Mỹ đưa trưởng đặc khu Hồng Kong vào sổ đen – Hà Nội dè chừng

https://youtu.be/WLPVeNQYXzA
Link Video: https://youtu.be/WLPVeNQYXzA

Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 7/8 ghi tên Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam vào sổ đen, xếp bà vào thành phần quan chức nước ngoài bị Hoa Kỳ cấm vận, trang web của Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Mỹ công bố lệnh trừng phạt người đứng đầu Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và 10 cá nhân khác vì các hành vi “làm xói mòn nền tự trị của Hong Kong và giới hạn sự tự do” của người dân tại vùng lãnh thổ này, báo Bloomberg đưa tin.

Danh sách các cá nhân bị trừng phạt bao gồm bà Lâm, sáu quan chức Hong Kong và bốn quan chức Trung Quốc làm nhiệm vụ ở đặc khu hành chính này. Tài sản tại Mỹ của bà Lâm và 10 người này sẽ bị đóng băng.

Trong thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định “Mỹ sẽ đứng về phía người dân Hong Kong và sẽ sử dụng các công cụ và quyền lực của mình nhắm vào những người đang phá hoại sự tự trị của vùng lãnh thổ này“.

Trước đó, trong ngày 31-7, bà Lâm nói bà sẽ “chỉ cười trừ” nếu Mỹ thực sự áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào mình. Đồng thời, bà Lâm cũng cho biết mình không có tài sản nào ở Mỹ, theo Bloomberg.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ trước những biến động chính trị gần đây ở Hong Kong.

Ngày 30-6, Trung Quốc đại lục đã ban hành luật an ninh quốc gia cho Hong Kong bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia phương Tây và một bộ phận người dân Hong Kong.

Cuối tháng 7, bà Lâm tuyên bố hoãn cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hong Kong vì lo ngại dịch COVID-19, và chưa đưa ra thời điểm bầu cử mới. Trước đó, một số nhân vật đối lập ở đặc khu cũng bị cấm tranh cử.

Phản ứng trước quyết định này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng “không có bất kỳ lý do nào để hoãn cuộc bầu cử” ở Hong Kong.

Căng thẳng đã không ngừng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời gian gần đây. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/8 nói rằng Bắc Kinh cực lực chống đối các sắc lệnh hành pháp vừa được Tổng Thống Trump loan báo trong tuần này, cấm mọi giao dịch với tập đoàn Trung Quốc Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, và tập đoàn ByteDance, sở hữu ứng dụng TikTok, viện lý do an ninh quốc gia và bảo vệ các dữ liệu riêng tư của các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ.

TikTok và ByteDance phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Trung Quốc.

Ảnh:  Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam)

TT Trump ký lệnh cấm WeChat, TikTok, tăng căng thẳng với Bắc Kinh

Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh cấm giao dịch thương mại với chủ nhân Trung Quốc của hai ứng dụng phổ biến We Chat và Tik Tok, leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh về tương lai của ngành công nghệ toàn cầu, Reuters đưa tin.

Sắc lệnh ký ban hành ngày 6/8 sẽ có hiệu lực trong 45 ngày nữa sau khi chính quyền ông Trump tuần này nêu bật cố gắng loại bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc ra khỏi các mạng lưới của Mỹ. Ông Trump nói ứng dụng WeChat của Tencent Holding, và ứng dụng TikTok của Bytedance là “những mối đe dọa đáng kể” đối với an ninh quốc gia. Lệnh hành pháp nói rằng Hoa Kỳ “phải có hành động tích cực chống lại các chủ sở hữu của TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta“.

Trung Quốc hôm 7/8 nói các công ty vừa kể tuân thủ các luật pháp và quy định của Mỹ, và cảnh cáo Hoa Kỳ sẽ phải “nhận lãnh hậu quả” về hành động của họ.

Hoa Kỳ đang viện cớ an ninh quốc gia và dùng quyền hành của nhà nước để ức chế các doanh nghiệp không phải của Mỹ. Đây là cách làm ăn của một nước bá chủ,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói tại một cuộc họp báo.

TikTok đã bị các nhà lập pháp Mỹ nhắm tới vì các quan ngại về an ninh quốc gia chung quanh việc thu thập các dữ liệu giữa lúc sự nghị kỵ giữa Bắc Kinh và Washington tăng cao. Hãng tin Reuters hôm Chủ nhật nói ông Trump đã cho công ty Microsoft 45 ngày đề hoàn tất việc mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Ảnh: Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành lệnh cấm Tiktok có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày 6-8

TikTok phủ nhận cáo buộc rằng công ty này Trung Quốc bị kiểm soát hoặc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.

Chúng tôi bị sốc vì sắc lệnh mới đây, được ban hành mà không qua các thủ tục pháp lý đúng đắn”, TikTok nói trong một tuyên bố hôm 7/8, và nói thêm rằng công ty này sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể để bảo đảm luật pháp không bị vứt bỏ.”

Vào tối thứ Năm 7/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ban hành một lệnh hành pháp tiếp theo để cấm WeChat, một ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Tencent có trụ sở tại Trung Quốc.

Lệnh cấm mọi giao dịch với Tencent, một trong các công ty internet lớn nhất thế giới, báo hiệu sự rạn nứt của mạng lưới toàn cầu, cắt đứt những liên hệ lâu dài giữa các công nghiệp công nghệ cao Mỹ và Trung Quốc.

Trong cả hai sắc lệnh, ông Trump nói rằng ông đã tìm thấy “các bước bổ sung phải được thực hiện để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến chuỗi cung ứng dịch vụ và công nghệ thông tin và truyền thông”.

Ông nói thêm: “Sự lan rộng ở Hoa Kỳ của các ứng dụng di động do các công ty ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) phát triển và sở hữu tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ.”

Ông đề cập đến cả hai ứng dụng như một “mối đe dọa“. Cả hai sắc lệnh đều quy định mọi “giao dịch” không xác định với chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok và WeChat hoặc các công ty con của chúng sẽ bị “cấm“.

Nội dung sắc lệnh của ông Trump nói rằng việc thu thập dữ liệu của TikTok có thể cho phép Trung Quốc theo dõi các nhân viên chính phủ Mỹ và thu thập thông tin cá nhân để tống tiền hoặc thực hiện hoạt động gián điệp.

Ông lưu ý rằng các báo cáo cho thấy TikTok kiểm duyệt nội dung được coi là nhạy cảm về mặt chính trị, chẳng hạn như các cuộc biểu tình ở Hong Kong và cách Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi.

Tổng thống Mỹ cho biết Bộ An ninh Nội địa, Cục Quản lý An ninh Giao thông vận tải (cơ quan giám sát hoạt động kiểm tra an ninh tại sân bay của Mỹ) và Lực lượng Vũ trang Mỹ đã cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ.

Kể từ khi ông Trump tuyên bố cấm TikTok vào thứ Sáu tuần trước, gã khổng lồ công nghệ Microsoft cho biết họ đang đàm phán để mua lại các hoạt động của Tik Tok tại Mỹ.

Ứng dụng TikTok đang phát triển nhanh chóng – với 80 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Mỹ. Ứng dụng này đã bùng nổ trong những năm gần đây, được dùng chủ yếu bởi những người dưới 20 tuổi.

Họ sử dụng ứng dụng này để chia sẻ các video dài 15 giây thường liên quan đến hát nhép các bài hát, vở kịch…

Những video này sau đó hiển thị với cả người theo dõi và người lạ. Theo mặc định, tất cả các tài khoản đều ở chế độ công khai, mặc dù người dùng có thể hạn chế việc tải video trong phạm vi một trong các liên lạc mà họ cho phép.

TikTok cũng cho phép gửi tin nhắn riêng tư nhưng chỉ giới hạn ở “bạn bè“.

Tik Tok báo cáo có khoảng 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, với các thị trường lớn nhất ở Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Ấn Độ đã chặn TikTok, cũng như các ứng dụng khác của Trung Quốc.

Australia, quốc gia đã cấm Huawei và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE, cũng đang xem xét cấm TikTok.

WeChat là gì?

WeChat đôi khi được mô tả là một mạng xã hội, nhưng nó thực sự còn nhiều hơn thế nữa – cung cấp các phương thức thanh toán, chạy các chương trình nhỏ bổ sung, tìm ngày tháng và nhận tin tức, nhắn tin và các hoạt động xã hội khác.

Nó có lẽ được coi là một loại hệ điều hành thứ cấp cho iOS hoặc Android.

Nó cũng được coi là một công cụ quan trọng trong bộ máy giám sát nội bộ của Trung Quốc – yêu cầu người dùng địa phương bị cáo buộc tung tin đồn ác ý phải đăng ký nhận diện khuôn mặt và giọng nói.

Nhưng ngoài ra, nó được cho là thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền cho cộng đồng người Hoa hải ngoại.

Một cuộc hội thảo được tổ chức vào đầu năm nay bởi Viện Chính sách chiến lược Úc đã thảo luận về việc làm thế nào mà các nhóm trong WeChat lẽ ra được sử dụng để giới thiệu các điểm du lịch, nhà hàng mỗi ngày, lại chuyển sang truyền bá thông điệp chính trị trùng khớp với quan điểm của Bắc Kinh vào những thời điểm quan trọng.

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nới rộng một chương trình gọi là “Mạng Lưới Sạch” để ngăn chặn các ứng dụng và công ty viễn thông Trung Quốc tiếp cận thông tin nhạy cảm của người Mỹ và các công ty Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6-8 đã kêu gọi Apple và Google, hai công ty Mỹ sở hữu hệ điều hành iOS và Android, gỡ bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của các nhà phát triển Trung Quốc khỏi cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề ra chiến lược “Mạng lưới sạch” với 5 điểm và nêu ra 30 quốc gia sạch với nhà mạng sạch an toàn cho người sử dụng

Nếu Apple và Google chấp hành – một cách tự nguyện hay bị ép buộc bằng pháp lý – thì tác động đến các công ty Trung Quốc là không thể đo đếm khi iOS và Android gần như chiếm trọn thị phần thế giới.

Theo ngoại trưởng Mỹ, để bảo vệ dữ liệu của công dân và tài sản trí tuệ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề ra chiến lược “Mạng lưới sạch“. Nói một cách nôm na, đây sẽ là chiến lược cắt đứt mọi liên kết giữa Mỹ và các công ty công nghệ, viễn thông Trung Quốc.

5 điểm chính của chương trình, hay còn gọi là “5 sạch” mà ông Mike Pompeo đưa ra trong bài phát biểu của mình có nội dung như sau:

1. Nhà mạng sạch: Cần đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không đáng tin cậy của Trung Quốc không thể kết nối với các mạng viễn thông của Hoa Kỳ. Các công ty như vậy gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ, vì vậy không nên để họ cung cấp dịch vụ viễn thông đến và đi từ Hoa Kỳ.

2. Kho ứng dụng sạch: Cần phải xóa các ứng dụng không đáng tin cậy khỏi các kho ứng dụng di động ở Hoa Kỳ. Các ứng dụng của Trung Quốc đe dọa sự riêng tư, phát tán virus và lan truyền bá thông tin sai lệch. Thông tin cá nhân và doanh nghiệp nhạy cảm nhất của Hoa Kỳ trên điện thoại thông minh cần phải được bảo vệ, tránh khỏi bị khai thác và đánh cắp bởi phía Trung Quốc.

3. Ứng dụng sạch: Cần ngăn chặn các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc cài đặt trước hoặc sẵn sàng cho tải xuống các ứng dụng không đáng tin cậy. Công ty Huawei đang kinh doanh thông qua những sự đổi mới và danh tiếng của các công ty Mỹ và nước ngoài. Các công ty này cần phải xóa ứng dụng của họ trên kho của Huawei.

4. Đám mây sạch: Cần ngăn chặn thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của công dân Hoa Kỳ cũng như thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp đang lưu trữ trên các máy chủ đám mây, chẳng hạn như thông tin nghiên cứu vắc xin Covid-19, để đối thủ nước ngoài không thể truy cập được qua Alibaba, Baidu và Tencent.

5. Cáp sạch: Đảm bảo đường cáp kết nối Internet dưới biển từ Hoa Kỳ ra toàn cầu không bị Trung Quốc xâm nhập để thu thập thông tin tình báo ở cấp độ cao. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác nước ngoài để đảm bảo rằng các cáp quang biển toàn cầu không phải chịu sự xâm nhập tương tự.

Ông Pompeo trong cuộc họp báo ngày 6-8, đặc biệt nhấn mạnh chữ “sạch” trong mỗi trụ cột. Đầu tiên, với “nhà cung cấp dịch vụ sạch“, Mỹ sẽ thu hồi giấy phép của các công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế ở Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ China Telecom và ba công ty khác đang nằm trong tầm ngắm.

Ông Mike Pompeo cũng nói rằng trên thế giới hiện nay có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ được Mỹ coi là Quốc gia sạch.  Rất nhiều công ty viễn thông lớn trên thế giới là những Nhà mạng sạch. Tất cả các công ty này đều cam kết sẽ sử dụng thiết bị viễn thông sạch nhằm tạo ra Mạng sạch.

Trung Quốc phản pháo

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 6-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tiếp tục phản đối các động thái của Mỹ.

Mỹ không có bằng chứng nào cho các cáo buộc của họ. Tất cả chỉ là nỗ lực bôi nhọ chính trị và đảm bảo thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ – ông Bân đặt vấn đề – Nhiều công ty Trung Quốc đang bị Mỹ bắt chẹt hoàn toàn vô tội. Các sản phẩm và công nghệ của những công ty này rất an toàn và chưa có bê bối an ninh nào như vụ WikiLeaks hay Edward Snowden của Mỹ“.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã ngày 5-8, khi được hỏi về chiến lược “Mạng lưới sạch” của Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói thẳng: “Mỹ không đủ phẩm chất để tạo ra bất kỳ “mạng lưới sạch” bởi vì bản thân họ đã chẳng sạch sẽ gì“. Nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc chứng minh bằng các vụ bê bối nghe lén và do thám được Mỹ tiến hành trước đây.

Theo ông Vương Nghị, không chỉ “bắt nạt” các công ty Trung Quốc để “duy trì thế độc quyền trong công nghệ và khoa học“, “Mỹ còn cố gắng ngăn chặn quyền phát triển chính đáng của Trung Quốc“. “Washington nên từ bỏ suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ và quay trở lại con đường đúng đắn là hợp tác” – ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi. Ông cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ để giải tỏa các định kiến, căng thẳng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại họp báo qua điện thoại tối 6-8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith J. Krach cho biết đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn là các nước châu Âu, ủng hộ sáng kiến “Mạng lưới sạch” của Mỹ.

Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có nhiều công ty không sử dụng các thiết bị viễn thông “bẩn”. Nhiều quốc gia và công ty đang trở thành quốc gia sạch và công ty viễn thông sạch. Có khoảng 50 nước đã phàn nàn về những thứ như thiết bị bảo hộ cá nhân Trung Quốc sản xuất. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy những hợp đồng của Huawei đang bốc hơi” – ông Krach nói.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Trump bị Facebook, Twitter phạt

>>> Dân chủ Hồng Kông: Mỹ bảo vệ – Trung Quốc lùng bắt

>>> Tổng thống Trump quyết “quét sạch” ứng dụng Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=EIbby9KcR7s
Trump: “căng” với TQ và “đối đầu” mạng xã hội