Càn quét “tàn quân” của Quyết “Còi”, Tô đang “rình mồi” giới đại gia.

Ngày 31/1,  Bộ Công an đã thông báo với báo chí rằng, họ vừa bắt Doãn Văn Phương, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Faros, cùng với 21 người khác. Tất cả những người này đều liên quan đến việc nâng khống giá trị công ty, để bán cổ phần thu lợi bất chính.

Những người phạm tội bị bắt thì không oan tí nào. Tuy nhiên, việc cả một bộ máy công ty thực hiện trót lọt quá trình nâng khống giá trị của công ty, cho thấy lỗ hổng cực lớn của bộ máy quản lý nhà nước. Một khi Trịnh Văn Quyết làm được, thì những người khác cũng làm được, bởi lỗ hổng này là do cơ chế tạo ra, thì có thể nói, còn rất nhiều đại gia đang làm ăn kiểu Trịnh Văn Quyết nhưng chưa bị bắt.

Ngày 29/1, Công an Hà Nội cũng đã bắt giam bà Phạm Thị Hòa (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (cựu Phó Tổng Giám đốc, con gái bà Hòa), và Nguyễn Thị Lan Hương (cựu Tổng Giám đốc) vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Phạm Thị Hòa và các đồng phạm đã nâng khống vốn điều lệ của Sen Tài Thu, từ 31 tỷ lên thành 160 tỷ, để phát hành cổ phần lừa nhà đầu tư. Bà Phạm Thị Hoàn và các cộng sự đã lừa 400 nhà đầu tư, với số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Quyết thì còn siêu hơn, ông nâng khống từ số vốn siêu nhỏ – 1,5 tỷ đồng, “hô biến” FLC Faros trở thành đại doanh nghiệp, với quy mô 4.500 tỷ đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, việc chưa có quy định rõ ràng về cơ chế ủy thác đầu tư cho cổ đông, cơ chế giám sát, kiểm tra việc định giá tài sản góp vốn. Vì thế, các doanh nghiệp lợi dụng điều này để tăng vốn ảo, “xào nấu” số liệu với mục đích lừa đảo. Câu hỏi đặt ra là, sau vụ Sen Tài Thu Việt Nam, thì còn vụ nào nữa?

Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, một khi luật pháp không nghiêm và có quá nhiều kẽ hở, thì kẻ gian nổi lên, lợi dụng lỗ hổng để lách luật. Cho nên, việc bắt các chủ doanh nghiệp nâng khống giá trị công ty, để lừa đảo nhà đầu tư, cũng chỉ là hớt phần ngọn.

Luật pháp thế nào thì xã hội thế đấy.

Chính quyền Cộng sản cai trị hà khắc chứ không nghiêm minh. Hà khắc tức là tùy tiện xâm phạm đến quyền con người và đời sống riêng tư của người dân. Chính quyền có thể chụp mũ, gán những bản án bỏ túi lên những người vô tội, hoặc áp đặt án nặng cho những người phạm tội nhẹ. Nhưng lại bỏ sót hoặc tha bổng cho những kẻ phạm tội nặng. Cách cai trị này sẽ biến đất nước thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm lộng hành. Trong Đảng thì tham nhũng và lạm quyền tràn lan, ngoài xã hội thì tội phạm nổi lên khắp nơi.

Quốc hội có gần 500 người, nhưng hơn 95% là quan chức. Hầu hết, những người này đều tìm cho mình một nhóm lợi ích để cộng sinh. Luật được làm ra để tạo điều kiện tốt cho các sân sau, cho nên, khó có những quy định chặt chẽ. Hầu hết sân sau lớn mạnh nhờ có quyền lực giúp đỡ, cũng như nhờ kẽ hở pháp luật.

Vì nền tảng luật pháp không nghiêm, vì bộ máy chính quyền toàn tham nhũng, nên có thể nói, loại doanh nghiệp như FLC hay Sen Tài Thu hiện nay rất nhiều. Mà doanh nghiệp sai phạm nhiều lại trở thành nguồn lợi lớn cho Tô Lâm khai thác. Chỉ cần “trảm” vài kẻ làm gương, thì nhiều kẻ khác sẽ vội vã chạy chọt để được “sống”. Cho nên, trong rất nhiều “doanh nhân thành đạt”, không biết, ai sẽ là người vào khám tiếp theo như Trịnh Văn Quyết và Phạm Thị Hòa?

Những “doanh nhân” lừa đảo bị bắt không oan, họ bị trừng phạt là đáng. Chỉ tội cho người dân, vì không biết đâu là sự thật, nên góp vốn với kẻ lừa đảo, để rồi sau đó mất trắng. Những doanh nhân lừa đảo này vét tiền của dân, công an thì ăn tiền của họ, chỉ có người dân hiền lành là mất trắng. Cũng giống như vụ Việt Á và vụ chuyến bay giải cứu, người chịu thiệt vẫn luôn là người dân thấp cổ bé họng.

Ý Nhi – Thoibao.de

3.2.2024

Kasse animation 7.8.2023