Từ Bộ chính trị tới bệnh viện tâm thần

Năm 1984, ông Herbert Häber được bầu vào Bộ chính trị Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED). Như vậy, giờ đây ông trở thành một thành viên trong trung tâm quyền lực và phải cùng gia đình chuyển tới ở Wandlitz, một khu vực dành riêng cho các ủy viên bộ chính trị ở ngoại ô Berlin. Nhưng chỉ một năm sau, ông ta đã bị sa thải.

Ngày 6/1/1986, ông Herbert Häber được ông Erich Honecker, Tổng bí thư SED yêu cầu tới Bệnh viện chính phủ. Mặc dù ngạc nhiên, nhưng ông Häber cũng chẳng nghĩ tới điều gì tồi tệ. Nhưng khi ông tới Bệnh viện chính phủ thì ngay lập tức, ông được đưa vào xe cứu thương và chở tới Bệnh viện Tâm thần ở Bernburg và đưa vào khoa cách ly vì được coi là một „trường hợp vô vọng“. Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 1999, ông Häber nhớ lại: „Khi đó, dĩ nhiên tôi không thể nói rằng mình là một ủy viên bộ chính trị, nếu không tất cả sẽ lại vỗ tay và cười nhạo“ Vậy ông là Walter Ulbricht còn tôi là Giáo hoàng““.

Thực ra, sự việc được diễn biến như sau: Tháng 5/1984, đài truyền hình đưa tin là ông Herbert Häber, sinh năm 1930 đã được bầu vào Bộ chính trị SED. Thông tin này được Tây Đức đặc biệt chú ý, vì Häber được coi là „Chuyên gia về phương Tây“. Có lẽ ở CHDC Đức khi đó không có ai thông thạo về CHLB Đức như Häber. Và người ta đặt ra câu hỏi: Phải chăng với việc bổ nhiệm Häber, ông Honecker muốn đưa ra một tín hiệu với Tây Đức?

Quả thực là đầu mùa hè 1984, ông Erich Honecker muốn thúc đẩy kế hoạch của mình tiến hành một chuyến thăm cấp nhà nước tới CHLB Đức. Một chuyến thăm đã bị Moscow bác bỏ trước đây. Giờ đây, ông Häber phải thu xếp cho chuyến đi này. Nhằm ngăn cản Honecker tiến hành chuyến đi, Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Tschernenko đã yêu cầu ông Honecker sang Moscow. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ này, ông Honecker muốn thuyết phục Tschernenko về sự cần thiết phải tiến hành một chuyến thăm như vậy. Vì vậy, ông Honecker yêu cầu ông Häber viết ra một báo cáo nêu toàn bộ những lý do để nhất định phải tiến hành chuyến thăm tới Bonn. Bản thân ông Häber rất cởi mở đối với một „Liên minh lý trí“ giữa hai nhà nước Đức, nên ông đã soạn thảo một văn kiện ủng hộ chuyến đi này. Đây là công việc đầu tiên của ông với tư cách ủy viên bộ chính trị.

Tháng 8/1984, ông Honecker sang Moscow, đem theo Báo cáo của ông Häber. Nhưng ông Tschernenko đã cấm ông Honecker tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới CHLB Đức và đe dọa: “Ban chấp hành trung ương ĐCS Liên Xô luôn đánh giá cao sự tin cậy giữa hai đảng chúng ta. Điều đó đã và vẫn là vấn đề cốt lõi. Điều này liên quan trực tiếp tới cá nhân đồng chí đấy, đồng chí Honecker”. Sau khi trở về Đông Berlin, ông Honecker hủy bỏ chuyến thăm dự kiến sang Bonn. Tại CHLB Đức, người ta thảo luận nhiều với những lời lẽ không hay lắm về việc hủy bỏ chuyến thăm này.

Sau thất bại này, ông Honecker phải đổ lỗi cho Herbert Häber và “thí tốt”. Nhưng ông không thể dễ dàng loại Häber ra khỏi bộ chính trị, vì ông mới đề nghị đưa ông Häber vào bộ chính trị được chưa đầy ba tháng. Và Häber cũng chẳng làm gì nên tội. Trước mắt, ông Honecker để ông Häber “ngồi chơi, xơi nước”: Không được tham gia đoàn lãnh đạo tham quan Hội chợ Leipzig và không được tiếp xúc với các chính khách phương Tây. Ông Honecker cố tỏ ra lạnh nhạt với ông Häber trong bộ chính trị. Mùa thu năm 1985, ông Häber bị suy sụp thần kinh và bị đưa vào Bệnh viện chính phủ. Ông Honecker tới thăm và gợi ý Häber nên từ chức, vì ông đã gây ra một vụ “bê bối thế giới”, khi tìm cách gây chia rẽ Liên Xô và CHDC Đức.

Ngày 22/11/1985, ông Herbert Häber bị khai trừ khỏi bộ chính trị. Về mặt chính thức, người ta thông báo là đồng chí Häber đề nghị được ra khỏi bộ chính trị vì lý do sức khỏe. Trong giới lãnh đạo đảng, người ta tung tin đồn là ông bị bệnh ung thư. Đảng SED đưa ông Häber tới Thüringen để an dưỡng. Tại đây, ông thường xuyên bị an ninh giám sát. Hai tuần sau, khi ông về lại Berlin, văn phòng của ông trong BCH trung ương bị đóng cửa và ông được Honecker chuyển tới “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội” làm “Cộng tác viên khoa học”. Ngày 6/1/1986, theo chỉ thị của Honecker, ông Häber bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần ở Bernburg. Hai tháng rưỡi sau, ông bất ngờ được ra viện mà không có một lời giải thích.

Ông Herbert Häber tiếp tục “ngồi chơi, xơi nước” ở “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội”, vì ông chẳng có chức vụ gì và cũng chẳng có công việc gì cụ thể cho tới khi nhà nước CHDC Đức tan rã và sáp nhập vào CHLB Đức. Năm 1990, ông về nghỉ hưu non.

Tháng 5/2004, Tòa án Berlin đã buộc tội ông Herbert Häber, với tư cách là ủy viên bộ chính trị SED, phải chịu trách nhiệm về ba người bị bắn chết ở biên giới giữa hai nhà nước Đức. Nhưng Tòa án cũng quyết định không trừng phạt ông, vì khi là ủy viên bộ chính trị, ông đã phát biểu, ủng hộ việc nới lỏng những quy định ở biên giới và vì vậy phải chịu thiệt thòi cá nhân, do làm mếch lòng ông Honecker.

Hiện nay, ông Herbert Häber tiếp tục sống ở Berlin.

TK – Thoibao.de 

Kasse animation 7.8.2023