Đảo chính tại Myanmar: ‘Cha bắt mẹ’

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=1qrj6YvENM4

Thủ tướng Anh, Boris Johnson vừa lên án cuộc đảo chính tại Myanmar xảy ra lúc rạng sáng ngày đầu tháng 2, giờ địa phương.

Viết trên Twitter sáng ngày 01/02 giờ London, ông Johson nói:

Tôi lên án vụ đảo chính và cầm giữ phi pháp những cá nhân dân sự, gồm cả bà Aung San Suu Kyi. Lá phiếu của cử tri Myanmar phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo dân sự phải được thả tự do.”

Nhiều tiếng nói quốc tế khác, từ Hoa Kỳ, châu Âu cũng đã yêu cầu các tướng lĩnh Myanmar tôn trọng thủ tục dân chủ và chính phủ dân sự.

Nhưng có lẽ tiếng nói của Trung Quốc sẽ có trọng lượng hơn cả với các tướng lĩnh Myanmar và cả bà Aung San Suu Kyi, người được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp nồng hậu không chỉ một lần.

Ngay trong ngày 01/02/2021, Bắc Kinh kêu gọi “các bên tại Myanmar giải quyết bất đồng”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói tại họp báo ở Bắc Kinh:

Trung Quốc là láng giềng thân thiện của Myanmar và hy vọng các bên khác nhau sẽ giải quyết phù hợp những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, nhằm bảo vệ ổn định chính trị và xã hội.”

Giới quan sát để ý rằng khác kêu gọi của các chính phủ Phương Tây đòi quân đội thả ngay bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự, phát biểu của Trung Quốc nhấn mạnh đến ‘ổn định’.

Quốc gia khổng lồ phía Bắc có đường biên dài với Myanmar đóng vai trò trọng yếu trong việc viện trợ, hỗ trợ tài chính cho Mynmar, nước thành viên ASEAN.

Theo các báo Phương Tây, ông Tập Cận Bình đã phê duyệt dự án đường xe lửa cao tốc 8,9 tỷ USD nối Vân Nam của TQ với vùng duyên hải Myanmar ở Ấn Độ Dương.

Myanmar có vị trí quan trọng để hoàn tất vòng cung giao thông, đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong phạm vi Vành đai và Con đường, dự án trị giá 1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Sau bầu cử tháng 11/2020 mà đảng NLD nói là họ thắng lớn, Ngoại trưởng Vương Nghị của TQ đã thăm thủ đô Myanmar và hội đàm với Tướng Min Aung Hliang.

Bà Aung San Suu Kyi Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar và chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình

Truyền thông TQ đưa tin về cuộc gặp ngày 12/01/2021 tại Nay Pyi Taw và lời ông Vương nói với tổng tư lệnh Myanmar rằng:

Trung Quốc đánh giá cao việc quân đội Myanmar gìn giữ sứ mệnh làm hồi sinh quốc gia, và có tầm nhìn về tương lai lâu dài, sự phát triển của đất nước.”

ASEAN và xu thế dân chủ ‘ngưng đọng’ hoặc thụt lùi

Điều đáng chú ý là Việt Nam vừa hoàn tất năm chủ tịch luân phiên ASEAN, 2020 mà truyền thông nước này nói là ‘nhiệm kỳ rất thành công’.

Giữa 2020, theo lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thì “là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động.”

Nhưng trong suốt năm 2020 có vẻ như truyền thông hay giới quan sát chính thống tại Việt Nam không đề cập nhiều đến xu thế dân chủ tụt lùi ở ASEAN.

Ngay hôm nay chưa có phản ứng gì từ Việt Nam về biến động mới nhất ở Myanmar nơi một số công ty của Việt Nam đã đầu tư, làm ăn những năm qua.

Trang VietnamNet vừa đưa tin, trích lại các hãng thông tấn Phương Tây rằng “Mỹ, Australia và nhiều nước khác đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi quân đội nước này tôn trọng các quy định luật pháp” nhưng không nói lãnh đạo Việt Nam có ý kiến gì hay là không.

Phản ứng mới nhất từ một quốc gia ASEAN về chính biến tại Myanmar là của Singapore.

Ở cấp phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi “các bên liên quan kiềm chế, duy trì đối thoại, và cùng là việc để tiến tới giải pháp tích cực, hòa bình”.

Cùng lúc, báo Strait Times cho hay cư dân Myanmar tại Singapore “bị choáng và rất buồn” trước tin đảo chính.

ASEAN một lần nữa có vẻ như không làm được gì nhiều.

Nhưng nhìn vào một xu thế tại Myanmar và ASEAN thì có vẻ như cuộc thí nghiệm dân chủ đa đảng và đa nguyên chính trị đang thoái lui.

Ảnh: quân đội Myanmar trên đường phố tại thủ đô Naypyitaw.

Tại nước láng giềng Thái Lan, sau khi nắm quyền trở lại và tổ chức bầu cử, tướng Prayut Chan-ocha đã bỏ quân phục, khoác áo dân sự để làm thủ tướng.

Tuy các đảng chính trị dân sự vẫn tồn tại nhưng một khi họ trở thành đối thủ trong nghị viện thì sẽ bị chính quyền hoặc dùng các điều luật hà khắc để ngăn hoạt động, hoặc dùng tòa án để kiện.

Gene Ryack viết trên trang Aseantoday hồi tháng 3/2021 về ‘nền dân chủ bị bóp nghẹt’ ở Thái Lan qua ví dụ đảng Future Forward liên tiếp gặp các chiến dịch ‘bắt chẹt’ của chính phủ.

Tại Campuchia, nước có vị thủ tướng cầm quyền nhiều năm, cuộc bầu cử 2018 bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá là “không tự do, chẳng công bằng” (neither free nor fair) và không phản ánh đầy đủ nguyện vọng của người dân.

Nếu người châu Á theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa dễ bác bỏ cách nhìn của những học giả Phương Tây thì họ nên ghi nhận đánh giá của các học giả từ Trung tâm Habibie, một viện nghiên cứu Indonesia về tình trạng dân chủ tụt lùi hoặc ngưng trệ tại ASEAN.

Trong một phúc trình dài đăng tháng 7/2020, đánh giá bầu cử và không gian dân chủ ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia sau 2018, trung tâm này cho rằng ‘chuyển đổi dân chủ’ tại Indonesia bị ‘khô héo đi’ (withering).

Tình hình tại Thái Lan sau bầu cử 2018 là ‘tù đọng’ và chính phủ cần bỏ các luật về giới nghiêm, các sắc lệnh hạn chế tự do, theo khuyến nghị từ Trung tâm Habibie, mang tên nhà lãnh đạo Hồi giáo Indonesia.

Malaysia tuy đảm bảo được các thủ tục dân chủ về bầu cử nhưng “cần cho mạng lưới xã hội dân sự hoạt động mạnh hơn”, sau các vụ tham nhũng lớn làm bộc lộ quan hệ quyền-tiền, ngoài vòng giám sát của công chúng.

Biểu tình tại Bangkok ngày 19/09/2020 đòi thủ tướng từ chức và sửa đổi hiến pháp.

Vì sao ‘cha bắt mẹ’?

Một nhà hoạt động Myanmar bà Aye Min Thant nói với BBC News rằng nếu như cộng đồng quốc tế gọi bà Aung San Suu Kyi là ‘người mẹ’, thì Quân đội xưng là ‘người cha của dân tộc’.

Nay thì ‘người cha’ làm đảo chính và bắt bà Suu Kyi.

Họ đang bị nhiều người dân lên án.

Trong ngày thứ Hai, chủ tịch đảng Liên đoàn Dân chủ NLD của bà Suu Kyi, ông Win Htein xác nhận một thư tay ghi tên của bà, nhưng không có chữ ký, gửi ra từ nơi giam giữ, lên án cuộc đảo chính.

Theo nội dung đó thì lời của bà Suu Kyi nói “Myanmar bị đem trở lại thời độc tài quân sự”.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao các tướng lĩnh Myanmar lại chọn thời điểm này để đảo chính và họ muốn gì cho tương lai.

Trả lời BBC News, ông Gerard McCarthy, nhà nghiên cứu tại ĐH Quốc gia Singapore nói rằng tình trạng ‘chia sẻ quyền lực’ với phái dân sự như vừa qua thực ra rất có lợi cho phe quân đội.

Việc chiếm quyền bây giờ là bước đi có nhiều rủi ro cho họ.

Chiếm quyền một năm như họ tuyên bố sẽ tiếp tục làm các đối tác không phải Trung Quốc xa lánh, và gây hại cho các mối quan hệ làm ăn thương mại của quân đội, khiêu khích phản ứng gia tăng trong hàng triệu người dân, những người đưa bà Suu Kyi và đảng NLD vào vị trí quyền lực thêm một nhiệm kỳ nữa.”

Theo ông McCarthy, có thể đảng USDP của phe quân đội hy vọng số phiếu cho họ trong các cuộc bầu cử tương lai sẽ tốt hơn, nhưng “đó là bước đi chứa đựng nhiều rủi ro”.

Về mặt ‘kỹ thuật’, vụ đảo chính rạng sáng đầu tháng 2/2021 ở Myanmar là để “ngăn biểu tình mà NLD kêu gọi” vì phe quân đội muốn dừng tiến trình hoạt động, hội họp của nghị viện sau bầu cử.

Bất kể tình hình tại Myanmar những ngày tới diễn tiến ra sao, sự im lặng của ASEAN sẽ dễ làm nổi lên những chỉ trích về tính thiếu hiệu năng của tổ chức này, nhất là trong giới trẻ muốn có thay đổi phù hợp với tư duy của thế hệ họ.

Quân đội Myanmar lên nắm quyền sau khi bắt bà Aung San Suu Kyi

Quân đội Myanmar đã nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính trị khác bị bắt sáng hôm 1/2.

Vài giờ sau vụ bắt giữ, đài truyền hình quân sự xác nhận tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong vòng một năm.

Vụ bắt giữ xảy ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa chính quyền dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại xảy ra đảo chính.

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, do giới quân sự cầm quyền cho đến 2011. Bà Suu Kyi bị quản chế tại gia trong nhiều năm.

Hôm thứ Hai, quân đội nói họ đang giao quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Đường phố thủ đô Naypyitaw và thành phố chính Yangon hiện đang có nhiều binh lính.

Trong kỳ bầu cử tháng 11, đảng NLD giành đủ số ghế để thành lập chính phủ, nhưng quân đội nói có sự gian lận trong bầu cử.

Hạ viện mới được bầu lẽ ra đã nhóm họp lần đầu tiên hôm thứ Hai, nhưng quân đội đã yêu cầu hoãn họp.

Phóng viên Đông Nam Á của BBC, Jonathan Head, nói có vẻ đang có một cuộc đảo chính lớn, mặc dù quân đội, chỉ mới tuần trước, hứa sẽ tuân thủ hiến pháp mà họ đã soạn thảo hơn một thập niên trước.

Theo hiến pháp, quân đội có toàn quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng việc bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị như bà Suu Kyi là một động thái khiêu khích và đầy rủi ro, một hành động có thể bị phản đối mạnh mẽ, phóng viên của BBC nói.

Đã có những phản ứng gì?

Hoa Kỳ lên án cuộc đảo chính, nói rằng Washington “phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar“.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự, đồng thời nói Mỹ “sát cánh với người dân Miến Điện trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức. ”

Tại Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne nói “chúng tôi kêu gọi quân đội tôn trọng pháp quyền, giải quyết các tranh chấp qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người đã bị giam giữ trái pháp luật.”

John Sifton thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Vấn đề là chính quyền quân sự cai trị Myanmar trong nhiều thập niên, chưa bao giờ thực sự rời bỏ quyền lực“.

Họ không bao giờ thực sự phục tùng chính quyền dân sự ngay từ đầu, vì vậy các sự kiện ngày nay theo một nghĩa nào đó chỉ đơn thuần là cho thấy rõ một thực tế chính trị vẫn tồn tại.”

Cánh cửa vừa mở ra một tương lai rất khác,” Thant Myint-U, nhà sử học ở Yangon mô tả viễn cảnh: ”Tôi có cảm giác lạnh người là sẽ không ai thực sự có thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra tiếp theo.”

Và hãy nhớ Myanmar là một đất nước ngập tràn vũ khí, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các dòng tộc và tôn giáo, nơi hàng triệu người hầu như không thể tự kiếm ăn.”

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Giáo sư Carl Thayer nhận định về Việt Nam sau Đại hội 13

>>> Nguyên nhân nào dẫn đến việc ông Trọng cho giải tán đại hội sớm?

>>> Tập Cận Bình “khen nóng” Nguyễn Phú Trọng đắc cử nhiệm kỳ 3

Nguyễn Phú Trọng để lộ hành động phạm pháp là vô tình hay cố ý?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023