Việt Nam có “thỏa thuận ngầm” nhường Hoàng Sa cho Trung Quốc?

https://youtu.be/jZQEzj3Qp0o
Link Video: https://youtu.be/jZQEzj3Qp0o

Một học giả Trung Quốc mới đây đã viết trong một bài phân tích rằng Việt Nam có khả năng nhượng bộ chủ quyền tại Hoàng Sa cho Trung Quốc để củng cố vị trí tại Trường Sa. Bài viết còn đưa ra những quan điểm rất gây chú ý về quan hệ Việt – Mỹ, về thái độ của chính quyền hiện tại đối với chính phủ ‘Việt Nam Cộng Hòa’, về những thay đổi trong chính sách Biển Đông của Việt Nam dưới sự lãnh đạo ông Nguyễn Phú Trọng…

Tạp chí mở CSSCI bằng tiếng Trung vào tháng 08/2020 đã cho công bố bài nghiên cứu có tiêu đề “Những thay đổi trên Biển Đông: Tại sao Việt Nam có điều chỉnh lớn trong chiến lược với Trung Quốc?” của Giáo sư Triệu Úy Hoa, (Zhao Weihua), Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Quảng Đông.

Trước đó, bài viết đã được đăng lần đầu trên tạp chí “Nghiên cứu Đông Nam Á” của Trung Quốc vào năm 2019.

Theo ông Triệu, đã có một thỏa thuận tồn tại trong suy nghĩ của các lãnh đạo Việt Nam rằng nếu Trung Quốc hứa không dùng vũ lực để chiếm các đảo ở Trường Sa do Việt Nam kiểm soát, thì Việt Nam sẽ không đề cập đến chủ quyền Hoàng Sa hoặc sẽ không sử dụng Hoa Kỳ để can thiệp vào tranh chấp Việt – Trung.

Nói cách khác, ông Triệu cho rằng Việt Nam có khả năng nhượng bộ chủ quyền tại Hoàng Sa để củng cố vị trí tại Trường Sa; đồng thời nhượng bộ một cách có giới hạn ở Trường Sa liên quan đến đường phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) từ đường bờ biển của Việt Nam.

Trao đổi với BBC, Giáo sư chuyên nghiên cứu về Biển Đông Carl Thayer từ Úc nói rằng dựa trên cơ sở của việc ông từng tham dự 75 hội nghị và hội thảo quốc tế về Biển Đông ở 20 quốc gia kể từ năm 2009, đồng thời gặp và tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các học giả Trung Quốc thì quan điểm của giáo sư Triệu Úy Hoa về khả năng Việt Nam nhượng bộ chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc ‘chỉ là thiểu số’.

Ông diễn giải: “Nói cách khác, Triệu là nhà phân tích học thuật duy nhất mà tôi biết đã lập luận rằng Việt Nam sẽ từ bỏ yêu sách của mình đối với Hoàng Sa để đạt được thỏa hiệp với Trung Quốc về Trường Sa. Một đề xuất như vậy là không tưởng hiện nay tại Việt Nam… Theo đánh giá của tôi, một thỏa hiệp lãnh thổ như Triệu đề xuất là không thể xảy ra. Dư luận trong nước ở Việt Nam về Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông là rất tiêu cực. Theo tôi, bất kỳ nhà lãnh đạo Việt Nam nào chủ trương từ bỏ yêu sách Hoàng Sa sẽ bị coi là phản bội chủ quyền quốc gia.”

Ảnh chụp màn hình bài viết của ông Triệu Úy Hoa trên trang web của Tạp chí mở CSSCI

Quan điểm thứ hai của ông Triệu về việc Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế mà chỉ “dùng chủ đề này như một công cụ để đe dọa, gây áp lực lên Trung Quốc” cũng không mang tính thuyết phục.

Việt Nam đã có kế hoạch dự phòng để khởi kiện Trung Quốc từ năm 2013, hoặc có thể sớm hơn. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển của Việt Nam năm 2014 và đưa tàu thăm dò vào Bãi Tư Chính vào năm 2019 đã từng là những khoảnh khắc đẩy Việt Nam đi đến việc ‘đáo tụng đình’. Nhưng những thời điểm đó đã chưa đủ chín muồi cho một động thái pháp lý mới, có thể làm dư luận quốc tế thiên về hướng có lợi cho Việt Nam. Bởi Trung Quốc với tiềm lực kinh tế vô hạn khi đó đã có những ảnh hưởng quan trọng lên các tổ chức quốc tế cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong một hội nghị thường niên về Biển Đông do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức tháng 11 năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã công khai nêu ra vấn đề kiện Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ gần 5 năm qua, một quan chức cao cấp đề cập đến nội dung nhạy cảm này. Ông Trung nói : « Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 đã dự trù đầy đủ các cơ chế để áp dụng biện pháp này. »

Và cho đến thời điểm đại dịch COVID-19 tung hoành trên toàn cầu mà Trung Quốc vẫn tiếp tục hung hăng, hiếu chiến trên Biển Đông thì từ tháng 04, tháng 05 vừa qua, Việt Nam được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Trung Quốc.

Ảnh: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực” khai mạc sáng 06/11/2019

Tuy nhiên, GS Carl Thayer cũng lưu ý rằng Việt Nam chỉ kiện được Trung Quốc trong vấn đề hiểu và áp dụng sai Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 (UNCLOS) chứ không kiện được về vấn đề chủ quyền.

Bởi quy định của UNCLOS không giải quyết các tranh chấp chủ quyền, phân giới trên biển hoặc các hoạt động quân sự.

GS Carl Thayer nhận định: “Nếu Việt Nam khởi kiện, học theo Philippines, Việt Nam sẽ phải làm rõ các quyền của mình và tình trạng của các thực thể địa lý (các đảo, các bãi đá và các thực thể dưới mực thủy triều) ở Hoàng Sa (như Tòa Trọng tài năm 2016 đã quyết định về các thực thể địa lý ở Trường Sa).

Cuối cùng, để khởi kiện, Việt Nam cần trình bày cụ thể một số sự cố lớn dẫn đến tranh chấp mà đã không thể giải quyết bằng tham vấn song phương với Trung Quốc.”

Tuy vậy, GS Carl Thayer cho rằng việc Malaysia đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng ở phía bắc Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2019 đã mở ra khả năng hình thành một mặt trận pháp lý thống nhất có sự tham gia của Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia để phản đối các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử và quyền tài phán đối với vùng biển xung quanh Tứ Sa.

Ảnh: Lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 14/11/2019 tại Hà Nội

Về quan hệ với Mỹ, ông Triệu phân tích các phát biểu của các tướng Việt Nam và kết luận rằng: Các lãnh đạo Việt Nam tin rằng Mỹ chỉ lợi dụng Việt Nam và Mỹ sẽ không từ bỏ các chính sách lật đổ của mình đối với Việt Nam.

Và rằng các lãnh đạo Việt Nam ‘không có niềm tin ở Mỹ’, mà tin rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ trao đổi lợi ích với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đáp ứng các yêu cầu cơ bản về ‘tự do hàng hải’ ở Biển Đông. Khi đó, Mỹ sẽ phản bội Việt Nam và thừa nhận các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng theo ông Triệu, các lãnh đạo Việt Nam tin rằng nếu Việt Nam hoàn toàn đi theo Mỹ, Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân trong trò chơi quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam là duy trì thế cân bằng với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Về điểm này, ông Triệu có cùng quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu khác. Dựa trên các cuộc trao đổi của ông với các sĩ quan cấp cao của quân đội Việt Nam, các quan chức an ninh và các nhà phân tích cao cấp của Việt Nam, GS Carl Thayer nhận định rằng: “Tất cả những người này đều lo ngại về việc bị Hoa Kỳ bán đứng vì lợi ích quốc gia của Mỹ không giống với Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề là những nhà phân tích này không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ đến mức có thể bị bán đứng.”

Nhưng Việt Nam cũng nhìn nhận rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc ngăn cản Trung Quốc thực hiện bá quyền trên Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam khuyến khích Hoa Kỳ vì lợi ích này mà đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam hiểu rõ về sự trỗi dậy và tăng cường sức mạnh của Trung Quốc. Phản ứng của Việt Nam là phối hợp với Trung Quốc trên cơ sở “hợp tác và đấu tranh” cũng như phối hợp với các cường quốc khác – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga – để duy trì sự cân bằng.”

Ảnh: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội hôm 27/02/2019

Đặc biệt, ông Triệu còn chỉ ra sự thay đổi trong thái độ của Việt Nam đối với ‘Việt Nam Cộng Hòa’ (VNCH)

Theo ông Triệu, chính phủ Việt Nam hiện nay không còn gọi VNCH là ‘chế độ con rối Sài Gòn’ – bởi vì họ cần dùng các hoạt động của VNCH trước năm 1975 để phục vụ cho các yêu sách chủ quyền hiện thời của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam ngày nay.

Tuy nhiên, đây là là một nhận định thiếu cơ sở của ông Triệu. GS Carl Thayer cho rằng ông Triệu đã “không chính xác” khi khẳng định rằng Hà Nội đã thay đổi thái độ đối với VNCH để củng cố lập trường của mình ở Biển Đông.

Ông đưa ra các dẫn chứng lịch sử:

Khi Việt Nam bị chia cắt hai miền Nam, Bắc vào năm 1954 dọc theo vĩ tuyến 17, chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về VNCH chứ không phải Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khi Trung Quốc tấn công các lực lượng hải quân của VNCH ở Hoàng Sa vào tháng 1/1974, cả VNCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chính thức phản đối.

Năm 1976, khi Việt Nam chính thức thống nhất, CHXHCN Việt Nam nắm chủ quyền đối với vùng đất và vùng biển mà trước đây đã hình thành nên Nhà nước VNCH.

CHXHCN Việt Nam tự coi mình là quốc gia kế thừa và những tuyên bố chủ quyền của họ là dựa trên lịch sử từ thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn thường xuyên tổ chức các chuyến thăm lực lượng hải quân (Đội Hoàng Sa và Bắc Hải) nhằm kiểm soát Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau năm 1991, khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, Biển Đông nổi lên như một vấn đề ngày gay gắt trong quan hệ song phương. Điều này dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc ở Việt Nam và trong giới Việt kiều. Người Việt Hải ngoại cho rằng những quân nhân VNCH bị giết vào tháng 01/1974 tại Hoàng Sa là tử sĩ.

Ở Việt Nam, áp lực đã bùng lên trong việc công nhận những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam bị Trung Quốc giết vào tháng 03/1988 tại Gạc Ma, là những người tử vì đạo.”

Ảnh: Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng xung quanh các tướng lĩnh, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng hòa trong buổi lễ tại Sài Gòn ngày 26/10/1955

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Gọi Tập Cận Bình là “trùm mafia” – Cựu giáo sư trường Đảng bị khai trừ

>>> Siết Huawei – Trump „thắt“ dần cổ Tập

>>> Đặt tên lửa châu Á – Mỹ „nhằm thẳng“ Bắc Kinh?

https://www.youtube.com/watch?v=shpz51FfuV8
Quan chức, Công an „rụng rời” – Nghị sĩ Mỹ đề nghị trừng phạt

 

Kasse animation 7.8.2023