFTA còn chờ được Nghị viện EU thông qua với nhiều tiếng nói yêu cầu EU cân nhắc thành tích nhân quyền của Việt Nam.

Thứ 8 là con số 220 ngàn gây sốc
220.000 đồng – Là giá một kilogram sườn heo tại thời điểm tháng 12. Trong khi đó, mức giá sườn cốt lết và thịt ba rọi cũng dao động trên dưới 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với hồi đầu năm. Đây là mức giá thịt heo cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, dẫn đến cuộc khủng hoảng thịt heo trong bối cảnh nhu cầu thịt heo tăng cao khi Tết nhất gần kề.
Giá thịt heo quá cao đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hoặc chuyển sang các loại thịt khác, khiến sức mua giảm. Cuộc khủng hoảng này được dự đoán sẽ còn tiếp diễn thêm nhiều tháng sau Tết vì đàn lợn vừa mới tái đàn sau dịch.

Thứ 9 là con số 5 đen tối
5 đợt ô nhiễm – Là số đợt bụi mịn ở Hà Nội trong suốt năm 2019, theo số liệu do Tổng cục Môi trường Việt Nam công bố, khiến ô nhiễm trở thành một trong những vấn đề lo lắng hàng đầu của người dân Hà Nội trong năm qua.
Các đợt ô nhiễm rải đều từ tháng 1, 3, 10, 11 cho đến tháng 12. Mỗi đợt ô nhiễm kéo dài từ một cho đến trên hai tuần lễ với bầu trời Hà Nội trở nên mù mịt vì nồng độ mịn cao.
Trong suốt năm 2019, nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã nhiều lần vượt mức 140μg/m3, tức là vượt gần 6 lần quy chuẩn quốc gia của Việt Nam là 25μg/m3 và gấp 14 mức bụi mịn được Tổ chức Ý tế Thế giới cho là lý tưởng.
Kết quả này đã khiến Hà Nội lọt vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trong nhóm các thành phố có số liệu đo đạc trên thế giới.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới, nhưng với điểm nghẽn về thể chế theo Chủ nghĩa Cộng sản lạc hậu, độc tài và thiếu dân chủ cùng sự thiếu vắng của một nhà nước Pháp quyền – đã khiến đất nước với gần 100 triệu người dân chưa thể có cuộc sống, kinh doanh và phát triển đúng với tiềm năng hiện có.
Bước vào năm 2020, hành trang mà Việt Nam đang phải mang theo vẫn nặng trĩu nợ công, môi trường bị hủy hoại, ô nhiễm đến mức nguy hiểm, vật giá tăng vọt trong khi đồng lương của người lao động vẫn chưa được cải thiện.
Tệ nạn tham nhũng, ăn hối lộ, lợi dụng chức vụ và quyền hạn của hàng triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam đã đẩy người dân vào đau khổ, mắc vào bẫy thu nhập thấp so với các nước trên thế giới.
Năm cũ vừa hết, năm mới 2020 đã đến, Tổng bí thư Nuyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đảng và Chính phủ Việt nam nên bình tâm suy nghĩ, mạnh dạn thay đổi đất nước sang thể chế Dân chủ và Tự do để chấm dứt những đau khổ mà người dân Việt nam phải chịu trong suốt 75 năm qua.

Lê Trung Khoa – Thoibao.de từ Berlin, CHLB Đức. / Truyền hình thực tế 01.01.2020