“Triệt hạ đối thủ” – Trương Duy Nhất y án 10 năm tù

Link Video: https://youtu.be/qiJoRboSt_Q

TAND Cấp cao tại Hà Nội vào chiều 14/8 bác đơn và tuyên y án 10 năm với cựu ký giả Trương Duy Nhất, quê ở Đà Nẵng, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tòa vẫn nói ông Duy Nhất làm trái công vụ khi bán nhà, đất công sản ở Đà Nẵng cho doanh nhân Phan Văn Anh Vũ nên bác đơn kêu oan của bị cáo.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm ngày 9/3, ông Trương Duy Nhất bị tuyên 10 năm tù với tội danh ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ‘.

Cáo trạng nói gì?

Theo bản án sơ thẩm, vụ việc bắt đầu từ tháng 10/1996, khi báo Đại Đoàn Kết – nơi ông Trương Duy Nhất từng là Trưởng văn phòng khu vực Trung Trung Bộ – có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị được cấp (hoặc thuê) một căn nhà tại địa điểm thuận lợi ở trung tâm thành phố để làm trụ sở văn phòng đại diện.

Báo này không chủ trương xin mua nhà công sản, nhưng ông Nhất – người được giao liên hệ với chính quyền địa phương để xin đất – lại ký văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng xin mua nhà, đất theo diện này.

Sau khi mua được nhà cho báo Đại Đoàn Kết với giá ưu đã là 645 triệu đồng từ UBND TP Đà Nẵng, ông Nhất đã chuyển nhượng cho công ty của ông Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ), để công ty này thay thế nộp tiền, giúp công ty này thâu tóm đất công với giá rẻ.

Cáo trạng nêu đây là ‘hành vi làm trái công vụ’ ‘rất nghiêm trọng’, ‘gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 13 tỷ đồng’.

Tại phiên phúc thẩm, ông Nhất một mực kêu oan và giữ nguyên kháng cáo.

Ông Nhất cho rằng ông không có trách nhiệm trong việc giúp Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) thâu tóm nhà đất công số 82 Trần Quốc Toản như cáo buộc mà là làm theo phân công của báo Đại Đoàn Kết. Và rằng nếu việc bán đất có thiệt hại, trách nhiệm thuộc về bên bán tức UBND TP Đà Nẵng.

Ông Nhất cũng thừa nhận hành vi của ông chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng được sự đồng ý của báo.

Bị cáo không hề có động cơ cá nhân, chỉ muốn làm lợi cho báo. Bản thân bị cáo không hề được nhận bất kỳ khoản lợi nào từ công ty 79 hay từ Phan Văn Anh Vũ. Báo Đại Đoàn Kết không hề bị tổn hại, ngược lại còn được lợi. Bị cáo còn được ban Biên tập khen vì đưa ra “sáng kiến” này“, ông Nhất khai tại tòa, theo tường thuật của Báo Đà Nẵng.

Ảnh: ông Trương Duy Nhất trong phiên tòa phúc thẩm đã nói với Hội đồng xét xử rằng: “Tôi không có sai phạm, nếu quyết định có sai phạm sẽ ở Ban biên tập vì tôi làm theo ủy quyền của Tổng biên tập…”

Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), người liên đới trong vụ án của ông Nhất, cũng tham dự phiên tòa. Ông Anh Vũ cũng cho rằng ông Nhất vô tội ‘bởi báo Đại Đoàn Kết không bị thiệt hại vì không cần bỏ tiền nhưng vẫn được sử dụng nhà đất làm văn phòng trong 30 năm’, theo Báo Đà Nẵng.

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, hai ông Trưởng và Phó Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết cùng với ông Trương Duy Nhất bị xác định là có hành vi giống nhau trong việc làm thất thoát tài sản của nhà nước năm 2014.

Tuy nhiên, hai ông này lại được tính số tiền làm thất thoát tại thời điểm 16 năm trước là 301 triệu đồng, cho nên đến nay đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn ông Nhất tuy là cấp dưới lại bị tính giá trị tài sản vào năm 2018. Luật sư Mạnh nói qua điện thoại như sau:

Trong khi đó trong cùng một vụ án, trong cùng một sự việc xảy ra tại Đà Nẵng và trong cùng một tài sản bị thất thoát, nhưng ông Trương Duy Nhất lại bị tính giá trị tài sản vào năm 2018 là lên tới hơn 13 tỷ đồng.

Do cái số tiền đó lớn tới mức độ như vậy nên ông vừa mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự vừa mới bị chịu hình phạt 10 năm tù rất là nặng. Đây là một điểm hết sức vô lý không đảm bảo quy định mọi người đều bình đẳng trong việc xử lý của pháp luật.”

Theo tường thuật của mạng báo Tuổi trẻ, tại phiên tòa hôm nay, ông Trương Duy Nhất đề nghị triệu tập một số người liên quan trong vụ án, các luật sư của ông cũng đề nghị triệu tập chủ tọa phiên sơ thẩm để xác định cách áp dụng pháp luật, triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên sơ thẩm, giám định viên trong vụ án. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được hội đồng xét xử chấp thuận.

Ảnh: ông Phan Văn Anh Vũ tại phiên tòa nói rằng là việc truy tố đối với ông Nhất là sai, ông khẳng định ông Nhất bị oan trong vụ này”.

Như chúng tôi đã thông tin, vào ngày 26-1-2019, ông Nhất đột ngột mất tích ở Bangkok, Thái Lan chỉ một ngày sau khi đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn để xin tị nạn chính trị. Ông Nhất cũng đề cập chuyện này trước tòa và đề nghị tính đủ cho ông hai ngày bị mất tự do.

Chính ông Trương Duy Nhất đặt ra tại tòa án, ông nói rằng là ông bị bắt vào ngày 26 tháng 1 năm 2019 và ổng bị cảnh sát hoàng gia Thái Lan bắt.

Sau đó chuyển giao cho lực lượng công an Việt Nam và công an Việt Nam đưa qua biên giới Lào – Thái và Lào – Việt Nam.

Khi dẫn giải về tới phường Mai Dịch, Hà Nội thì ở đây họ mới làm thủ tục bắt ổng (làm biên bản bắt ổng) khi đó đã qua 2 ngày rồi, khi đó đã là ngày 28 tháng 1.”

Cũng theo luật sư Mạnh, ông Nhất nói trong quá trình bị công an Việt Nam bắt giữ và dẫn giải về nước, ông bị mất một chiến điện thoại iPhone 8 và số tiền 8000 đô la Mỹ tuy nhiên không được ghi nhận trong kết luận điều tra và trong cáo trạng.

Thông tin về phiên xử đăng trên Facebook của luật sư Lê Công Định như sau:

Viện kiểm sát tránh né tranh luận, nhưng do các luật sư dồn dập nêu ra nhiều vấn đề pháp lý chứng minh anh Trương Duy Nhất vô tội, nên buộc chủ tọa phiên tòa phải can thiệp bằng tuyên bố … chấm dứt tranh luận (!)(?).

Luật sư Nguyễn Hà Luân đã thốt lên rằng: “Viện kiểm sát đã lẩn tránh tranh luận và lẩn tránh sự thật!”

Ngoài ra, theo ghi nhận tại phiên tòa, trong lời nói sau cùng chiều nay, anh Trương Duy Nhất đã phát biểu nguyên văn như sau:

Chiếu theo các căn cứ pháp lý và những chứng cứ thẩm tra tại tòa trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nếu có hiểu biết về pháp luật và còn chút lương tri thì không thể kết tội tôi.

Trong vụ việc này, tôi là người mang lại lợi ích lớn lao cho báo Đại Đoàn Kết, không phải là người gây thiệt hại, không có bất kỳ hành vi sai trái nào, không vụ lợi hay động cơ gì cả và cũng không phạm tội.

Ảnh: Ông Trương Duy Nhất viết đơn xin tị nạn chính trị tại Bangkok hồi Tháng Giêng 2019, một ngày trước khi có tin ông bị bắt cóc, bản tin do Blogger Bùi Thanh Hiếu đưa ra sớm nhất trên mạng xã hội

Tất cả chỉ là một đòn thù chính trị đê hèn nhằm dập tắt tiếng nói của Trương Duy Nhất. Đòn thù nhơ nhớp của các thế lực què quặt về tư duy, lú lẫn về trí tuệ.

Trong các lần lấy cung, các điều tra viên đã trấn an tôi rằng sẽ đến ngày thế cuộc xoay chiều. Khi đó, chính họ sẽ lại là người ngồi thay vào vị trí của tôi hôm nay. Tôi hiểu và nhận ra nỗi lo lắng thật sự này của họ. Nó sẽ đến trong một tương lai rất gần. Rất có thể, điều báo ứng sẽ ập xuống trên quãng đời của chính họ chứ không đợi đến thế hệ cháu con.

Vì thế, đối với những vụ án như của chúng tôi, điều quan trọng không phải ở sự trừng phạt chúng tôi mà chính ở giá trị thức tỉnh dành cho chiều ngược lại. Đừng để các thế hệ cháu con sau này nhìn lại phải cúi đầu tủi hổ về những phán quyết sai lầm của cha ông chúng, của một thời nhóm lò loạn lạc, một thời đất nước tưởng có phúc mà vô phúc, có trọng mà không đáng trọng.

Với các bạn đồng nghiệp, những nhà báo đang tham dự và theo dõi phiên tòa, hãy đưa thông tin đầy đủ và trung thực và đặc biệt là những lời nói sau cùng của tôi. Nếu không thể đăng phát được trên truyền hình và báo chí, thì hãy đưa lên trang mạng cá nhân của các bạn. Tôi xin cám ơn các bạn về điều này!”

Cuối cùng, để khép lại phần lời nói sau cùng trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay, xin được đọc bốn câu thơ mà tôi viết vội đêm qua:

Ôi đất nước thuở nhóm lò loạn lạc

Lú cũng lên ngôi, quẹo cũng xưng hùm

Mẹ tổ quốc hay chúng mình có lỗi

Trí nhân đâu rặt một lũ điên khùng

Ảnh: trang Blog nổi tiếng “Một góc nhìn khác” của ông Trương Duy Nhất khi chưa bị bắt. Tổ chức Phóng viên Không biên giới, có trụ sở tại Pháp năm 2014 vinh danh nhà báo Trương Duy Nhất là một trong 100 “Anh hùng Thông tin” của thế giới

Về phiên xét xử này, luật sư Lê Văn Luân (tức Facebook Luân Lê) nhận định: “Sau cả ngày ngồi phiên toà phúc thẩm, ông Trương Duy Nhất đã nói lời sau cùng, không phải một vấn đề pháp lý đơn thuần mà là một chiều hướng chính trị.”

Ông nói rộng hơn phạm vi một vụ án về tài sản công mà ông không có lỗi trong sự việc này, mà là một vấn đề của việc vận dụng và cách thức vận hành xã hội của nhà cầm quyền.

Và đúng như chứng cứ trong hồ sơ vụ án được đánh giá bởi các luật sư, viện kiểm sát cuối cùng vẫn giơ cao bảo bối của mình – tôi bảo lưu quan điểm của mình và việc buộc tội là đúng pháp luật, nhưng các luật sư yêu cầu chỉ rõ cơ sở pháp lý nào thì lại không có điều khoản nào được chỉ ra.

Ông bị tuyên y án sơ thẩm với 10 năm tù giam. Trong khi, tôi đã chỉ ra sự hiểu và áp dụng nguyên tắc về truy cứu trách nhiệm hình sự là sai trái và với nhận thức đó, nếu không triệu tập chủ toạ phiên toà sơ thẩm tham gia phiên toà phúc thẩm để giải thích căn cứ pháp lý cho việc áp dụng luật, toà cấp sơ thẩm sẽ đánh giá bằng chứng và chứng minh sai hoặc không có cơ sở thuyết phục. Tôi cũng chứng minh rằng, với vai trò và vị trí cùng tương quan của ông Nhất với bối cảnh mà ông ở vào trong thời gian đó thì hành vi của ông là không có lỗi hoặc chỉ là lỗi vô ý – mà tội lợi dung chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ phải là lỗi cố ý là cấu thành bắt buộc về mặt chủ quan.

Ông Nhất với tính cách cương quyết và mạnh mẽ, dứt khoát và với sự rõ ràng trong ý chí về việc mình làm, ông tự bào chữa và những lời nói sau cùng trước khi tuyên án đều có âm vọng lớn và mang nhiều sức mạnh trong ngôn từ lẫn lập luận. Ông cảm ơn các luật sư và ông nói không thể thắng được tại phiên toà không phải vì không đủ chứng cứ pháp lý, nhưng sẽ phải được đưa tới công luận về sự việc và những điều ông nói để có thể có một sự hữu ích nào đó cho xã hội.

Ông Nhất mong muốn về một sự thay đổi cơ bản về chính trị và xã hội để không chỉ ông mà còn những người khác sẽ đều được hưởng những giá trị về sự công bằng theo luật pháp.”Luật sư Luân Lê nêu quan điểm.

Ảnh: các luật sư bào chữa cho nhà báo Trương Duy Nhất, trong đó luật sư Lê Văn Luân là người thứ hai từ phải sang

Ông Trương Duy Nhất, sinh năm 1964, từng bị kết án 2 năm tù hồi năm 2014 với cáo buộc tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước” theo điều 258 BLHS.

Trước đó ông đã viết 11 bài đăng trên trang blog Một Góc Nhìn Khác của ông trong đó có bài “Chấm điểm Thủ tướng” và yêu cầu “Tổng bí thư phải ra đi“.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới, có trụ sở tại Pháp vào năm 2014 vinh danh nhà báo Trương Duy Nhất là một trong 100 “Anh hùng Thông tin” của thế giới

Năm 2015 ông ra tù và sau đó trở thành một trong những blogger của Đài Á Châu Tự Do.

Trong phiên sơ thẩm hồi tháng 3 năm 2020, ông Trương Duy Nhất bị tuyên 10 năm tù giam.

Ngay sau đó, bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho blogger Trương Duy Nhất.

Thông cáo báo chí viết:

Chúng tôi thất vọng vì việc blogger và cộng tác viên của Đài Á Châu Tự do (RFA), Trương Duy Nhất, bị kết án 10 năm tù.

Kết án này dựa theo các cáo buộc mơ hồ, liên quan đến cáo buộc gian lận được cho là đã xảy ra cách đây gần 20 năm.

Chúng tôi vẫn tiếp tục quan tâm đến sự mất tích đột ngột của ông Nhất từ Bangkok, Thái Lan vào ngày 25 tháng 1 năm 2019, một ngày sau khi ông đăng ký xin quy chế tị nạn với UNHCR và xuất hiện trong tù tại Việt Nam sau đó 3 tháng.”

Đài Á Châu Tự Do cũng đã có thông cáo báo chí lên án việc xét xử blogger Trương Duy Nhất và yêu cầu chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho blogger này.

Ảnh: ông Trương Duy Nhất nói chuyện cùng nhà báo Mặc Lâm về Trần Huỳnh Duy Thức trong chương trình của RFA tại Mỹ hồi tháng 5/2016

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Bắt cóc công dân – mật vụ Việt Nam “hành tẩu giang hồ”

>>> Chủ tịch Chung giáng chức – Thủ tướng Phúc hả hê

>>> Đại hội 13 – Khoảng trống quyền lực khi Nguyễn Phú Trọng quá già

Hé lộ “Tứ trụ” – Nhân sự Đại hội đảng XIII

Kasse animation 7.8.2023