Đánh “gãy lưng” Tập – Trump ra lệnh cấm Tencent

https://youtu.be/chYkb-U40-8
Link Video: https://youtu.be/chYkb-U40-8

Ngày 06/08/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok là tập đoàn ByteDance cũng như là với công ty mẹ của ứng dụng tin nhắn đa chức năng WeChat (tương tự như WhatsApp của Mỹ) là tập đoàn Tencent sau 45 ngày nữa. Đây là hai biểu tượng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc mang tầm vóc quốc tế. Đặc biệt Tencent được giới quan sát đánh giá là huyệt đạo trọng yếu của công nghệ số Trung Quốc. Lệnh cấm Tencent mang tính thiệt hại hơn nhiều so với Huawei hay ByteDance.

Tencent, thành lập vào năm 1998, là một đại tập đoàn công nghệ có thế lực nhất nhì tại Trung Quốc.

Trước khi sụt giảm giá cổ phiếu vì lệnh cấm từ Mỹ, Tencent có trị giá 686 tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ 8 thế giới tính theo vốn hóa thị trường và lớn hơn cả tập đoàn Berkshire Hathaway Inc. và cao hơn gấp đôi so với giá trị của tập đoàn Mỹ Netflix.

Quy mô khổng lồ của nó có nghĩa là nó chiếm vị trí thống trị trên các chỉ số toàn cầu. Công ty này chiếm hơn 6% thước đo quốc gia đang phát triển của MSCI Inc. và 4% thước đo Châu Á Thái Bình Dương.

Nếu TikTok là ứng dụng được thiết kế dành cho thị trường quốc tế và cũng là ứng dụng đầu tiên của Trung Quốc gặt hái được thành công vang dội bên ngoài Trung Quốc thì WeChat chủ yếu được dùng trong lãnh thổ Trung Quốc và là nhu cầu hàng ngày của hàng trăm triệu người Trung Quốc, dùng để nhắn tin, chia sẻ ảnh, gọi xe, thanh toán mua sắm, đặt nhà hàng, gọi thức ăn và một loạt các dịch vụ khác. Xét về quy mô thì Tencent của WeChat là một tập đoàn mạnh hơn rất nhiều so với Bytedance của TikTok. Trên thị trường chứng khoán, giá trị của Tencent gấp gần 10 lần giá trị ước tính của Bytedance. Không chỉ là tập đoàn internet mạnh nhất ở Trung Quốc sau Alibaba, Tencent còn là một nhân tố trung tâm của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc nhờ WeChat.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump người ký sắc lệnh mới, cấm Tencent và ByteDance sau 45 ngày nữa

Tencent cũng là một đại gia trong lĩnh vực giải trí, là công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới nếu tính theo doanh thu.

Tencent là nhà phát hành của một số trò chơi rất được ưa chuộng trên thế giới đồng thời là chủ nhân toàn phần hay một phần của một loạt công ty game tại Mỹ và nhiều nước khác.

Tập đoàn này cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ video và âm nhạc trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, mà bộ phận âm nhạc trực tuyến Tencent Music (TME) – được niêm yết trên thị trường Wall Street.

Bởi quy mô mang tầm quốc gia và quốc tế của Tencent mà khi Mỹ đánh vào tập đoàn này thì hậu quả mà nó gây ra còn nghiêm trọng hơn cả những gì mà tập đoàn viễn thông Huawei đã gánh chịu trong suốt thời gian qua.

Thứ nhất, việc ngăn chặn các “giao dịch” với tập đoàn công nghệ Trung Quốc trước hết có thể tác hại đến các dịch vụ thanh toán dùng ứng dụng WeChat ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, mà điển hình là ví điện tử WeChat Pay, được chấp nhận ở nhiều nơi, kể cả ở Mỹ. Trong khi đó, theo hãng truyền thông CNN, vào năm ngoái, 25% doanh thu của Tencent đến từ các dịch vụ tài chánh và ứng dụng thanh toán như WeChat Pay.

Thứ hai, hoạt động trong lĩnh vực giải trí của Tencent cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là trong lĩnh vực trò chơi điện tử, vốn mang lại cho Tencent hơn 50% doanh thu trong năm 2019. Nguồn lợi đến từ việc kiểm soát được hoặc nắm những phần vốn đáng kể trong một loạt những công ty phát triển những trò chơi điện tử rất được ưa chuộng trên thế giới, từ League of Legends cho đến Fornite, hay PlayerUnknown’s Battlegrounds… chắc chắn sẽ thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Trong trường hợp xấu hơn là chính quyền Mỹ quyết định cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc thì Tencent sẽ bị mất hẳn thị trường Mỹ trong lĩnh vực trò chơi điện tử.

Chưa kể đến những hoạt động của Tencent trong lĩnh vực video giải trí hay ca nhạc trực tuyến cũng hợp tác với nhiều công ty Mỹ, từ hội bóng rổ NBA (National Basketball Association) cho đến tập đoàn Warner Music Group. Việc rút Tencent ra khỏi các quan hệ này có thể rất hỗn độn và tốn kém.

Hậu quả thứ ba mà quyết định của Mỹ gây ra đó là nó có thể đặt một loạt danh mục đầu tư rộng lớn của tập đoàn Tencent hải ngoại vào vòng nguy khốn.

Ảnh: Alexis Ohanian, CEO của trang diễn đàn trên mạng Reddit nổi tiếng của Mỹ đã được Tencent mua lại năm 2019

Nếu Trung Quốc đã rất vất vả trong cuộc chiến bảo vệ thị phần của Huawei ở nước ngoài thì nước này cần chuẩn bị tinh thần để làm điều tương tụ với Tencent nhưng tầm hoạt động của tập đoàn này còn rộng lớn hơn Huawei nhiều.

Đây là một trong những tập đoàn đầu tư hào phóng nhất vào ngành công nghệ trên thế giới, với các khoản đầu tư vào các doanh nghiêp lên đến mức 60 tỷ đô la, tính đến tháng 12 năm 2019. Việc Tencent đã đầu tư vào công ty dịch vụ mua sắm Afterpay của Úc hay đã mua lại trang diễn đàn trên mạng Reddit nổi tiếng của Mỹ chỉ là hai trong nhiều thương vụ đầu tư của Tencent.

Hậu quả thứ tư là Tencent sẽ mất nguồn thu nhập đến từ quảng cáo của các nhãn hiệu Mỹ muốn vươn đến người tiêu dùng ở Trung Quốc.

Và sau cùng, quyết định trừng phạt của Mỹ cũng sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ lại trước khi đặt quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể về chính trị cũng như kinh tế để nuôi dưỡng các nhà vô địch công nghệ thế giới của họ, nhưng Washington giờ đây đang dùng uy thế của mình trong lãnh vực cơ sở hạ tầng Internet và hệ thống điều hành để ngặn chặn toan tính của Trung Quốc. Ngón đòn của Nhà Trắng nhắm vào Tencent sẽ còn khiến Trung Quốc phải đau đớn lâu dài.

Nhưng trên hết, hậu quả trước mắt mà thế giới đang thấy những ngày qua là ngay sau lệnh cấm của Hoa Kỳ, giá trị công ty Internet số một Trung Quốc đã bốc hơi hàng chục tỷ USD.

Cổ phiếu Tencent liên tục giảm mạnh trong phiên giao dịch những ngày gần đây.

Theo Bloomberg, cổ phiếu của Tencent lao dốc 4,8% trong phiên giao dịch ngày 10/08. Như vậy, trong hai ngày giao dịch thứ sáu ngày 08/08 và thứ hai ngày 10/08, giá cổ phiếu công ty mẹ của WeChat đã sụt giảm tới 9,6%, đồng nghĩa với việc giá trị vốn hóa bay hơi 66 tỷ USD.

Đây là hai ngày giao dịch tồi tệ nhất của cổ phiếu Tencent kể từ tháng 10/2011. Trước vụ ông Trump ra sắc lệnh cấm WeChat và TikTok, giá cổ phiếu Tencent tăng tổng cộng 70% trong 4 tháng, đẩy giá trị vốn hóa của tập đoàn này lên đến gần 700 tỷ USD.

Trên đây mới là dự đoán những tác động trên phương diện kinh tế từ lệnh cấm Tencent của chính quyền Mỹ. Trên khía cạnh chính trị, bước đi mới này của Mỹ cũng rất có ý nghĩa.

WeChat có đến 1,2 tỷ người sử dụng trên toàn thế giới, nhưng theo trang mạng chuyên môn TechCrunch thì hơn 90% trong số đó là người cư ngụ ở Trung Quốc, hoặc là người Trung Quốc ra làm việc ở nước ngoài. Và từ nhiều năm nay, các chuyên gia an ninh mạng phương Tây đã coi WeChat là một công cụ giám sát, theo dõi và kiểm duyệt người dân của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Như vậy, sắc lệnh nhắm vào WeChat mà ông Trump ban hành đã chính thức nêu bật sự cần thiết phải bảo vệ những người Trung Quốc đang ở Hoa Kỳ khỏi sự giám sát của Bắc Kinh.

Theo báo chí Mỹ, với lập luận này, Washington leo thêm một nấc thang trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh, không đơn thuần nhằm bảo vệ người Mỹ, như được thấy qua các lệnh trừng phạt đối với Huawei hoặc TikTok, mà còn nhằm hỗ trợ cho quyền tự do ngôn luận của mọi người, kể cả người Trung Quốc, trước những gì bị Mỹ cho là một chiến dịch giám sát hàng loạt trên toàn thế giới “Made in China”.

Hơn nữa, nếu nhìn lệnh cấm của Trump trong quan hệ bình đẳng với Trung Quốc thì rõ ràng Trung Quốc mới là nước đã cấm hàng loạt các ứng dụng từ phương Tây trước.

Ảnh: CEO Tim Cook của Apple, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ

Bắc Kinh chưa bao giờ cho phép các đại gia Internet phương Tây hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc, mà tập trung phát triển những phiên bản nội địa của Google, Facebook hay Amazon để kiểm soát dễ dàng hơn dữ liệu của công dân họ và gạt bỏ mọi quan điểm chỉ trích. Tại Trung Quốc, ứng dụng TikTok cũng có phiên bản riêng cho Hoa Lục là Douyin và không để lẫn fan Trung Quốc với fan Mỹ hay châu Âu.

Năm 2017, trả lời về việc gỡ ứng dụng tại Trung Quốc, CEO Tim Cook của Apple từng phát biểu: “Chúng tôi không muốn làm vậy, nhưng chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật làm tại mọi quốc gia chúng tôi kinh doanh.”

Trên thực tế, chính phủ yêu cầu Apple gỡ nhiều ứng dụng nhất là Trung Quốc. Theo thống kê của Apple, Trung Quốc chiếm gần 3/4 tổng số yêu cầu gỡ ứng dụng trên nền tảng của hãng trong khoảng thời gian từ tháng 07/2018 tới tháng 06/2019. Khoảng 85% ứng dụng đã được gỡ khỏi App Store trong khoảng thời gian đó.

Trong khi đó, Play Store của Google không được phép hoạt động tại Trung Quốc.

Với việc chính quyền Trung Quốc chặn Facebook, Instagram, Google, Snapchat và WhatsApp của Mỹ đã giúp WeChat tận dụng thời cơ để trở thành “cầu nối viễn thông” giữa người dùng hai nước Mỹ và Trung Quốc. Ước tính ở Mỹ có khoảng 5 triệu người Mỹ gốc Hoa, cộng thêm vài trăm nghìn sinh viên Trung Quốc, đa phần đều sử dụng WeChat để liên lạc với người thân tại Trung Quốc. Không những thế, gần như mọi doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, từ Wal-Mart, Starbucks cho đến NBA và Nike, đều phải sử dụng ứng dụng nhắn tin này để trao đổi với các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Bởi thế mà nhiều quan chức Mỹ cho rằng lệnh cấm của ông Trump là hợp lý, bởi chính quyền Trung Quốc đã cấm cửa hàng loạt ứng dụng công nghệ Mỹ trong nhiều năm qua, qua đó tạo ra sân chơi riêng cho những tập đoàn nội địa như Tencent và Alibaba.

Hơn nữa, những cáo buộc về nguy cơ gián điệp, thu gom dữ liệu cá nhân phục vụ chế độ Trung Quốc, không phải là chuyện viễn vông. Luật lệ Trung Quốc buộc các công ty Internet, không những phải trả lời mọi yêu cầu của cơ quan tình báo, mà còn phải giữ kín những chuyện này.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Trump đánh – Tập loay hoay – Huawei gần sụp đổ

>>> Trung Quốc “phát cuồng” – lệnh trừng phạt Hoa Kỳ

>>> Mỹ trừng phạt Hồng Kong – Trung Quốc “hết cửa” trả đũa

https://www.youtube.com/watch?v=zXpiYhSWAxo
Mỹ tiến gần “lằn ranh đỏ” – TQ “dàn trận” đối phó