Thấy gì qua vụ án ở Cục lãnh sự : “Kiếm ăn trên xương máu đồng bào”

Link Video: https://youtu.be/eXcB17Fjxzw

Bốn cán bộ thuộc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao vừa bị khởi tố và bắt giam vì tội nhận hối lộ khi thực hiện các chuyến bay ‘giải cứu’ công dân bị kẹt ở nước ngoài trong hai năm dịch COVID-19 vừa qua.

Nhiều ý kiến chỉ trích nặng nề, mỉa mai rằng cán bộ nhà nước dùng những từ ngữ cao đẹp như các “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay nhân đạo”, nhưng thực chất là lợi dụng dịch bệnh, tình cảnh khó khăn của người dân Việt Nam ở nước ngoài để trục lợi, kiếm ăn trên sự đau khổ của chính đồng bào mình.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, công bố hôm 28/1 rằng những người này đã có hành vi sai phạm trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Bốn người bị khởi tố và bắt giam gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Hoàng Tùng, Cục phó; ông Lê Tuấn Anh, Chánh văn phòng của cục và ông Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng bảo hộ công dân của Cục.

Kiếm tiền trên xương máu đồng bào

Ông Hoàng Hùng là admin của nhóm “Tôi và Sứ quán” với gần 40.000 thành viên, hầu hết là người Việt sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.

Ông đã theo dõi sát tình trạng công dân Việt Nam gặp khó khăn để tìm đường về nước, và cũng đã nhiều lần gởi kiến nghị cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan, nhưng tất cả đều không được hồi đáp trong suốt hai năm qua.

Ông Hùng nêu quan điểm với Đài Á châu Tự do rằng đến bây giờ mới bắt giam và khởi tố vụ án là khá chậm trễ, nhưng dù sao chậm cũng còn hơn là không.

Theo ông, tình trạng trục lợi từ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước đã xảy ra từ hai năm nay.

Trên diễn đàn “Tôi và Sứ quán” đã có rất nhiều lời kêu cứu rằng họ phải trả giá vé cao ngất ngưỡng mới được về nước:

Rất nhiều người Việt mà người thân mất, hay người thân đau ốm, có những trường hợp như thế mà không thể về được.

Có những trường hợp phải mua đến tận 8.000 đô-la để mà về Việt Nam.Và theo con số tôi tính toán, mỗi một chuyến bay như thế họ sẽ bỏ túi được khoảng từ 100 đến 200 ngàn đô-la và họ chia chác với nhau. Họ làm trên xương máu của đồng bào trong mùa dịch bệnh.”

Trên mạng xã hội, dư luận vô cùng phẫn nộ, nhiều người thậm chí còn dùng từ ngữ khá nặng nề để chỉ trích những cán bộ nhận hối lộ trong vụ án này.

Ảnh: 4 các bộ lãnh đạo Cục lãnh sự bao gồm cả Cục phó Cục trưởng bị khởi tố vì ăn hối lộ trong những chuyến bay giải cứu

Ông Nguyễn Đức Minh, một người Việt đang sinh sống tại Mỹ, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân:

Mỗi năm, gần 200 nghìn lao động phổ thông của đất nước này đã phải ra nước ngoài tìm việc để có được thu nhập tốt hơn.

Là do các doanh nghiệp trong nước không tạo đủ việc làm có thu nhập tốt cho họ. Là do nhiều quan chức còn mải đặt ra đủ thứ giấy phép, thủ tục để kiếm tiền từ các doanh nghiệp…

Mình cứ nghĩ đến cảnh những người lao động phổ thông đã phải vay mượn để đi lao động tại nước ngoài nay phải chịu cảnh thất nghiệp do đại dịch.

Chi phí sinh hoạt thì đắt đỏ, thu nhập thì không có, phải sống chui rúc cả chục người trong những phòng trọ chật hẹp. Họ chỉ mong được về lại với gia đình, họ hàng để nương tựa.

Vậy mà vẫn có những quan chức sẵn sàng nhận hối lộ để rồi tước đi cái ước muốn đơn giản nhất của đồng bào như vậy.”

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, một người thường xuyên lên tiếng trước các vấn đề xã hội, phản ứng khá gay gắt về vụ việc này:

Mỗi tấm vé về quê hương giữa lúc eo hẹp về kinh tế, nguy hiểm về tính mạng. Xót xa, căm phẫn, đau thương biết nhường nào.

Đồng Bào ở nước ngoài tự bấu víu vào nhau, tự cày bừa để kiếm một suất về quê. Nhân văn ở đâu? Giải cứu chỗ nào? Ngạo nghễ đón ai hay chỉ là cuộc bán mua sòng phẳng thậm chí cao giá…

Thiêng liêng hai tiếng đồng bào bao nhiêu, thì kiếm ăn trên nỗi sợ hãi của đồng bào càng man rợ bấy nhiêu.”

Ảnh: các chuyến bay giải cứu được DLV tô vẽ với những câu khẩu hiệu như: Vì một cuộc chiến không một ai bị bỏ lại – một Việt nam ngạo nghễ với Năm Châu, hay “Bay thẳng vào tâm dịch để đón đồng bào, chỉ có thể là Việt nam” và “Tự hào quá Việt nam ơi” – rất nhiều khẩu hiệu được DLV bấm like và share hàng vài chục ngàn lần

Người Việt mắc kẹt kêu cứu

Từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam tạm ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và người gốc Việt được miễn visa vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ngưng hoàn toàn các chuyến bay quốc tế thương mại nhập cảnh.

Chỉ có một vài chuyến bay mỗi tháng tại các nước do Đại sứ quán tổ chức đưa người Việt về, mà báo chí nhà nước gọi là các “chuyến bay giải cứu” hay “chuyến bay nhân đạo”.

Điều này đẫn đến tình trạng hàng ngàn người, bao gồm công nhân, lao động phổ thông, du học sinh mất việc làm hoặc hết hạn visa ở các nước như Đài Loan, Nhật Bản hay Dubai… phải lên mạng kêu cứu vì không thể hồi hương.

Ông Hoàng Hùng cho biết, ngay khi Việt Nam ra lệnh hạn chế nhập cảnh, ông đã đăng một số bài viết nhằm cảnh báo, và gởi kiến nghị cho Cục lãnh sự, nói rằng nếu không giải quyết vấn đề chuyến bay hồi hương cho công dân Việt Nam, có thể sẽ gây ra nhiều hệ luỵ mang tính chất nhân đạo cho người Việt bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Nhưng tất cả những lời kiến nghị của ông Hùng đều rơi vào im lặng trong suốt hai năm qua, cho đến ngày các quan chức ngành Ngoại giao bị bắt.

Không tìm được vé trên các chuyến bay nhân đạo, nhiều người đã tự tìm ra cách chủ động về Việt Nam thông qua các cửa khẩu đường bộ với Lào hay Campuchia.

Hành trình này hoàn toàn hợp pháp, nhưng không hề dễ dàng. Nó tốn kém thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc bay thẳng về nước.

Ngày 31/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu biểu dương lực lượng công an đã nắm chắc tình hình, phát hiện, khởi tố, điều tra vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Một số nạn nhân từng phải mua vé giá cao và người quan sát vụ việc này nói với RFA rằng một mình Cục Lãnh sự không thể lộng hành như thế trong suốt hai năm qua.

Vì sao phòng vé dịch vụ lại có vé? Có sự tiếp tay của nhân viên Sứ quán hay không? Đó là những vấn đề cần được mở rộng điều tra.

Ảnh: nhóm tôi và sứ quán có 38 ngàn thành viên, nơi phản ánh nhiều bức xúc của người Việt nam ở hải ngoại khi tiếp xúc với Sứ quán VN ở nước ngoài

Giá vé bị đội lên cao

Trở lại thời điểm từ đầu năm 2021, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam từ khắp nơi trên Thế giới tăng cao, mà số lượng “chuyến bay giải cứu” lại rất ít, mỗi nước chỉ có hai, ba chuyến bay mỗi tháng. Do đó, Chính phủ Việt Nam bắt đầu mở lại một số các chuyến bay charter (tức thuê nguyên chuyến).

Những chuyến bay này do các đơn vị, tổ chức đứng ra xin công văn cho phép nhập cảnh về Việt Nam, sau đó thuê máy bay rồi quảng cáo bán vé cho những người có nhu cầu về nước.

Những chuyến bay như vậy không cần đăng ký với Sứ quán Việt Nam, không phải chờ đợi quá lâu, bù lại, giá vé máy bay và chi phí cách ly khi về Việt Nam bị đội lên rất cao.

Ông Nguyễn Sỹ, đang ở Đài Loan, kể câu chuyện cùa mình với Đài Á châu Tự do rằng cả hai vợ chồng của ông xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm việc.

Hồi cuối năm ngoái, vợ ông Sỹ hết hạn hợp đồng và mang thai nên cần được về Việt Nam.

Cả hai đăng ký chuyến bay nhân đạo với Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam ở Đài Bắc. Dù thuộc diện được ưu tiên theo quy định của các chuyến bay nhân đạo, nhưng chờ đến sáu tháng vẫn chưa được thông báo có vé về.

Cả hai buộc lòng phải tìm mua vé của các chuyến bay được gọi là thương mại với giá hơn 2000 đô-la, đắt gấp ba – bốn lần giá vé nhân đạo.

Đăng ký thì mình đăng ký chuyến bay nhân đạo bởi vì chuyến bay nhân đạo vé rẻ hơn. Bình quân trước đây là khoảng mười mấy ngàn Đài tệ (khoảng 10 triệu đồng – PV).

Vợ tôi sau rồi chờ không được mình phải về thương mại. Mình liên hệ cho các hãng vé mình, một vé như vậy là khoảng  49 cho tới 56 ngàn Đài tệ cho một vé thương mại.”

Ảnh: Cục trưởng Cục lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác bảo hộ công dân và chống dịch.

Ông L, hiện đang ở Cộng Hoà Séc, cho biết ông về Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái với giá vé là 2000 Euro, so với giá gốc chỉ từ 1000 đến 1400 Euro mà thôi.

Ông cũng đăng ký với Sứ quán để mua vé giá rẻ nhưng không được trả lời, sau phải tìm tới mua vé ở các văn phòng môi giới với giá cao hơn.

Khi về đến Việt Nam, giải quyết xong công việc thì ông quay trở lại Séc ngay. Ông này nói rằng điều buồn cười ở chỗ là ông tìm vé quay lại Séc rất dễ dàng, và với giá chỉ 700 Euro, dù Séc không phải là nước mà ông mang quốc tịch:

Sau khi hết cách ly, về lo việc gia đình xong là quay lại Séc luôn rồi. Vé tương đương với khoảng 700 Euro thôi, trong khi tiền về là hơn 2000.

Chiều sang Séc thì chỉ gọi điện trước một hai hôm. Giá vé đấy chấp nhận được chứ không có đắt, chỉ có Việt Nam nhà mình ở châu Âu thì mới bị chặt chém như thế thôi!”

Cần mở rộng điều tra hệ thống “chân rết” của Cục lãnh sự ở nước ngoài.

Ông L. tỏ ra vui mừng trước thông tin các cán bộ Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao bị bắt vì nhận hối lộ. Ông nói cần phải phanh phui tất cả những người khác còn liên quan trong vụ án này:

Mình chỉ biết bắt là mình hoan hô, mình vui mừng và mong Nhà nước là phải phanh phui tất tần tật ra, chứ không phải chỉ có nhng người đó. Nó là cả một đường dây, cả một hệ thống.

Rất nhiều người liên quan đến vụ đấy, từ trên xuống dưới. Ai cấp phép họ làm những việc như thế, rồi tất cả những người có liên quan, kể cả những phòng vé này, tại sao họ lại có được suất vé để bán cho cho những người cần về.”

Ông Hoàng Hùng cho biết, ông đang kêu gọi các nạn nhân gởi đơn tố cáo về việc đã từng buộc phải mua vé về nước với giá cao gấp nhiều lần giá gốc, đồng thời đề nghị cơ quan hữu trách giải quyết điều tra rõ vụ việc, đưa những kẻ lừa đảo tiền ra toà và trả lại tiền cho nạn nhân.

Theo ông Hùng, vụ án này cần phải được mở rộng điều tra ra các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bởi vì hiện giờ còn quá nhiều điều cần phải được làm rõ. Ví dụ như Sứ quán luôn thông báo là không có vé cho dù người đăng ký từ rất lâu, việc xét duyệt danh sách về nước không minh bạch, các dịch vụ có bán vé với giá “cắt cổ”:

Tôi không biết là Việt Nam có mở rộng điều tra ra các Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài hay không. Vì thực tế ra là hệ thống chân rết ở các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chắc chắn là có chứ không phải là không. Có thế thì bên Cục lãnh sự họ mới lộng hành đến như thế.

Bản thân tôi muốn là thông qua những đơn tố cáo của người dân Việt Nam ở nước ngoài để bộ công an phải mở rộng điều tra sang các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và như thế thì mới giải quyết được.”

Ông Hùng nói hiện nay còn muốn tố cáo cả việc lạm thu tiền vượt quá mức phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính Việt Nam. Vấn đề đó đã tồn tại hơn 20 năm nay ông đã kiến nghị rất nhiều lần mà không được giải đáp.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)


Triệu lời CẢM ƠN!

Hàng triệu người đã xem tin tức và các chương trình của chúng tôi. Ngày càng có nhiều người lựa chọn ủng hộ chúng tôi. Bởi vì cần có một tiếng nói độc lập, phản biện trên các phương tiện truyền thông cho Việt Nam.

Với sự ủng hộ của các bạn, sẽ giúp cho mọi người truy cập thoibao.de miễn phí. Bởi vì chúng tôi xem báo chí không chỉ là sản phẩm truyền thông, mà còn là hoạt động có ích cho cộng đồng.

Đã có hàng chục triệu lượt người mỗi tháng không phải trả bất kỳ khoản nào để xem tin tức trên thoibao.de, nhưng các bạn cũng biết, để có báo chí chất lượng thì chúng tôi phải đầu tư rất nhiều. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các bạn và người những ủng hộ.

1/ Qua Paypal, Visa, Mastercard, America Experess, Sepa Lastschrift: 

QR Code tài trợ:

2/ Qua chuyển khoản ngân hàng:

Tên tài khoản: Thoibao.de

IBAN: DE36 1005 0000 0190 636319

SWIFT: BELADEBE

Địa chỉ: Berliner Sparkasse, Ostseestr. 109, 10409 Berlin, Germany

Khi tài trợ hay chuyển khoản, các bạn ghi dòng chữ: Ủng hộ thoibao.de

Trân trọng cám ơn

Lê Trung Khoa – TBT Thoibao.de. E-Mail: [email protected]  Viber / WhatsApp / Telegram / Signal : +49 170 2363084


>>> Ấn tượng Tết Nhâm Dần: Bỏ chợ ra đường!

>>> Công giáo Việt Nam: Vụ giết Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh ở Kon Tum ‘gây bàng hoàng’

>>> Phật giáo Việt Nam: Nhắc lại kiến nghị ‘ba năm ba tháng’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Năm Nhân Dần 2022: Lối thoát nào khỏi “vòng xoáy” tha hoá quyền lực?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023