Đầu năm mèo, “máy in tiền” của Phạm Nhật Vượng trục trặc, “tin xấu” bay đến

Link Video: https://youtu.be/k_Aj7-JBHrY

Cho đến nay, Tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kiếm tiền chủ yếu dựa vào Vinhomes. Vincom Retail là hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam, nhưng đem lại lợi nhuận không được bao nhiêu. Cả năm 2022, Vincom Retail chỉ lãi được 1.300 tỷ đồng, một con số không tương xứng so với tầm vóc công ty.

Lâu nay Vinhomes đầu tư mảng nhà ở cao cấp. Mà vào mùng 2 đầu năm Quý Mão, ông Nguyễn Thanh Nghị có trả lời báo chí là mảng nhà ở trung cấp và cao cấp đang thừa, nhưng mảng nhà ở xã hội thiếu trầm trọng. Và Bộ Xây dựng đang có dự án xây dựng 1 triệu căn nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Giá nhà ở Việt Nam vốn đã rất cao so với mặt bằng chung của xã hội. Nhà cao cấp đang thừa và năm 2022, ông Phạm Nhật Vượng đã cho thành lập công ty VMI để bán những căn nhà tồn kho và những căn nhà trên giấy cho các nhà đầu tư. Hình thức huy động vốn như thế này rất rủi ro và Thoibao.de đã phân tích nhiều ở nhiều bản tin trước đây.

Hình: Địa ốc năm 2022 ảm đạm và 2023 không khả quan gì

Sang năm 2023, “máy in tiền” Vinhomes xem ra cũng đang khó khăn vì thị trường bất động sản đang rất ảm đạm. Ngày 31/1, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022 đã có đến 40% doanh nghiệp bất động sản bị phá sản hoặc giải thể. Thử tưởng tượng một đàn gà mà có đến 40% số gà bị gục chết vì dịch thì liệu 60% còn lại có khỏe được không? Và Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng thì cũng không ngoại lệ. Vì hàng ế nên ông Vượng mới cho lập công ty VMI để “bán vịt trời” cho nhà đầu tư.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, đề nghị xem xét bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, vì có một số bất cập, hạn chế và làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu. Nếu Chính phủ đồng ý, thì ông Phạm Nhật Vượng không thể bán “tài sản hình thành trong tương lai” cho khách hàng. Như vậy công ty VMI của ông Vượng lập ra không dụ được ai. Vinhomes đang đói vốn thì sẽ tiếp tục đói cồn cào hơn nữa.

Cuối phiên giao dịch ngày 31/1, một số cổ phiếu trụ cột vẫn giảm giá trong đó có VinGroup (VIC), Vincom Retail (VRE). Giá Cổ phiếu biến động là chuyện bình thường, có thể sau khi giảm thì họ Vin lại lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bài toán vốn của Vinhomes tới giờ vẫn chưa thấy con đường mở nào khả dĩ.

Hình: Bỏ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có thể là một khó khăn cho VMI

Như Thoibao.de đã phân tích ở nhiều bản tin trước, Vinhomes là máy in tiền cho VinFast đốt. Cho đến nay, VinFast vẫn đang tiếp tục đốt và cho tới giờ họ đã đốt 4,7 tỷ đô la ra tro. Hồ sơ xin IPO lên thị trường chứng khoán Mỹ đã nộp và đến giờ vẫn đang chờ xét duyệt. Trong khi đó, nơi dự tính xây nhà máy VinFast đang bị các tổ chức vì môi trường của địa phương phản đối. Tiền xây nhà máy chưa kiếm được mà đã bị phản đối.

Mới đây, Tesla cho giảm giá khủng buộc VinFast phải giảm theo mới hy vọng bán được hàng. Chỉ mới có 999 chiếc xe tại Mỹ thì Phạm Nhật Vượng có thể chấp nhận giảm sâu, nhưng nếu số lượng lớn thì khó mà chịu nổi khoảng lỗ cộng dồn, bởi hiện tại VinFast đã lỗ 4,7 tỷ đô la. Có người đặt câu hỏi rằng, tổng số xe ô tô mà VinFast bán ra từ khi mới xuất hiện trên thị trường đã đến 1 tỷ đô la chưa mà nay họ đã lỗ đến 4,7 tỷ. Đây quả là máy đốt tiền của VinGroup.

VinFast thì khát tiền, máy in tiền Vinhomes thì trục trặc không biết khi nào vận hành trở lại. Không làm ra tiền mà cứ đốt tiền mãi thì núi cũng lở chứ đừng nói gì đến VinGroup. Ông Phạm Nhật Vượng mạo hiểm nhảy vào công nghệ, xem ra ông khó mà dìu được VinGroup đi lên tiếp tục như trước đây.

Hình: Ông Phạm Nhật Vượng

Trân Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Á vẫn còn nhiều kẻ lọt lưới ( Người Buôn Gió)

>>> Tòa án Đức kết tội kẻ thứ hai tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

>>> Đảng hết người vẫn giữ Tướng Xô dù đến tuổi về hưu

Tổng Bí thư lại tự ca ngợi mình bằng sách