Nhân sự có thể vẫn còn tiếp tục biến động nhưng chính sách đối ngoại sẽ không thay đổi

Link Video: https://youtu.be/pKlGPQYA0L0

Ngày 13/3, trên mục Tạp chí Việt Nam của đài RFI Việt ngữ có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, về tình hình chính trị hiện nay của Việt Nam. Tiến sĩ Hiệp cho rằng, những thay đổi về nhân sự lãnh đạo sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đường lối kinh tế và ngoại giao của Hà Nội và sẽ còn những xáo trộn về nhân sự cho tới Đại hội Đảng 14.

Ông Hiệp cho biết, tại Đại hội Đảng 13, các dàn xếp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã diễn ra không theo như dự tính ban đầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Trọng đã phải ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp quy định của Điều lệ Đảng là một người không thể nắm giữ vị trí ấy quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Theo ông Hiệp, một điều bất thường nữa ở Đại hội 13 là vị trí Thủ tướng. Thay vì một Phó Thủ tướng lên, thì ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã lên nắm chức Thủ tướng.

Vì vậy, ông Hiệp nhận định, nếu như sau Đại hội 13 mà không tìm được người thay ông Nguyễn Phú Trọng, thì nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lãnh đạo có thể rất là nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới sự ổn định chính trị ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh chế độ. Những biến động về nhân sự cấp cao vừa qua có thể liên quan đến những dàn xếp để làm sao có được một kế hoạch chuyển giao quyền lực êm thắm, đặc biệt là ở vị trí Tổng Bí thư. Những chuyển động hiện nay theo hướng loại bỏ bớt những ứng viên tiềm tàng có thể gây xáo trộn cho kế hoạch chuyển giao quyền lực. Ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư nên sự dàn xếp ở đây nhằm loại bỏ những thách thức đối với sự dàn xếp này. Sau khi ông Phúc rời chính trường, thì còn lại một ứng viên tiềm tàng là ông Phạm Minh Chính

Theo ông Hiệp đánh giá, ông Chính cũng là một người có năng lực và có sức làm việc đáng nể, ít nhiều được thể hiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông Chính dính đến quan hệ gần gũi với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch của Tập đoàn AIC, người bị truy tố và bị tuyên án vắng mặt 30 năm tù.

Hình: Bài trên RFI

Ông Hiệp cho rằng, những rắc rối này có thể ảnh hưởng đến triển vọng chính trị của ông Phạm Minh Chính và không loại trừ khả năng là ông có thể bị buộc phải từ chức trong thời gian tới.

Nhận xét về các phe phái trong nội bộ Đảng, ông Hiệp nêu quan điểm, các vị trí khác nhau có chức năng khác nhau, vì vậy, muốn đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, thì bất cứ ai làm Thủ tướng cũng sẽ có xu hướng cởi mở hơn, tự do hơn về mặt kinh tế, muốn thúc đẩy đầu tư, có tư tưởng đổi mới, thân thiện với doanh nghiệp hơn. Trong khi đó, bên phía Đảng, đặc biệt là Tổng Bí thư, thì nhiệm vụ chính là bảo vệ vai trò của Đảng và duy trì chế độ. Chính vì vậy mà bất cứ ai ngồi vào ghế Tổng Bí thư cũng sẽ có xu hướng bị coi là bảo thủ, giáo điều.

Về đối ngoại, ông Hiệp nhận xét, cho dù ai là lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới, thì cũng không có lựa chọn nào khác là phải  tiếp tục chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, vì cả hai nước này đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đó là nhiệm vụ rất là cốt yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam để duy trì tính chính danh cũng như khả năng cầm quyền.

Ông Hiệp phân tích, cả hai cường quốc đều quan trọng như vậy, cho nên Việt Nam không thể hy sinh quan hệ với nước này để phát triển quan hệ với nước kia, vì làm như vậy chính là tự sát.

Và ông Hiệp kết luận, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao cân bằng, “đi dây” giữa các cường quốc, để giúp duy trì được sự tự chủ chiến lược, qua đó tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các cường quốc khác cũng như thị trường Trung Quốc và Mỹ để giúp phát triển kinh tế, và qua đó duy trì được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian tới.

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)


>>> Tổng Trọng vẽ bùa, Thủ Chính bước mãi không qua

>>> Giáo dục “nổ”, khi nào “búa bổ” vào ghế Nguyễn Kim Sơn, Phùng Xuân Nhạ?

>>> Chiến dịch “tằm ăn dâu” của Tổng Trọng, đủ thâm, đủ hiểm để đe dọa Thủ Chính?

Trung Quốc tức giận vì Hoa Kỳ hỗ trợ các nước Tiểu vùng sông MeKong


Kasse animation 7.8.2023