Nguyễn Phú Trọng: Kỷ luật vài người bỏ qua muôn người

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=P6Pz2EgSNwo

Tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 28/12 vừa qua, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình mà trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung nên phải kỷ luật vài người để cứu muôn người. Tuy nhiên điều này chưa hẳn đúng, vì chỉ có quan chức của đảng Cộng sản mới có thể tham nhũng và cướp đi quyền lợi của nhân dân. Con số hàng triệu đảng viên ĐCS vẫn còn đó, bắt xử vài trăm người không thấm vào đâu với lớp tham nhũng tiếp tục sinh sôi nảy nở tầng tầng, lớp lớp.

Truyền thông trong nước đưa tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những tâm sự đặc biệt về công tác tổ chức cán bộ, phòng chống tham nhũng khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Tổng bí thư nêu rõ: “Theo số liệu thống kê trong nhiệm kỳ Đại hội XII, có 113 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí có một số đồng chí bị xử lý hình sự. Trong đó, có 53 đồng chí công tác cơ quan chính quyền, 31 cán bộ ở lực lượng vũ trang, với các vi phạm phần lớn thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực nêu trên.”

Nhắc tới con số này chúng ta rất đau lòng. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người.”

Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Phú Trọng nói câu này. Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của đảng năm 2016 được tổ chức hôm 24/02/2017 tại Hà Nội, ông Trọng cũng có phát biểu tương tự, là ‘phải kỷ luật vài người để cứu muôn người’.

RFA đánh giá câu nói của ông Trọng mang tính chung chung. Một số người cho rằng ý ông Trọng là chỉ kỷ luật vài người tượng trưng để làm gương cho những người khác; một số khác lại cho rằng ông Trọng muốn làm trong sạch đội ngũ cán bộ để cứu dân.

Ảnh 1: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu đến dự tại điểm cầu Hà Nội trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 khai mạc sáng 28/12

Người dùng facebook tên Lạc Việt bình luận: “Trong thời gian qua, ông đã kỷ luật 113 người thuộc diện trung ương quản lý, mà có cứu được ai đâu. Ai tin thì tin chứ bản chất của chế độ là thối nát thì nó vẫn là thối nát thôi.”

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm còn biết cả nguồn gốc sai phạm đến từ đâu nên ông đã nhấn mạnh nơi nào tội phạm lộng hành, gây bất an trong nhân dân thì phải xem xét trách nhiệm và thay thế người đứng đầu nơi đó. Vậy thì đất nước luôn bất an, tội phạm khắp nơi, tội phạm ngay cả trong guồng máy hành chánh quốc gia, ở những bộ, ngành, từ cấp thấp đến cấp cao đều có cả, thì nên kỷ luật ai đây? Điều này ông Tô Lâm biết, ông Trọng đều biết nhưng không thể nói và cũng không thể xử.

Chừng nào mà lời nói đi đôi với thực hành thì lúc đó muôn người mới được cứu!”

Trong hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ qua có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương và 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên bị kỷ luật là ông Đinh La Thăng. Ông Thăng bị kỷ luật vào ngày 07/05/2017 bằng hình thức cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị khi ông Thăng đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM.

Ủy viên Bộ Chính trị thứ hai bị kỷ luật là ông Hoàng Trung Hải. Đầu năm 2020, khi đang là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông bị Bộ Chính trị cảnh cáo sau khi xem xét vi phạm của ông liên quan dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Gần đây nhất, ngày 08/11/2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Bình (Trưởng ban Kinh tế Trung ương) bị cảnh cáo do các vi phạm trong giai đoạn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ Đại hội 12 còn có một nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị bị kỷ luật là ông Lê Thanh Hải. Ông Hải bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM (giai đoạn 2010 – 2015) do vi phạm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ảnh 2: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Con số 113 cán bộ kỳ Đại hội 12 bị kỷ luật có 53 cán bộ trong chính quyền, 31 cán bộ trong lực lượng vũ trang. Đa số bị xử lý kỷ luật do tham nhũng. Đây cũng là nhiệm kỳ có số cán bộ bị kỷ luật cao nhất từ trước đến nay.

Cách đây gần 1 năm, vào thời điểm ngày 06/01/2020 ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư đã có bài phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020” của Ban Nội chính Trung ương và cho biết “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”, tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu đã dự đoán một tỷ lệ choáng váng về tội phạm trong chính quyền cộng sản Việt Nam ở cấp cao nhất.

Ông viết: “Không có số liệu chính xác con số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là bao nhiêu, nhưng có thể ước tính thô như sau. Nếu tính cán bộ Trung ương quản lý là diện từ thứ trưởng trở lên, thì theo thống kê ngày 16/10/2017 của Vnexpress, Việt Nam có 106 thứ trưởng và 22 bộ ngành ( theo Dantri ngày 23/09/2015 có 122 thứ trưởng, 242 phó chủ tịch tỉnh). Như vậy con số bộ trưởng và thứ trưởng dao động xung quanh 150. Có khoảng 200 cán bộ UVTƯ và cỡ 150 cán bộ cấp chủ tịch tỉnh và phó bí thư trực của 64 tỉnh thành. Từ đó tạm dự đoán có khoảng 500 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đương nhiệm. Nếu tính cả người đã về hưu đang sống thì con số này có thể dao động trên dưới 1500 người.

Như vậy, 80 cán bộ bị kỷ luật chiếm khoảng 5% cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Nếu tính cán bộ đang đương chức bị kỷ luật thì tỷ lệ này khoảng 10% – là một tỷ lệ rất cao. Đó là chưa nói đến sự thật, rằng đang có nhiều tội phạm bị bỏ sót.

Nếu tính đúng, theo bạn, thì tỷ lệ sẽ là bao nhiêu? Chắc chắn là một tỷ lệ choáng váng!”

Con số 113 cán bộ do trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật cũng được dư luận Việt Nam nhìn nhận chỉ phần nổi của tảng băng chìm. Còn phần chưa bị lộ thì nhiều lắm. Ở Việt Nam có câu đùa tếu là người đọc diễn văn khai mạc hội nghị sẽ mở đầu bằng câu ‘kính thưa các đồng chí chưa bị lộ’ để chào những người ngồi dự trong khán phòng.

Ảnh 3: Ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư

Facebooker Tân Phong nhận định “cái lò ông Trọng” chẳng làm nhụt chí đám quan chức tham lam chút nào.

Ông Trọng tuổi cao sức yếu, có cố công “đốt lò” cũng chỉ thêm được “một vài trống canh,” còn sự nghiệp “ăn tàn phá hại” của đảng viên là… mãi mãi.

Chưa kể, “lò ông Trọng” chỉ đốt “củi địch” chứ không bao giờ đốt “củi ta.” Cho nên, “kẻ thức thời là trang tuấn kiệt,” cứ nêu cao tinh thần “học tập tấm gương đạo đức bác Trọng,” thì có thể yên tâm “sự nghiệp cách mạng” sáng ngời, thênh thang quan lộ.

Chả thế mà những quan chức cộng sản không may “bị lộ” và biến thành “củi đốt lò” đều sớm “xin lỗi bác Tổng Bí Thư, xin lỗi đảng” sau khi “thành khẩn” đem dâng phần lớn tài sản cho “đồng chí bác,” mong bảo toàn tấm thân béo mầm.

Có thể nói, quan chức ủy viên trung ương dù có đi tù vẫn hưởng điều kiện “họp có người ghi, đi có người rước, ăn có người bón, nằm có người đấm bóp”. Quan chức cộng sản có đi tù, bất quá cũng chỉ như đi dưỡng lão… cưỡng bức mà thôi. Còn thân phận dân đen, dân oan bị tước đoạt hết mọi tài sản và đẩy vào tù đày, những người đấu tranh vì dân chủ… họ mới thực sự là đối tượng bị bộ máy tù đày CSVN chà đạp, nghiền nát không chút nương tay.

Sau vài năm học tập lại… “đạo đức Hồ Chí Minh” với thân phận “tù thượng lưu,” họ có thể tiếp tục hưởng lạc với dinh thự mênh mông và tài sản còn lại ở ngoài đời cho đến chết.

Những Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung, Trương Minh Tuấn… xét cho cùng chỉ là những vai kép phụ trong vở tuồng của chế độ. Họ bị phe cánh khác mạnh hơn làm vật thí thân để “cơ cấu lại quyền lực,” là đối tượng để đảng “đấu tranh,” “làm trong sạch bộ máy” và nêu cao tính chính danh “đảng ta là đạo đức, đảng ta là văn minh.”

Giáng Sinh này, có lẽ những kẻ từng một thời “hô phong hoán vũ” ấy trong xà lim cũng không thiếu rượu bia tràn ngập, em út nâng ly, để ôn lại “thời oanh liệt” đã qua.

Ảnh 4: Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn trong phiên toàn xử  trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG tháng 12/2019. Do sức khỏe yếu, bị cáo Tuấn được ngồi trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử

Tại Hội nghị trực tuyến cuối năm mới diễn ra, ông Trọng còn đồng thời tự khen rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua “công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Tham nhũng tiêu cực tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng suy giảm, nhiều vụ việc được điều tra, xét xử nghiêm minh được nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ”.

Phân tích việc chống tham nhũng của Đảng Cộng sản có làm dân tin hay không, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói với RFA hôm 22/12/2020:

Tạm chia dân thành hai tầng lớp theo lao động. Tầng lớp lao động phổ thông và tầng lớp lao động bậc cao. Phần lớn lao động phổ thông chỉ  nghe tuyên truyền một chiều từ tuyên giáo của đảng, họ chỉ mong giữ được yên ổn để làm ăn, họ bằng lòng với hiện tại, sợ chính quyền, không biết và không dám phản biện. Nếu có ai hỏi họ có tin đảng  không thì họ vui vẻ nói là có tin, nhưng đó chỉ là câu nói cửa miệng, còn thật lòng họ chẳng biết mình có tin hay không.

Tầng lớp lao động bậc cao có nhu cầu chủ yếu là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, họ có nhiều thông tin, một số ít có nhu cầu phản biện. Hỏi họ có tin đảng không thì đa số người trung thực trả lời không tin.

Đa số Lao động phổ thông tin rằng đảng quyết tâm chống tham nhũng, còn đa số lao động bậc cao nhận định rằng đảng không muốn và không thể chống tham nhũng triệt để mà chỉ dùng biện pháp chống tham nhũng để đấu đá nội bộ giữa các phe phái.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống đề xuất để được lòng tin của dân, đảng phải thay đổi từ một đảng thống trị thành đảng chính trị cầm quyền, mà đảng Hành động Nhân dân của Singapore là một mẫu mực.

Theo ông, trước hết đảng phải làm được hai việc: Thứ nhất là trả lại quyền chính trị cho dân (để dân tổ chức bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện cho trí tuệ toàn dân). Thứ hai là phải công khai, minh bạch trong các hoạt động, phải để cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do thực hiện nhân quyền, dân quyền.

Thế nhưng cho đến nay, thời điểm trước thềm Đại hội 13 của Đảng, không hề có một dấu hiệu nào cho việc mở rộng dân chủ tại Việt Nam. Nhà báo Đỗ Ngà bình luận: Đảng lại hô hào “lấy ý kiến toàn dân” cho Đại hội 13. Vẫn bổn cũ soạn lại, ĐCS hoặc đưa dự thảo văn kiện cho đám đoàn thanh niên, các hiệp hội thuộc cánh tay nối dài của đảng “góp ý”. Thế là xong vở kịch. ĐCS với tư cách là kẻ có đặc quyền “dân chủ hơn” đã ép buộc nhân dân phải “dân chủ” theo ý họ. Thế là xong, cái gọi là “ý đảng lòng dân” nó như thế, kẻ “dân chủ hơn” đã gò ép cho “kẻ ít dân chủ hơn” phải vào khuôn khổ của nó. Nói cho dễ hiểu thì ý đảng là cái rọ, lòng dân là con lợn thịt, đảng bắt lòng dân nhốt vào rọ ý đảng là thành nên món “ý đảng lòng dân”, thế thôi.

Ảnh 5: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm 28/12

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Nhân sự lãnh đạo đảng căng thẳng đến phút chót trước đại hội 13

>>> Nạn nhập cảnh chui gieo rắc Covid-19 vào Việt Nam

>>> Dân thì phạt nặng, doanh nghiệp trái phép không ai hay!

Vì sao càng gần đại hội, Nguyễn Phú Trọng càng lộng quyền?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023