Đảng lo “lộ” quan tham – Tứ trụ Đại hội 13 được giấu kỹ

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=GTJ8aJu4CtA

Theo những diễn biến mới nhất, công tác điều động, bổ nhiệm nhân sự của Đảng chuẩn bị cho Đại hội 13 vẫn theo lề thói cũ, đảng cử – đảng bầu. Yêu cầu về một chính quyền rõ ràng, minh bạch vẫn là một giấc mơ xa vời.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nhận định với BBC: “…cũng như thông lệ từ trước, những nơi quan trọng như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay một số tỉnh, thành phố khác, kể cả công an, quân đội, nếu là địa bàn, địa hạt quan trọng, thì Bộ Chính trị sẽ chỉ định.”

Tại Hà Nội, sáng 25/09, kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố Hà Nội đã bầu ông Chu Ngọc Anh, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội – giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.

Về sự kiện này, tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu bình luận: “Nhiều tháng trước, trong xã hội đã lan tin là ông Chu Ngọc Anh được Bộ Chính Trị (BCT) điều về làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông Chu Ngọc Anh đang là Bộ trưởng Bộ KH&CN mà BCT điều đi nhận công tác mới không cần biết đến ý kiến của Quốc Hội. Các ĐBQH ít hôm nữa phải làm cái điều không tí nào đẹp mặt khi phải bỏ phiếu bãi nhiệm ông Chu Ngọc Anh khỏi cái chức bộ trưởng mà ông ấy đã rũ bỏ trên thực tế. Ngày 25/9/2020 HĐND TP Hà Nội đã họp để hình thức hoá quyết định của BCT điều chuyển ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Điều ngạc nhiên là “Tại kỳ họp, không có đại biểu nào đề cử và tự ứng cử chức danh chủ tịch UBND TP Hà Nội. HĐND TP Hà Nội thống nhất nhân sự bầu ông Chu Ngọc Anh vào chức danh UBND TP Hà Nội với hình thức bỏ phiếu kín”.

Thì hoá ra vẫn có “tự ứng cử và đề cử vào chức chủ tịch UBND TP Hà Nội” mà toàn thể nhân dân Hà Nội không được biết. Để chỉ mỗi một mình ông Chu Ngọc Anh được đề cử vào chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội!”

Ảnh 1: Tân Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu nhậm chức hôm 25/09

Mới đây nhất, sau khi được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội vào đầu năm 2020, ông Vương Đình Huệ vừa chính thức được bầu vào chức danh này trong một sự kiện “Đảng cử, Đảng bầu” vào tối 12/10 vừa qua.

Sáng 13/10, truyền thông trong nước loan tin, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII được tiến hành vào chiều tối ngày 12/10, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII với số phiếu tuyệt đối 71/71 (100%). Trước đó, ông Huệ được 100% số đại biểu dự Đại hội (497/497) giới thiệu để bầu chức danh Bí thư Thành ủy và là “ứng cử viên” duy nhất cho vị trí này.

Nhiều bình luận mỉa mai chiến thắng ngoạn mục này của ông Huệ nói riêng và Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung.

Facebooker Chinh Bùi đã đăng bài viết có tựa đề “Một ứng viên duy nhất – Hai lần “chăm phần chăm””. Ông viết: “Lần này khác dịp cách đây mấy tháng là ĐƯỢC PHÂN CÔNG làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lần này đồng chí Vương Đình Huệ ĐƯỢC BẦU hẳn hoi…” Ông gọi đây là sự kiện “Đồng chí Huệ thắng cử trong cuộc đua vô cùng ngoạn mục …. với chính mình…”

Trong cuộc chạy đua cho Đại hội 13, ông Huệ nổi tiếng với những phát biểu mà dư luận gọi là mang tính “chém gió” và sống trong ảo tưởng. Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” hôm 27/06 vừa qua, ông Vương Đình Huệ phát biểu: “Tới năm 2025, Hà Nội là thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực, đến năm 2030 là thành phố cạnh tranh quốc tế với thu nhập bình quân $13,000-14,000/người, đến 2045 Hà Nội là thành phố toàn cầu với thu nhập bình quân $36,000.”

Vấn đề là đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phát biểu một cách hùng hồn với những con số ấn tượng mà không đưa ra một phương pháp nào để dẫn chứng mức thu nhập gia tăng như con số ông đưa ra. Trong khi tính đến năm 2019, theo số liệu công bố của Việt Nam thu nhập trung bình của một người dân Việt Nam trong 1 năm mới ở mức 2,800 USD. Facebooker Nguyễn Đình Trọng đã phải thốt lên rằng: “… đặt mục tiêu bậy bạ cho có, để nói cho ru ngủ và cho sướng miệng thì đặt ra làm gì. Đặt mục không biết mình là ai, không biết hiện thực thế nào, không có một có sở nào và làm gì để đạt được mục tiêu đó thì đúng là thảm hoạ.”

Facebooker Lê Ánh thì nhận định: “Cách chuẩn bị chạy đua vào chiếc ghế quyền lực qua lời phát biểu của ông Huệ đã làm cho nhiều người đánh giá về khả năng yếu kém của một nhân vật mà một số người cho rằng ông Huệ có thể giữ vai trò Thủ tướng trong Đại hội Đảng 13 sắp tới. Một số người dân nói rằng, nếu làm lãnh đạo trong chế độ CSVN mà không biết “nổ” thì không thể giữ được vai trò lãnh đạo.”

Ảnh 2: Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” ngày 27/06

Còn tại trung tâm kinh tế, trung tâm thương mại, tài chính của cả nước, nơi đóng góp lớn nhất của cả nước vào ngân sách quốc gia – thành phố Hồ Chí Minh thì hôm 11/10, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – đã được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM.

Việc phân công lãnh đạo chủ chốt tại TP HCM chỉ diễn ra trước Đại hội Đảng bộ TP HCM 5 ngày. Truyền thông trong nước dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân trần như sau: “Có thể các đồng chí suy nghĩ tại sao lại cập rập như vậy, song Bộ Chính trị đã cân nhắc toàn diện. Dù thời gian ngắn, việc này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, không vội vàng, hời hợt.”

Tại Đại hội Đảng bộ TP HCM diễn ra từ ngày 15-18/10, ông Nên dự kiến sẽ được bầu giữ chức vụ mới.

BBC nhận định dù phải trải qua một cuộc bỏ phiếu nữa, nhưng với nguyên tắc tập trung dân chủ và thông lệ của bổ nhiệm nhân sự trong hệ thống Đảng và chính quyền tại Việt Nam, ông Nên hầu như chắc chắn sẽ được bầu. Ông là “ứng cử viên” duy nhất trong cuộc bỏ phiếu này.

Facebooker Ngô Đồng thì viết: “…ai cũng biết ông Nên chắc chắn sẽ nắm giữ chiếc ghế quyền lực nhất tại thành phố này.

Con số 100% thường xuất hiện trong các cuộc bầu cử của lãnh đạo cộng sản, cho thấy thực chất đây chỉ là những trò hề được dàn dựng tại Việt Nam. Còn sân khấu cạnh tranh, đấu đá được diễn ra ở phía sau hậu trường.

Đảng Cộng Sản bầu cử chỉ nhằm mục đích “hợp thức hoá” quyết định của một nhóm chóp bu về vấn đề nhân sự. Từ trung ương, cho đến tỉnh, huyện,… các chức danh lãnh đạo thường chỉ có 1 ứng viên duy nhất. Thậm chí những người này đã được lựa chọn và chuẩn bị từ trước dưới danh nghĩa “quy hoạch cán bộ nguồn”.

Ngoài ra, việc tuyển chọn các nhân sự lãnh đạo tại Việt Nam chỉ được Đảng Cộng Sản gói gọn trong 4 triệu đảng viên, hơn 95 triệu dân còn lại bị đảng gạt sang bên lề. Tuy nhiên, dù chỉ hợp thức hóa những quyết định đã soạn sẵn, thế nhưng chi phí tổ chức bầu cử lại hết sức tốn kém và lãng phí.”

Ảnh 3: Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng – vừa được giới thiệu để bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM

Những diễn biến về công tác nhân sự dồn dập xảy ra những ngày gần đây khiến cộng đồng dư luận ngày càng bức xúc.

Nhà báo Nguyễn Thông bình luận trên Facebook cá nhân: “Trong lịch sử hiện đại, chưa bao giờ đảng trắng trợn thể hiện tham vọng quyền lực như bây giờ. Mọi cuộc bầu bán chỉ là trò cười và vô nghĩa. (Nếu đó chỉ là chuyện nội bộ của đảng thì chả ai quan tâm làm gì cho mệt người, nhưng khổ nỗi nó lại cứ đưa người vào những vị trí khác để lãnh đạo toàn diện cơ).”

Facebooker Ngọc Thu viết: “Khi nhắc đến công tác cán bộ thì hầu như ai cũng hiểu đó sự chọn lựa nhân sự lãnh đạo cho nhiệm kỳ kế được Bộ Chính Trị toàn quyền quyết định. Lần đại hội nào việc giới thiệu nhân sự cũng được cho là “tập trung” và Trung Ương “thống nhất cao”. Thế nhưng đây là một cú tát công khai, vô hiệu hoá gần 70 triệu lá phiếu của những công dân đang trong độ tuổi đi bầu.”

Luật sư Lê Quốc Quân thì giải thích kết quả “tập trung” và “thống nhất cao” giữa trung ương và Bộ Chính trị như sau: “”Tập trung cao” có nghĩa là Bộ Chính trị (BCT) có thể chỉ giới thiệu mỗi vị trí 1 người, sau đó Trung Ương bầu “thống nhất cao” có nghĩa là hoàn toàn nghe theo sự giới thiệu của BCT. Xong BCT giới thiệu 200 Uỷ viên TW Đảng để đại hội đảng chọn đúng số đó. Số này lại giới thiệu 500 người làm đại biểu quốc hội, mà sau đó, qua một vở diễn, họ biến thành “đại diện của Nhân dân”. Cứ lần lượt như thế từ Trung ương xuống địa phương.”

Ảnh 4: Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã chính thức khai mạc sáng 15/10

Ông Thuận đã có những phân tích cụ thể về diễn biến điều động nhân sự sôi động của Đảng những ngày gần đây.

Ông nói: “Kỳ Đại hội lần này, có thể thấy việc điều bố nhân sự chủ chốt ở các tỉnh, thành phố rất là nhiều, chẳng hạn vừa qua là điều người là cán bộ Đoàn về dự kiến ứng cử làm Bí thư của tỉnh Đồng Tháp, rồi tỉnh này, tỉnh kia ở các nơi khác cũng có nhiều điều bố.

Ví dụ Chủ tịch Hội Phụ nữ được điều bố về tỉnh Ninh Bình làm Bí thư tỉnh ủy, còn nhiều trường hợp khác đã công bố bổ nhậm hay giới thiệu tham gia đảng bộ ở các tỉnh, thành ngay trước đại hội. Đó là một chiều từ Trung ương xuống địa phương mà dư luận cũng đã thấy.

Còn một chuyện khác cũng đáng chú ý, tức là theo chiều ngược lại, đó là ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư tỉnh Kiên Giang, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được điều trở lại trung ương. Về Bộ Xây dựng, cái này quyết định nhân sự của trung ương đảng cho biết đến đâu, thì người dân và địa phương biết đến đấy. Trước đây, ông Nghị đã từng làm việc ở Bộ này rồi, ông có học vị Tiến sĩ và có chuyên môn Kiến trúc sư, nay người ta điều ông trở lại chỗ cũ và có tin nói ông sẽ được bố trí hay là ứng cử vào ghế Bộ trưởng Bộ Xây dựng,thông tin là như vậy, chưa thấy thông tin chính thức hơn, chưa thấy ai phát biểu cụ thể.

“Còn nếu phát biểu chính thống như điều ông Nguyễn Văn Nên, tiếng gọi là giới thiệu tham gia đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới, để làm Bí thư, rồi cũng như thông báo ông này, bà kia về tỉnh này, thành kia làm Bí thư, thì nếu ông Nghị mà về lại Bộ Xây dựng làm Thứ trưởng để rồi làm Bộ trưởng thì cần phải công khai tuyên bố.

“Như thế rõ ràng, minh bạch, theo tôi mới đúng, còn nếu chỉ đưa ra như thế thì công luận có thể hiểu mặt này, mặt kia, thế này, thế kia và trên thực tế có người đặt vấn đề đó là thăng, hay giảm hay thế nào khi chưa có phát biểu chính thức nào về việc ông ấy sẽ về Bộ Xây dựng làm Bộ trưởng.

“Cũng có nhiều trường hợp khác được điều từ địa phương về Trung ương và đó cũng là một hướng khác mà công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm của đảng làm và tiến hành ngay trước Đại hội.”

Ông cũng thể hiện sự bi quan về những cải cách dân chủ tự do mà người dân đang hy vọng ở Đại hội tới. Ông nói: “Vừa rồi có nhiều người dân nói và mong muốn là có tự do ứng cử, tự do đề cử ngay trong nội bộ đảng, nhưng cái đó cũng chưa thực hiện được, đúng hơn là không được thực hiện, huống gì ra ngoài xã hội, ra tới người dân.

“Bây giờ cái mơ gần hơn là làm sao trong đảng có những cuộc bầu cử, ứng cử tự do, có cuộc tranh luận, tranh cử công khai, thực chất, thì cái đó sẽ là từng bước cụ thể, nếu làm được thì tốt.”

Ảnh 5: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Quyết định của Bộ Chính trị cho đồng chí Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng Xây dựng hôm 16/10, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025)

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Đại hội 13: Ý thức hệ của Đảng Cộng sản và căn bệnh thời đại

>>> Vụ buôn lậu ma túy từ Berlin có dính líu tới Tô Lâm?

>>> Thăng đi, Nhân đến, Nên về – „Mỏ tiền“ Miền nam Đảng tận thu

Tướng, Tá bị bị chôn vùi – Cứu hộ hay Cứu của? 

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023