Sau bê bối đội vốn, kéo dài. Hà Nội lại hợp tác với nhà thầu Trung Quốc!

Ngày 18/1, RFA Tiếng Việt loan tin “Hà Nội và tập đoàn Trung Quốc hợp tác xây tuyến metro Văn Cao – Hoà Lạc”.

RFA dẫn truyền thông nhà nước cho biết, trong ngày 18/1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đã ký bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến metro số 5, với tổng kinh phí đầu tư sơ bộ khoảng gần 90.000 tỷ đồng.

Theo RFA, metro số 5 hay còn gọi Văn Cao – Hòa Lạc, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ hai giai đoạn, 2016 – 2020 và 2020 – 2030. Tuy nhiên, thời điểm triển khai giai đoạn 2016 – 2020 đã qua, nên mục tiêu hiện nay là đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 – 2025.

Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, được lãnh đạo thủ đô và người dân đặc biệt quan tâm.

RFA dẫn biên bản ký kết với Tập đoàn Trung Quốc, cho hay, các bên sẽ tham gia xây dựng dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5 km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao vành đai 3 (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên). Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Dự án thứ hai là đầu tư xây dựng tuyến metro số 5, đoạn Văn Cao – Hòa Lạc, với tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.

RFA cho biết, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương của Trung Quốc (viết tắt là CPCG), được thành lập năm 1986. Đây là doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công trình và xây dựng với ngành nghề trọng tâm là đầu tư, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng.

Vẫn theo RFA, vào tháng 4/2023, lãnh đạo Hà Nội đã từng tuyên bố với truyền thông rằng, muốn Trung Quốc làm thêm dự án đường sắt đô thị ở thủ đô Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm từ dự án Cát Linh – Hà Nội. Tuy nhiên, tuyên bố trên đã gặp phải nhiều phản ứng từ người dân và giới chuyên gia. Các chuyên gia lúc bấy giờ cho rằng, Hà Nội không nên đi theo vết xe đổ Cát Linh – Hà Đông, khi dự án này trở thành “biểu tượng lỡ hẹn” và khiến người dân mất lòng tin vào Chính phủ.

Theo đó, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do Tổng thầu EPC Trung Quốc thiết kế vào năm 2008, bắt đầu khởi công năm 2011, nhiều lần điều chỉnh vốn, đội vốn hơn 205%, 4 lần dời ngày hoạt động thương mại. Đến giữa năm 2021, Bộ Tài chính Việt Nam phải ứng tiền từ quỹ tích lũy để trả nợ gốc khoản vay theo cam kết của Chính phủ Hà Nội trong Hiệp định ký với Trung Quốc.

RFA cho biết thêm, tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là 553 triệu USD; đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên hơn 868 triệu USD. Trong số này, vốn vay của Trung Quốc là 669 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 198 triệu USD.

Dự án bị xem là “biểu tượng trễ hẹn và đội vốn” qua 5 đời Bộ trưởng Giao thông Vận tải, gồm các ông: Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và Nguyễn Văn Thể. Trong năm đầu hoạt động đã bị lỗ đến lỗ 160 tỷ.

Không riêng dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, rất nhiều dự án trên thế giới vay vốn Trung Quốc để đầu tư, đồng thời sử dụng nhà thầu Trung Quốc, đã bị sập “bẫy nợ”.

Nhiều nước do không trả được nợ vay, đã phải nhượng quyền tài sản chiến lược cho Trung Quốc, điển hình như Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm. Đây là cảng có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương.

Thu Phương – thoibao.de

18.1.2024

Kasse animation 7.8.2023