Huy động vàng trong dân chủ trương “gửi trứng cho ác” để lừa dân của Thủ Chính?

Chuyện các quan chức lãnh đạo Việt Nam cho rằng, tiền và vàng trong dân còn nhiều lắm, là bằng chứng cho thấy chính quyền Việt Nam luôn tìm cách móc hầu bao của người dân, là chuyện có thật.

Ngày 25/1, báo điện tử VietNamnet đưa tin với tiêu đề, “Đề nghị lập sàn, hút 400 tấn vàng trong két nhà dân”. Bản tin cho biết, tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia đề nghị, thành lập sàn giao dịch vàng, để có thể huy động khoảng 400 tấn vàng đang nằm trong két nhà dân.

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay, hầu hết người dân mua vàng về bỏ tủ, cất két để đề phòng rủi ro, thì đồng tiền đó có sinh lời và lưu thông hay không? Do đó, khi nhà nước có sàn vàng thì sẽ thay đổi tâm lý của họ. Thay vì mua vàng thì người dân sẽ mua chứng chỉ vàng, sẽ yên tâm hơn và tiện lợi hơn, không lo cất trữ vàng. Và khi đó, vàng sẽ là hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Điều đó có nghĩa là, người dân đưa vàng cho nhà nước quản lý, và sẽ được nhận lại một tờ biên lai, gọi là “Chứng chỉ Vàng”, về cất trong két, thay cho vàng thật trước đó.

 

Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung thấy rằng: “Người dân trữ vàng là để phòng khi rủi ro. Gửi cho tụi bây để nhận lại tờ giấy “chứng chỉ gửi vàng” à? Nếu thời cuộc thay đổi, chế độ thay đổi, thì đốt tờ giấy chứng chỉ gửi vàng ra mà ăn à?” Hay “Bản tính của con người là muốn kiếm lợi. Người dân cũng muốn đầu tư sinh lợi. Khi đủ cơ hội và an toàn pháp lý, thì tự họ sẽ đầu tư, không cần ai thúc giục” v.v….

Chắc chắn, khi biết đề nghị của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, 100% người dân sẽ lắc đầu và cười sự ấu trĩ của nhà nước, khi muốn lừa dân.

Trong quá khứ, nhà nước Cộng sản đã nhiều lần vay tiền của dân, như công phiếu kháng chiến từ 1948 cho đến 1952; Công trái Quốc gia phát hành từ 1947 – 1948; rồi Công phiếu nuôi quân năm 1964. Lần cuối cùng là Nhà nước Việt Nam phát hành Công trái là năm 1985. Đó là những khoản nợ dân mà nhà nước phải trả. Nhưng đến nay, nhà nước đã lờ đi và người dân coi như đã mất không.

Được biết, ngày 17/7/2017, Bộ Tài chính Việt Nam có văn bản, hứa sẽ trả nợ tiền công trái kháng chiến cho dân. Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 17/7/2017 đưa tin:

“Tiền nợ trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ phải được thanh toán cho dân. Đây là đề nghị của Bộ Tài chính hôm nay, ngày 17/7, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.”

Nhưng sau đó không thấy có động tĩnh gì?

Trở lại việc nhà nước tổ chức thị trường giao dịch vàng, để hút vàng trong dân – “vừa ích nước, vừa lợi nhà” – là chủ trương đúng và hợp lý. Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trong một lần trả lời phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) giải thích:

“Vay mượn theo kiểu đó là vay mượn có thế chấp và thế chấp bằng vàng. Có thể vay mượn với giá rất rẻ và lãi suất thấp, và dùng số tiền đó để phát triển kinh tế. Nhưng hệ thống tài chính ngân hàng phải đứng ra là người huy động số vàng đó và phát hành chứng chỉ vàng, đó phải là chứng chỉ có trả lãi thì dân họ cảm thấy có lợi và đương nhiên Nhà nước phải bảo đảm, và rủi ro là 0%”.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tài chính, đa số thấy rằng, “Nhà nước Việt nam khó huy động vàng trong dân, bởi dân chúng đã mất lòng tin trầm trọng với nhà nước”.

Việc huy động tiền vốn nhàn rỗi trong dân là điều không hề mới tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình, đã trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân. Nhưng kết quả, cơ quan chức năng không thể thực hiện được. Câu trả lời đơn giản là, khi người dân mất niềm tin vào chính thể, thì sẽ dẫn tới mất niềm tin tín dụng.

Theo các chuyên gia kinh tế, có ý kiến nghi ngờ, hiện nay Việt Nam nợ nước ngoài rất nhiều, khoảng 40 – 50 tỷ USD, và mỗi năm phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế từ 6 đến 8 tỷ USD, đặc biệt có những năm lên tới 10 hoặc 12 tỷ USD. Nhiều năm gần đây, Việt Nam không có tiền để tự trả nợ, mà phải vay để đảo nợ. Vì vậy, việc huy động vàng để trả nợ cũng là một rủi ro, nếu mất khả năng thanh khoản.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, sẽ khiến người dân tin tưởng đưa vàng ra đầu tư, thay vì cất trữ như hiện nay. Vấn đề cần thiết là phải tạo được lòng tin cho người dân, nhưng bằng cách nào? Tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian gần đây, nhất là vụ SCB vừa qua, đã gây thêm nghi ngại nhiều hơn trong dân.

Vấn đề là, Chính phủ Việt Nam phải nghĩ cách cải thiện môi trường, tạo cơ sở pháp lý để người dân an tâm đầu tư. Khi người dân tin nhà nước, thì họ sẽ đầu tư. Đừng để người dân mãi tin rằng,“đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy xem những gì Cộng sản làm!”, như lời cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu./.

 

Trà My – Thoibao.de

27.1.2024

Kasse animation 7.8.2023