Mỹ trừng phạt Hồng Kong – Trung Quốc “hết cửa” trả đũa

https://youtu.be/2R0lEDsZ81Y
Link Video: https://youtu.be/2R0lEDsZ81Y

Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và 10 quan chức Hồng Kông khác đã chính thức nằm trong danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ từ ngày 07/08/2020. Văn phòng đại diện Trung Quốc tại đặc khu gọi đây là hành động « tàn bạo » của Washington. Trước động thái cứng rắn này của Mỹ, Trung Quốc sẽ làm gì để trả đũa?

Một điều ngạc nhiên là nhiều cố vấn chính phủ Trung Quốc khuyến cáo Bắc Kinh tránh ăn miếng trả miếng do nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của Washington trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.

Trang South China Morning Post trích nhận định ngày 08/08 của ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, kiêm cố vấn cho chính phủ, cho rằng « Trung Quốc hoàn toàn có thể phớt lờ lệnh trừng phạt ».

Theo ông, biện pháp của Mỹ « chỉ mang tính tượng trưng » vì « không giống như quan chức các nước Trung Đông, quan chức Trung Quốc không có tài sản ở Mỹ ».

Ông Vương Huy Diệu cho rằng trả đũa Mỹ, chỉ đạt được rất ít hiệu quả, nhưng lại càng khiến công luận Mỹ chống Bắc Kinh nhiều hơn và càng khiến cử tri Mỹ ủng hộ tổng thống Trump sắp mãn nhiệm.

Trong khi đó, ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), Trưởng Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, một trong những đối tượng bị trừng phạt, tỏ ra chế nhạo biện pháp của Washington khi phát biểu sẽ gửi 100 đô la làm tài sản để Mỹ đóng băng.

Trước đó, ông Lạc Huệ Ninh coi việc trừng phạt này là « đáng xấu hổ » đồng thời lên án hành động bị cho là « dã man và thô bỉ » của Mỹ. Hơn nữa ông còn khẳng định mình « không có một xu nào để gửi ra nước ngoài ».

Ảnh: Trưởng đặc khu hành chính, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đứng đầu danh sách các lãnh đạo Hồng Kông bị Washington trừng phạt hôm 07/08/2020

Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm trả đũa việc Bắc Kinh ngang nhiên áp đặt Luật An ninh quốc gia lên Hồng Kông, phá vỡ thỏa thuận với Anh khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Ngày 30/06/2020, Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Kông. Luật này quy định rằng các hoạt động “ly khai”, “lật đổ chính quyền”, “khủng bố” và “thông đồng với các thế lực nước ngoài” là những tội hình sự mà án tù có thể lên đến tù chung thân.

Một trong những điểm gây tranh cãi trong luật này là Điều 38, đã mở rộng thẩm quyền của Tư pháp Trung Quốc ra mọi nơi và nhắm vào bất kỳ ai trên thế giới. Điều khoản này quy đinh thêm là đạo luật cũng “áp dụng cho mọi vi phạm chống Hồng Kông, xảy ra ngoài đặc khu, do những người không thường trú tại Hồng Kông thực hiện”.

Nói cách khác, điều khoản đó đã mở rộng hiệu lực của Luật An ninh quốc gia Hồng Kông ra ngoài lãnh thổ và áp dụng cho cả cư dân của bất kỳ nước nào trên thế giới.

Ngay sau khi nội dung chi tiết của Luật An ninh quốc gia Hồng Kông được công bố, giới phân tích đã nêu bật tính chất thái quá của thẩm quyền “ngoài lãnh thổ” ghi trong đạo luật này.

Ngôn từ của Điều 38 rất rõ ràng: Văn bản có hiệu lực ngoài lãnh thổ, bao trùm cả những người không phải là cư dân Hồng Kông, ngay cả khi “hành vi phạm tội” được thực hiện bên ngoài Hồng Kông.

Giáo sư Daniel C. Clarke, chuyên gia về Luật Trung Quốc tại Đại học George Washington nhận định điều 38 Luật An ninh quốc gia Hồng Kông đã mặc nhiên khẳng định một thẩm quyền ngoài lãnh thổ được áp dụng cho mọi người trên hành tinh này.

Đối với giáo sư Clarke, chưa bao giờ một đạo luật của Trung Quốc lại đi quá xa như vậy, thậm chí còn đi xa hơn cả luật lệ hiện hành tại Trung Quốc, vốn khẳng định rằng “hành vi của một người nước ngoài ở ngoại quốc chỉ có thể được coi là tội phạm theo luật pháp Trung Quốc nếu tội đó bị trừng phạt bằng một án tù ít nhất là ba năm ở Trung Quốc, và hành vi đó cũng bị xem là một tội ác ở quốc gia nơi xảy ra”.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể thực thi được điều khoản ngang tàng này ngoài lãnh thổ Hồng Kông hay không?

Ảnh: Giới trẻ Hồng Kông từng biểu tình quyết liệt chống luật dẫn độ sang Trung Quốc hồi tháng 06/2019

Trên thực tế, Hồng Kông đã ký kết thỏa thuận dẫn độ với khoảng 20 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Canada và Úc, để đưa người “phạm tội” ở nước khác về đặc khu để xét xử. Tuy nhiên, kịch bản đó khó có thể xảy ra vì rất khó mà các nước trên lại cho Hồng Kông dẫn độ công dân của họ. Các nước phương Tây chắc chắn sẽ tìm cách hạn chế khả năng Hồng Kông dùng hiệp định dẫn độ. Và thực tế là các nước Canada, Úc, Anh, New Zealand đã lần lượt đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông trong thời gian gần đây. Tiếp đó, hôm 31/07, Đức cũng đã đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông và quyết định của Đức có hiệu lực ngay lập tức. Quốc gia láng giềng với Đức là Pháp đã theo chân Đức ngay sau đó khi ngày 03/08, Bộ Ngoại giao Pháp chính thức thông báo không phê chuẩn thỏa thuận dẫn độ với đặc khu hành chính này của Trung Quốc. Với các quyết định mới này của các nước trên thì chính quyền Hồng Kông không thể yêu cầu cho dẫn độ từ các nước đó một công dân của họ để xét xử hay giam cầm tại Hồng Kông. Các quyết định đình chỉ hiệu lực của các thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông không chỉ bảo vệ công dân của các nước sở tại mà cũng được cho là nhằm bảo vệ người Hồng Kông đang trú ẩn tại các nước phương Tây trong bối cảnh dựa vào luật an ninh mới, chính quyền Hồng Kông vừa ban hành lệnh truy nã nhắm vào 6 nhà ly khai Hồng Kông hiện đang tỵ nạn ở ngoại quốc, với tội danh cấu kết với ngoại bang.

Ngoài ra, việc dẫn độ cũng sẽ vấp phải những giới hạn pháp lý do chính luật dẫn độ đặt ra.

Trả lời tạp chí Mỹ Fortune, luật sư người Mỹ Andrew Partner thuộc công ty luật Haldanes có trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng dù phạm tội theo luật an ninh quốc gia Hồng Kông, cư dân một quốc gia đã ký kết thỏa thuận dẫn độ “không nhất thiết” sẽ bị dẫn độ qua Hồng Kông, dựa trên quy định theo đó việc dẫn độ “chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp hành vi đó cũng bị coi là tội ở nước sở tại”, tức là tại chính nước có ký kết thỏa thuận với Hồng Kông.

Không dừng lại ở việc áp đặt một thẩm quyền ngoài lãnh thổ thái quá, Luật An ninh quốc gia mới tại Hồng Kông còn mở ra khả năng bắt giữ người nước ngoài “phạm tội” khi đến hay quá cảnh tại Hồng Kông hoặc Trung Quốc. Việc này chủ yếu nhắm đến các nhà nghiên cứu Mỹ hay châu Âu làm việc về Trung Quốc. Theo RFI, hù dọa giới này chính là mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm đến với đạo Luật An ninh quốc gia Hồng Kông. Trung Quốc muốn răn đe các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các nhà hoạt động chính trị, các hiệp hội, với hy vọng rằng những người này sẽ tự kiểm duyệt để tránh bị Bắc Kinh phiền hà.

Chính phủ Trung Quốc cũng từng hàm ý công nhận ý đồ kể trên khi thừa nhận rằng: “Đối với một nhóm thiểu số nhỏ đe dọa an ninh quốc gia, luật này sẽ là một thanh kiếm treo trên đầu họ”. Có điều là thanh kiếm không chỉ lơ lửng trên đầu của các nhà hoạt động chính trị dày dạn nhất, mà đe dọa tất cả những ai có liên can với Trung Quốc vì công việc của mình.

Đối với giới quan sát, tính chất ngoài lãnh thổ ghi trong Luật An ninh quốc gia Hồng Kông nằm trong số công cụ pháp lý mà Bắc Kinh đang tạo ra để áp đặt quan điểm của Trung Quốc trên thế giới.

Ảnh: Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ một người biểu tình chống Luật An ninh quốc gia ngày 01/07/2020

Theo chuyên gia về Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (FRS), Bắc Kinh đã hoàn toàn hiểu được là, để giành thế thống trị trên trường quốc tế, họ phải áp đặt được quan điểm của mình: “Bịt miệng các đối thủ chính trị – kể cả những ai ở nước ngoài – chưa đủ, mà cần khống chế cả những phát ngôn về Trung Quốc.”

Năm ngoái, khi phải đối mặt với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, Bắc Kinh đã thấy rằng cần phải khống chế chặt chẽ hơn cách tường thuật sự kiện. Kể từ lúc đó, các đại sứ quán Trung Quốc bắt đầu lớn tiếng tuyên truyền cho chính sách của Bắc Kinh. Trung Quốc hy vọng là kho vũ khí luật pháp mới của họ, trong đó có đạo Luật An ninh Hồng Kông, sẽ thúc đẩy những người phê phán Bắc Kinh tự kiểm duyệt.

Trên một khía cạnh khác, Luật An ninh quốc Hồng Kông còn là một vũ khí để Trung Quốc thách thức thẩm quyền tư pháp ngoài lãnh thổ với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nước đi đầu trong việc áp dụng điều này từ năm 1945 đến nay, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế, dựa trên sức mạnh của đồng đô la hoặc công nghệ Mỹ. Khi dùng Gmail chẳng hạn, khách hàng lập tức bị luật pháp Hoa Kỳ chi phối.

Thế nhưng giữa Trung Quốc và Mỹ có một khác biệt đáng kể.

Theo ông Bondaz: “Tính chất ngoài lãnh thổ của luật pháp Mỹ chủ yếu liên quan đến các vụ khủng bố hoặc trốn thuế… Điều đó khác xa một đạo luật tấn công vào quyền tự do ngôn luận. Trung Quốc đã thấy rõ rằng tính hiệu lực ngoài lãnh thổ của luật quốc gia là đặc trưng của các cường quốc, vì vậy mà họ đã muốn có được điều đó”.

Chuyên gia Pháp kết luận: “Luật An ninh quốc gia Hồng Kông phản ánh sự cạnh tranh có hệ thống giữa Bắc Kinh và Washington, giữa hai hệ thống chính trị độc đoán và dân chủ – điều mà ta không thể đánh đồng với nhau.”

Trong một diễn biến liên quan, dưới áp lực ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế với một loạt các động thái của rất nhiều nước phương Tây trước việc áp đặt Luật An ninh quốc gia lên Hồng Kông, Trung Quốc không hề có ý định nhượng bộ mà còn tăng cường sự kìm kẹp lên thành phố quốc tế từng là biểu tượng của dân chủ, tự do và thịnh vượng giữa lòng châu Á. Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 08/08 đã bắt đầu một hội nghị kéo dài bốn ngày để tìm cách lấp đầy khoảng trống ở Nghị viện Hồng Kông, do cuộc bầu cử dự kiến ngày 06/09 bị dời sang năm tới.

Ủy ban này sẽ quyết định có nên kéo dài nhiệm kỳ của các dân biểu, vốn sẽ kết thúc ngày 30/09, hay chỉ định một « cơ quan chuyển tiếp ». Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng nên gia hạn nhiệm kỳ, tuy nhiên còn vướng mắc ở chỗ có bốn dân biểu đối lập đã bị chính quyền Hồng Kông bác hồ sơ, không cho ra tranh cử tiếp.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít

>>> Mỹ đưa trưởng đặc khu Hồng Kong vào sổ đen – Hà Nội dè chừng

>>> Dân chủ Hồng Kông: Mỹ bảo vệ – Trung Quốc lùng bắt

https://www.youtube.com/watch?v=B_jtrHoic58
TQ “nổi đóa” khi quan hệ Mỹ – Đài thêm khăng khít