Hàng hoá tắc tại cửa khẩu, Việt Nam không thể kiện Trung Quốc ra Tổ chức thương mại thế giới

Link Video: https://youtu.be/MwWhvNTkOZM

Mới đây, báo chí từ Việt Nam cho biết tình trạng xuất nhập khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đang bị ách tắc, cho dù sắp bước vào dịp Tết Nguyên Đán của cả hai nước.

Cho đến nay, lượng hàng hóa tồn tại ba cửa khẩu sang Trung Quốc trên tỉnh Lạng sơn đã lên đến 4.800 xe.

Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam, chiếm số lượng lớn là các mặt hàng thuộc nhóm hàng nông sản và thuỷ, hải sản.

Báo chí cũng trích dẫn lời lãnh đạo hải quan cho biết “riêng mặt hàng trái cây đang bị ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít, nhanh nhất phải mất nửa tháng mới thông quan hết. Nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả hàng hóa.”

Bên cạnh các mặt hàng nông sản, thuỷ hải sản xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đang gặp khó. Phía Trung Quốc viện cớ áp dụng chính sách “Zero COVID” cho nên tạm dừng nhập tất cả các container hàng đông lạnh.

Ngoài việc siết thông quan, phía Trung Quốc cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì… khiến hàng thông quan đã chậm lại càng chậm thêm.

Câu chuyện không của riêng Việt Nam

Nếu phía Trung Quốc đưa ra những yêu cầu khắt khe, mà doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được thì đã đành. Nhưng đằng sau câu chuyện này có những vấn đề vượt ra ngoài các yêu cầu như vậy.

Hồi tháng 10 năm nay, tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh đã phải đối mặt với vô số cáo buộc từ các quốc gia thành viên bởi các hành vi không hề phù hợp với quy định quốc tế, bao gồm: phân biệt đối xử, không minh bạch, cưỡng bức.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã nhận được trên 1.600 câu hỏi từ khoảng 40 nước thành viên WTO, và làn sóng giận dữ không chỉ từ các quốc gia phát triển.

Ông Vương Văn Đào đã không thể thuyết phục được ai khi khẳng định Trung Quốc luôn tôn trọng các cam kết lúc gia nhập WTO và không làm tổn hại đến lợi ích của các nước khác.

Đại diện Mỹ David Bisbee cáo buộc Bắc Kinh đã trở thành “sức mạnh lớn nhất ở WTO, nhưng vẫn áp dụng cách thức quốc doanh trong thương mại”.

Washington cho rằng, khi Trung Quốc gia nhập WTO cách đây 20 năm, các quốc gia thành viên chờ đợi Bắc Kinh có những thay đổi căn bản để thích ứng với cơ chế thị trường, nhưng rốt cuộc họ đã sai lầm.

Ảnh: gần 5.000 xe tải VN ách tắc tại các cửa khẩu xuất khẩu sang Trung quốc, suốt 20 ngày nằm chờ không nhúc nhích

Australia tố cáo trong 18 tháng qua, Trung Quốc liên tục phá rối thương mại bằng cách yêu cầu phải có các xét nghiệm bắt buộc, tiến hành kiểm tra tùy tiện tại biên giới, cố ý trì hoãn thủ tục, chậm cấp giấy phép nhập khẩu và áp đặt thuế chống phá giá phi lý.

Đại sứ Australia tại WTO khẳng định có trong tay các báo cáo đáng tin cậy cho thấy chính quyền Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu không mua một số mặt hàng của Australia.

Về phía Ấn Độ, nước này tố cáo những đòi hỏi về thủ tục nghiêm ngặt và thường là không rõ ràng của Trung Quốc.

Phái đoàn Ấn Độ lo ngại về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc “tăng lên với nhịp độ đáng báo động và không mang tính khoa học với lý do là để phòng chống dịch COVID-19, coi đây như một cái cớ để phong tỏa nhiều chuyến hàng xuất khẩu của Ấn Độ, đặc biệt là hải sản.”

Canada đã đưa vấn đề Trung Quốc cấm hạt cải dầu xuất khẩu của nước này ra WTO để tìm kiếm giải pháp.

Australia đã đâm đơn kiện Trung Quốc lên WTO về mức thuế 80,5% đối với lúa mạch Australia.

Canberra cũng xem xét việc khởi kiện Trung Quốc vì nước này đưa than đá của Australia vào danh sách đen.

Thương mại là vũ khí chính trị của Bắc Kinh

Nhiều quốc gia trên thế giới biết rõ việc Trung Quốc luôn sử dụng thương mại như một “vũ khí” nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị của họ.

Và Bắc Kinh đã sử dụng “vũ khí thương mại” này đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Mới đây, các chính sách kinh tế gây áp lực với nước khác của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm tại cuộc họp của các ngoại trưởng Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào cuối tuần trước.

Động thái này diễn ra sau một tuần đầy biến cố khi Nicaragua cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) để ủng hộ Bắc Kinh và Trung Quốc tăng cường trả đũa Lithuania, sau khi quốc gia vùng Baltic cho phép mở Văn phòng đại diện Đài Loan tại Vilnius vào tháng trước.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã đe dọa và áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại để trừng phạt hơn 10 quốc gia theo đuổi các chính sách mà họ xem là gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc.

Sự việc đầu tiên xảy ra vào năm 2010 khi Trung Quốc cấm nhập khẩu cá hồi Na Uy sau khi Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.

Cũng trong năm 2010, Trung Quốc đã ra lệnh ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong nỗ lực nhằm buộc Tokyo phải thả thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung Quốc bị bắt giữ sau khi tàu này va chạm với tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Năm 2012, sau khi đối đầu với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), trái cây nhiệt đới của Philippines xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị kiểm dịch vì bị cho là chứa mầm bệnh.

Sau đó, Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mông Cổ vì đã tiếp đón Đạt lai Lạt ma; với Hàn Quốc vì triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ; với Canada vì vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu; với New Zealand vì cấm sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất cho mạng di động 5G của nước này; với Thụy Điển vì trao giải thưởng nhân quyền cho một người Thụy Điển bất đồng chính kiến đang bị giam giữ ở Trung Quốc; với Đài Loan vì hòn đảo này không chịu thừa nhận là một phần của Trung Quốc; với Anh vì đã hỗ trợ người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong; và với thành phố Praha vì ký kết thỏa thuận kết nghĩa với Đài Bắc.

Làm gì để chống lại sự ép buộc từ Bắc Kinh

Ông Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Perth USAsia, bày tỏ quan điểm: “với hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang bị xáo trộn, cần phải có các cơ chế quốc tế khác cho phép các quốc gia thực hiện hành động tập thể và hỗ trợ lẫn nhau khi đối mặt với các mối đe dọa và ép buộc từ các quốc gia khác.”

Tuy nhiên, giải quyết các tranh chấp thông qua WTO không phải là một giải pháp nhanh chóng, nếu quy trình của WTO đang diễn ra suôn sẻ, thì nhìn chung cũng mất hơn một năm mới có thể đưa ra quyết định.

Thế nhưng nếu có nhiều quốc gia cùng nhau đệ đơn kiện lên WTO sẽ thể hiện sự đoàn kết đa phương trong việc thách thức các hành vi lạm dụng thương mại của Trung Quốc, và cùng với những hành động khác, có thể góp phần ngăn cản Bắc Kinh tiến hành thêm các chiến dịch ép buộc kinh tế.

Các thành viên liên minh có thể và cũng nên thúc đẩy cải cách WTO để các nước thành viên được bảo vệ trước hành động xâm phạm về kinh tế.

Chẳng hạn, Liên minh châu Âu (EU) đã lần đầu tiên công bố đề xuất về Công cụ chống cưỡng bức vào tuần trước.

Biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ các quốc gia thành viên EU khỏi “sự đe dọa kinh tế” khi “một quốc gia gây áp lực buộc một nước khác phải thay đổi chính sách của họ bằng cách hạn chế hoặc đe dọa hạn chế thương mại hoặc đầu tư.”

Đối với Việt Nam, trước các hành vi như vậy của Trung Quốc nhằm cản trở hàng hoá Việt Nam xuất qua biên giới như vậy, thì Việt Nam có thể làm gì?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Thứ nhất, nếu đóng cửa với hàng nông thủy sản Việt trong thời điểm giáp tết, về mặt thương mại là người tiêu dùng của nước họ thiệt chứ chưa phải người bán thiệt.

Thứ hai, giữa VN và Trung Quốc đã có những ký kết hiệp ước cơ bản tạo thuận lợi thương mại hàng hóa cho hai nước, nếu coi dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng, việc họ đơn phương từ chối nhận hàng, siết không mở cửa cho hàng hóa vậy đã đúng với cam kết giữa hai nước ký kết chưa?

Khi trao đổi ở cấp Chính phủ, bộ… phải lưu ý và bám vào những quy định cụ thể để thương thảo, điều chỉnh.”

Tuy nhiên, có rất nhiều điều khó khăn đối với việc Việt Nam có thể đưa ra các diễn đàn quốc tế các hành vi kinh tế cưỡng ép như vậy của Trung Quốc.

Do Trung Quốc có thị trường lớn cũng là một chuyện, nhưng chuyện thứ hai là có rất nhiều thoả thuận mờ ám giữa chính quyền Việt Nam và chính quyền Trung Quốc mà rất ít người dân được biết. Ví dụ, trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam – Trung Quốc ngày 8/10/2004 bên lề Hội nghị ASEM 5, có thể hiện:

Cả hai bên nhất trí cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN. Việt Nam thừa nhận quy chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh của Trung Quốc và hứa không sử dụng Điều 15 và 16 của Nghị định thư về việc Trung Quốc gia nhập WTO và đoạn 242 trong Báo cáo của Ban Công tác về việc Trung Quốc gia nhập WTO.”

Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam không thể khởi kiện hay nêu các vấn đề về tranh chấp thương mại với Trung Quốc lên WTO được.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> ‘Diễn tập’ metro, thật – giả, hay giả – thật?

>>> Việt Nam kết án nhà hoạt động: Liên Hợp Quốc và ngoại giao bốn nước G7 bất bình

>>> Người dân và chính quyền Việt Nam, mối quan hệ ‘một chiều’

Liên Hợp Quang: Đại dịch khiến dân Việt Nam nhiều lo lắng và có nơi 1/5 ‘mất hết thu nhập’


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023