Link Video: https://youtu.be/seDW9dwxqBM
Ngày 28/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Chức danh Giáo sư cho Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Thói háo danh của quan chức?”
Theo đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã được bổ nhiệm chức danh Giáo sư tại Học viện Cảnh sát Nhân dân.
RFA dẫn lời một giảng viên đại học ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, nói:
“Cái quan trọng cần đặt vấn đề ở đây là, một năm anh lên lịch giảng dạy bao nhiêu tiết tiêu chuẩn; thực hiện bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh, để đủ chuẩn xét giáo sư.
Với một người như ông Nguyễn Hòa Bình, một ngày họp vài ba lần thì thời gian giảng dạy là bao nhiêu? Công trình nghiên cứu khoa học ở đâu không ai thấy…
Theo tôi biết, thường thường các đề tài nghiên cứu khoa học của các lãnh đạo, được cấp dưới làm từng chuyên đề ghép lại với nhau, thành một chương. Nếu chưa có tiến sĩ thì lấy ba cái chuyên đề ghép lại với nhau, viết lời mở đầu, kết luận trở thành luận án tiến sĩ. Ba, bốn cái chuyên đề in thành sách thì trở thành công trình nghiên cứu khoa học để xét phó giáo sư. Cứ thế mà thành giáo sư thôi. Do háo danh mà nhiều người mang danh giáo sư nhưng cái đầu rỗng tuếch.”
RFA tiếp tục dẫn lời Luật sư Nguyễn Văn Miếng, nêu quan điểm:
“Tôi không biết ông ấy đã từng giảng dạy ở đâu chưa và thời gian giảng dạy như thế nào, thành tích ra sao. Nhưng khi ông ấy chọn trường này thì trường này lại “lại quả” cho ông ấy, bằng cách phong cho ông ấy chức danh giáo sư. Tôi cho rằng, việc này không được khách quan và có hình thức tư lợi trong đó.
Như vậy, những đường hướng, những suy nghĩ của công an và của tòa án bỗng nhiên thành một. Không có sự độc lập nào cả, bởi khi ông Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao là Giáo sư của Học viện này, thì công an sẽ phải làm đúng yêu cầu mà tòa án đưa ra.”
RFA cho biết, trước khi ông Nguyễn Hòa Bình được Học viện Cảnh sát Nhân dân bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 648 ứng viên, đến từ 28 ngành, được đề xuất đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023. Điều đáng nói là, trong ngành Khoa học An ninh chỉ có một ứng viên đủ tiêu chuẩn là ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
RFA dẫn ý kiến một số người cho rằng, ông Nguyễn Hòa Bình không xứng đáng là một giáo sư nếu nói về trình độ chuyên môn, với những phát ngôn bất nhất của mình. Chẳng hạn, vào đầu năm 2021, ông Bình phát biểu trước Quốc hội rằng: “Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội”.
Đến tháng 9/2022, ông Bình lại nói rằng, Nghị quyết của Quốc hội cho phép 1,5% của 600.000 vụ án, tức là khoảng 9.000 vụ được phép sai do lỗi chủ quan.
RFA dẫn bình luận của Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng:
“Qua sự việc nêu trên cho thấy, việc giao thẩm quyền và cấp giáo sư trong nước hết sức tùy tiện và bừa bãi. Theo đó, giáo sư không còn ý nghĩa như sự công nhận chức danh dựa trên nền tảng học vấn và khả năng sư phạm nữa, mà đã trở thành danh xưng trang trí để các quan chức chia chác, ban phát làm đẹp tên tuổi cho nhau mà thôi. Cho thấy một thực trạng rằng, tuy học vấn kém cỏi, trình độ hạn hẹp, đạo đức suy đồi, nhưng các quan chức Cộng sản vẫn rất trọng vọng, hám danh đối với các học hàm, học vị, chức danh vốn chỉ dành cho người có học vấn cao, trình độ uyên bác.”
Cũng theo Luật sư Mạnh, với tư cách là quan chức làm việc toàn thời gian trong ngành tòa án, ông Nguyễn Hòa Bình không được phép và cũng không thể tham gia công tác giảng dạy như một giáo sư của Học viện Cảnh sát.
Ý Nhi
>>> Vì sao Tổng Trọng giải cứu cho “vua con” Trịnh Văn Chiến nhưng bất thành?
>>> Vì sao Tô Bộ trưởng để quyền lực sa sút và bị “hắt hủi” so với lệ thường?
>>> Tuyên giáo ngày một độc hại, công an ngày một nguy hiểm. Đảng nhuộm đỏ xã hội bằng chất bẩn!
>>> Khởi tố Trịnh Văn Chiến mà không bắt giam, Tô muốn để chim xổng chuồng rồi tốn công bắt?
Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị điều tra tội “rửa tiền”