Ngày 4/6, BBC Tiếng Việt bình luận “Nhà báo Huy Đức đã đi đâu, có thể bị “tạm giữ” trong bao lâu?”
Như BBC đã đưa tin, vào ngày 1/6, nhà báo Huy Đức đột ngột “biến mất”, giữa lúc mạng xã hội rộ lên tin đồn ông bị bắt. Cùng ngày, ông vắng mặt trong một sự kiện mà ông là diễn giả chính.
Trang Facebook mang tên Truong Huy San, sở hữu hơn 350.000 người theo dõi, đã đóng vào ngày 2/6.
BBC dẫn lời một người bạn của ông Huy Đức, nói rằng, tới ngày 4/6, gia đình và bạn bè ông vẫn không có thêm thông tin gì, về việc ông đã đi đâu và ra sao.
“Anh Huy Đức đã chuyển hẳn ra Hà Nội ở mấy năm nay, và sống ở khu Long Biên. Họ bắt và khám nhà ở tại nơi ở, và nhà cũ trong thành phố Hồ Chí Minh cũng bị khám. Anh ấy ở một mình, và chắc là cũng đã chuẩn bị cho ngày này” – người bạn này cho biết.
BBC dẫn lời luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích ở góc độ luật pháp, cho biết, nếu tạm giữ hình sự thì tối đa là 9 ngày, và cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo cho người thân.
“Sự im lặng của báo chí chính thống cho thấy, đây là một sự kiện phức tạp, không đơn giản như việc bắt giữ một “tội phạm” thông thường” – luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định.
BBC dẫn Facebook Nguyễn Quang Lập, được cho là của nhà văn Nguyễn Quang Lập, chất vấn rằng, nếu đúng là nhà báo Huy Đức bị bắt, thì phải có lệnh bắt, nhưng khi hỏi đến thì mọi người đều không biết.
“Ngày tôi bị bắt, hơn chục người đến nhà, ông Trung tá đọc lệnh bắt rõ ràng từng chữ. Khám xét cả buổi sáng, lập biên bản ký tá đàng hoàng mới đem đi về 4 Phan Đăng Lưu. Sau đó báo công an, ti vi đều đưa tin rất rõ ràng. Vậy mà với nhà báo Huy Đức lại, im lặng là sao nhỉ?” – ông Lập chia sẻ.
BBC cũng dẫn Facebook tên Nguyen Pham Xuan, được cho là của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chia sẻ hình ảnh của nhà báo Huy Đức, chụp ngày 26/5 tại Hà Nội, kèm lời bình:
“Huy Đức đã đi vào lịch sử thời nay như một nhà báo phản biện độc lập mạnh mẽ cho dân nước Việt Nam. Tư cách ấy không ai xóa nhòa của anh được, dù đồng tình hay phản đối, yêu hay ghét anh.”
Facebook Lao Ta, được cho là của nhà văn Tạ Duy Anh, được BBC trích dẫn, viết rằng:
“Mong ông bình an. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng, một dân tộc thiếu vắng những nhà phản biện lớn là một dân tộc vô phúc và không có tương lai.”
BBC tiếp tục dẫn luật sư Ngô Anh Tuấn, viết trên Facebook của mình rằng, dù chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can được chính thức công bố, nhưng khả năng nhà báo Trương Huy San được cho về là “rất thấp”.
BBC dẫn đánh giá của luật sư Đặng Đình Mạnh, rằng, Huy Đức đã là cây viết gần đúng với thiên chức nhà báo nhất.
“Cho dù chúng ta không hài lòng hoặc có quan điểm trái ngược với những vấn đề mà nhà báo Huy Đức đã từng viết, đề cập, thì việc chế độ đàn áp anh ấy chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm chính trị của một người thì cũng vẫn là bất công. Vì lẽ, thế giới văn minh không ai cầm tù những người có quan điểm, nhận thức và viết trái với chính sách, quan điểm của chính quyền cả.”
Nhà văn Trần Thanh Cảnh, một người bạn của ông Trương Huy San, nói với BBC rằng, trong nhiều cuộc nói chuyện trước đây giữa 2 người, cả 2 đều đã trao đổi và lường trước khả năng ông Huy Đức “có thể sẽ bị bắt”.
BBC cho biết, trước khi “biến mất”, trên Facebook Truong Huy San đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó, ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam, và viết rằng, việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.
BBC cũng cho biết, một bài viết khác gần đây có nhan đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”, trên Facebook Truong Huy San, nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước.
Vẫn theo BBC, ngày 19/5, Facebook Truong Huy San cũng viết về việc, phải chăng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang giải thích Hiến pháp. Cụ thể là việc một người chưa được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an, mà có thể được bầu làm Chủ tịch nước.
Vào thời điểm đó, Quốc hội chưa có nội dung miễn nhiệm chức Bộ trưởng của ông Tô Lâm, nhưng có lịch bầu Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, tới ngày 21/5, Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào chương trình nghị sự việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Công an đối với Đại tướng Tô Lâm – BBC cho biết thêm.
Xuân Hưng – thoibao.de