Lâm Đồng: Dân tố cáo công an xã đánh dân đến chết

Link Video: https://youtu.be/touwy5N0yec

Một người dân ở thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng bị công an xã đánh đến chết hôm 24/9 vừa qua, theo cáo buộc của người thân và những người dân chứng kiến sự việc. Tuy nhiên, truyền thông Nhà nước chỉ cho biết người này chết sau khi được mời lên làm việc tại đồn công an xã.

Nạn nhân là ông Phan Văn Lan (49 tuổi). Theo báo Thanh Niên, vào ngày 24/9, ông Lan có lời qua tiếng lại với công an khi lực lượng này lập biên bản xử phạt đối với một tài xế xe tải luồng xanh vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 “một cung đường, 2 điểm đến”.

Vào 9 giờ cùng ngày, ba công an xã đã tới nhà ông Lan phát giấy mời, yêu cầu ông Lan lên trợ sở công an xã làm việc. Theo báo Thanh Niên, ông Lan khi làm việc với công an xã tại nhà đã có hơi men trong người. Ông Lan tiếp tục có những lời lẽ xúc phạm công an và bị đưa về trụ sở công an xã.

Sau đó, người thân của ông Lan nhận tin ông tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu trong cùng ngày.

Tuy nhiên, trên mạng Facebook, người thân của gia đình ông Lan cho biết, ông Lan đã bị công an xã đánh đến hộc máu mồm ngay tại nhà riêng của ông Lan trước khi ông bị đưa lên đồn.

Sau đó, cũng theo người nhà nạn nhân, ông Lan tiếp tục bị công an đánh đập tại đồn công an. Người thân được tin, yêu cầu được đưa ông đi bệnh viện nhưng công an không cho. Chỉ đến chiều cùng ngày, công an mới cho gia đình đưa ông Lan đi bệnh viện cấp cứu nhưng ông đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Theo báo Thanh Niên, việc khám nghiệm hiện trường và tử thi đã được hoàn tất vào chiều ngày 25/9. Gia đình cũng tổ chức đám tang cho ông Lan vào cùng ngày.

Ông Phan Văn Thuần, anh trai nạn nhân, cho báo Thanh Niên biết, ông chứng kiến và ghi nhận trực tiếp  công tác khám nghiệm tử thi. Ông Thuần khẳng định ông Lan có nhiều thương tích.

Theo thông tin trên trang Facebook người nhà nạn nhân, khám nghiệm tử thi cho thấy ông Lan bị “dập não, gẫy ba xương sườn, gẫy răng”.

Ảnh: Đám tang ông Phan Văn Lan tổ chức vào chiều 25.9

Các hình ảnh và video đăng lên Facebook của người nhà nạn nhân cũng cho thấy đầu và người của ông Lan bị nhiều vết thâm tím, chảy máu.

Tuy nhiên, status và hình ảnh này sau khi đăng lên Facebook và được 30 nghìn lượt chia sẻ đã bị Facebook gỡ xuống chỉ trong vòng một ngày vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.

Bà Đỗ Thị Tuyết Thu, vợ nạn nhân, được báo Nhà nước trích lời nói: “Tôi rất bức xúc trước cái chết của chồng mình, mong cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân…”.

Theo báo Nhà nước, hiện Công an tỉnh Lâm đồng cùng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân ông Lan tử vong.

Tình trạng người dân bị chết tại đồn công an hay tại nơi tạm giam xảy ra khá phổ biến thời gian gần đây và đã được truyền thông Nhà nước loan tải. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đều được chính quyền xác định là do tự tử mà chết.

Hồi tháng 1 năm nay, một nghi phạm liên quan đến một vụ gây rối trật tự công cộng đã tử vong khi bị tạm giam ở trại giam Chí Hoà, TP Hồ Chí Minh. Gia đình nạn nhân được thông báo nạn nhân tự tử chết nhưng thi thể nạn nhân lại có nhiều vết bầm tím.

Đại diện Bộ Công an Việt Nam trong một lần giải trình trước Liên Hiệp Quốc hồi năm 2019 về việc thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự & Chính trị, nói rằng nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”.

Ảnh: Hôm 10-7-2019 hai công an đánh chết người vi phạm giao thông ở quận Ô môn Cần thơ bị phạt mỗi người 8 năm tù

Trường hợp chết trong đồn công an mới nhất xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa hôm 9/3/2020, một nam thanh niên tử vong bất thường khi đang bị tạm giữ tại công an huyện Triệu Sơn, trong tư thế treo cổ.

Tin cho biết, nạn nhân tử vong trong nhà tạm giam có tên là L.K.N, sinh năm 1987, trú tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Anh L.K.N bị Công an tỉnh bắt giữ vào ngày 7/3 để điều tra làm rõ liên quan vụ trộm cắp tài sản.

Đây là trường hợp thứ hai chết bất minh trong đồn công an từ đầu năm 2020 đến nay.

Trước đó, vào ngày 3/1/2020, Công an Thành phố Tây Ninh cũng cho biết, ông Phan Quốc Thắng 47 tuổi ở phường 1, người đâm thượng úy công an trọng thương và bị bắt tạm giam một ngày trước đó, đã treo cổ trong buồng tạm giam, tử vong.

Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết hồi tháng Hai năm 2011 vì chạy xe không đội mũ bảo hiểm, nhận định với RFA hôm 10/3 về vấn nạn chết bất minh trong đồn công an:

Tôi nghĩ việc người dân chết một cách vô cớ trong đồn công an bây giờ đang trở nên rất là bình thường trong suy nghĩ của người dân. Trước đây, khi mà nghe dân chết trong đồn công an thì rất là nhiều người bức xúc, và đặt câu hỏi.

Nhưng trước những giải thích vô trách nhiệm và coi thường người dân của cơ quan chức năng, người ta đang bình thường hóa việc người dân chết trong đồn công an.

Vì khi người dân theo đuổi công lý mà không có kết quả thì sẽ dễ gây tâm lý chán nản và từ bỏ. Hiện tại, rất nhiều trường hợp chết trong đồn công an vẫn tiếp diễn, nhưng sự phản kháng gần như không còn nữa.”

Tình trạng người đang khỏe mạnh khi phải vào đồn công an rồi tử vong và cơ quan chức năng báo nạn nhân tự tử hay bị bệnh chết thường xảy ra tại Việt Nam khiến nhiều người nghi vấn.

Tuy nhiên, khi đại diện Bô Công an trả lời chất vấn trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2019, đã cho rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”, hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.

Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục 2, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 10/3 cho biết, những thông tin chính quyền công bố, thì ông không tin nó là sự thật khách quan 100%.

Vì theo ông, ở Việt Nam, các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, công an… làm việc không độc lập và đều chịu sự chỉ đạo chung của đảng. Ông nói:

Tôi đã thấy có những phiên tòa xét xử, thì mới biết nhiều người từng bị tra tấn ép cung, như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, hay ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang… là những người bị kết án tử hình… sau này không những công an, kiểm sát viên, chủ tọa phiên tòa… đều bị truy tố.

Hay vụ xét xử 5 công an ở Nha Trang tra tấn chết một nghi phạm…

Ảnh: ông Ngô Thanh Chấn, người được minh oan sau 10 năm đi tù vì bị ép cung kể lại: “Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Cán bộ H.T trên tay lúc nào cũng cầm dao hăm dọa, ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003.

Theo Trung tá Vũ Minh Trí, những vụ việc được báo chí đăng tải đã xử lý, có lẽ mới chỉ là một phần sự thật, có nghĩa việc tra tấn ép cung có thể phổ biến hơn, có thể nhiều hơn nhiều.

Ông đưa ra ví dụ:

Hồi năm ngoái, khi ra tòa, nguyên ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng có nói câu ‘mong được đối xử như một con người’, có nghĩa rằng một người như Đinh La Thăng mà khi vào tù còn không được đối xử như con người. Thế còn những người thấp cổ bé họng, những người không hiểu biết, không tiền, không thế lực… thì khi vào trại giam, hay tạm giam, sẽ còn bị đối xử tàn tệ hơn nữa.”

Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc vào ngày 7/11/2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 28/11/2014. Đây được cho là 1 trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hợp Quốc. Các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế đánh giá tình trạng công an sử dụng bạo lực đối với người dân đang trở nên tràn lan tại Việt Nam hiện nay.

Cho đến nay chưa có một thống kê chính thức nào của chính phủ Việt Nam về việc có bao nhiêu nạn nhân chết trong đồn công an. Nhưng theo thống kê của RFA, dựa trên những thông tin được truyền thông trong nước đăng tải, năm 2018 có nhất 11 người chết trong đồn công an; năm 2019 có ít nhất 3 người chết; và từ đầu năm 2020 đến nay đã có 2 người chết khi đang bị tạm giữ.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Bị thoibao.de bắn trúng chỗ hiểm, đảng lồng lộn lên như con thú

>>> “Pháo đài” hay “Ấp chiến lược” và chuyện bộ Test Kit bị nâng giá gấp 14 lần

>>> Vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam: ‘Đòi con voi mà nhận quả táo’

Lấy ý kiến tôn tạo tượng Đức Thánh Trần, trả lư hương: sao không nhìn nhận sai trái?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023