Việt Nam: Hai vụ việc nổi cộm và nạn thiếu niềm tin vào lời chính quyền

Link Video: https://youtu.be/8GU41jP-Giw

“Hai sự kiện nổi cộm trong tuần vừa qua trên các mạng xã hội ở Việt Nam, dường như chẳng liên quan, không mấy ăn nhập, nhưng suy nghĩ kỹ, đều có chung một nguyên nhân là Thiếu Niềm Tin.” Tác giả Bùy Uyên, Kiến trúc sư tại Paris, Pháp, nêu nhận định trong bài viết trên BBC News tiếng Việt.

Ồn ào nhất trong công luận, là việc các phụ huynh phân vân, lo lắng không biết có nên cho con đi tiêm chủng kháng Covid-19 hay không, chủ yếu vì mấy lô thuốc đúng trước ngày “hết date” mới được gia hạn thêm 3 tháng lại được dùng để tiêm cho trẻ em.

Mặc dù có một công văn chính thống dài vài trang, giải thích và chứng nhận việc gia hạn vaccine, phụ huynh vẫn nghi ngờ vì sự “hỏa tốc” của nó, rồi quay ra đặt câu hỏi về điều kiện bảo quản, rộng hơn là vì sao trẻ con phải tiêm khi người lớn còn chưa tiêm hết?

Nhiều người còn có phản ứng mạnh mẽ hơn, các mạng xã hội tràn ngập những bình luận cay nghiệt, rồi có những hội phụ huynh “biểu quyết” chưa cho con tiêm đợt này.

Cạnh đó, việc một thanh niên đi nghĩa vụ quân sự bất ngờ tử vong mờ ám rồi được trả về nhà cũng làm dậy sóng dư luận.

Trên những trang đăng tải giải trình chính thức của đơn vị về việc binh nhất Nguyễn Văn Thiên “đột quỵ”, ở phần bình luận, hầu như không tìm thấy bóng một comment nào tin vào lý do thông báo.

Không do dự, đa số liên tưởng ngay đến cái chết tức tưởi của một binh nhất khác cũng từng khiến dư luận bất bình sâu sắc.

Người dân có đọc công văn Bộ Y tế đóng dấu son đỏ hay biết bao lời giải thích, phân trần “về hậu” khác, họ cũng vẫn thắc mắc và đặt hàng trăm câu hỏi ngờ vực.

Bản tường trình của Quân đội hay bên Pháp y (xem thêm báo VN vụ tử vong của binh nhất Nguyễn Văn Thiên) có dài dằng dặc, chính quyền có khẳng định như “đinh đóng cột” thế này thế khác thì cũng không thể làm nguôi hình ảnh đau lòng phơi ra trước mắt công chúng.

Khác biệt nhỏ giữa hai sự việc, có chăng, là sự tác động trực tiếp của nó lên mỗi người.

Ảnh: Báo Tuổi trẻ với thông tin Hà nội đã trả lại hai lô vaccine Pfizer tăng hạn sử dụng sau sự kiện 3 trẻ tử vong sau khi tiêm, ngược lại TpHCM thì triển khai tiêm cho trẻ 210.000 liều vaccine Pifizer được gia hạn thêm 3 tháng sử dụng sau khi hết date, theo báo Thanh niên

Một thanh niên khỏe mạnh chết khó hiểu trong trại lính là trường hợp dù rất đau thương nhưng được cho là hãn hữu, có thể chép miệng bỏ qua.

Nhưng tiêm cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu đứa trẻ, thì sự lo lắng, phân vân, thiếu tin tưởng là đến từ các bậc làm cha làm mẹ, những người duy nhất “chịu mọi trách nhiệm” cho việc lựa chọn tiêm hay không tiêm cho con mình.

Vấn đề trở nên rất nhạy cảm khi chạm tới những đứa trẻ còn cả một tương lai rất dài ở phía trước, mà không bố mẹ nào muốn phải hối hận sau này, hoặc ngay ngày mai.

Sự quan tâm và lo lắng cho hai sự việc vì thế khác hẳn nhau, chính bởi tính “sát sườn” của nó khác nhau.

Nhưng nguyên nhân và bản chất thì không có gì khác biệt và theo tôi đó là sự thiếu niềm tin vào những gì chính quyền nói và làm.

Gia đình và nhiều người chưa tin vào kết luận binh nhất Nguyễn Văn Thiên ‘tự té ngã’ nhưng không rõ quân đội Việt Nam còn điều tra tiếp hay không.

Dân không tin chính quyền, có hại gì không? Có chứ, hại cho một chính sách có thể đúng, lại khó triển khai hiệu quả.

Hại cho người dân không biết dựa vào đâu cho những quyết định của mình, để rồi bị lừa hay nghe theo những lời khuyên, thông tin thật giả trôi nổi không căn cứ.

Ảnh: quân nhân Nguyễn Văn Thiên bị báo chí cho là đột quỵ sau khi tắm trong khi cơ thể nhiều vết bầm tím mà gia đình có thông tin rằng Thiên đã bị đánh dã man trước khi chết

Sản phẩm của sự mất niềm tin này là một xã hội với lối tư duy ngắn hạn, đối phó, mà không xây dựng bằng những giá trị chung vững chãi.” Tác giả Bùi Uyên nêu quan điểm.

Tất cả chúng ta thật lòng nói dối… là tựa đề bài viết của nhà văn Thái Hạo đăng trên Facebook cá nhân, với nội dung như sau:

Tôi viết, “Khi một nhóm người ăn cướp để làm giàu thì phần còn lại sẽ phải ăn cắp để sống”, câu này được nhiều người hiểu một cách rất thô sơ “chắc nó chừa mình ra”, mà không tự thấy rằng, chính mình cũng là người ăn cắp.

Thói gian dối tràn ngập khắp nơi.

Khi đi học, chúng ta ăn cắp bằng cách quay cóp trong những giờ kiểm tra;

khi ra trường chúng ta ăn cắp bằng cách chạy chọt đút lót “xin việc” – đó là cách ăn cắp cơ hội của người khác;

khi đi làm chúng ta đối phó, làm việc cầm chừng, đi muộn về sớm;

chúng ta ăn cắp giáo án trên mạng, ta ăn cắp thành tích bằng cách cấy điểm cho học trò, ăn cắp bằng những bản báo cáo “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”…

Ăn cắp khắp nơi, ăn cắp tràn lan trong xã hội, ăn cắp từ trẻ tới già, từ nông thôn lên thành phố, từ ngoài đường vào công sở.

Có bao nhiêu người đang say mê làm việc, sáng tạo trong 100 triệu người Việt?

Có bao nhiêu người đang “tối ngày đày công”, có nhiêu người đang “sáng cắp ô đi tối cắp về”, có nhiêu người đang chờ từng ngày để về nghỉ hưu?

Ảnh: thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn ở Đồng nai với lá đơn xin thôi việc nêu lý do rằng ông cảm thấy “tởm nhất là vấn nạn dối trá” trong môi trường giáo dục

Chúng ta đang có một xã hội trì trệ mà ở đó cấp trên nói dối cấp dưới, cấp dưới đối phó với cấp trên và cả hai cùng nhau đối phó với xã hội.

Chúng ta cứ diễn lại mãi một vở tuồng cũ rích cho nhau xem dù cả diễn viên và khán giả đều đi guốc trong bụng nhau nhưng vẫn diễn như thật, diễn say mê và giả vờ vỗ tay cho “vừa lòng nhau”.

Đó là một xã hội lâm bệnh nặng, bệnh suy dinh dưỡng tinh thần, nó ốm yếu, vật vờ; tồn tại nhưng lòe loẹt và đỏm dáng.

Chúng ta ăn cắp niềm tin của nhau, con người không tin nhau nữa. Ở đâu cũng thấy những ánh mắt nghi ngờ, cảnh giác.

Một xã hội rườm lời, người ta nói rất nhiều, và quên ngay lời nói của mình mà không còn thấy xấu hổ hay day dứt gì nữa; người ta nghe, mà chỉ là nghe cho vui đó thôi.

Một “lời vàng đá” giờ như cổ tích, làm gì còn “xuất ngôn cửu đỉnh”…

Trước cái xấu cái ác, “đấu tranh tránh đâu”, thế là người ta tìm cách thích nghi bằng cách biến đổi chính mình như một con tắc kè; đầu tiên là bằng nói dối, rồi làm ẩu, làm láo, làm giả; riết rồi người ta sống giả, khóc giả, cười giả, giận dữ giả.

Chúng ta tỉnh táo tới mức không thể chấp nhận việc có nhiều người động lòng thương gia đình một cô bé nghèo khổ ăn cắp, chúng ta sáng suốt nhân danh đủ thứ lý lẽ để đòi trừng trị, chúng ta cao giọng dạy dỗ huấn thị.

Ngày xưa, khi phát hiện một đứa trẻ đang leo cây hái trộm ổi, ông chủ nhà sẽ im lặng không lên tiếng, giả vờ như không biết vì sợ nó té ngã; ngày xưa, khi một đứa trẻ ăn trộm trái cây trong vườn ông thầy đồ, ông sẽ nói “cháu đừng hái trái xanh”, rồi đến trưa thì tự tay mang sang nhà cho một rổ…

Thời tôi vẫn còn lác đác thấy thế, thời cha mẹ ông bà tôi thì nhiều hơn.

Ai cũng biết ăn cắp là xấu, ngay cả là một đứa trẻ, vì thế mà người ta mới lén lút, mới nói dối, mới sợ hãi. Không cần phải nói về cái đó nữa. Hành xử thế nào mà thôi.

Khi ta đối xử với một đứa ăn cắp như một đứa ăn cắp thì nó sẽ mãi là đứa ăn cắp; khi ta đối xử với đứa ăn cắp như con vật thì thú tính của nó nổi lên; khi ta đối xử với kẻ cắp như một con người, kẻ cắp sẽ thành người.

Không phải là dung túng, không ai dung túng cả, cũng không bàn câu chuyện luật pháp nữa, luật pháp phải được thượng tôn.

Tôi chỉ nói chuyện con người, đó là nhân tính, là lòng bao dung, là sự vị tha, là tình yêu thương con người.

Là tính người. Nó vốn có và tràn đầy trong cõi lòng mỗi người.

Thế mà bây giờ ta phải ngồi mổ xẻ, cân nhắc, tính toán; không còn chỗ cho lòng bi mẫn nữa.

Bảy năm sau, một đứa học trò tìm đến nhà thầy, “thầy còn nhớ em không, ngày xưa, trong giờ kiểm tra em đã giở tài liệu nhưng thầy chỉ im lặng đi xuống và gõ thật nhẹ lên bàn mà không cho ai biết, thầy đã không làm em phải xấu hổ nhục nhã.

Bây giờ em đã đi làm và luôn nhớ đến điều đó…”. Không ai xấu đi vì nhận được sự tôn trọng và tình yêu thương cả. Chỉ là chúng ta không còn tin điều ấy nữa mà thôi.

Bỗng nhớ bài thơ “Vô cùng” của Hoàng Nhuận Cầm:

“Tất cả chúng ta thật lòng nói dối

Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi

Tất cả chúng ta căn nhà chật chội

Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi.

Tất cả chúng ta đều bị theo dõi

Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi

Tất cả chúng ta như bầy chó đói

Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi.

Tất cả chúng ta đều không vô tội

Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi”.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Cơ hội nào cho Việt Nam chuyển đổi dân chủ?

>>> Bắt học sinh từ lớp hai đến hết phổ thông mua sách ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’ vì lý do gì?

>>> Việt Nam nói ‘giải cứu công dân’ nhưng ‘chặt chém’ ai muốn bay về quê hương

Tuyên bố bản quyền với ‘Tiến quân ca’ là vô nghĩa


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023