“Kỳ diệu”! Tuyên giáo đóng được tàu chiến tốc độ hơn máy bay Boeing!

Ngày 29/1, báo Người Quan Sát có bài viết “Chiến hạm tên lửa hiện đại đầu tiên do Việt Nam đóng: Tốc độ tới 1.100km/h, trang bị 16 tên lửa chống hạm và có độ ổn định bậc nhất thế giới”.

Nếu Việt Nam mà có thể đóng được tàu chiến với tốc độ còn hơn cả chiếc Boeing bay trên bầu trời, thì có thể nói, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về công nghệ quốc phòng. Vậy thực hư ra sao?

Tuy tựa đề “nổ” như vậy, nhưng nội dung bài báo thì lại khác. Bài báo cho biết, hai tàu tên lửa HQ 377 và HQ 378 thuộc lớp Project 1241.8 do Viện Almaz (Liên bang Nga) thiết kế, và nhà máy đóng tàu Ba Son đóng. Vận tốc kinh tế của con tàu 12-14 hải lý, lớn nhất 42 hải lý/h.

Vận tốc 1.100 km/h là của tên lửa chống hạm cận âm Uran-E, có tầm bắn 130km, được trang bị trên tàu này.

Đây là chiêu trò quen thuộc của Tuyên giáo, họ thường tìm đủ cách để ca tụng quá lố những thành tựu của quân đội và Chính phủ. Trong trường hợp này, họ cố tình giật tít gây hiểu nhầm. Nếu đọc kỹ nội dung thì sẽ hiểu ra vấn đề, còn chỉ đọc lướt tiêu đề, thì sẽ hiểu nhầm. Mà đa số người dân, khi đọc báo thì chỉ lướt tiêu đề, vì thế, có thể hiểu, đây là chiêu trò “đánh lận con đen” của Tuyên giáo, nhằm tạo ra dư luận có lợi cho Đảng.

Đến chiều 29/1, tựa đề bài báo nói trên đã được thay đổi, không còn câu “Tốc độ tới 1.100km/h” nữa, chỉ còn lại là “Chiến hạm tên lửa hiện đại đầu tiên do Việt Nam đóng: Trang bị 16 tên lửa chống hạm và có độ ổn định bậc nhất thế giới”. Nhưng cái tựa thu gọn này vẫn còn “nổ”, với cụm từ “độ ổn định bậc nhất thế giới”.

Thực chất, khi các quốc gia khác chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nhất là các quốc gia “anh em” như Nga hay Trung Quốc, thì hầu hết là những công nghệ lạc hậu, hoặc chỉ chuyển giao một phần. Chẳng ai lại chuyển giao công nghệ lõi, đặc biệt là công nghệ quốc phòng.

Có lần, phát biểu trước Quốc hội, ông Phan Văn Giang –  Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng thừa nhận điều kể trên. Để có được những công nghệ lõi, ngoài việc phải tự nghiên cứu, thì không còn cách nào khác.

Thực ra, ông Phan Văn Giang không muốn nói hết sự thật. Những công nghệ lõi trong lĩnh vực quốc phòng, ngoài việc tự nghiên cứu, thì còn có thể “ăn cắp công nghệ”, bằng cài gián điệp công nghệ, hoặc mua chuộc nhân viên của đối phương. Tuy nhiên, để ăn cắp được công nghệ, thì thường tình báo phải mạnh. Còn trình độ như tình báo Việt Nam, thì rất khó để “ăn cắp” công nghệ nước khác.

Thông thường, phải là cường quốc kinh tế thì mới có thể trở thành cường quốc quân sự. Muốn theo kịp công nghệ quốc phòng của các nước trên thế giới, thì Việt Nam phải có đủ chất xám mới tiếp thu được.

Từ năm 2015, Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam mua vũ khí tối tân từ Mỹ. Cho dù chưa mua được vũ khí tối tân nhất, nhưng cũng đã là “bầu trời công nghệ” so với vũ Nga và Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính sang Mỹ hồi tháng 9/2023, báo chí quốc tế có đưa tin rằng, Thủ tướng Việt Nam có “ve vãn” tiêm kích F16 của Mỹ. Đây là loại tiêm kích do hãng Lockheed Martin chế tạo từ năm 1970. Tuy cũ, nhưng nó vẫn là loại tiêm kích đáng mơ ước đối với các nước nhỏ trên thế giới.

Nếu Việt Nam có nguồn chất xám chất lượng, đặc biệt là trong quân đội, thì việc sở hữu tiêm kích F16 cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi về công nghệ. Bởi khi đã sở hữu nó, Việt Nam có thể dùng nó để nghiên cứu công nghệ. Giả sử F16 mà rơi vào tay Trung Quốc, thì họ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội sao chép.

Chiến tranh Ukraine đã cho thấy, vũ khí Nga lạc hậu như thế nào so với vũ khí phương Tây. Ngoài việc đem vũ khí hạt nhân ra dọa, Nga chẳng thể hiện được gì vượt trội. Đây là hệ quả tất yếu của một nhà nước độc tài. Nga vốn có nguồn chất xám chất lượng, tuy nhiên, rất nhiều trí thức, bác học Nga đã tìm cách chạy ra nước ngoài sinh sống, để tránh một chính quyền hà khắc. Nơi họ chọn nhiều nhất là Mỹ, sau đó là các nước châu Âu.

Nếu Việt Nam vẫn bám Nga, thì chỉ tốn tiền dân để mua những vũ khí “đồng nát” về trữ mà thôi.

Ý Nhi – Thoibao.de

30.1.2024

Kasse animation 7.8.2023