Một bản tin trên VOA ngày 30/1 cho hay “Xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong tài khoá 2023”.
VOA dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Hai 29/1 rằng, doanh số bán thiết bị quân sự của Hoa Kỳ cho các chính phủ nước ngoài trong năm 2023 đã tăng 16%, lên mức kỷ lục 238 tỷ đô la, vì các nước mua bù cho số vũ khí, khí tài đã chuyển đến Ukraine, và chuẩn bị cho khả năng xảy ra các cuộc xung đột lớn.
VOA cho biết, các con số đó củng cố kỳ vọng là những công ty như Lockheed Martin, General Dynamics và Northrop Grumman sẽ tiếp tục đạt doanh số bán hàng cao hơn nữa, và cổ phiếu của các hãng này được dự báo sẽ lên giá, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố rằng, việc bán và chuyển giao vũ khí được coi là “các công cụ chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ với những tác động lâu dài tiềm tàng đối với an ninh khu vực và toàn cầu”.
Theo VOA, các đợt bán vũ khí được phê duyệt trong năm, bao gồm Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) trị giá 10 tỷ đô la cho Ba Lan, Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 (AMRAAM) trị giá 2,9 tỷ đô la cho Đức, và các hệ thống Tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) cho Ukraine. Trong đó, Lockheed sản xuất HIMARS; còn RTX, trước đây tên là Raytheon, chế tạo AMRAAM. RTX và Kongsberg của Na Uy sản xuất NASAMS.
VOA cũng dẫn tin từ Lockheed Martin và General Dynamics, dự báo rằng, các đơn hàng hiện nay đặt mua hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng trăm tên lửa đánh chặn Patriot, và lượng đơn đặt mua xe bọc thép có thể tăng mạnh, sẽ củng cố kết quả kinh doanh của họ trong những quý tới.
VOA cũng cho biết, có 2 cách chính để chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ các công ty Hoa Kỳ: Mua bán thương mại trực tiếp được đàm phán với một công ty, hoặc mua bán hàng quân sự nước ngoài, trong đó, một chính phủ thường liên lạc với quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tại đại sứ quán Mỹ ở thủ đô nước đó. Cả hai quy trình này đều phải có sự chấp thuận của Chính phủ Hoa Kỳ.
Vẫn theo VOA, doanh số bán hàng quân sự trực tiếp của các công ty Hoa Kỳ đã tăng lên 157,5 tỷ đô la trong năm tài chính 2023, từ mức 153,6 tỷ đô la trong năm tài chính 2022. Trong khi, doanh số bán hàng được dàn xếp thông qua Chính phủ Hoa Kỳ đã tăng lên 80,9 tỷ đô la vào năm 2023, từ mức 51,9 tỷ đô la của năm trước.
Như vậy, việc doanh số bán vũ khí của Mỹ tăng vọt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Trong đó, Mỹ và các nước phương Tây đã bày tỏ tình đoàn kết, ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng xâm lược Nga.
Được biết, kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine vào tháng 2/2022, đến cuối năm 2023, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã cung cấp viện trợ hơn 75 tỷ USD, dưới dạng tài chính hoặc trang thiết bị cho Ukraine.
Những loại vũ khí Mỹ đã được xuất sang Ukraine, gồm: tên lửa phòng không vác vai Stinger, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, các tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot, tên lửa tầm xa ATACMS, xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams… Đồng thời, Nhà Trắng cũng đã cho phép các đồng minh phương Tây gửi cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, tính đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 44 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, nhiều hơn cả mức đóng góp của 4 nước là Đức, Anh, Na Uy và Đan Mạch cộng lại. Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp các khoản viện trợ về kinh tế, y tế và một số lĩnh vực khác.
Xuân Hưng – thoibao.de
30.1.2024