“Pháo đài” hay “Ấp chiến lược” và chuyện bộ Test Kit bị nâng giá gấp 14 lần

Link Video: https://youtu.be/AauZk07yz7w

Khi thủ tướng vi hành ở phường Thanh Xuân Trung – TP Hà Nội, chủ tịch phường nói sai khẩu hiệu: “Mỗi phường xã là một lô cốt chống dịch”, đã bị VTV mắng mỏ bằng tựa đề: “Thủ tướng vô cùng ngỡ ngàng trước câu trả lời của Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung”.

Tôi thấy phường, xã bị rào chắn kẽm gai chẳng giống “pháo đài” hay “lô cốt”, mà nó y chang “ấp chiến lược”. Từ khi phong tỏa Sài gòn (19/6/2021), tôi thắc mắc Bên thắng cuộc “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” rất tài tình, tại sao lại “đánh giặc Covid” theo cách của ông Ngô Đình Diệm, biến từng khu phố thành “ấp chiến lược”?

Để dễ hình dung, xin nhắc bối cảnh miền Nam trước năm 1963: Ngoài khu vực đô thị như Sài gòn, Chợ lớn, Gia định và các tỉnh lỵ, từ các quận ngoại thành đến vùng xa, nhà dân (kể cả mồ mã) phân tán rải rác trên những cuộc đất thuộc sở hữu của họ. Thậm chí, họ không màng cất nhà dọc quốc lộ, liên tỉnh lộ để tiện bề đi lại.

Sự phân bổ dân cư như vậy vô hình trung thành “hậu phương vững chắc” cho du kích quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN được thành lập ngày 15/2/1961, do Cục “R” lãnh đạo (Việt nam cộng hòa gọi là Việt cộng).

Tháng 3/1962, ông Diệm xây dựng kế hoạch ấp chiến lược để bốc tách Việt cộng ra khỏi cộng đồng dân cư, ở gần biên giới Campuchia như Bình Long, Phước Long, Hậu Nghĩa, (gần Cục R) nên gặp sự phản kháng của dân – do du kích giật dây. Lính Ngô Đình Diệm phải cưỡng chế dân dời nhà vào ấp chiến lược bằng súng, đạn, đốt nhà cũ… gây thất nhân tâm!

Nhiều ấp chiến lược bị tấn công ở vùng xôi đậu, nhưng khá an ninh ở vùng do Việt nam cộng hòa kiểm soát. Dân chúng rời cổng ấp chiến lược đi làm đồng, lính dân vệ xét thúng, giống, gánh chỉ cho mang đủ nước và cơm ăn, chiều về lính xét xem có mang vũ khí vào ấp không? Việt cộng bị cô lập.

Sau khi đảo chánh ông Diệm, Dương Văn Minh xóa ấp chiến lược, lập “ấp dân sinh” cho dân trong ấp chiến lược trở về ruộng, vườn cũ của mình cất chòi giữ đất và canh tác. Việt cộng được dân miền Nam tái tiếp tế từ năm 1964.

Bên thắng cuộc rất tài tình về dụng binh cơ động, tập họp nhiều đại đội du kích tứ tán thành một trung đoàn đánh úp chi khu cấp tiểu đoàn, tịch thu vũ khí rút lui nhanh, rồi phân tán mỏng. Quân trù bị Việt nam cộng hòa mở trận càn quét không tìm ra Việt cộng.

Ảnh: cảnh chui rào vượt rào chắn Covid-19 của những người phụ nữ ở TpHCM được chia sẻ mạnh trên mạng XH

Thế mà trong trận chiến chống giặc Covid, bên thắng cuộc lại áp dụng cách “phòng thủ co cụm” của ông Diệm. Họ rào từng khu phố để tách F0 ra khỏi dân. F0 tạm coi như “kẻ thù cơ hội” của dân!

Vừa tách xong F0, khu phố dán ngay ở đầu đường “vùng xanh”, giống như hồi xưa dân vệ bắt hai Việt cộng nằm trong bồ lúa, thì buộc nhà chứa chấp Việt cộng phải treo cờ vàng! Nhưng tối hôm sau, Việt cộng đột nhập vào, giật cờ vàng, treo cờ nửa xanh nửa đỏ, kèm trái lựu đạn gài chốt!

Khu phố đang màu xanh, sau khi quệt mũi lòi F0, toàn khu phố dán màu cam.

Bên chống “giặc Covid” tự hỏi, không lẽ một công nhân F0, cả nhà máy đóng cửa? Một F0 trong cộng đồng chả lẽ phong tỏa cả phường? Nhưng nếu chỉ đóng phân xưởng có F0 hoặc chỉ phong tỏa mấy nhà liền kề F0 thì liệu có an toàn không?

Không biết chừng nào có “Dương Văn Minh” tái thế?

Dân cư mạng đang sốc nặng vị thông tin Bộ y tế duyệt chi một bộ xét nghiệm nhanh 238 ngàn đồng, gấp 14 lần so với giá thực tế, giá bán trong siêu thị Đức bán chỉ 0.95 EURO, nếu mua sỉ chỉ 17 ngàn đồng. Dòng trạng thái từ FB của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đang có 1.500 lượt chia sẻ với hàng ngàn người bình luận.

Ảnh: rào chắn dây kẽm gai cũng được áp dụng phổ biến ở TpHCM và bình dương

Trên FB cá nhân, nhà báo Hà Phan bình luận như sau:

Chúng ta đi từ bất ngờ khi ông Đặng Hồng Anh nói rõ giá kit test nhanh kể cả các chi phí khác, kho bãi cũng chỉ khoảng 50.000 đ/bộ sang ngơ ngác ngỡ ngàng vì lãnh đạo Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế (Bộ Y tế) trả lời gọn ghẽ thế này : “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm.

Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”!?

Tía má ơi! Hàng chục triệu lỗ mũi banh chành bởi vài chục triệu bộ kít ngoáy miệt mài mà Bộ Y không kiểm soát giá! Biết bao người bị khổ lên hành xuống với giá kit test nơi nào cũng trên 200k mà Bộ Y chỉ có quản mỗi việc chỉ đạo test khắp nơi! Cho đến nay tiếng kêu thấu trời mà Bộ vẫn chỉ thế thôi sao?

À tôi quên! Bộ Y tế đã từng có hướng dẫn về mức giá thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19, trong đó mức giá xét nghiệm nhanh 238.000 đ/ lần cơ đấy!

Tính khoảng 20 triệu kit thôi thì “k kiểm soát giá” để các Cty “tự chịu trách nhiệm” nếu họ nhích lên chỉ 10k/ kit thì biết bao tỷ của chúng ta về đâu? Càng test nhiều ai càng được lợi hổng thèm nói chúng mình cũng hiểu

Hôm qua, khi rần rần tức giận vì giá kit test ở châu Âu, nơi khỏi bàn về chất lương cũng chỉ tương đương 30-40k/ kit thì thông tin từ Bộ Y cho biết gần đây doanh nghiệp đã hạ giá!

Theo Bộ này, trước 20-8, giá test nhanh dao động từ khoảng 100.000 – 198.000 đồng/test. Tuy nhiên, theo cập nhật đến ngày 25-9, một số doanh nghiệp có điều chỉnh giá, trong đó, mức giảm khoảng 20.000-70.000 đồng/test!

Vì sao họ giảm và giảm bởi cái gì, thương túi tiền dân chúng hay abcd thì chỉ có họ biết chứ Bộ Y chắc ” không kiểm soát” nên chẳng biết gì đâu!?

Dù cho giảm nhưng giá 1 bộ kit họ bán ra rẻ nhất cũng gần 80.000/bộ, chênh lệch 30.000 so với giá ông Anh đưa ra! Biết rằng làm ăn phải có lời nhưng kiếm khủng như thế khi đất nước, dân chúng gặp nạn thì nên gọi bằng từ gì đây?

Nhiều Hiệp hội đã kiến nghị đưa giá kit vào diện bình ổn vì chi phí họ chịu cho test quá lớn.  Sắp tới khi mở cửa, test nhiều hơn nữa mà vẫn với giá trên, vẫn như đã qua thì làm nhiều cũng chỉ giàu cho đám buôn kit mà thôi!”

Ảnh hài trên FB về chuyện ngoáy mũi test covid

Cũng về chuyện chi phí chống dịch và ngân sách nhà nước, nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài bình luận mang tựa đề “SAO KÊ” KINH PHÍ CHỐNG DỊCH, nội dung như sau:

Quốc gia rất nghèo, điều này có lẽ không cần nói thêm.

21,5 nghìn tỷ đồng chi chống dịch là con số đến cuối tháng 7, mỗi tháng chi thêm vài nghìn tỷ. Dự chi cho cả năm từ trung ương đến địa phương là 100 nghìn tỷ.

Thủ tướng phải kêu gọi nhân dân góp tiền chống dịch, một động thái hiếm thấy ở các nước khác.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân buồn bã: TP.HCM nộp ngân sách 330.000 tỷ đồng cho trung ương, xin hỗ trợ 28.000 tỷ, đến nay được giải ngân hỗ trợ 2.000 tỷ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn: Ngân sách chống dịch không còn đồng nào, đề xuất chuyển tiền tiết kiệm sang.

Hiểu nôm na là đập đến con heo đất cuối cùng!

Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nếu vung tay quá trán “tung nóc” thì hơi cũng không còn.

Test, trong thời gian qua là một chính sách kỳ lạ. Từ tháng 10/2020, Bộ Y tế ra hướng dẫn phí test. Từ đó, test dồn dập, test tràn lan. Chưa khoanh vùng cũng test, khoanh vùng xong lại test tất cả các vùng. Truy lùng f0 test bình thường, “sống chung với dịch” thì test thần tốc.

Hà Nội lấy hơn 3,1 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 19 ca f0, chiết tính gần 600 tỷ đồng, tương đương phí truy tìm mỗi ca hơn 30 tỷ. Sài Gòn, với 10 triệu mẫu thì mất hàng nghìn tỷ.

Quan trọng, test để làm gì thì lại là một dấu hỏi lớn!

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ sốt ruột: “Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào? Test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”.

Ảnh: VTC đăng bài nêu quan điểm của TS Nguyễn Sĩ Dũng rằng các lãnh đạo sợ trách nhiệm nên sẽ “khóa cứng” địa phương. Đây cũng là tâm lý sợ mất chức, tham quyền cố vị chứ không phải vì lo cho dân cho nước gì cả

Ông xác định kiểm toán chi phí chống dịch là mục tiêu trọng tâm trong năm 2022. Điều này, tôi nghĩ người dân rất tâm đắc.

Kiểm toán, không đơn thuần là đầu vào đầu ra mà kiến giải cho dân hiểu về hiện tượng “chênh giá” test, đặc biệt là chủ trương chính sách test có phù hợp với đòi hỏi thực tế hay không?

Ngoài phí test, còn vô vàn phí: lớn thì có vật tư thuốc thang, nhỏ thì có khoanh vùng dập dịch. Thậm chí tỉ mỉ hơn còn kể ra phí rào chắn, phun xịt… Chi phí chống dịch “trĩu nặng” quốc gia và nhân dân.

Tiền tốn nhiều, tính mệnh của hàng vạn người dân mất đi. Nhiều ý kiến sốt ruột đòi quốc tang. Theo tôi nó chưa cần thiết, trong bối cảnh chưa “thắng” được dịch càng buồn thêm, cũng chỉ là thêm khoản chi.

Suy cho cùng, khát vọng của người dân là được sống trong môi trường an toàn nhất, chứ không phải chết trong nghi lễ.

Bởi vậy người dân cần một chính phủ có khả năng điều hành bằng “kỹ thuật” thực tế chứ không phải một chính phủ hướng đến các thiên chức thiêng liêng.

Nói về kỹ thuật, Bộ Y tế phải là bên chủ lực trong việc giúp chính phủ xây dựng chính sách hiệu quả cao nhất. Đáng tiếc, đọc các dòng tin tức, cảm giác cá nhân tôi cho rằng trong thời gian qua có vẻ như bộ đang xuất sắc hơn trong vai trò… rào cản.

Ít nhất, kiểm toán cũng sẽ chứng minh được một giá trị của Bộ Y tế mà người dân rất cần, đó là sự vô tư công chính!” nhà báo Nguyễn Tiến Tường nêu quan điểm.

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Từ vắc xin đến nhà thầu và thương lái Trung Quốc

>>> Vì sao Việt Nam chịu thiệt thòi khi mua vắc-xin Trung Quốc?

>>> Việt Nam đặt hàng ‘quan tài giấy’ từ Sri Lanka giữa lúc tử vong vì COVID-19 tăng cao

Ông tính đày đoạ dân tộc này tới khi nào?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023