Lệnh truy nã của ICC đối với Puitn có tác động như thế nào?

Link Video: https://youtu.be/ETSQFmFRctM

Ngày 17/03, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh truy nã Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì tội cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraina đến Nga. Phân tích về vấn đề này, cũng ngày 17/3, Time Magazine có bài viết với tựa đề tạm dịch là “ICC đã ban hành lệnh truy nã đối với Vladimir Putin. Liệu ông ta có thực sự bị bắt”.

Bài viết cho biết, thông báo của ICC được đưa ra sau khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo về việc Nga phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lăng Ukraina. Báo cáo này cáo buộc Putin đã cưỡng bức hàng ngàn trẻ em Ukraina đến Nga. Những tội ác này không chỉ đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất, khiến gia đình chia cắt, mà còn thể hiện một nỗ lực có hệ thống nhằm xóa bỏ bản sắc Ukraina, bằng cách cải tạo những đứa trẻ này thành người Nga.

Theo bài viết, mặc dù vẫn chưa có con số chính xác bao nhiêu trẻ em đã bị đưa đến Nga, nhưng theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, cả chính quyền Nga và Ukraina đều cho hay, hàng trăm ngàn trẻ em Ukraina đã đến Nga. Các quan chức Nga bị cáo buộc đã trao những đứa trẻ này cho các gia đình nhận con nuôi và cấp quốc tịch Nga cho các em, trong số đó có những trẻ đã bị mất cha mẹ, hoặc bị chia cắt khi bố mẹ bị bắt. Nga đã công khai thừa nhận sự tồn tại của “chương trình trẻ em” này, nhưng khẳng định họ đưa những đưa trẻ này đến Nga là để bảo vệ chúng.

Tuy nhiên, bài viết cho hay, Ủy ban Điều tra Liên Hiệp Quốc, phản bác lập luận đó, và cho rằng: “Việc di dời dân cư không thể được biện minh bởi lý do về an toàn hay y tế…, chính quyền Nga cũng không tìm cách liên lạc với người thân của những đứa trẻ này hay với chính quyền Ukraina”.

Bài báo phân tích, với lệnh truy nã của ICC, Tổng thống Nga khó có thể bị bắt giữ khi vẫn đang nắm quyền. ICC không có lực lượng an ninh của riêng mình và phụ thuộc vào các quốc gia để thực thi lệnh bắt giữ.

Có tất cả 123 quốc gia trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thừa nhận Quy chế Roma, cũng như thừa nhận tòa ICC. Nga là quốc gia không thừa nhận tòa này. Như vậy, trong thời gian tới, Putin khó có thể đến thăm một quốc gia thừa nhận quy chế này. Nhưng, theo bài báo, ngay cả khi Putin ra khỏi lãnh thổ của Nga, cũng không có gì bảo đảm là ông sẽ bị bắt, vì còn tùy các nước mà Putin đến, có sẵn sàng bắt ông ta hay không.

Hiện nay, Nga vẫn là một trong những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Việc bắt giữ Tổng thống Putin có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với bất cứ quốc gia nào thực hiện điều này.

Hình: Bài trên Time Magazine

Bài báo nêu dẫn chứng, trong quá khứ, lệnh truy nã của ICC đã từng bị phớt lờ. Ví dụ như trường hợp của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Ông này đã ra nước ngoài nhiều lần, bất chấp lệnh bắt giữ của ICC vì liên quan đến nạn diệt chủng ở Darfur.

Thậm chí, bài báo nhận xét, ngay cả khi Tổng thống Nga và phe của ông mất quyền lực ở Nga, và một chính phủ khác muốn dẫn độ Putin đến trụ sở của ICC, thì cũng có một trở ngại lớn: Hiến Pháp Nga cấm dẫn độ công dân Nga sang một quốc gia khác.

Tuy nhiên, dù không bắt được Putin, nhưng lệnh truy nã này vẫn có thể gây ra những hậu quả chính trị, đồng thời làm suy yếu vị thế của ông Putin trên trường quốc tế. Ngoài việc không thể công du đến 123 nước công nhận ICC, ông Putin còn bị chuyển từ đối tượng có thể đàm phán thành người bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, bị cô lập. Mà hậu quả khó lường nhất, theo bài báo, ngoài cách mà xã hội Nga nhìn vị lãnh đạo của mình, thì không một quốc gia hay trung gian hòa giải nào có thể hủy bỏ lệnh bắt giữ của ICC.

Bài báo nhận định rằng, kể từ khi nổ ra cuộc chiến Ukraina, nhiều nước phương Tây đã xa lánh Nga. Nhưng ông Putin vẫn hy vọng nhận được ủng hộ từ các quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi,… những nước có thể cho rằng, Nga buộc phải hành động như vậy là do mối đe dọa NATO. Nay quyết định của ICC có thể làm lung lay lập trường của những nước đó. Hơn nữa, thông báo này có thể thúc đẩy sự ủng hộ của các nước thành viên NATO dành cho Ukraina về mặt quân sự và làm NATO thêm hùng mạnh.

Bài báo cho biết, có những lý do khiến lệnh truy nã của ICC khó thực hiện, đó là, có 3 cường quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga vẫn không công nhận sự tồn tại của ICC. Lý do thứ hai là, chính Hoa Kỳ, lãnh đạo của phương Tây và phe dân chủ, cũng bị xem là vi phạm luật pháp quốc tế, phạm tội xâm lược Irak và tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Trong các nhà tù bí mật của CIA ở Guatanamo vẫn thực hiện những hình thức tra tấn bị luật pháp quốc tế cấm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn không bị trừng phạt.

Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Chuyện lạ nhưng có thật! Tô Đại tướng “vả mặt” Tô Bộ trưởng

>>> Nhổ ra rồi hốt lại, Thiếu tướng Lê Hồng Nam tự “vả vào mặt” hay tìm kế hoãn binh?

>>> Cặp Ngà voi của Lê Khả Phiêu và 7 tấn ngà voi buôn lậu. Có cung ắt có cầu

>>> Sợ “cá mập trắng” Lê Thanh Thản, Công an Hà Nội hốt cá lòng tong lập công

Chính quyền Canada xem xét đơn tố cáo Việt Nam vi phạm CPTPP