Quan hệ Việt Nam – Campuchia có được cải thiện dưới thời ông Hun Manet?

Link Video: https://youtu.be/tUCPKhvEg1U

Ngày 2/8, truyền thông quốc tế đã bình luận về mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, theo đó, hai bên còn vướng mắc về 3 vấn đề lớn, đã kéo dài trong hàng thập kỷ qua.

Ba vấn đề lớn đó là: Đường biên giới chưa cắm mốc hoàn chỉnh; hàng chục ngàn người gốc Việt tại Campuchia sinh sống trong tình trạng “vô chính phủ”; và quan điểm khác nhau về việc Việt Nam xâm lược hay giải phóng Campuchia.

Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung hơn 1.200 km. Cho đến nay, mới chỉ có 84% đường biên giới chung được chính thức phân giới cắm mốc. Vấn đề này từng gây căng thẳng vào năm 2020, khi Campuchia nói, binh sĩ Việt Nam dựng 31 lều cắm gần biên giới, khu vực hai bên chưa đạt được thỏa thuận phân giới cắm mốc.

Vấn đề biên giới với Việt Nam là chủ đề nhạy cảm tại Campuchia. Hơn 10 năm trước, một nhân vật đối lập, ông Sam Rainsy, lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc, hiện đã bị giải tán, thường xuyên cáo buộc Chính phủ Campuchia, đặc biệt là Thủ tướng Hun Sen, đã nhượng đất cho Việt Nam, cho phép người nhập cư Việt Nam sinh sống trái phép tại đây.

Tiến sĩ Heng Kimkong, Đại học Queensland (Úc), hiện là nhà nghiên cứu cấp cao từ Cambodia Development Center cho biết, nhiều người dân Campuchia vẫn có tâm lý cho rằng, Việt Nam còn ý muốn bành trướng và xâm lấn vào đất đai của Campuchia, bất kỳ khi nào có khả năng, mặc dù tâm lý “bài Việt Nam” dường như đã suy giảm trong những năm qua.

Người Campuchia có niềm tin rằng, quốc gia này đã để mất Kampuchea Krom và đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc) vào tay Việt Nam trong quá khứ, và họ cáo buộc Chính phủ Campuchia đang vận hành dưới tầm ảnh hưởng của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng:

Phú Quốc đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858) và xâm lược Campuchia (1884).

Người Khmer chưa hề làm chủ vùng đất này. Đế quốc Angkor trong thời cực thịnh nhất, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, cũng chưa bao giờ làm chủ vùng đất này, vì một lý do đơn giản: Người Khmer không có mặt trên đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học không tìm thấy đền đài nào của thời Angkor trên đồng bằng sông Cửu Long. Cũng nên biết, nền văn minh chói sáng của các thời đại Angkor thể hiện qua các công trình kiến trúc bằng đá, tất cả đều tập trung quanh khu vực Siem Reap và Battambang.”

Hình: Bài bình luận trên đài BBC Tiếng Việt

Một vấn đề khác là những quan điểm đối nghịch về vai trò của Việt Nam trong việc tiêu diệt Khmer Đỏ.

Tiến sĩ Heng Kimkong cũng cho biết, ngày 7/1/1979, ngày chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, được quan điểm đối lập ở Campuchia gọi là “Ngày Xâm lược”, trong khi giới cầm quyền ở Campuchia thì gọi là “Ngày Chiến thắng”.

Bởi vì, Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, tuy nhiên, sau đó lại duy trì sự hiện diện quân sự từ năm 1979 đến 1989, khiến giới đối lập người Campuchia coi đây là sự chiếm đóng.

Vấn đề vướng mắc cuối cùng trong quan hệ hai nước, là có hơn 100.000 người gốc Việt phải chịu cảnh sống “vô chính phủ” tại Campuchia khi không được nhập quốc tịch.

Tiến sĩ Heng Kimkong cho biết, đây là vấn đề mang tính nhạy cảm, tạo ảnh hưởng đến nền chính trị của Campuchia và tạo nên sự chia rẽ trong lòng người dân Campuchia. Vấn đề này có thể bị lợi dụng để làm gia tăng tinh thần dân tộc và tâm lý chống Việt Nam tại Campuchia.

Theo tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen vào ngày 26/7, ông Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen, dự kiến sẽ trở thành thủ tướng mới của Campuchia vào ngày 10/8 tới đây

Tiến sĩ Heng Kimkong nói rằng, ba vấn đề còn tồn đọng giữa Việt Nam và Campuchia “không thể dễ dàng được giải quyết dưới thời Hun Manet“. Bởi vì, “Chính phủ do Đảng CPP lãnh đạo có thể không đủ động lực để giải quyết những vấn đề này”, và họ “có thể tập trung về phát triển kinh tế hơn”.

Ông Hun Manet cho đến nay rất ít trả lời phỏng vấn của truyền thông và có ít thông tin có thể hé lộ về tầm nhìn của ông dành cho Campuchia và 16 triệu người dân. Ông thường tránh né các bài phát biểu dài trong chiến dịch vận động của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), chỉ nói ngắn như, “bỏ phiếu cho Đảng CPP là bỏ phiếu vì một tương lai tươi sáng” và cảnh báo về những nỗ lực “cực đoan” nhằm “phá hủy cuộc bầu cử“.

Tuy người Campuchia hy vọng ông Manet sẽ đưa ra một sự thay đổi, nhưng Tiến sĩ Heng Kimkong nhận xét rằng: “Có khả năng hơn là vai trò lãnh đạo của ông ấy sẽ bị đóng khung trong một hệ thống do chính cha ông ấy tạo nên“.

Ý Nhi

>>> Người Philippines có những hành động chống Việt Nam

>>> Khái niệm “tiền công đức” là gì?

>>> “Ấn Độ – Thái Bình Dương” – một thực thể địa chính trị mới

>>> Câu chuyện kiểm duyệt nghệ thuật tại Việt Nam.

Vì sao báo chí Việt Nam phải ký kết “tay tư”?


Kasse animation 7.8.2023