Đảng lo Đại hội, Dân đang chết chìm

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=TlV5jpRMXQA

“Mưa xối xả dồn dập đổ xuống Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và một phần Nghệ An. Các bạn hãy cầu nguyện cho đất nước này. Đảng thì lo đại hội, còn Dân thì đang chết chìm. Âu cũng là số phận của tất cả chúng ta mà thôi.” Ông Nguyễn Đạt An, một nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu đã viết trên Facebook của mình như vậy.

Tin tức về người chết do núi lở vùi lấp ở Miền Trung đang xuất hiện dồn dập trên báo chí trong nước và đau xót hơn với những lời kêu cứu giữa đêm khi nước lũ dâng lên quá nhanh đêm qua rạng sáng 18-10 ở Quảng Trị.

Trong khi đó các đại hội Đảng với sặc sỡ cờ hoa và nhiều quà tặng đắt giá vẫn chưa kết thúc khắp cả nước.

Sau sự cố tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế thì lúc 1h sáng ngày 18-10 lại có thêm 22 chiến sỹ tử vong do bị núi lở vùi lấp tại doanh trại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.

Chiều hôm trước lúc 16h30 ngày 17-10, một gia đình 6 người cũng bị núi lở vùi lấp mất tích ở xã Húc, huyện Hướng Hóa Tỉnh Quảng trị, trong 2 thi thể vừa tìm thấy có một cháu bé mới 10 tháng tuổi.

Mặc dù 13 tướng tá quân đội và quan chức đã được tìm thấy xác, nhưng nhóm 17 công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, thì mới tìm thấy 2 thi thể, 15 người còn lại vẫn trong tình trạng mất tích.

Tính đến hôm 18-10, đã có 4 vụ sạt lở đất lớn, tổng cộng 122 người bị chết và mất tích ở Miền Trung trong đợt mưa lũ này. 52.933 nhà bị ngập, 24.734 Nhà bị hư hỏng, sập đổ. Thiệt hại 924 Ha lúa, 106.616 Ha hoa màu, 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Mới đêm qua 18-10, lũ dâng lên quá nhanh trong đêm, dân Quảng Trị lên mạng cầu cứu khẩn thiết trên Facebook trong khi các đường dây cứu họ bận máy không gọi được.

Từ tâm lũ ở thôn Bắc Bình (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), nơi đã chịu liên tiếp 4 đợt lũ trong những ngày qua, anh Hồ Xuân Sinh cho biết lúc 21h15 tối 17-10, nước sông Hiếu đã chạm đỉnh so với đợt lũ lịch sử ngày 8-10-2020.

Tại nhà anh Sinh, nước đã lên gần đến nóc nhà, hiện anh phải trú trên tra (gác lửng để tránh lũ của người miền Trung) và nếu tiếp tục lên nữa buộc anh phải phá mái ngói chui ra ngoài. “Đêm hôm canô chắc chắn không ai vào cứu được, ngoài vườn nghe tiếng kêu của bò trôi” – anh Sinh nói.

Trong khi đó, trên Facebook, người dùng mạng xã hội này liên tục chia sẻ những dòng tin cầu cứu từ người dân đang mắc kẹt giữa dòng nước lũ.

Ảnh 1: hiện trường vụ sạt lở tại doanh trại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Ngọn núi từ xa đổ xuống đè sập nhiều căn nhà của doanh trại khiến 22 chiến sỹ tử vong

Người dùng Tiến Dũng tại TP Đông Hà đăng tải thông tin lúc 22h đêm: “Mong hỗ trợ ứng cứu Đông Thanh. Người già, trẻ em kêu cứu quá trời. Ngập 2m rồi“.

Người dùng Lê Cúc tại huyện Cam Lộ lại thông báo lúc 23h: “Gấp gấp gấp, cần người cứu hộ đến đội 6 An Bình, Cam Thanh, Cam Lộ. Nhà có 2 con nhỏ mà nước lên chảy xiết. Nhà một bên khóa cửa, nước lên 2m mở không được, người nhà không biết bơi, đang đu trên cửa sổ kiếm đồ phá nát nhà thoát ra. Mọi người chia sẻ để tìm người cứu hộ chứ đường dây nóng không gọi được nữa“.

Tương tự, người dùng Lê Tuyết ở Cam Lộ cũng lên mạng cầu cứu với thông tin gia đình ở xã Cam Hiếu bị ngập sâu, nhà có 7 trẻ nhỏ và 2 ông bà già bị mắc kẹt… Lúc 0h10, người dùng Thi Trần tại TP Đông Hà đăng tải: “Hai mẹ con đang ôm nhau khóc ở 72 Hoàng Diệu, nhờ mọi người cứu với, nước lên không có chỗ thoát ra“.

Đặc biệt, nhiều hộ dân đã trú lũ tại các nhà văn hóa, các gia đình có địa thế cao cũng cầu cứu bởi nước lên quá nhanh trong đêm và cao hơn cả đợt lũ lịch sử trong những ngày vừa qua.

Hiện tại người dân chỉ biết chia sẻ những số điện thoại trực ban của các huyện, thị xã song nhiều người dân cho biết các số điện thoại này đang quá tải.

Ảnh 2: hàng loạt lời kêu cứu của dân Quảng Trị trên Facebook xuất hiện suốt đêm khi nước ngập dâng cao

Bình luận về sự cố kinh hoàng ở Thủy điện Rào Trăng 3, nhà báo Mai Quốc Ấn viết trên Facebook:

Vụ thủy điện Rào Trăng 3 đã có rất nhiều người chết. Vậy thì bên cạnh việc đau thương, chia sẻ thì không thể không xem xét ai đã đồng ý về chủ trương, phê duyệt ĐTM (đánh giá tác động môi trường) và cấp phép cho việc xây dựng cụm thuỷ điện trong rừng phòng hộ nói riêng và đặt 13 thuỷ điện vào “một mâm” nói chung.

Xin lưu ý: Đây là một vị việc có hậu quả rất nghiêm trọng!

Đừng lấy lý do thiên tai. Rà ĐTM (đánh giá tác động môi trường) có thể ra được trách nhiệm đấy! Và xây thuỷ điện trong rừng phòng hộ là điều rất bậy bạ.

Tôi mong các anh chị em phóng viên miền Trung chung tay cho việc này. Các phóng viên Nam Bộ đã dừng được thuỷ điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai.

(Trước đây đã từng có một cuộc vận động rất lớn từ các nhà khoa học, nhà báo đến các đại biểu quốc hội để tạm dừng các dự án thuỷ điện 6 và 6A trên sông Đồng Nai.)

Nay thuỷ điện miền Trung đã xây, đã có hậu quả đã có thì chí ít cũng không thể khoanh tay ngồi im trước thiệt hại nhân mạng và thiệt hại rừng lớn như vậy!

Hãy bày ra sự thật cho nhân dân và các nhà quản lý cấp cao được biết. Đó cũng là cách để những vong hồn người chết được yên nghỉ.

Và bọn phá rừng phải trả giá chứ nếu chúng không bị lật mặt ra công luận thì còn chi công đạo?” Nhà báo Mai Quốc Ấn nêu quan điểm.

Ảnh 3: Thủy điện Rào Trăng 3 ở Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế nơi có 4 nhà máy trong khu bảo tồn phá hủy 200 Ha rừng đặc dụng

Phẫn nộ với các Đại hội Đảng tổ chức hoang phí và hàng trăm tượng đài khắp nơi nhưng hầu như không có người dân được phát áo phao, ca-nô cứu hộ thì hoàn toàn thiếu vắng trong những ngày qua… Facebook Bùi Văn Thuận viết trên Facebook:

Hàng chục nghìn tỷ đảng của ông bỏ ra trang hoàng, mua sắm, tổ chức đại hội đấy, cứu dân đi!

Hàng nghìn tượng đài đảng của ông dựng khắp moi tỉnh thành đấy, vài chục nghìn tỷ ở đó đem ra cứu dân chứ ở đâu?

Cổng chào hàng chục, hàng trăm tỷ nhan nhản khắp mọi huyện thị tỉnh thành, băng rôn khẩu hiệu, cờ phướn rợp trời mọi nẻo đường khắp cả nước. Tiền đó ông Trọng và đảng do ông đứng đầu thay vì dùng trang trí cho bộ lông của mình mà đem ra cứu giúp dân lúc này thì hay biết mấy?

Hàng chục hội, đoàn ăn hại, hàng trăm tổ chức ăn bám được đảng đẻ ra để đục khoét, mỗi năm ngân sách cho các tổ chức, hội đoàn, cánh tay nối dài của đảng là vài chục nghìn tỷ. Tiền đó  chứ ở đâu?

Quan trọng nhất là đảng lại ăn bám vào ngân sách, ký sinh vào ngân sách và phá ngân sách còn hơn con nghiện phá gia đình. Tiền ở cứu trợ ở đó chứ ở đâu?

Và đặc biệt, dân cùng doanh nghiệp đóng thuế để nuôi một hệ thống song trùng khổng lồ đảng- nhà nước, việc chăm lo và cứu dân là trách nhiệm của đảng- nhà nước. Nếu không cứu được dân, không lo được cho dân thì hệ thống song trùng đảng- nhà nước đang ký sinh vào ngân sách là một hệ thống thất bại, ăn hại và vô dụng.” Ông Bùi Văn Thuận nêu nhận định.

Ảnh 4: Chương trình nghệ thuật MỪNG thành công Đại hội Đảng Hà Nội, ngay lúc miền Trung TANG THƯƠNG nhất!

Về vụ 22 chiến sỹ bị vùi lấp, Facebook Bùi Văn Thuận viết:

Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, đơn thuần là một đơn vị làm kinh tế, cũng là phá rừng làm kinh tế thôi. Người chết đã quá nhiều, nhưng mọi thứ đều có nguyên nhân từ một điểm gốc rễ và cốt lõi: Nhân tai do thủy điện, hồ chứa và phá rừng làm thủy điện làm kinh tế.”

Thiên tai cũng không bằng nhân họa, và chính con người phá rừng lấy gỗ là nguyên nhân gây nên những cái chết hôm nay. Nhà báo Hữu Danh có bài bình luận với tựa đề NHÀ GỖ VÀ XÁC DÂN, nội dung như sau:

Chỉ trong vòng 40 năm, những cánh rừng bạt ngàn của Việt Nam gần như bị xoá sổ. Bao nhiêu năm chiến tranh, hứng chịu bom đạn, rừng vẫn bạt ngàn xanh “che bộ đội, vây quân thù“. Sau chiến tranh thì rừng mất sạch.

Rừng đi đâu? Vào nhà đại gia. Nhưng đại gia mê gỗ, còn thua xa cán bộ. Trong một tháng, chúng tôi đã đi khắp các cánh rừng Tây Nguyên, từ Đắk Nông đến Đắk Lắk, Gia Lai rồi Kon Tum, Lâm Đồng, đâu đâu cũng thấy cảnh rừng bị tàn sát. Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nạn phá rừng vẫn tràn lan.

Gỗ ở K’Bang (Gia Lai) vẫn ào ạt chạy ra khỏi rừng dù từ rừng ra ngoài chỉ có con đường độc đạo, có barie chắn ngang của lực lượng kiểm lâm; Gỗ ở Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum) cũng ồ ạt chạy ra khỏi rừng cả ngày lẫn đêm – dù muốn qua chốt chặn phải “bay lên trời” mới thoát.

Những người bị mang danh là “lâm tặc” than thở với chúng tôi, sau lệnh cấm, gỗ vẫn bị đốn hạ, chỉ có tiền bôi trơn là tăng lên, và thu nhập của lâm tặc giảm xuống. Những ngày đi rừng, nhóm phóng viên không quen rừng thiêng nước độc, ai cũng trầy xước khắp người do té ngã, do cây cào, do muỗi vắt đốt chi chít…

Có vào rừng mới thấy, “lâm tặc” ở tầng mức thấp nhất có đời sống khốn khổ dưới đáy xã hội. Trung bình, mỗi ngày họ kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng chi phí trong rừng đắt đỏ, lâm tặc nào cũng nghèo xơ xác. Họ là thành phần khốn khổ khốn nạn, đổ mồ hôi và máu chỉ để kiếm cơm sống qua ngày.

Tại một huyện nghèo khác của tỉnh Đắk Lắk, dân cư chủ yếu là người Ê Đê, Gia Rai, các đời lãnh đạo huyện đều kiên quyết chống lại lâm tặc.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Chủ tịch huyện là người liên tục kêu gọi bảo vệ rừng, chống lâm tặc vì đây là địa bàn diện tích rừng rất lớn. Ông liên tục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an triệt phá lâm tặc.

Ảnh 5: nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ với bộ sa lông gỗ quý chạm rồng với giá thị trường khoảng 1,5 tỷ đồng

Và rồi, người dân ngã ngửa khi thấy trong nhiệm kỳ cuối cùng, ông bắt đầu cho xây một dinh thự gỗ sát nách Hạt Kiểm lâm. Những cây cột tròn cực lớn, toàn gỗ căm xe, cà chít được ồ ạt chở về. Những tấm ván nguyên khối gỗ hương, gỗ cẩm cũng được tập kết. Những bộ bàn ghế lớn đến mức phải vài chục người khiêng cũng được xe tải loại lớn đưa về nhà ông.

Trao đổi với chúng tôi, ông chủ tịch huyện có vẻ khá tự hào khi căn nhà này được ông thuê thợ từ tận miền Trung vào chế tác, ròng rã suốt 3 năm mới xong. Trong cái thị trấn bé nhỏ, nhà ông và những vị cán bộ khác, được làm từ máu của rừng.

Tôi ở Long An, mỗi khi có khách về tôi thường hay dẫn họ đi tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà trăm cột – niềm tự hào về kiến trúc của người dân Long An. Căn nhà này của một đại gia siêu giàu thời phong kiến, khi mà gỗ rừng còn nhiều vô kể. Thế nhưng, khi tham quan căn nhà của ông Chủ tịch huyện nghèo, tôi thấy Nhà trăm cột chỉ là “con muỗi” so với dinh cơ này. Cho làm nhà bếp, có lẽ ông cựu chủ tịch cũng không thèm chấp.

Tôi nghĩ, lâm tặc có lẽ sẽ chạnh lòng khi thấy những gì quý nhất của rừng nằm ngạo nghễ ở nhà cán bộ… chống lâm tặc.

Trên khắp dãi đất hình chữ S này, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu thay, lại là nhà của cán bộ. Sau lệnh đóng cửa rừng, những món đồ gỗ, nhà gỗ này càng trở nên vô giá.

Một thực tế là, nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều. Những căn nhà xa hoa này, được đánh đổi bằng mạng dân.

Quý vị ngủ có ngon không, khi dưới chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữ?” Nhà báo HỮU DANH đưa ra kết luận.

Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên đưa ra bài bình luận trên Facebook:

Tại sao thiên tai, nhân tai và dịch bệnh liên tiếp xảy ra trên thế gian này. Hôm qua đây là COVID-19.  Giờ đây là mưa bão, đất núi sụp đổ liên miên, cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người dân, người lính đang muốn sống an lành.

Tôi đang sống trên bờ sông Đồng Nai, chứng kiến hàng giờ với sự tàn phá môi trường của bàn tay con người.

Ảnh 6: báo trong nước đăng hình cán bộ UBND huyện Quốc Oai đến động viên, chia buồn với gia đình Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng vừa tử nạn trong nhóm 13 tướng đi cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3. Quan sát kỹ thì thấy trong phòng nhà ông Hùng có bộ sa lông gỗ cẩn chạm tinh vi với giá không ít hơn vài trăm triệu đồng, chưa kể cửa gỗ và các tấm liễn gỗ quý

Từ sáng tinh mơ đến đêm hôm khuya khoắt, cảnh tượng khai thác cát ồ ạt, đánh bắt cá bất chấp, từ đàn cá con các loại, bị cào diệt bằng điện, bằng thuốc độc, bằng lưới cào các loại…Không có sinh vật nào dưới đáy sông này sống sót được…

Cách nay 10 năm, 20 năm hay xa hơn về trước, người ta nghèo hơn bây giờ, nhưng lương thiện hơn rất nhiều. Cá, tôm, cua dưới đáy các dòng sông đầy ắp. Người ta chỉ đánh bắt những con cá, con tôm cỡ  lớn để đem ra chợ, sông rạch đầy ắp cá tôm, những đàn cá con sống hoà thuận với hạt phù sa sông Đồng Nai.

Tôi đã từng viết thư trực tiếp cho giám đốc công an mới của tỉnh Đồng Nai nói về nạn cát tặc trên dòng sông này. Tôi đã nói rất nhiều lần với anh em cảnh sát đường sông, bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ canh gác trên dòng sông này, với Phường sở tại và cùng thuyết phục những người đi đánh cá trên sông, nhưng hiện tình có vẻ như không được cải thiện bao nhiêu. Cá lớn, cá con đều muốn sạch. Những người đi đánh bắt cá tôm, ngày càng thưa dần cập ghe vào nhà tôi để bán cá, vì sông sắp cạn kiệt nguồn tài nguyên cá tôm từng vô tận trên các dòng sông này.

Những khu rừng nguyên sinh tôi từng nhìn  thấy vẻ hùng vĩ của nó trước và sau chiến tranh cũng đã cạn kiệt. Lúc còn thơ bé, mỗi chiều bụng đói cồn cào, nhìn lên dãy núi giáp biên giới Lào, nghe câu ca dao Mẹ tôi thường ngân nga: Chim  bay về núi, tối rồi. Mẹ ơi, lo liệu lấy nồi nấu cơm… Tôi nhớ lại một  dãy núi màu xanh trước đôi mắt tuổi thơ tôi, hồn nhiên và trùng điệp .

Gỗ và cây của những cánh rừng bất tận của quê hương đã không được bảo vệ. Đốn cây lấy gỗ, cày ủi rừng già, rừng non vô tội vạ, ngăn sông làm thuỷ điện thiếu quy hoạch khoa học, bất chấp tất cả vì những lợi ích trước mắt của một số nhóm người tham lam và các nhà quản lý,các cấp chính quyền tiêu cực,vô trách nhiệm, mà trước đây, những nhà lâm học và môi trường tâm huyết của miền Trung như ông Hoàng Đình Bá đã từng cảnh báo gay gắt.

Ngày hôm nay, trước cảnh mưa lũ tàn phá miền Trung, dân chết, bộ đội cứu nạn chết thảm thương liên tiếp. Núi lở, đất chùi, ngập lụt diễn ra ở qui mô lớn, báo hiệu một sự trừng phạt từ thiên nhiên, từ trời đất đối với con người .

Con người. Hãy dừng lại tội ác mà mình từng gieo, khi đã quá muộn!” Ông Nguyễn Công Khế đưa ra kết luận.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tàn phá miền Nam – Đảng bê tới tượng ông Hồ

>>> Ép doanh nghiệp ký kết – Đảng “chôn” tỷ Đô trên sa mạc

>>> Tướng, Tá bị bị chôn vùi – Cứu hộ hay Cứu của?

Lê Thanh Hải về vườn – Lê Trương Hải Hiếu cũng “ra ma”


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023