Bé lớp 6 nhảy lầu ở Hà Nội: Áp lực học tập và trách nhiệm người lớn?

Link Video: https://youtu.be/czu-LLbdE4c

Câu chuyện một nam sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử ở chung cư Goldmark City (Hà Nội) với lý do được cho là ‘áp lực học tập’ hôm 16/12 gây xôn xao dư luận và đặt nhiều câu hỏi về áp lực điểm số, thành tích học tập mà học sinh Việt Nam đang gặp phải hiện nay.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn TS Đặng Hoàng Giang tác giả của cuốn “Đại dương đen” về những người bị bệnh trầm cảm tại Hà Nội.

Vụ em học sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử được cho là vì làm bài thi không tốt đang gây xôn xao dư luận. Ông thấy áp lực học tập với học sinh Việt Nam hiện nay như thế nào? BBC nêu câu hỏi.

TS Đặng Hoàng Giang: Trong trường hợp cụ thể của bạn trai này, chúng ta chưa rõ áp lực học tập nó chiếm bao nhiêu phần dẫn đến quyết định tự sát của bạn ấy.

Tuy nhiên, nhìn bức tranh tổng thể thì chắc chắn mọi người ở Việt Nam đều đồng ý rằng hiện nay trẻ em đang chịu một áp lực vô cùng lớn về thành tích, trường chuyên lớp chọn và điểm số tốt. Điều này cũng thống nhất với văn hóa của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Áp lực này hiển nhiên tác động lên phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường, nhưng các em học sinh là nấc cuối cùng phải chịu áp lực này mà không có sự tự vệ nào cả vì các em là những người yếu đuối nhất.

Đáng tiếc ở Việt Nam hiện nay chưa có các con số thống kê về số lượng học sinh tự tử, nhưng qua những câu chuyện tôi biết về bạn bè đồng nghiệp, có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra, đặc biệt là vào mùa thi cử, và đối với các bạn học sinh lớp 9 vì các em cần phải thi lên lớp 10.

Đấy là nhóm có thể gặp những khủng hoảng tâm lý khủng khiếp nhất và những tình huống đau lòng nhất.

BBC: Theo ông, ai phải chịu trách nhiệm chính trước việc trẻ em phải chịu áp lực học tập lớn như vậy? Phụ huynh, giáo viên, xã hội hay tất cả các chủ thể đó?

TS Đặng Hoàng Giang: Hiển nhiên là gia đình và các giáo viên đều sống trong môi trường xã hội, và đều có những quan điểm về mục đích sống. Những quan điểm đó được tạo ra bởi xã hội, và văn hóa nói chung.

Nên có thể nói người lớn vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân bởi chính cái vòng kim cô mà gia đình, họ hàng, trường học, xã hội tạo ra cho chính những cá nhân của xã hội.

Chính họ thường chạy theo cái mô hình sống là cần phải có thành tích, con cháu mình cần có điểm cao để mình được sáng sủa mặt mày.

Ảnh: hiện trường vụ việc cháu bé lớp 6 nhảy lầu tự tử tại Chung cư Goldmark City Hà nội

Nhưng có những ý kiến nói có học sinh tự gây áp lực cho bản thân. Giáo viên, phụ huynh không yêu cầu cao ở các em, thậm chí còn an ủi khi các em làm bài không tốt. Ông nghĩ sao về những ý kiến này? BBC đặt câu hỏi.

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi không tin vào lý thuyết là có một đứa trẻ đẻ ra đã có tâm trí là mình phải được điểm cao, nếu mình không được điểm cao thì mình không có giá trị gì cả, mình không có ý nghĩa gì hết. Mình là con số không.

Chắc chắn là cái suy nghĩ đấy, cái hệ tư tưởng đấy phải được nhồi vào chúng, phải được hình thành ở bên ngoài.

Có thể là gia đình hay thầy cô giáo truyền đạt cách nghĩ đó một cách có ý thức.

Nhưng mà tất cả những cái vô thức, những ánh mắt, cử chỉ mà chính người lớn không ý thức được đã khiến cho trẻ em hiểu là chúng phải đạt thành tích thì mới xứng đáng được yêu thương, mới có giá trị gì đấy.

Nếu không chúng sẽ khiến bố mẹ buồn và thất vọng, và rộng lớn hơn là thầy cô giáo và xã hội thất vọng.

Không có đứa trẻ nào lớn lên tự nhiên có tư duy như vậy cả. Chắc chắn nó phải được bơm vào đầu chúng vì những yếu tố xung quanh.

Chúng ta biết là các xã hội vận hành rất khác nhau. Xã hội của Nhật Bản, của Việt Nam thì tạo cho cá nhân một áp lực khổng lồ, dẫn đến những bi kịch cá nhân.

Còn các xã hội Bắc Âu hay Trung Âu thì họ có quan điểm hoàn toàn khác về việc con người nên được phát triển như thế nào, và thế nào là hạnh phúc.

Cho nên không thể nói là cái áp lực đó là cái gì trên trời rơi xuống và chúng ta phải chấp nhận nó như một cái gì thuộc về số phận.

Tất nhiên có rất nhiều người coi trọng việc con cái họ học giỏi và sau này thăng quan tiến chức, và cái áp lực phải chịu là trả giá cho hạnh phúc của họ.

Ảnh: sinh viên đại học ngoại thương trong lễ tốt nghiệp

Nhưng tôi cũng lưu ý rằng khi bố mẹ lựa chọn như vậy thì những đứa trẻ phải lãnh đủ với cái mô hình sống mà bố mẹ đặt ra cho nó.

Có nhiều phụ huynh khác đang khước từ cái “cuộc chạy đua của những con chuột trong lồng” như vậy.

Người ta hiểu rằng con người có thể sống hạnh phúc với cái nhân phẩm, với sự nảy nở của tất cả những con người mà không phải tham gia cái cuộc chạy đua rất độc hại như thế này.

Nếu cha mẹ thành công trong việc truyền đạt cho các em là các em được yêu thương vô điều kiện, các em là những con người có giá trị bất kể điểm số như thế nào, bất kể sau này điều kiện vật chất và chỗ đứng xã hội của các em ra sao thì các em sẽ vững vàng với thế giới mà các em ấy chia sẻ cùng với bố mẹ.

Các em sẽ không coi cái thế giới của các cuộc chạy đua độc hại kia là cái gì đáng để mình hướng đến và khao khát.

Hiện nay trong xã hội còn có những trào lưu nhất định phản đối cái “cuộc chạy đua của những con chuột trong lồng”này. Họ cho rằng cuộc sống có rất nhiều phương án sống khác chứ không chỉ có phương án như chúng ta biết hiện nay.

Những trào lưu như bỏ phố về rừng, tách rời khỏi cuộc sống công sở để thực hiện những giấc mơ của bản thân … theo tôi là sự lành mạnh để chúng ta có sự đa dạng trong xã hội

Ảnh: vợ chồng nhà báo Đoàn Quý Lâm bỏ phố về rừng được 2 năm cùng 2 con nhỏ hiện đang ở ngoại ô Đà lạt, họ tự dạy con theo cách riêng và không cho con đến trường

Tuy nhiên, đa số người trong xã hội vẫn đang hiến mình cho cái cuộc đua độc hại ấy, và nạn nhân là các trẻ em, người chịu sự chăm sóc của xã hội.

Có nổi lên hai vấn đề khiến cho các em bị khủng hoảng tâm lý và đau đớn.

Một là chuyện bị bố mẹ ép về thành tích học.

Và sự ép buộc này có thể là rất khủng khiếp, tức là bố mẹ sẽ tước đi sự yêu thương của mình nếu con không đạt được cái thành tích mà họ mong muốn.

Cái thành tích đấy có thể ở dạng viễn tưởng, ví dụ con phải đứng thứ nhất trong nhiều năm chứ không thể thứ hai hay thứ ba.

Điều đấy khiến các em trở thành những công cụ của cha mẹ, những con lừa, con bò của cha mẹ và sống một cuộc sống rất khủng khiếp.

Dạng vấn đề thứ hai là các em học sinh cấp ba không được sống đúng với bản thể của mình, ví dụ không được sống đúng với xu hướng tình dục của mình.

Các bạn ấy có thể là gay hoặc lesbian và bị bố mẹ chỉ trích, tấn công, căm ghét vì họ cho đấy là điều sai trái.

Tựu chung lại hai lý do đấy đều có mẫu số là các em ấy không được sống đúng với con người mình, hoặc các em ấy là công cụ của bố mẹ để họ thỏa mãn cái tôi của họ qua điểm số, hay bị khước từ cái bản dạng tình dục của mình.

Cha mẹ Việt Nam có thể vô cùng lo lắng khi con mình bị đau dạ dày, gẫy chân hay hở van tim ..vv… Họ có thể dành toàn bộ tài sản và thời gian công sức để chạy chữa cho con mình với những bệnh vật lý như vậy.

Tuy nhiên, họ không có ý thức, không hiểu rằng con mình có thể đang bị rất stress, lo âu, trầm cảm hay các rối loạn khác, cho nên họ không có những phản ứng và hỗ trợ phù hợp cho con cháu của mình.

Thậm chí tệ hơn, họ còn coi thường những vấn đề đấy và khi thấy những hiện tượng như con cháu bị trầm uất, lo âu, họ cho rằng chỉ cố gắng lên một chút thì sẽ vượt qua thôi, ai cũng bị như thế. Họ cho rằng những người có tâm thế như vậy là yếu đuối, vô kỷ luật hoặc kém cỏi.

Chính những điều đó đẩy những người có rối loạn tâm lý vào khủng hoảng nặng hơn và có thể đến chỗ chết.

Thông điệp của tôi là phụ huynh, giáo viên cần phải hiểu rõ về sức khỏe tinh thần giống như chúng ta hiểu về dinh dưỡng hay sức khỏe thể chất.

Ở rất nhiều nước, giáo viên được học về sức khỏe tinh thần, về trầm cảm, tự sát, tự hại… Đấy là phần không thể thiếu được trong việc đào tạo giáo viên nói chung. Và kiến thức đấy được phổ biến rộng rãi và làm mới cứ hai năm một lần trong trường. Các em học sinh cũng được hướng dẫn đầy đủ.

Đã đến lúc chúng ta cần phải làm như thế ở Việt Nam.

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> ‘Diễn tập’ metro, thật – giả, hay giả – thật?

>>> Việt Nam kết án nhà hoạt động: Liên Hợp Quốc và ngoại giao bốn nước G7 bất bình

>>> Người dân và chính quyền Việt Nam, mối quan hệ ‘một chiều’

Khởi tố công ty Việt Á – hàng ngàn tỷ đã bị Bộ Y tế bỏ mặc để rơi vào tay MAFIA y tế như thế nào


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT