Trump đánh – Tập loay hoay – Huawei gần sụp đổ

https://youtu.be/K8qVVhFqZ3c
Link Video: https://youtu.be/K8qVVhFqZ3c

Đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei cho biết họ sẽ ngừng sản xuất chip điện thoại thông minh tiên tiến nhất của họ vào tháng 9 do các chế tài của Mỹ, gây nên “tổn thất to lớn.”

Huawei – nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới – đã trở thành một vấn đề then chốt trong mối quan hệ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ nói Huawei đề ra mối nguy đáng kể về an ninh mạng vì các thiết bị của công ty có thể được dùng để do thám.

Áp lực của Mỹ đối với các nhà cung cấp của Huawei đã khiến bộ phận chip HiSilicon của công ty không thể tiếp tục sản xuất bộ chip, những linh kiện quan trọng cho điện thoại di động, Giám đốc điều hành Huawei Dư Thừa Đông phát biểu trên một diễn đàn công nghệ vào ngày thứ Sáu. Ông nói bộ chip Kirin 9000 cao cấp của công ty sẽ đình chỉ sản xuất từ ngày 15 tháng 9 do các chế tài của Mỹ.

Washington đã ngăn chặn Huawei tiếp cận nguồn cung cấp linh kiện và công nghệ ở Mỹ bao gồm nhạc của Google và các dịch vụ điện thoại thông minh khác vào năm ngoái.

Những hạn chế đó được siết chặt vào tháng 5 khi Nhà Trắng cấm các nhà cung cấp trên toàn thế giới sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất các linh kiện cho Huawei.

Công ty Sản xuất Thiết bị Bán dẫn Đài Loan (TSMC) sản xuất chip Kirin 9000 sử dụng thiết bị của Mỹ đã ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei kể từ tháng 5 vì lo ngại có thể bị ảnh hưởng.

Điện thoại di động của Huawei không có nguồn cung cấp chip, điều này khiến lượng hàng của chúng tôi trong năm nay thấp hơn 240 triệu chiếc (xuất xưởng năm ngoái),” ông Dư nói. “Đây là tổn thất to lớn đối với chúng tôi.”

HiSilicon sản xuất nhiều loại chip, bao gồm cả dòng vi xử lý Kirin cho điện thoại thông minh Huawei và là vi xử lý Trung Quốc duy nhất có thể sánh ngang với Qualcomm về chất lượng.

Huawei đã bắt đầu khám phá lĩnh vực chip hơn 10 năm trước, bắt đầu từ việc tụt hậu cực kỳ lớn đến tụt hậu một chút, rồi bắt kịp và sau đó là dẫn đầu. Chúng tôi đã đầu tư nguồn lực khổng lồ cho nghiên cứu-phát triển và đã trải qua một quá trình khó khăn” – ông Dư nói.

Ảnh: Bà Mạnh Vãn Châu, con gái người sáng lập Huawei đồng thời là giám đốc tài chính của tập đoàn này. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt vào tháng 12/2018, dựa trên một cáo buộc từ Hoa Kỳ cho rằng bà đã lừa dối ngân hàng HSBC về các giao dịch kinh doanh của Huawei ở Iran.

Washington cũng đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập công ty này của Trung Quốc, vốn đang dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu để triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông 5G.

Chính phủ Anh đã nhượng bộ trước áp lực ngày càng tăng của Mỹ và đầu tháng này tuyên bố đến năm 2027 sẽ loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của mình, bất chấp cảnh báo trả đũa từ Bắc Kinh.

Úc và Nhật Bản cũng đã có những bước đi ngăn chặn hoặc hạn chế sự tham gia của Huawei trong việc triển khai mạng 5G của họ, trong khi các nhà khai thác viễn thông Châu Âu bao gồm Telenor của Na Uy và Telia của Thụy Điển đã không chọn Huawei làm nhà cung cấp.

Hãng phân tích Canalys ngày 30/7 cho biết, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei đã vượt hãng đối thủ Samsung Electronics của Hàn Quốc để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới dựa trên số thiết bị được bán ra.

Cụ thể, trong quý II/2020, Huawei bán ra 55,8 triệu chiếc smartphone, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lại là lần đầu tiên cao hơn so với mức tương ứng 53,7 triệu chiếc của Samsung, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Huawei đã bám đuổi vị trí này của Samsung trong nhiều năm qua, song các nhà phân tích cho rằng vị trí này khó được nhà viễn thông Trung Quốc duy trì, bởi phần lớn doanh số bán của Huawei chỉ đến từ thị trường Trung Quốc, giữa bối cảnh các thị trường quốc tế chịu sức ép vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Hơn 70% smartphone của Huawei được bán tại Trung Quốc trong quý II vừa qua. Trong khi đó, số smartphone mà Huawei bán trên thị trường quốc tế trong giai đoạn này lại giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dựa vào tài liệu nội bộ của ARM, BBC cho biết nhà thiết kế chip lớn có trụ sở tại Anh đã tiến hành các thủ tục tạm ngừng kinh doanh với Huawei để tuân thủ các quy định mà phía Mỹ đưa ra.

Theo Reuters, ARM đã chỉ đạo các nhân viên tạm dừng tất cả các hợp đồng đang thực hiện, các quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ cam kết nào đang chờ xử lý với các công ty con của Huawei. 

Giải thích cho vấn đề, ARM vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư Nhật Bản Softbank, cho biết trong một bản ghi nhớ nội bộ công ty rằng các thiết kế của họ chứa công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ.

Được biết, Huawei dựa vào ARM để thiết kế kiến trúc chip cho bộ xử lý Kirin riêng, và họ trả tiền để được cấp phép cho các chip xử lý này.

Ngay cả khi có thể tự tạo ra một nền tảng di động hoàn toàn mới không lệ thuộc vào Android của Google, Huawei vẫn phải đối mặt với một thách thức cực lớn, đó là không có các thiết kế hoặc chỉ dẫn kiến trúc của ARM. Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ gần như không thể sản xuất smartphone.

Đại sứ Trung Quốc: Bắc Kinh không muốn quan hệ với Mỹ thêm căng thẳng

Bắc Kinh không muốn căng thẳng với Washington leo thang thêm, sau vụ đóng cửa lãnh sự quán của mỗi nước trong những tuần qua, Reuters đưa tin, dẫn lời đại sứ Trung Quốc ở Mỹ nói hôm 5/8.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nên hợp tác thay vì đối đầu nhau, Đại sứ Cui Tiankai nói tại diễn đàn an ninh Aspen, được tổ chức trực tuyến.

Reuters nhận định rằng lời kêu gọi hợp tác của ông Cui mang tính hòa giải.

Nhà ngoại giao này cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở lãnh sự quán tại Houston mà Washington đã yêu cầu đóng cửa tháng trước.

Hãng tin Anh đưa tin rằng đại sứ Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật đe dọa ở Biển Đông và nói rằng chuyện tăng cường các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực sẽ chỉ gia tăng nguy cơ đối đầu.

Khi được hỏi về ứng dụng chia sẻ video Tik Tok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc mà Tổng thống Trump đe dọa cấm, ông Cui nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy công ty này chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc.

Ảnh: ông Cui Tiankai Đại sứ Trung Quốc tại Hoa kỳ.

Theo Reuters, bình luận của ông Cui được đưa ra hơn một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có bài phát biểu về chính sách, trong đó nói rằng việc buộc Bắc Kinh thay đổi đường hướng là “sứ mệnh của thời đại chúng ta”.

Lệnh cấm TikTok, WeChat của ông Trump “thổi bay” 100 tỷ USD chứng khoán TQ

Theo CNBC, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat trong vòng 45 ngày nữa, thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 7/8 chao đảo với việc hàng loạt cổ phiếu công ty công nghệ lao dốc.

Ngay sau lệnh cấm của ông chủ Nhà Trắng, chỉ số chứng khoán công nghệ Hang Sheng, bao gồm 30 tập đoàn công nghệ niêm yết tại Hồng Kông, giảm 2,51%.

Ở Trung Quốc Đại lục, chỉ số ChiNext (Thâm Quyến) và Star 50 (Thượng Hải) sụt lần lượt 2,4% và 3,1%. Chỉ số CSI 300 index gồm các cổ phiếu lớn niêm yết ở cả hai sàn giảm 1,4%, theo CNBC.

Giá trị vốn hóa thị trường của Tencent, công ty Internet lớn nhất Trung Quốc và là công ty mẹ của WeChat, đã bốc hơi 45 tỷ USD. Đây là lần sụt giảm lớn nhất của Tencent kể từ tháng 10/2011. Đặc biệt, mảng kinh doanh game của Tencent được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi hãng này có thể đánh mất hoàn toàn thị trường game Mỹ.

Giá cổ phiếu SMIC, Xiaomi, ZTE và Alibaba lần lượt sụt giảm 8,7%, 3%, 2,58% và 3,04%. Tổng cộng, cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc trên sàn chứng khoán đã bay hơi hơn 100 tỷ USD.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6-8 đề ra chiến lược “Mạng lưới sạch” với 5 điểm và nêu ra 30 quốc gia sạch với nhà mạng sạch an toàn cho người sử dụng. Nói một cách nôm na, đây sẽ là chiến lược cắt đứt mọi liên kết giữa Mỹ và các công ty công nghệ, viễn thông Trung Quốc.

Sắc lệnh ký ban hành ngày 6/8 sẽ có hiệu lực trong 45 ngày nữa sau khi chính quyền ông Trump tuần này nêu bật cố gắng loại bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc ra khỏi các mạng lưới của Mỹ.

Ông Trump nói ứng dụng WeChat của Tencent Holding, và ứng dụng TikTok của Bytedance là “những mối đe dọa đáng kể” đối với an ninh quốc gia. Lệnh hành pháp nói rằng Hoa Kỳ “phải có hành động tích cực chống lại các chủ sở hữu của TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta“.

Trung Quốc hôm 7/8 nói các công ty vừa kể tuân thủ các luật pháp và quy định của Mỹ, và cảnh cáo Hoa Kỳ sẽ phải “nhận lãnh hậu quả” về hành động của họ.

Hoa Kỳ đang viện cớ an ninh quốc gia và dùng quyền hành của nhà nước để ức chế các doanh nghiệp không phải của Mỹ. Đây là cách làm ăn của một nước bá chủ,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói tại một cuộc họp báo.

TikTok đã bị các nhà lập pháp Mỹ nhắm tới vì các quan ngại về an ninh quốc gia chung quanh việc thu thập các dữ liệu giữa lúc sự nghị kỵ giữa Bắc Kinh và Washington tăng cao. Hãng tin Reuters hôm Chủ nhật nói ông Trump đã cho công ty Microsoft 45 ngày đề hoàn tất việc mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

TikTok phủ nhận cáo buộc rằng công ty này Trung Quốc bị kiểm soát hoặc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.

 “Chúng tôi bị sốc vì sắc lệnh mới đây, được ban hành mà không qua các thủ tục pháp lý đúng đắn”, TikTok nói trong một tuyên bố hôm 7/8, và nói thêm rằng công ty này sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể để bảo đảm luật pháp không bị vứt bỏ.”

Vào tối thứ Năm 7/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ban hành một lệnh hành pháp tiếp theo để cấm WeChat, một ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Tencent có trụ sở tại Trung Quốc.

Lệnh cấm mọi giao dịch với Tencent, một trong các công ty internet lớn nhất thế giới, báo hiệu sự rạn nứt của mạng lưới toàn cầu, cắt đứt những liên hệ lâu dài giữa các công nghiệp công nghệ cao Mỹ và Trung Quốc.

Trong cả hai sắc lệnh, ông Trump nói rằng ông đã tìm thấy “các bước bổ sung phải được thực hiện để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến chuỗi cung ứng dịch vụ và công nghệ thông tin và truyền thông“.

Ông nói thêm: “Sự lan rộng ở Hoa Kỳ của các ứng dụng di động do các công ty ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) phát triển và sở hữu tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ.”

Ông đề cập đến cả hai ứng dụng như một “mối đe dọa“. Cả hai sắc lệnh đều quy định mọi “giao dịch” không xác định với chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok và WeChat hoặc các công ty con của chúng sẽ bị “cấm“.

Nội dung sắc lệnh của ông Trump nói rằng việc thu thập dữ liệu của TikTok có thể cho phép Trung Quốc theo dõi các nhân viên chính phủ Mỹ và thu thập thông tin cá nhân để tống tiền hoặc thực hiện hoạt động gián điệp.

Ông lưu ý rằng các báo cáo cho thấy TikTok kiểm duyệt nội dung được coi là nhạy cảm về mặt chính trị, chẳng hạn như các cuộc biểu tình ở Hong Kong và cách Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi.

Tổng thống Mỹ cho biết Bộ An ninh Nội địa, Cục Quản lý An ninh Giao thông vận tải (cơ quan giám sát hoạt động kiểm tra an ninh tại sân bay của Mỹ) và Lực lượng Vũ trang Mỹ đã cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ.

Kể từ khi ông Trump tuyên bố cấm TikTok vào thứ Sáu tuần trước, gã khổng lồ công nghệ Microsoft cho biết họ đang đàm phán để mua lại các hoạt động của Tik Tok tại Mỹ.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít

>>> Trung Quốc trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ

>>> Trung Quốc “Ra đòn kịch độc” – Việt Nam và thế giới điêu đứng

https://www.youtube.com/watch?v=2R0lEDsZ81Y
Mỹ trừng phạt Hồng Kong – TQ “hết cửa” trả đũa

 

Kasse animation 7.8.2023