Trung Quốc toàn trị và hiếu chiến buộc phương Tây phải đối đầu

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=GiiQv37vzmI

Trong khi Hoa Kỳ và châu Âu đang lao đao trước đợt dịch thứ hai và thứ ba, Trung Quốc – nơi phát xuất đại dịch Covid – là cường quốc duy nhất có tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên mô hình tư bản toàn trị và thái độ hiếu chiến của Trung Quốc khiến thế giới ngày càng lo ngại.

Kẻ gây ra đại dịch chiếm thế thượng phong, gia tăng đàn áp

Liên quan đến châu Á, trong bài « Khi Trung Quốc đóng kín cửa » trên Le Point, nhà bình luận Nicolas Baverez nhận định nếu Trung Quốc là mối đe dọa cho tự do, các nền dân chủ phải tính đến những khó khăn khi muốn tái thúc đẩy kinh tế.

Năm 2020 dường như đánh dấu một sự chuyển hướng trên thế giới có lợi cho Trung Quốc, trong khi chính Bắc Kinh đã gây ra đại dịch Covid. Nhưng việc Trung Quốc đóng cửa thị trường, cứng rắn hơn về chính trị và có thái độ hiếu chiến có thể là những trở ngại cho mưu đồ bá chủ toàn cầu.

Trong khi Hoa Kỳ và châu Âu đang lao đao trước đợt dịch thứ hai và thứ ba, Trung Quốc ca khúc khải hoàn với chiến thắng trước con virus và mối đe dọa suy thoái.

Trung Quốc là cường quốc duy nhất có tăng trưởng dương trong năm 2020 (2%), chứng tỏ được khả năng công nghệ với tàu thăm dò vũ trụ Thường Nga (Chang’e) 5 mang về được mẫu đá Mặt Trăng, siêu máy tính lượng tử Cửu Chương (Jiuzhang).

Năm 2020 còn chứng kiến sự bành trướng đầy ấn tượng của Trung Quốc.

Một mặt, Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ Hồng Kông, chiếm dần Biển Đông, hăm dọa Đài Loan, xung đột vũ trang với Ấn Độ tại Ladakh và o ép nước Úc – cho thấy tất cả các quốc gia nào lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc thì không nên chỉ trích chế độ.

Mặt khác, Bắc Kinh thúc đẩy lập ra một vùng tự do mậu dịch ở châu Á (RCEP) chiếm 30% dân số thế giới, và gút được thỏa thuận đầu tư với Liên Hiệp Châu Âu.

Trong lúc đó vẫn xúc tiến Con đường tơ lụa mới và « ngoại giao vac-xin », tiếp tục bao vây phương Tây.

Trong cuộc đối đầu nảy lửa với Mỹ, Tập Cận Bình muốn chứng tỏ chủ nghĩa tư bản-toàn trị Trung Quốc hiệu quả hơn chế độ dân chủ.

Mục tiêu là chiếm vị trí đầu bảng trong hai lãnh vực chủ chốt của thế kỷ 21 : số hóa nền kinh tế và chuyển đổi sinh thái.

Ảnh: Diễu binh tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10-2019.

Trung Quốc kém vững chắc hơn người ta tưởng

Theo Le Point, không nên đánh giá thấp chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, mối đe dọa chết người cho các quyền tự do chính trị. Tuy nhiên Trung Quốc chưa thể giành chiến thắng.

Ngoài khả năng của các nền dân chủ – nếu biết cải cách và đoàn kết xung quanh các giá trị – mô hình kinh tế và chính trị Trung Quốc kém vững chắc hơn người ta tưởng.

Tiêu thụ chỉ tăng 3%, do người dân lo tiết kiệm vì sợ tái phong tỏa và nạn thất nghiệp đang gia tăng. Bất bình đẳng xã hội bùng nổ: Trung Quốc nay là quốc gia có nhiều tỉ phú nhất thế giới (878), trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ có 900 đô la.

Với vụ ngăn chận Ant Technology lên sàn chứng khoán và mở điều tra tập đoàn Alibaba của tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), Bắc Kinh muốn nhắc nhở quyền năng tối thượng của đảng Cộng Sản, đồng thời buộc các tập đoàn kỹ thuật số phải giảm lãi để giúp tăng sức mua.

Sự chậm chạp của việc tái định hướng vào tiêu thụ nội địa do bị Mỹ trừng phạt, cùng với những căng thẳng về xã hội và chính trị đã khiến chế độ trở nên thô bạo trong việc kiểm soát người dân, cổ vũ sùng bái lãnh tụ Tập Cận Bình.

Bắc Kinh từ chối mọi điều tra độc lập về nguồn gốc con virus ở Vũ Hán, đàn áp mãnh liệt các dân tộc thiểu số, tống giam các nhà đấu tranh nhân quyền và nhiều đại gia.

Mô hình tư bản toàn trị đi về đâu ?

Nhưng mô hình tư bản toàn trị của Trung Quốc ngày càng gây lo sợ và tạo tâm lý chống đối, nên ảnh hưởng chỉ hạn chế.

Việc hung hăng gây hấn khắp nơi cũng đã tạo điều kiện cho một liên minh thù nghịch với Bắc Kinh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, còn sự thô bạo đối với Úc thì chỉ thúc đẩy các nước phát triển giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tình hình Trung Quốc khiến các nước dân chủ rút ra được nhiều bài học.

Mong đợi quay lại một thế giới như trước kia chỉ là ảo tưởng, công cuộc vực dậy nền kinh tế sẽ rất chậm chạp và không đồng nhất.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đóng vai trò trung tâm trong thế kỷ 21, nhưng có nguy cơ đào sâu cách biệt xã hội.

Việc Trung Quốc đóng cửa thị trường và ngày càng độc tài là đi ngược lại với sáng tạo và tôn trọng nhân phẩm, về lâu về dài sẽ giúp các nước phương Tây bảo vệ được tự do chính trị của mình.

Các nước dân chủ cần phải đoàn kết để chống lại tư bản toàn trị Trung Quốc, và tác giả hy vọng 2021 sẽ đặt được viên đá đầu tiên.

Ảnh: Phiên họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2019.

Đối đầu Trung Quốc: Phương Tây cần sát cánh bên nhau 

Tương tự, The Economist trong bài « Làm thế nào thương lượng với Trung Quốc » cũng nhắc đến vệc Bắc Kinh ký RCEP và tiếp tục đe dọa Úc với chính sách « ngoại giao côn đồ » và một kiểu cấm vận thương mại từng phần.

Theo tuần báo Anh, trước hết phải nhận ra sức mạnh của Trung Quốc. Khác với Liên Xô trước đây, Trung Quốc quá lớn, chiếm đến 18% GDP thế giới và có nhiều liên kết chằng chịt.

Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của 64 nước trong đó có Đức, còn Mỹ chỉ có 38.

Cũng không nên tin vào những hứa hẹn của Bắc Kinh, từ việc tài trợ cho kỹ nghệ cho đến Nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông.

Phương Tây phải kết hợp lại mới tạo được ảnh hưởng : Hoa Kỳ, châu Âu và các nước dân chủ khác chiếm 50% GDP toàn cầu.

Cần xác định các lãnh vực nhạy cảm như công nghệ và quốc phòng, trong đó sự tham gia của Trung Quốc phải được kiểm soát rất chặt chẽ.

Bên cạnh đó là thiết lập một khuôn khổ chung về nhân quyền, nhất là kiểm tra chuỗi cung ứng có phù hợp với đạo đức hay không và trừng phạt các cá nhân doanh nghiệp bóc lột.

Trong bối cảnh dư luận thế giới đầy ngờ vực Trung Quốc, tờ báo gợi ý lập ra một nhóm nước như G7 mở rộng để đương đầu với Bắc Kinh.

Ảnh: Thành phố Thượng Hải với tòa Tháp cao thứ hai thế giới

Thị trường đấu thầu công bị bỏ quên trong thỏa thuận EU-Trung Quốc

L’Express nhắc nhở « Thị trường đấu thầu công, một quên lãng quan trọng trong thỏa thuận giữa châu Âu và Trung Quốc ».

Tuy thỏa thuận này được cho là tái cân bằng trong đầu tư giữa hai bên, nhưng các công ty châu Âu vẫn không được tham gia các cuộc gọi thầu cung cấp cho các đơn vị nhà nước tại nội địa Trung Quốc.

Bất công quá lớn : một bên là châu Âu mở cửa tứ bề gió lộng, cấm mọi hình thức phân biệt đối xử với một nước thứ ba.

Xây dựng đường xá, trường học, bệnh viện, mua đội xe mới, mua máy tính mới, tư vấn… mỗi năm các chính quyền trung ương và địa phương của 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) đặt hàng khoảng 2.400 tỉ euro.

Còn bên kia là Trung Quốc dựng kín tường bao, không có bất kỳ công ty ngoại quốc nào được đấu thầu tại thị trường công 1.400 tỉ euro của Hoa Lục.

Thổ Nhĩ Kỳ « bán đứng người Duy Ngô Nhĩ » cho Bắc Kinh

Trên lãnh vực nhân quyền, Le Point có bài phóng sự mô tả « Erdogan đã hy sinh (quyền lợi) của người Duy Ngô Nhĩ ra sao ».

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ quên tình liên đới giữa những người Hồi Giáo với nhau, ông ta cần Trung Quốc để cứu vãn nền kinh tế.

Số phận của cộng đồng 50.000 người Duy Ngô Nhĩ, kể cả những người đã nhập quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ không là gì cả so với sức nặng kinh tế của Trung Quốc.

Khoảng hơn một chục hiệp định song phương đã được ký kể từ 2016, Bắc Kinh đầu tư trên 5 tỉ đô la vào Thổ Nhĩ Kỳ và năm 2021 hy vọng sẽ được rót thêm 6 tỉ đô la.

Hàng nhập từ Trung Quốc chiếm đến 90% trao đổi thương mại: Bắc Kinh lợi dụng việc Thổ Nhĩ Kỳ bị phương Tây bỏ rơi để dấn lên.

Khi đồng lira của Thổ bị mất giá 40% năm 2018, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã cho vay 3,6 tỉ euro, còn Ngân hàng Quốc gia rót vốn khi Ankara thiếu tiền mặt.

Alibaba mua lại tập đoàn thương mại điện tử Trendyol của Thổ, Hoa Vi (Huawei) chiếm thị phần lớn nhất và sẽ triển khai 5G trên toàn quốc trong năm 2021.

Nhưng trên hết, Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngay ngã tư chiến lược của Con đường tơ lụa mới. Tập đoàn Cosco Trung Quốc đã bỏ ra 1 tỉ đô la để mua 65% hải cảng Kumport, nay đang ngắm nghía thêm ba cảng khác.

Thế nên Thổ Nhĩ Kỳ không còn là bến đỗ an toàn cho người tị nạn Duy Ngô Nhĩ, với những vụ đe dọa, thanh toán, trấn áp…của tay chân Bắc Kinh và gần đây nhất là hiệp định dẫn độ.

Hiện có khoảng 60 người Thổ Nhĩ Kỳ gốc Duy Ngô Nhĩ đang bị nhốt trong các trại cải tạo Tân Cương.

Một dân biểu của đảng HDP ủng hộ người Kurdistan, là một trong những người hiếm hoi tố cáo tại Quốc Hội đảng cầm quyền AKP và đồng minh MHP « đã bán đứng người Duy Ngô Nhĩ với giá 50 tỉ đô la ».

Ảnh: một cuộc họp ở Nghị viện Châu Âu

Chính quyền Tổng thống Trump cứng rắn với Trung Quốc đến phút chót

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 9-1 thông báo dỡ bỏ các hạn chế liên lạc giữa giới chức Mỹ và phía Đài Loan, động thái nhiều khả năng khiến quan hệ Washington-Bắc Kinh tiếp tục leo thang căng thẳng trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Mặc dù Mỹ, cũng giống như phần lớn các nước, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, chính quyền Tổng thống Trump tăng cường các biện pháp hỗ trợ vùng lãnh thổ này thông qua thỏa thuận bán vũ khí và các đạo luật giúp họ đối phó với sức ép từ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Pompeo mới đây khẳng định trong nhiều thập kỷ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp lệnh hạn chế các nhà ngoại giao, thành viên công vụ và những quan chức khác liên lạc với Đài Loan.

Hôm nay, tôi thông báo dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế này” – Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.

Theo Reuters, đây dường như là một nỗ lực mới của chính quyền Tổng thống Trump nhằm củng cố lập trường cứng rắn với Bắc Kinh trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20-1.

Văn phòng Đại diện Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc ở Washington khẳng định tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cho thấy mối quan hệ vững mạnh giữa Đài Loan và Mỹ.

Tuần tới, Đại sứ Mỹ lại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft sẽ viếng thăm Đài Loan để gặp gỡ giới chức cấp cao của vùng lãnh thổ này. Bắc Kinh hôm 7-1 cảnh báo Washington rằng họ “đang đùa với lửa“.

Trước đó, Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ tiếp cận Đài Loan trong lúc Bộ trưởng Dịch vụ Y tế và Nhân sinh Mỹ Alex Azar và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach viếng thăm hòn đảo này, lần lượt vào tháng 8 và tháng 9-2020.

Chính phủ Mỹ duy trì quan hệ với các đối tác không chính thức trên toàn thế giới và Đài Loan cũng không ngoại lệ…Tuyên bố hôm nay xác nhận quan hệ Đài Loan-Mỹ không cần, không nên, bị trói buộc bởi các hạn chế tự áp đặt” – Ngoại trưởng Pompeo khẳng định.

Trong khi đó, trong một tuyên bố chung hôm 9-1, Mỹ, Anh, Úc và Canada thể hiện “sự quan ngại sâu sắc” với việc Bắc Kinh bắt giữ hàng chục nhà hoạt động dân quyền ở Hồng Kông.

Trước đó, vào ngày 6-1, thông qua luật an ninh Hồng Kông, hơn 1.000 cảnh sát đã bắt giữ 53 nhà hoạt động, trong đó có một công dân Mỹ, với cáo buộc “âm mưu lật đổ” chính quyền Trung Quốc.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đươc cho là ngày càng thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đồng Tâm: Gia tộc đòi đất sau 1 năm khủng hoảng và mong ước minh oan

>>> Dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng lo sợ đảo chính

>>> Đảng Cộng sản Việt Nam dán nhãn “khủng bố” cho đối kháng chính trị

sao Nguyễn Phú Trọng xử Đinh La Thăng ngay sát ngày đại hội?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023