Điều gì đã xảy ra đối với tham vọng hiện đại hoá lực lượng vũ trang của Việt Nam? 

Vì sao kế hoạch hiện đại hoá quân đội của VN đang “dậm chân tại chỗ”

Ngày 5/3, RFA Tiếng Việt có bài “Kế hoạch hiện đại hoá quân đội của Việt Nam đang “dậm chân tại chỗ”’.

RFA dẫn tính toán của Global Data, một công ty chuyên về thống kê và phân tích dữ liệu, cho biết, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam được dự kiến là đạt mức hơn 10 tỷ USD vào năm 2029.

Tuy nhiên, RFA cho biết, không phải đến bây giờ Việt Nam mới đẩy mạnh chi tiêu cho quân đội, trên thực tế, quá trình hiện đại quá đã được bắt đầu ít nhất trong 2 thập kỷ gần đây, khi Việt Nam mua rất nhiều vũ khí từ Nga và một số quốc gia khác.

Nhưng kể từ năm 2016, tình hình trở nên im ắng một cách đột ngột.

RFA cũng cho biết, ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn không ngừng xuất xưởng các thế hệ vũ khí mới trên quy mô lớn.

RFA dẫn nhận định của Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự, cho biết:

“Ngay sau kỳ Đại hội Đảng gần nhất thì Việt Nam đã công bố một chương trình hiện đại hoá quân sự tầm cỡ, với tham vọng hiện đại hoá từ gốc tới ngọn lực lượng quân đội, và thứ tự ưu tiên rõ ràng. Nhưng kế hoạch này hiện giờ đang bị khựng lại.”

Điều này có nguyên nhân từ các yếu tố trong nền chính trị, cả trong nước lẫn thế giới.

RFA dẫn lý giải của ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành An ninh Hàng hải, tại trường Đại học New South Wales, cho rằng, sự ra đi của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là yếu tố chính trị nội bộ, ảnh hưởng tới kế hoạch mua sắm quốc phòng của Việt Nam.

Một sự thay đổi đáng kể nữa, theo ông Nguyễn Thế Phương, đó là nhận thức của giới lãnh đạo Việt Nam về tình hình an ninh khu vực, bởi họ tự tin là  “khả năng (xảy ra xung đột) là không cao”. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam có thể dùng kênh chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh, chứ không cần dùng đến giải pháp quân sự.

Do vậy, việc đầu tư quá nhiều vào quân đội là không cấp thiết.

RFA cho hay, sự thay đổi về cách tiếp cận vấn đề tranh chấp Biển Đông, là hệ quả của việc thay đổi chính trị thượng tầng. Vì nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có những phát ngôn cương quyết về vấn đề Biển Đông. Nhưng kể từ khi ông Dũng xuống, thì những lãnh đạo kế nhiệm ông đã tỏ ra thận trọng hơn.

Mặt khác, theo RFA, quân đội Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí của Liên Xô trước đây, và của Nga sau này, với hơn 80% số vũ khí mà Việt Nam mua trong khoảng từ năm 1995 đến 2021, là từ Nga.

Tuy nhiên, nguồn cung vũ khí từ Nga đã bị gián đoạn, kể từ khi Nga tiến hành chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, vào năm 2014, dẫn đến việc bị các nước phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt.

Mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, khiến phương Tây triển khai các đòn cấm vận một cách khắc nghiệt hơn.

RFA cho rằng, với những tác động từ tình hình thế giới, Việt Nam đang đối diện với việc phải thay đổi chiến lược hiện đại hoá, để phù hợp hơn với hoàn cảnh và thực tế mới.

Thế nhưng, theo Giáo sư Carlyle Thayer:

“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta không biết là chiến lược mới sẽ trông thế nào, và khi nào các quyết định sẽ được đưa ra.” 

Và theo ông Nguyễn Thế Phương:

“Bối cảnh quốc tế bây giờ càng ngày càng phức tạp và khó đoán, đặc biệt là Biển Đông và Đài Loan… Thứ hai là quá trình hiện đại hoá Hải quân của Trung Quốc diễn ra rất nhanh, người ta nói, Trung Quốc đóng tàu như gà đẻ trứng, mỗi năm mấy chục cái.”

“Nếu như Việt Nam vẫn giữ  tốc độ hiện đại hoá Không quân và Hải quân như bây giờ, thì khả năng răn đe về mặt sức mạnh cứng giữa Việt Nam và Trung Quốc càng ngày sẽ càng bị nới rộng ra.”

“Và trong trường hợp có gì đó xấu nhất xảy ra, thì khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược trong xung đột của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023