Vi phạm điều lệ đảng, bao che hối lộ – Nguyễn Phú Trọng bị Phó chủ nhiệm Quốc hội truy vấn

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=5NTIn7mWzVc

Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định không sửa Điều lệ đảng, trong khi cho phép Tổng Bí thư có ba nhiệm kỳ liên tiếp, liệu điều này có hợp lệ hay là trái luật?

Đây là băn khoăn mà một nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam bày tỏ với BBC News Tiếng Việt trong phần hai cuộc trao đổi ngay trước Tết nguyên đán Tân Sửu hôm 09/2/2021.

Một trong những điều về Đại hội 13 mà nhiều người bức xúc và cá nhân tôi cũng rất bức xúc, đọc điều lệ đảng thì thấy chữ nghĩa viết rất là chặt chẽ, người ta vẫn dùng chữ như là ‘văn bia’, nhưng mà bây giờ lại cơ cấu, bố trí nhân sự như thế,” từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC khi được hỏi ông nghĩ về việc Đại hội có Tổng Bí thư được bầu và đảm nhiệm ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Tôi không đi vào trường hợp đặc biệt cụ thể cá nhân nào, nhưng tôi đã nói thẳng với người có trách nhiệm, có thẩm quyền rằng việc bầu cử như thế là trái điều lệ đảng, là một chuyện rất không bình thường.

Tôi theo dõi Đại hội, tôi theo dõi đồng chí Tổng Bí thư gặp gỡ, trao đổi với báo chí, tôi không thấy có một lời nào giải thích.

Căn cứ vào Điều lệ đảng, căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của đảng viên, tôi kiến nghị với Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN phải có một văn bản chính thức trả lời công khai trên báo chí, truyền thông tại sao lại có câu chuyện cơ cấu rồi thông qua nhân sự cấp cao như thế.

Trong khi điều lệ đảng nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng phải tuân thủ nghiêm túc điều lệ đảng, và trong điều lệ đó, thì Đại hội 11 không có sửa điều lệ và câu người ta chốt lại cuối cùng là: “chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ đảng.

Nhưng bây giờ lại chen ngang làm như thế, thì đó tôi thấy là điều hết sức không bình thường, nếu như thế, sau này ai muốn chen ngang, rồi cũng làm nhân sự như vậy thì sao?

Trong khi đó điều 47 ghi rõ rằng tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ đảng. Chấp hành nghiêm chỉnh mà phá ngang như thế được sao?”

Ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình phiên họp trù bị ngày 25/1

‘Đang chờ giải thích chính thức’

Luật sư Trần Quốc Thuận nói sau khi nêu kiến nghị, ông đang chờ đợi tổ chức có thẩm quyền phúc đáp chính thức kiến nghị của ông, ông nói:

Thành ra, tôi đã chính thức kiến nghị với đồng chí có thẩm quyền, có tư cách trong một cuộc gặp đồng đủ. Và đồng chí đó đã nói rằng: “Tôi sẽ ghi nhận ý kiến của đồng chí và tôi sẽ báo cáo lên trên.”

Bây giờ tôi với tư cách là người có ý kiến kiến nghị đang chờ báo cáo đó và giải trình bằng văn bản để giải thích tại sao lại có câu chuyện như thế.

Điều lệ đảng là rường mối và tôi đã nói rằng các đồng chí ngồi ở đây, có mặt ở đây, ai cũng biết rằng nhờ có Điều lệ đảng thì chúng ta mới gắn bó lại ở đây, mới có tư cách ngồi ở đây được, nhờ thế mới hình thành tính tổ chức của đảng được.

Vậy mà bây giờ Điều lệ đảng muốn bỏ qua, hay tùy tiện như thế, thì nó rất bất bình thường, một điều tôi phải nhấn mạnh là chưa từng có.

Điều lệ đảng đã có quy định rất rõ là khi nào có thể sửa, sửa như thế nào và cũng phải được chấp hành thế nào và tôi xin nhấn mạnh thêm là đảng viên cũng có quyền thảo luận về sửa Điều lệ đảng.

Vậy mà bây giờ cả nước có trên 5 triệu đảng viên, Đại hội 13 lại tuyên bố rằng Đại hội này không sửa đổi, bổ sung Điều lệ đảng, mà trong tài liệu mà tôi có trong tay, các hội nghị 12, 13, 14 và 15 khóa XII đều có một câu, khi nói về công tác xây dựng đảng, đều chốt một câu cuối cùng nói rằng ‘không sửa đổi, bổ sung Điều lệ đảng.

Song ra Đại hội lại có trường hợp nhân sự được cơ cấu và bầu với số nhiệm kỳ trái với Điều lệ như thế thì rất bất bình thường, mà một Đại hội, một đảng có tổ chức tự nói là chặt chẽ mà để một chuyện như thế xảy ra là nguy hiểm, rủi ro lắm.

Còn dưới góc độ pháp luật, Điều lệ đảng chính là luật của tổ chức đảng phái chính trị đấy, nhưng mà một quyết định ban hành mà không có căn cứ, trái luật như thế, thì ai cũng biết rằng người những người đứng sau quyết định đó để ban hành thì lẽ ra phải đụng những chuyện xử lý như thế nào.

Đó là điều mà Đại hội 13 này đã để lại nhiều vấn đề, mà nổi bật là vấn đề đó, cho nên đã tạo nên một sự băn khoăn, tuy rằng bây giờ người ta đang đẩy mạnh việc chống Covid-19, nói lớn tiếng về đủ thứ thắng lợi to lớn này kia, nhưng tôi và nhiều người vẫn đang chờ một sự trả lời chính thức và rõ ràng của Trung ương đảng và cấp có thẩm quyền và liên đới trách nhiệm về kiến nghị mà tôi đã nêu công hai ở hội nghị đó trước mặt nhiều người.”

Ảnh: Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam

Nếu có sai phạm, xử lý thế nào?

Khi được hỏi nếu phát hiện ra là Đại hội có vi phạm Điều lệ đảng như đã được phân tích, liệu vấn đề xử lý có đặt ra không và nên xử lý thế nào, Luật sư Trần Quốc Thuận đáp:

Về chuyện chịu trách nhiệm thế nào, rõ ràng ai cũng đều biết ở Việt Nam lâu nay chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền, mà đảng cầm quyền này không những chỉ có quyền trong đảng mà có quyền trong chính quyền và có quyền trong nhiều chỗ nữa, cho nên việc chính đảng cầm quyền bị xử lý khi có sai phạm thì gần như là rất khó.

Còn chuyện tự sửa lỗi, tự xử hay không thì công luận đang chờ, bởi vì chính cụ Tổng (Bí thư) đi nói với nhiều nơi, mà nói đi nói lại nhiều lần là ‘Chúng ta phải làm gương!’

Vậy Tổng Bí thư là người có trách cao nhất ở trong đảng thì cần phải làm gương nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ đảng, chính cụ Tổng nói rằng phải làm gương nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ, đường lối, chủ trương, nghiêm chỉnh chấp hành cương lĩnh, rằng phải sống mẫu mực, danh dự là chính, còn tiền bạc, quyền chức không là cái gì, vân vân và vân vân.

Thì tôi cho rằng những vị đã đứng sau quyết định, dàn xếp, cơ cấu, bố trí và bầu bán nhân sự ở Đại hội 13 như thế, thì phải suy nghĩ xem như thế phải giải quyết thế nào, vì theo tôi đó là một quyết định trái pháp luật, không có căn cứ pháp luật. Mà nó là cái gì thì ai cũng đã biết và có lẽ mấy người đó phải tính và theo tôi là phải tự xử thôi.

Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội 13

Nhân đây, tôi cũng đề cập thêm một khía cạnh nữa mà lẽ ra là liên quan tới pháp quyền, tới pháp luật, mà trong hội luận Bàn tròn thứ Năm sau ĐH13 của BBC Việt ngữ cũng có đề cập, các khách mời, học giả tham dự hội luận đã bình luận về phát biểu của Tổng Bí thư ĐCSVN về việc xử lý ‘va li có nhiều triệu đô-la’ mà ông nói công khai với truyền thông và báo giới sau bế mạc Đại hội.

Theo tôi, không có chuyện đem tiền ‘hối lộ’ đến công sở rồi sau đó lại được chỉ đạo ‘gói gém lại, mang về’ như thế, làm như thế, câu nói như thế theo tôi là trái luật, không thể chấp nhận được dưới góc độ nhà nước pháp quyền và hoàn toàn trái luật.

Tôi đồng ý với học giả tại hội luận của BBC nói rằng lẽ ra là phải bắt ngay, nộp cho chính quyền, chứ không thể nào để cho việc mang tiền đến Ủy ban Kiêm tra Trung ương mà lại được xử lý như thế, rồi lại tự biểu dương như thế đó là một sự tốt, tôi cho rằng đó là hành động trái luật, vi phạm pháp luật, vi phạm hình sự, thuộc về phạm vi điều chỉnh, xử lý của pháp luật hình sự, sao mà có thể ca ngợi, tự ca ngợi được? Cái đó là không ai có thể chấp nhận được.”

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng có một số vấn đề về tiêu chuẩn nhân sự mà theo ông vị trí số một trong Tứ trụ của đảng Cộng sản Việt Nam được bầu trong Đại hội 13 vừa qua đã phải đối diện, ông nói:

Trước hết, tôi thấy rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra tái cử đã vướng vào ba vấn đề mà tạm gọi là ba cản trở.

Cản trở thứ nhất và đứng số một là Điều lệ đảng, mà cụ thể là điều 17, mà quy định nói rất rõ ràng rằng đồng chí Tổng Bí thư không được làm quá hai nhiệm kỳ liên tục.

Điều thứ hai là trường hợp đặc biệt quá tuổi, thì đã mấy lần đặc biệt rồi, bây giờ đặc biệt để ngồi tiếp ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Và cái thứ ba là sức khỏe, mà trong điều kiện ra ứng cử lần này, tiêu chuẩn, tiêu chí của đảng mà quyết định của Bộ Chính trị đề ra là có nói đến vấn đề sức khỏe, ứng viên phải đảm bảo sức khỏe, phải đảm bảo thế nào đủ để làm việc được.

Cho nên người ta đặt vấn đề và đòi hỏi là đồng chí lãnh đạo trong tình hình đất nước như thế này phải đi đây, đi đó, phải đi tỉnh này, địa phương kia, phải đi thị sát, phải trực tiếp nghe tiếng nói của dân, nhìn bằng mắt đời sống, cuộc sống của nhân dân, để coi thực tế thế nào đặng từ đó có chủ trương sát sao và phù hợp mới được.

Chứ không thể nào mà làm theo lối kỹ thuật số, ngồi một chỗ rồi bắt điện thoại lên, rồi nói qua, nói lại, đang chống dịch thì có thể không nói làm chi, nhưng bình thường người ta đòi hỏi phải như thế.

Vừa qua, trước Đại hội 13, người ta thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi đây, đi đó, tiếp xúc hàng chục, hàng trăm cuộc, tiếp xúc với hàng loạt tầng lớp nhân dân, cán bộ, quần chúng, các giới này kia.

Như vậy thì mới là lãnh đạo chứ! Chứ lãnh đạo mà cứ ngồi một chỗ là thế nào? Cho nên riêng cái đó là cũng phải suy nghĩ. Có những lúc có những người ca ngợi rằng ‘người là Thế thiên hành đạo’. Thế thiên hành đạo tức là con Trời, Thiên tử đó.

Cho nên câu chuyện đó rất đáng suy nghĩ, mà nhất là người mà bao giờ nói ra cũng tỏ ra rằng coi danh giá, danh dự là lớn, thì cái đó nên phải tự nghĩ cho mình.

Ảnh: cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ lừa bán AVG cho Mobiphone hưởng lợi 6000 tỷ đồng và hối lộ hơn 3 triệu đô la, thế nhưng chỉ bị xử có 3 năm tù, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng tự ca ngợi vụ này là một thắng lợi lớn

Và tôi nghĩ chắc chắn cũng phải suy nghĩ chứ, bây giờ tình hình đất nước như thế này mà mình cứ ngồi một chỗ, không đi được đâu hết vì lý do sức khỏe.

Rõ ràng muốn đi, nhưng không thể đi được, thì cái đó rõ ràng là thực tế rồi và thực tế có những đòi hỏi, bây giờ đi ra đi vô loanh quanh, rồi đọc diễn văn mà đứng, ngồi một chỗ thì vần còn được, nhưng dân người ta yêu cầu là phải đi địa phương, phải đi tới các vùng miền để gặp gỡ, tiếp xúc, thì cái đó, tổng thể lại, so với chuyện nhân sự có tùy tiện với Điều lệ đảng hay không như trên, thì các vị phải tự xử thôi, dân và cán bộ, đảng viên người ta biết hết đấy.

Cái đó là giá trị cao quý nhất, đó chính là phẩm giá, cái còn lại là danh dự, mọi người rồi ai cũng phải ra đi, tuổi này rồi cũng phải ra đi. Tình cờ mà tôi với cụ Tổng Bí thư là cùng tuổi (sinh năm 1944), cùng tuổi đời và cùng tuổi đảng, nhưng mà tôi tự thấy sức khỏe của tôi cũng lết bết rồi đấy.

Thì không biết là phải làm sao, bây giờ câu hỏi xử lý làm sao, tôi cho rằng cái tốt nhất là tự xử mà thôi.”

Các vị trí khác trong, ngoài Tứ trụ thì sao?

Ảnh: sau lần đột quỵ tại Kiên giang hồi tháng 4-2019, Tổng bí thư chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường xuất hiện với hình ảnh đi không vững phải có người đỡ

Nhân dịp này, cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam cũng bình luận về một số phương án nhân sự khác trong và ngoài Tứ trụ được cơ cấu, quy hoạch hay bầu chọn qua Đại hội 13, ông nói:

Trước hết, hai trường hợp nhân sự ngoài Tứ trụ được thông báo bố trí vị trí mới ngay sau Đại hội là các ông Võ Văn Thưởng, nay là Thường trực Ban Bí thư, và thứ hai là ông Trần Tuấn Anh, được cắt cử làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đảng, thì tôi cho rằng động thái này nằm trong ý đồ mà người ta muốn nhanh chóng ổn định, khẳng định kết quả Đại hội.

Mà trong đó nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức và biết đâu sắp tới họ sẽ họp Quốc hội và họ tiến hành bàn giao chính quyền liền, và đó cũng là một cách mà tức là họ muốn nhanh chóng cho mọi việc an bài.

Để cho chi, để cho đâu vào đấy, dư luận không còn bàn ra, tán vào, thắc mắc gì nữa, không đòi hỏi phải thế này, thế kia nữa.

Thì cái đó về góc độ chính trị là như thế, còn nghe nói là còn phân công mấy người trẻ nữa làm Trưởng Ban Tổ chức, ban này, bộ kia, vụ nọ, nhưng đại lược ý đồ theo tôi là như thế.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, được đưa vào Bộ Chính trị và có ý kiến nói là sẽ được cơ cấu vào lãnh đạo Ban Nội chính, cần chờ thời gian thêm để rõ, nhưng người ta nhắc nhiều tới ông vì liên quan vụ Giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải.

Hiện nay vụ án đó như vậy, nhưng nếu nó lại được lật lại, khơi lại mà nếu có kết luận khác, thì khi đó công luận sẽ có thể đặt vấn đề thêm với ông ấy.

Tôi cũng được hỏi về mấy vị khác được dự kiến sắp xếp vào các ghế còn lại trong Tứ trụ, thì tôi cho rằng mấy cái đó là sự sắp xếp của mấy ông lãnh đạo cao nhất rồi, người ta cũng đã có phổ biến trong các hội nghị báo cáo kết quả sau Đại hội đấy.

Nhưng trước đó, người ta cũng có ý kiến là để ông Nguyễn Xuân Phúc làm tiếp một nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, rồi bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng vậy, thêm một nhiệm kỳ nữa Chủ tịch Quốc hội hay bà ở lại Tứ trụ thì cũng hay.

Nhưng bây giờ tình huống đã thế này rồi, cho nên trong các ‘nhân sự Tứ trụ’ đó, thì cụ Nguyễn Phú Trọng tôi đã nói ở trên, còn ba người đó, là các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ, thì người ta đang nói nhiều đến chuyện trong những nhân vật đó, cần quan tâm đến chuyện ba đặc khu và chính sách ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc.

Mặc dù Quốc hội Việt Nam đã từng bác đi, nhưng dường như trong đó có một tác giả hay đồng tác giả và công luận đang quan tâm và suy nghĩ là liệu các chính sách đó có trở lại dưới hình thức nào đó không?

Tuy nhiên, tôi nhắc lại là các phương án trên đã phổ biến ra toàn quốc rồi, rằng với cán bộ lãnh đạo cao cấp cấp đó, thì mấy ông đó làm các chức vụ như thế, và dường như là chắc chắn rồi,” Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC.

Ảnh: khẩu hiệu lớn nổi bật bên trong Đại hội: “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển.”

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Lo “có biến” – Tập Cận Bình khuyên Nguyễn Phú Trọng ‘chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài’

>>> Việt Nam: Cuộc chiến quyền lực trong đảng – phái nữ bất ngờ bị bỏ rơi

>>> Nguyễn Phú Trọng “xát muối” vào nỗi đau thất bại của phe Miền Nam trong đảng

Học giả quốc tế bình luận gì về Tứ trụ sau Đại hội 13


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT