Rào cản nào đối với mối quan hệ song phương Việt – Mỹ

“Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” được xem là mức cao nhất trong quan hệ song phương, dưới đó là “đối tác chiến lược” và “đối tác toàn diện”.

Từ 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đến nay, Việt Nam có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Nga và Trung Quốc; quan hệ “đối tác chiến lược” với Anh và Pháp. Nhưng với Mỹ thì mới chỉ dừng ở mức “đối tác toàn diện”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, vào năm 2010 từng đề xuất muốn nâng cấp mối quan hệ song phương Việt – Mỹ lên thành “đối tác chiến lược”. Sau đó, Washington cũng nhiều lần đề cập lại vấn đề này trong các chuyến thăm cấp cao, như: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8/2021; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd J. Austin vào tháng 7/2022; và trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, trước những lời mời gọi này, Việt Nam lại tỏ ra khá hờ hững. Chính quyền Việt Nam chỉ đáp lại bằng những lời lẽ ngoại giao chung chung như “mong muốn”, “sẵn sàng hợp tác”, chứ không nêu rõ lập trường. Trong bối cảnh hiện nay, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn đang rất tự tin vào đường lối ngoại giao và họ vẫn đang nắm chắc quyền lực. Cũng như quan hệ với Trung Quốc chưa xảy ra những xung đột trực diện và chưa tạo thành mối nguy đối với giới lãnh đạo Việt Nam, thì họ chưa cần phải nâng cấp quan hệ với Mỹ.

Ông Tập Cận Bình – người luôn làm các lãnh đạo Việt Nam phải e dè

Để nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, chắc chắn Việt Nam sẽ phải cân nhắc đến yếu tố Trung Quốc, thái độ của Trung Quốc đối với quan hệ Việt – Mỹ và mức độ leo thang của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một vấn đề khác cũng khiến Việt Nam dè dặt, đó là vấn đề tự do tôn giáo và vấn đề nhân quyền, một khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, chắc chắn phía Mỹ sẽ có những đòi hỏi về vấn đề này. Rồi liệu 2 bên có tìm được tiếng nói chung về vấn đề an ninh và các vấn đề nhạy cảm khác không?

Do vị trí địa lý nằm ngay sát sườn Trung Quốc, cùng với sự gắn kết về lịch sử và ý thức hệ, Việt Nam sẽ là bên chịu thiệt thòi nếu làm phật ý Trung Quốc, khiến Trung Quốc nổi giận một khi nâng cấp quan hệ với Mỹ. Trung Quốc vẫn luôn là gã hàng xóm khổng lồ xấu tính và đầy tham vọng, họ luôn tìm mọi cách để buộc Việt Nam đi theo quỹ đạo của họ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ – Trung hiện nay.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – ông Marc Knapper

Vào tháng 4/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng dằn mặt người đồng cấp Bùi Thanh Sơn rằng, “Mỹ đang cố gắng tạo căng thẳng trong khu vực” và “chúng ta không thể để tâm lý chiến tranh lạnh trỗi dậy và thảm họa Ukraine lặp lại lần nữa xung quanh chúng ta”. Lời dằn mặt này được đưa ra khi Việt Nam và Mỹ có những động thái muốn nâng cấp quan hệ, khi mà Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper, tuyên bố, ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại sứ của ông là nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tuy rằng, nếu mối quan hệ Việt – Mỹ được nâng cấp, sẽ đồng nghĩa với việc gắn kết về an ninh và quốc phòng, nhưng Mỹ chưa chắc đã sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong khi Trung Quốc sẵn sàng trừng phạt nếu Việt Nam có bất kỳ động thái nào mất lòng họ.

Hội đồng Nhân quyền – nơi Việt Nam là thành viên

Mặt khác, giữa Việt Nam và Mỹ vẫn luôn tồn tại hai cách hiểu khác nhau về vấn đề nhân quyền. Phía Mỹ luôn lên án Việt Nam về những vụ bắt bớ người bất đồng chính kiến và đàn áp tôn giáo. Mới đây, phía Mỹ lại đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” do những vi phạm về tự do tôn giáo. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố thông tin này trong một báo cáo ngày 2/12/2022. Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố ngày 15/12 rằng, những đánh giá của Mỹ là “thiếu khách quan” dựa trên những “thông tin không chính xác”.

Vấn đề nhân quyền là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Vậy nên, giữa 2 quốc gia có ý thức hệ hoàn toàn trái ngược, sẽ khó có thể tìm được tiếng nói chung.

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam và Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ vào năm 2023, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Nhưng khả năng này khá thấp, do những khác biệt vẫn còn quá lớn. Tuy nhiên, có thể Việt Nam sẽ chú trọng hơn về việc hợp tác với Mỹ để nỗ lực củng cố chủ quyền và khả năng phòng bị nước đôi trước những mối đe dọa từ Trung Quốc.

Thu Phương – Thoibao.de.(Tổng hợp)