Binh sĩ gốc Việt tin tưởng vào một chiến thắng đang đến gần cho Ukraine

Ngày 20/3, BBC Tiếng Việt có bài viết kể về một binh sĩ gốc Việt đang chiến đấu ở Ukrane của tác giả Huyền Trân. Bài viết có tựa đề “Binh sĩ gốc Việt Nguyễn Lâm Tùng: “Ngày chiến thắng đang đến gần cho Ukraine”.

Tác giả cho biết, sau ba tuần liên lạc, tác giả đã gặp được binh sĩ người Ukraine gốc Việt, Nguyễn Lâm Tùng, vì lịch trình huấn luyện và chiến đấu của anh rất dày đặc.

Anh Tùng kể cho tác giả nghe câu chuyện của mình từ căn phòng của chỉ huy ở ngoại ô Kyiv.

Bài trên BBC

Người lính Ukraine gốc Việt, 33 tuổi quê ở tỉnh Hà Đông cũ, giờ thuộc thành phố Hà Nội, sang Ukraine định cư cùng gia đình cách đây 13 năm.

“Ban đầu mới qua Ukraine thì tôi đi học rồi đi làm. Tôi là một vận động viên thể hình thi đấu chuyên nghiệp, và sau đó đi làm huấn luyện viên”, anh kể lại.

Sau đó anh được gọi vào đội tuyển quốc gia Ukraine và trở thành công dân Ukraine cách đây khoảng bốn năm.

Binh sĩ Tùng cho biết, bố mẹ anh đã ra nước ngoài tị nạn, sau khi ngôi nhà của họ ở thành phố Chernihiv, gần biên giới với Belarus, bị đạn bắn và không thể ở được nữa.

Tùng cho biết, anh quyết định “không thể đứng ngoài cuộc” khi chứng kiến trực tiếp những mộ chôn tập thể hàng chục người, và những tội ác man rợ của quân Nga.

“Ở một số thị trấn quanh thủ đô Kyiv, sau khi quân Nga rút đi, tôi đã tận mắt chứng kiến những cảnh quá man rợ như đàn bà, trẻ con bị hãm hiếp, đàn ông bị trói tay đưa ra sau lưng, cho xuống dưới hầm rồi bị quân Nga bắn vào đầu. Khi tôi vào đấy và nhìn thấy những cảnh đó thì mình thật sự không thể nói nên lời. Hai ba ngày tôi không ăn được cơm vì quá kinh khủng.”

“Nga tấn công vào thì khi đó Bucha là một thị trấn giàu có, người có tiền thường ra đó ở vì gần Kyiv, lại có rừng, sông, hồ. Những thành phố đó là những thành phố yên bình, chỉ cách Kyiv khoảng 15, 20 km, đâu phải là những vùng giáp với biên giới Nga đâu.”

“Những người còn sống lại kể lại những câu chuyện mà người bình thường nghe cứ tưởng là bịa đặt, như quân lính Nga giết bố, nhốt mấy mẹ con dưới hầm, xong rồi, chúng thay nhau vào cưỡng hiếp bà mẹ đó, khi rồi buổi đêm, chắc khi tụi nó say xỉn, bà mẹ ấy chạy trốn được ra ngoài.”

Anh Tùng cho biết, “Không thể nào ngụy tạo cả một thị trấn như vậy, gồm cả hàng nghìn người. Tôi không thể hiểu là việc dựng nên cả một cảnh như vậy là để làm gì. Còn hàng trăm đoạn video quân Nga vào bắn phá, chém giết, thậm chí cướp máy giặt, lò vi sóng, tivi…”

Anh cũng cho biết, “Đồng đội của tôi hy sinh cũng nhiều, có cả người gia nhập ngũ cùng với mình, rồi người có kinh nghiệm chiến đấu cả 7-8 năm. Trong nhóm mình có hai người bị hy sinh, nhiều người bị thương, đội trưởng của tôi bị mất một chân khi bị ném lựu đạn vào”.

Tùng kể lại thời khắc sinh tử khi ngồi trên xe quân sự, hỗ trợ hỏa lực để đi giải cứu đồng đội với người đội trưởng bị trọng thương.

“Đó là khoảnh khắc gần nhất mà tôi không biết sống hay chết là thế nào, bởi vì khi xe đi vào có khi kéo được người ra hoặc có khi không đi ra được luôn. Rất may hôm ấy vì có hỏa lực nên xe đi vào không bị phản công mạnh như lúc đầu. Tuy nhiên, sau khi đưa người đội trưởng của tôi ra được, thì sau hai giờ, 11 người đồng đội của tôi đã bị hy sinh, khi xe bọc thép đi vào bãi mìn chống tăng.”

Với anh Tùng, sự giúp đỡ, quyên góp từ các tình nguyện viên ở Ukraine, hay người Việt Nam ở châu Âu, với những thiết bị quân sự đắt tiền như ống kính nhìn ban đêm, ốm nhòm trên súng, khi chúng bị rơi và hỏng với giá từ 2.000- 3.000 USD hay drone với giá từ 3.000 USD, luôn là nguồn hỗ trợ đáng quý.

“Chúng tôi không thể để quân Nga đến gần quá, chiến hào phải cách ít nhất khoảng 600 từ 700 mét. Tôi được trang bị ống nhòm, drone, kính chịu nhiệt. Khi Nga bắt đầu tiến quân gần đến mình, thì đầu tiên phải dùng hỏa lực như mìn, khi đến gần quá rồi thì mình mới bắn. Hầu như không có giao tranh trực tiếp.”

Theo anh Tùng, nếu như phía Ukraine chọn chiến thuật bảo toàn quân số càng nhiều càng tốt, thì Nga lại “không tiếc đạn, không tiếc người”.

“Có khi quân Nga đi một đội 15 – 17 người, khi bị mình bắn hạ rồi thì Nga lại cho đội khác lên tiếp. Nga sử dụng chiến thuật cũ từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, vì có nhiều người, nhiều vũ khí hơn nên không tiếc quân số, đạn dược. Ngày nào Nga cũng bị mất quân đến mấy trăm người là chuyện bình thường.”

Về đạn dược thì, “Nga đã bắn pháo vào thành phố cho đến khi nào tất cả bị san phẳng, rồi mới đưa quân vào chiếm. Dù khi đó Ukraine đã rút quân đi lâu rồi nhưng Nga vẫn cứ bắn phá. Đó là những hành động vô lý, tôi không hiểu trong đầu Nga nghĩ gì khi đánh sập cả thành phố như vậy”.

Anh Tùng cho biết thêm, “Ukraine là một nước có tự do ngôn luận nên không bị tẩy não như ở những nước độc tài với thông tin bị bóp méo. Đôi khi mình gọi điện về Việt Nam cho người thân, thì thấy thông tin họ nhận được không chính xác như thông tin ở bên này”.

Theo anh Tùng, hầu như mọi người khi ra chiến trường đều “vì trách nhiệm là người đàn ông bảo vệ đất nước”. Khi nhận được lương thì họ mới biết là mình có tiền.

“Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác là phải tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Nếu Ukraine không chiến đấu thì sẽ không còn đất nước Ukraine.”

“Tinh thần của chúng tôi hiện rất cao. Ai cũng mong ngày chiến thắng đang đến gần.”

Minh Quang – Thoibao.de (Tổng hợp)