Hỗn loạn nợ xấu ngân hàng – Kỳ 3: Nhân viên ngân hàng cũng hành xử như xã hội đen

Link Video: https://youtu.be/yl1NX6aIsKA

Trong bài kỳ trước, chúng tôi đã đề cập đến vấn nạn các ngân hàng bán khoản nợ xấu cho các công ty đòi nợ thuê núp dưới danh nghĩa công ty mua bán nợ. Nhưng không chỉ các công ty mua bán nợ mới xử sự như xã hội đen, mà ngay chính các cán bộ nhiều ngân hàng khi đi đòi nợ cũng hành xử theo kiểu xã hội đen.

Nợ xấu được hiểu nôm na là nợ quá hạn. Việc xác định mức độ của nợ xấu phụ thuộc tài sản bảo đảm và một số tiêu chí khác. Với tình hình khó khăn kể từ đại dịch đến nay thì chuyện nợ xấu là khá phổ biến, có những món nợ hàng chục, hàng trăm tỷ, cũng có món nợ chỉ vài triệu đồng.

Quy trình đòi nợ của ngân hàng theo đúng nghiệp vụ sẽ là: Gửi thông báo cho khách về món nợ quá hạn và cho khách hàng biết việc này sẽ gây tổn hại cho khách hàng ra sao trong việc giao dịch với ngân hàng sau này, cũng như những tổn thất khác. Sau đó, sắp xếp cuộc hẹn với khách để cùng nhau đưa ra phương án xử lý nợ quá hạn. Nếu cuối cùng vẫn không thể thu hồi được nợ thì ngân hàng có thể gửi đơn ra toà án để yêu cầu xử lý. Việc vay vốn ngân hàng là hoạt động dân sự và sẽ được xử lý theo phương thức dân sự chứ không phải hình sự, nghĩa là không có chuyện phải tù tội nếu không trả được nợ.

Tuy nhiên, do áp lực đòi nợ cao và những biện pháp theo nghiệp vụ khó đạt kết quả, nên ngân hàng đã áp dụng nhiều “chiêu” khác nhau và dần dần biến tướng thành kiểu đòi nợ xã hội đen.

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, xã hội nhiều biến động, nhiều người bị mất hoặc giảm việc làm, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa… vì vậy số nợ xấu tăng cao. Nhưng các ngân hàng không hề có chính sách giảm nợ, giãn nợ cho dân mà họ quyết tâm đòi đến từng đồng xu. Nhiều ngân hàng đã bị tố là có hành vi đòi nợ như xã hội đen, họ trấn áp, đe doạ khách hàng và cả người quen, người thân của khách, khiến người dân hoang mang lo sợ. Những ngân hàng này có thể kể đến như: VPBank, TPBank, Teachcombank, OCB,…

Hình: Quyết định của Toà án quận 1 cấm Teachcombank không được di chuyển tài sản và đồ đạc của dân

Anh M ở Thạch Thất Hà Nội kể: “Cán bộ Teachcombank đến nhà tôi nghênh ngang sục sạo khắp nơi để quay phim, chụp ảnh… Họ đe doạ nếu trong ngày không trả đủ nợ gốc và lãi thì họ sẽ cho 5 người ở lại nhà để trông giữ, kê biên tài sản của gia đình”. Và thực tế, ngân hàng Teachcombank đã để lại 5 người xăm trổ làm cho những người trong gia đình rất sợ hãi, bao gồm cả người già và trẻ em.

Một gia đình khác ở Bình Thạnh, TP. HCM cũng làm đơn kêu cứu vì cán bộ ngân hàng Teachcombank tự ý cắt khoá và vào căn hộ của họ để ở.

Anh C ở Đà Nẵng có sử dụng thẻ tín dụng thanh toán của VPBank, vì dịch bệnh, anh phải đi cách ly và chưa kịp thanh toán giao dịch. VPBank nhiều lần gọi điện, gửi tin nhắn đòi nợ và đăng cả hình lên facebook với ý đồ hạ nhục.

Chị P ở Đống Đa, Hà Nội đã bị đăng những bài viết vu khống lên mạng xã hội Facebook và Zalo. Lý do, bà N là người quen của chị P có vay vốn ở ngân hàng VPBank và khoản nợ này đã quá hạn. Ngân hàng này đẩy khoản vay sang cho công ty thu hồi nợ và để mặc cho công ty này lộng hành. Các bài viết trên mạng xã hội bôi nhọ chị P gồm những hình ảnh bị gán ghép tục tĩu, xúc phạm danh dự nhân phẩm và phân biệt vùng miền, trong khi chị P không hề có liên quan gì đến VPBank. Mục đích của họ là gây áp lực buộc bà N trả nợ.

Hình: Một tờ rơi bôi nhọ người bị nợ quá hạn

Anh P ở Đà Nẵng tố cáo ngân hàng TPBank bán khoản nợ của anh cho công ty đòi nợ và công ty này đe doạ anh cùng hàng chục người thân của anh, bằng cách đe doạ khủng bố tinh thần với hàng trăm tin nhắn và cuộc gọi mỗi ngày.

Không chỉ hạ nhục, đe doạ khách hàng, nhân viên ngân hàng còn có độc chiêu là “quăng xích bắt xe con nợ”. Những nhân viên này sẽ ngồi rình con nợ, khi con nợ xuất hiện, họ lấy xích khoá xe của con nợ lại rồi mới nói chuyện sau. Thậm chí còn có cả chiêu ném mắm tôm vào nhà khách hàng, chiêu này có lẽ họ học được từ an ninh Việt Nam, khi an ninh đối phó với các nhà hoạt động.

Các cách thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen luôn đem lại bất ổn, rủi ro và có thể có các hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp đã dẫn đến xô xát, gây thương tích cho đôi bên, hoặc nhân viên đòi nợ dính vào hành vi cưỡng đoạt tài sản phi pháp. Đã có trường vì quá bức xúc do bị ép đòi nợ nên đã tự tử. Đó là trường hợp của ông T, trú tại Gò Vấp, TP. HCM. Ông T vay tiền của FE Credit và bị đối tượng côn đồ đe doạ hành hung, sau đó vì uất ức và bế tắc, ông đã tự tử. Công ty tài chính FE Credit là một tổ chức tín dụng trực thuộc hệ thống quản lý của VPBank.

Việc nhân viên ngân hàng có hành vi thô lỗ khi đòi nợ là chuyện quá phổ biến và đã gây ra hậu quả, tạo ra sự bất an, bất bình trong xã hội, nhưng không có một vụ nào hoặc một ngân hàng nào bị xử lý thích đáng. Hệ thống quản lý, giám sát hoạt động của ngân hàng đang ở đâu? Công an đang ở đâu???

Hình: Hai đối tượng có giấy giới thiệu là nhân viên xử lý tài chính của một ngân hàng, có hành vi ném chất bẩn và rải tờ rơi để đòi nợ, bị bắt giữ

 Nguyễn Trí – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Hỗn loạn chuyện ngân hàng nợ, nguyên nhân từ đâu?

>>> Huệ Vương trồi lên rồi lặn xuống, liệu có lặn cùng Phó Thủ Lê Văn Thành hay không?

>>> Bà Trương Thị Mai dọa ai? Dọa Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh rồi ai nữa?

G7 đề nghị hỗ trợ 15 tỷ USD để bỏ điện than, Việt Nam có chấp nhận không?