Mục tiêu của chiến dịch “ván bài lật ngửa” của Tô Đại là gì?

Cuộc chiến cung đình trong nội bộ thượng tầng lãnh đạo Việt Nam, có nhiều dấu hiệu cho thấy đang gia tăng về cường độ. Các bên đã và đang tận dụng cả truyền thông nhà nước và mạng xã hội, để tấn công đối thủ.

Quy luật, “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, đang thể hiện rất rõ. Nhưng, theo giới quan sát, rõ ràng, phe của Bộ trưởng Công an Tô Lâm đang ở thế công, còn phe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thế thủ.

Cựu Tổng Biên tập báo Thể Thao thành phố Hồ Chí Minh – bà Hồ Thu Hồng – được cho là “người tình” của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – cựu Thứ trưởng Bộ Công an. Tướng Hưởng là cố vấn An ninh và Tôn giáo của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời là cũng là cấp trên của Tô Lâm trước khi ông về hưu.

Mới đây, bà Hồng đã viết trên Facebook cá nhân rằng: “mới hết khúc prelude [dạo đầu], chính thức bắt đầu chương 1 “cùi không sợ lở” của bản giao hưởng mang tên “ván bài lật ngửa’”.

Theo giới quan sát, thông điệp của bà Hồng có thể được cho là tín hiệu từ phe chủ chiến – phe Tô Lâm. Đây là một cảnh báo, rằng, việc hạ bệ cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chỉ là khúc dạo đầu mà thôi. Một khi “chính thức bắt đầu chương 1 “cùi không sợ lở” của bản giao hưởng mang tên “ván bài lật ngửa’”, thì đến cỡ như Tổng Trọng cũng chưa chắc đã được yên.

Theo giới quan sát, một trong những lý do buộc Bộ trưởng Tô Lâm và phe cánh phải gia tăng sức ép đối với Tổng Trọng, buộc ông phải sớm rời bỏ chính trường, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Trọng đang tìm cách để ngồi lại vào nhiệm kỳ thứ 4.

Dẫu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, trong phiên bế mạc, Tổng Trọng đã chính thức thông báo, ông sẽ nghỉ khi hết nhiệm kỳ Đại hội 13, vì tuổi đã quá cao và đã ngồi tới 3 nhiệm kỳ Tổng Bí thư liên tiếp.

Theo giới thạo tin khẳng định, Tổng Trọng hoàn toàn không muốn nghỉ, mà muốn ngồi ghế Tổng Bí thư đến hết đời. Bởi ông Nguyễn Phú Trọng đang lo sợ quy luật: “Cá ăn kiến, rồi có ngày kiến ăn cá”.

Công cuộc “đốt lò” đến nay đã hoàn toàn thất bại so với mục tiêu của nó. Bởi Tổng Trọng đã lợi dụng chống tham nhũng để làm vũ khí triệt hạ phe phái, cũng như bảo vệ các quan chức phe của ông. Việc Bộ Công an mới đây “lật mặt nạ” Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng – một nhân vật thân cận của Tổng Trọng, đã khiến công cuộc “đốt lò” tuột khỏi tầm kiểm soát của Tổng Trọng.

Hơn nữa, công tác nhân sự dưới sự chỉ đạo của Tổng Trọng, trên cương vị Trưởng tiểu ban Nhân sự tại các kỳ Đại hội Đảng gần đây, cho thấy, đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Chỉ trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 13 (2021 – 2026), đã có tới 21/200 uỷ viên Trung ương chính thức và dự khuyết bị kỷ luật, bị khởi tố bắt giam, trong đó có tới 4/18 uỷ viên Bộ Chính trị. Ngoài ra còn rất nhiều tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên các cấp bị kỷ luật, bị khởi tố.

Công luận đánh giá, chưa bao giờ, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ lại để xảy ra tình trạng cán bộ chạy chức chạy quyền, mua ghế, trầm trọng như dưới thời ông Trọng làm Tổng Bí thư. Điều đó cho thấy, chất lượng nhân sự do Trưởng tiểu ban Nhân sự Nguyễn Phú Trọng chọn lựa là rất có vấn đề.

Những điều vừa kể trên cho thấy, việc thay thế, thậm chí là xử lý hình sự đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo tính toán của Tô Lâm, là điều hoàn toàn có cơ sở.

Trong bài viết, “Nguyễn Tấn Dũng lại thoát nữa!” của tác giả Trung Điền, từ năm 2019, đã đưa ra một cảnh báo đáng chú ý, khi cho rằng, “sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ tại Kiên Giang đã hé mở một viễn cảnh, là phe nhóm ông Dũng có thể quậy trở lại trong Đại hội 13”.

Theo tác giả, dẫu ông Trọng làm Tổng Bí thư và lúc đó đang giữ thế thượng phong, nhưng đàn em của ông Dũng trong Chính phủ vẫn còn. Nếu thiếu thận trọng, ông Trọng có thể lãnh đủ. Không những cái “bình” của chế độ này sẽ vỡ, mà ngay cái mạng sống của ông Trọng, cũng không phải không có khả năng biến mất.

Đến nay, ông Trọng đã ở trong tình cảnh “sức tàn lực kiệt”, thì dự báo của tác giả Trung Điền về khả năng quay lại của phe phái Ba Dũng là hoàn toàn có thể.

Xin nhắc lại, mối quan hệ giữa Bộ trưởng Tô Lâm với “thủ trưởng” cũ – Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, còn rất bền chặt. Trong vụ án của Đại tá Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an – con trai của tướng Hưởng, dù bị toà trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại, nhưng cuối cùng, Nguyễn Duy Linh chỉ nhận án phạt 13 năm tù. Điều này được đánh giá là thắng lợi của Tô Lâm.

Chúng ta hãy chờ xem./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023