Đặt tên lửa châu Á – Mỹ „nhằm thẳng“ Bắc Kinh?

https://youtu.be/UwxCcyFlZdM
Link Video: https://youtu.be/UwxCcyFlZdM

Mỹ sẽ nói chuyện với các đồng minh châu Á về việc triển khai tên lửa tầm trung, hiện đang được phát triển để chống lại “mối đe dọa tức thời” từ kho vũ khí hạt nhân của TQ, theo Nikkei Asian Review.

Ông Marshall Billingslea, nhà đàm phán kiểm soát vũ khí hàng đầu của Washington, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Sáu với Nikkei Asian Review, nói:

”Washington muốn tham gia đàm phán với bạn bè và đồng minh của chúng tôi ở châu Á về mối đe dọa trước mắt mà sự tích tụ hạt nhân của Trung Quốc gây ra, không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với họ, và đủ loại khả năng phòng vệ mà chúng ta sẽ cần, để bảo vệ liên minh trong tương lai”.

Cụ thể, ông Billingslea nói đến một tên lửa tầm trung, phi hạt nhân, phóng từ mặt đất, đang được phát triển ở Hoa Kỳ. Công việc bắt đầu vào tháng 8/2019 sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga, vốn cấm các loại vũ khí này.

Ông Billingslea cho biết loại vũ khí này “chính là loại khả năng phòng thủ mà các quốc gia như Nhật Bản sẽ muốn và cần trong tương lai“.

Tên lửa mới được cho là có tầm bắn 1.000 km. Khoảng cách này không đủ xa để tiếp cận Trung Quốc ngay cả từ Guam, có nghĩa là nó sẽ cần được triển khai từ châu Á, như một biện pháp đối phó hiệu quả.

Billingslea cho biết nhiều nhánh của quân đội Mỹ đang phát triển vũ khí siêu thanh. Những vũ khí này, di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên và gây ra vấn đề cho các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống, có khả năng chống lại chiến lược chống tiếp cận của Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn lực lượng Mỹ thể hiện sức mạnh ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Vũ khí siêu thanh “có khả năng phòng thủ rất ổn định, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sẽ đảm bảo rằng đồng minh, bạn bè và đối tác của chúng ta được bảo vệ và rằng Trung Quốc không thể tham gia vào các vụ tống tiền quân sự, khi họ cố gắng vẽ lại ranh giới và quyền hạn”, Billingslea được Nikkei Asian Review trích lời, nói.

Được hỏi về cuộc thảo luận của chính phủ Nhật Bản về việc phát triển khả năng phản công các căn cứ tên lửa của đối phương như một giải pháp thay thế cho lá chắn tên lửa Aegis Ashore đã tạm bị dừng, Billingslea nói những khả năng đó “sẽ có giá trị.”

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Tokyo không nên bỏ qua việc phòng thủ tên lửa thông thường. Ông nói: “Khả năng phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo sắp tới có thể rất quan trọng.”

Ảnh: Tên lửa Minuteman III ICBM được phóng lên từ căn cứ Không Quân Vandenberg (California- Hoa Kỳ) ngày 05/08/2020

Tổng thống Trump xem xét gây áp lực lên các công ty Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump hôm 15/8 cho biết ông có thể gây áp lực lên các công ty khác của Trung Quốc như Alibaba sau khi có bước đi cấm TikTok, theo Reuters.

Khi được hỏi tại một cuộc họp báo rằng liệu ông có cân nhắc cấm các công ty nào khác của Trung Quốc như Alibaba hay không, ông Trump trả lời: “Có, chúng tôi đang xem xét những thứ khác”.

Ông Trump đã và đang gây áp lực lên các công ty của Trung Quốc như ByteDance khi tuyên bố cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok của hãng này ở Hoa Kỳ.

Mỹ hôm 14/8 yêu cầu công ty ByteDance bán hoạt động của TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày.

Theo Reuters, đây là nỗ lực mới nhất nhằm gây thêm áp lực vì quan ngại về dữ liệu thông tin cá nhân.

Hãng tin Anh nói rằng ông Trump coi việc thay đổi quan hệ thương mại Mỹ – Trung là một trong các chủ đề trọng tâm trong thời kỳ nắm quyền của mình.

Ông Trump nói ứng dụng WeChat của Tencent Holding, và ứng dụng TikTok của Bytedance là “những mối đe dọa đáng kể” đối với an ninh quốc gia. Lệnh hành pháp nói rằng Hoa Kỳ “phải có hành động tích cực chống lại các chủ sở hữu của TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta“.

Tới nay, Tổng thống Trump đã lên án Trung Quốc và cũng đồng thời ca ngợi việc chính quyền Bắc Kinh mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ theo thỏa thuận thương mại đạt được cuối năm ngoái.

Trung Quốc triển khai tàu chiến và oanh tạc cơ ra Trường Sa

Trung Quốc đã triển khai tàu chiến và máy bay ném bom tới các căn cứ mà họ chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, hình ảnh vệ tinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, trong hành động phô trương sức mạnh quân sự mới nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trang mạng American Military nói máy bay ném bom H-6G và H-6J của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thực tập cất cánh vào ban đêm, và tiếp liệu trên không. Nhưng các chuyên gia nhận định rằng mục đích của các cuộc diễn tập này là để kiểm tra sức dẻo dai chịu đựng của phi công trong những chuyến bay dài.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận các cuộc diễn tập hồi gần đây với báo South China Morning Post, nói rằng đậy là một hoạt động huấn luyện thường lệ nhằm nâng cao khả năng chiến đấu.

Nhưng bản tin của Benar News lưu ý rằng động thái này diễn ra trước cuộc tập trận RIMPAC – Vành đai Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo có sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực.

Các nước tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 17/7 tới 31/8/2020, gồm có Việt Nam, Úc, Brunei, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Trung Quốc diễn tập tấn công tàu sân bay Mỹ?

Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc có khả năng mang phi đạn chống hạm. Ông Colin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore, nói với báo South China Morning Post rằng các oanh tạc cơ này có thể huấn luyện để ứng phó trong nhiều tình huống, kể cả tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn cho biết các chiến đấu cơ hiện đại của họ thuộc Quân khu Miền Nam đã bay tới căn cứ đảo Subi vào tuần trước.

Ảnh: Tổng thống Trump bắt tay tỷ phú Jack Ma Chủ tịch tập đoàn Alibaba sau cuộc gặp tại Tháp Trump ở New York, Hoa Kỳ, ngày 9 tháng 1 năm 2017. Trong cuộc gặp này ông Jack Ma hứa hẹn sẽ mang lại một triệu việc làm cho nước Mỹ

Một tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã tiến hành các cuộc diễn tập ở Biển Đông có tranh chấp vào ngày thứ Sáu, hải quân Mỹ cho biết trong một thông cáo.

Một nhóm tàu tấn công do tàu USS Ronald Reagan dẫn đầu đã tiến hành các hoạt động bay, các hoạt động ổn định hàng hải và các cuộc tập trận, thông cáo cho biết.

Bộ tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ (Commander US Pacific Fleet) cho biết là nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đã tiến vào Biển Đông hôm 14/08 và bắt đầu tiến hành tập trận theo nhiều nội dung.

Như thông lệ, tháp tùng hàng không mẫu hạm Ronald Reagan là tuần dương hạm USS Antietam cùng hai khu trục hạm USS Mustin và USS Rafael Peralta, và không đoàn hàng không mẫu hạm số 5.

Tích hợp với các đối tác chung của chúng tôi là điều thiết yếu để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh chóng và tính sát thương của lực lượng chung, cũng như duy trì một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ Joshua Fagan, sĩ quan đặc trách hoạt động không quân của Lực lượng Đặc nhiệm 70 trên tàu USS Ronald Reagan, được dẫn lời nói.

Thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện là mới đây, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan đã tập trận phối hợp với các oanh tạc cơ B-1 của Không Quân Mỹ, đặt căn cứ trên đảo Guam.

Đây là lần thứ ba từ kể từ đầu tháng Bảy đến nay, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan được phái đến hoạt động tại Biển Đông.

Từ ngày 04 đến 07/07 vừa qua, lần đầu tiên từ năm 2014, Mỹ đã cho hai nhóm tàu sân bay tiến vào tập trận trên Biển Đông. Đó là nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz. Việc Mỹ điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay vào Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cho rầm rộ tâp trận gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Qua trung tuần tháng Bảy, hôm 17/07, hai nhóm tác chiếc tàu sân bay nói trên lại phối hợp tập trận, trước khi tách ra, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz xuống Ấn Độ Dương tập trận với Ấn Độ, còn nhóm của chiếc Ronald Reagan thì ra Biển Philippines tham gia một cuộc tập trận 3 bên với Hải Quân Úc và Nhật Bản (ngày 21/07).

Ảnh: Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và tàu USS Nimitz (CVN 68) trong một kỳ tập trận ở Biển Đông, ngày 06/07/2020.

Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Washington đã chỉ trích Bắc Kinh về cách thức ứng phó với virus corona mới và cáo buộc nước này lợi dụng đại dịch để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và các nơi khác.

Mỹ lâu nay vẫn phản đối các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên điều tàu chiến đi qua tuyến đường thủy chiến lược này.

Trung Quốc đã phản đối các cuộc diễn tập như vậy và nói rằng việc Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 12/08 đã tung ra lời đe dọa, theo đó Quân Đội Trung Quốc đã “lên kế hoạch tập trận đổ bộ và trên biển trong những tuần qua và sẽ tiếp tục trong những tuần tới”. Một trong những cuộc tập trận bắn đạn thật được dự trù tại vùng biển của quần đảo Chu San và tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc và ở vùng biển phía bắc của đảo Đại Sơn trong hai ngày 16-17/08.

Trung Quốc phản ứng kịch bản Mỹ đánh chiếm tiền đồn trên đảo ở biển Đông

Quân đội Mỹ đang diễn tập cho một vai trò nguy hiểm nhưng có thể mang tính quyết định trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lính dù Mỹ đã diễn tập việc nhảy xuống chiếm các tiền đồn Trung Quốc trên các đảo nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông. Việc chiếm giữ những tiền đồn này – và những đường băng chiến lược trên đó – có thể cho phép lực lượng Mỹ có thêm căn cứ mới để tấn công đáp trả Trung Quốc.

Ảnh: Lính dù Mỹ diễn tập tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam hôm 30-6-2020. Ảnh: Không quân Mỹ

Theo nhận định của cây bút David Axe trên trang Forbes, quân đội Mỹ có lẽ có đủ máy bay chiến đấu để đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến ở tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều họ thiếu là các căn cứ tại đó.

Vì thế, theo chuyên gia này, Mỹ có thể “mượn” các căn cứ từ Trung Quốc bằng cách thả lính dù hoặc cho đổ bộ lính thủy đánh bộ đánh chiếm đóng các tiền đồn của Trung Quốc.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã cho xây dựng phi pháp các “tàu sân bay cố định” dưới dạng tiền đồn trên nhiều đảo ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Một vài trong số tiền đồn này có đường băng.

Các căn cứ quân sự trên đảo này, cộng với các sân bay dọc bờ biển Đông Nam Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh phân tán máy bay chiến đấu. Việc phân tán như thế giúp Bắc Kinh Quốc bảo vệ các máy bay khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay ném bom của Mỹ.

Ngược lại, máy bay Mỹ thường tập trung tại một số ít căn cứ thường trực. Căn cứ không quân Kadena ở tỉnh Okinawa (Nhật Bản) là nơi tập trung chính sức mạnh không quân chiến thuật của Mỹ và đồng minh ở tây Thái Bình Dương. Một khi có khủng hoảng xảy ra, căn cứ có thể chứa hàng trăm chiến đấu cơ và máy bay hỗ trợ.

Lính dù Mỹ đã diễn tập việc nhảy xuống chiếm các tiền đồn Trung Quốc trên các đảo nước này chiếm đóng trái phép ở biển Đông.

Bên cạnh đó, căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại đảo Guam (cách biển Đông gần 2.800 km) thường tập trung máy bay ném bom, máy bay tiếp dầu và máy bay do thám.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Trung Quốc to tiếng – Mỹ điều chiến hạm

>>> Tập Cận Bình cùng âm mưu dùng “Tư bản nhà nước độc tài” để khống chế thế giới

>>> Belarus: Lukachenko cố duy trì độc tài – Putin cam kết yểm trợ

https://www.youtube.com/watch?v=QN4Jr5RPbg0
TQ vừa to tiếng – Mỹ liền điều chiến hạm

 

Kasse animation 7.8.2023